Mùng Một Tết- xem phim "Mai"

Phim "Mai"của đạo diễn Trấn Thành- vừa là nhà sản xuất phim vừa là diễn viên, cùng với dàn diên viên: Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Hồng Đào, Ngọc Giàu, Việt Anh,..
mai-1715773840.png

Bộ phim tình cảm, tâm lý xã hội được đầu tư lên tới 50 tỉ đồng. Khởi chiếu trong ngày mùng một Tết năm Giáp Thìn 2024. Theo Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập thì doanh thu của phim Mai vượt 500 tỉ đồng sau 27 ngày công chiếu.

Phim "Mai" kể về cuộc đời của Mai (Phương Anh Đào thủ vai). Mở đầu bộ phim là cảnh cô dọn tới trọ tại một căn chung cư cũ. Bắt đầu đối diện với cuộc sống xô bồ từ bà chủ trọ khó tính, miệng luôn quảng cáo phòng tốt nhưng đụng vào nội thất cái gì đều như răng rụng cái đó. Hàng xóm nhiều chuyện, bộc lộ tính xấu, săm soi, đố kỵ gièm pha, và nhiều phiền nhiễu khác.

Tuy nhiên bên cạnh nhân vật phản diện vẫn có nhân vật chính diện để có thêm niềm tin yêu với cuộc đời. Như chị hàng xóm (Ngọc Nguyễn thủ vai) vai chính diện nói lên tiếng nói lấy lại công bằng cho Mai. Tại xóm trọ chung cư Mai đã gặp Dương (Tuấn Trần thủ vai) là một chàng trai con nhà khá giả (mẹ của Dương do Hồng Đào thủ vai) mới vừa 30 tuổi. Anh chưa tự lập được, nhờ tiền chu cấp của mẹ: ăn chơi phóng đãng qua tay không thiếu đàn bà.

Nhưng khi gặp Mai anh ta bắt đầu yêu nghiêm túc và muốn đi đến hôn nhân. Hạnh phúc không bao giờ là dễ dàng là một trong những thông điệp trong nhiều thông điệp mà bộ phim gửi gắm. Mai là một phụ nữ đẹp, chửng chạc, là mẹ đơn thân. Mai có tâm hồn rất thánh thiện, siêng năng. Có lẽ gặp Mai, Dương mới biết thế nào là tình yêu và yêu tha thiết.

Nhưng không dễ bởi bị rào cản, gia đình Dương không chấp nhận. Mặc dù Mai từng được mẹ của Dương rất thương yêu Mai xem như chị em (khi chưa biết Dương yêu Mai). Vì bà từng là mẹ đơn thân mà cũng hi sinh tất cả, khước từ tất cả mọi hạnh phúc để chỉ lo cho con và bà đã thành đạt khi trở thành một bà chủ giàu có.

Cuối cùng thì Mai phải ngậm ngùi từ giã Dương để ra đi. Có tan vỡ nào mà không khổ đau? Số phận của Mai, Mai đẹp nhưng Mai khổ, Mai là nạn nhân cứ sự ích kỷ từ người bố của mình. Mai nai lưng đi làm để trả nợ cho bố. Ông ta sa vào cá độ bài bạc đến nỗi vô tâm bán đi đời con gái của Mai, và Mai có đứa con, làm mẹ đơn thân từ đó. Tưởng là Mai không thể có tình yêu cho đến khi gặp Dương.

Ở chỗ làm Mai rất chịu khó và siêng năm. Dù làm nghề massage nhưng Mai rất trong sáng, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình là xoa bóp trị liệu chăm sóc sức khỏe kể cả nam cả nữ, chứ tuyệt đối không phục vụ tình dục cho đàn ông.

Chưa yên! Ở chỗ làm thói đố kỵ ganh ghét hơn thua đã gây cho Mai không ít phiền toái: nói xấu, đánh lộn,..Chỉ vì Mai làm giỏi được khách hàng đặt lịch. Những thị phi nơi ở và chỗ làm, Mai bị ức hiếp nhiều không thể nhẫn nhịn được nữa. Một tiếng nói của người chính trực (hàng xóm) ở khu trọ vang lên trong đầu đã cho Mai thêm sức mạnh: Cần mạnh mẽ để bảo vệ bản thân! Thế là Mai đã đánh trả hai cô ả đồng nghiệp đã từng ra tay tấn công Mai trước.

Họ gieo gió trước nên họ phải gặt bão thôi. Như vậy có những trường hợp nhẫn nhịn là tốt nhưng không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt. Nếu nhịn, thủ tiêu đấu tranh thì kẻ ác sẽ lấn tới. “Cây muốn lặng mà gió không ngừng” thì phải dạy cho kẻ xấu một bài học là cần thiết! Ở công ty vẫn vẫn có người tốt như bác bảo vệ là một trong số ít những người đối xử tốt với Mai.

Ông cũng nhiều lần giúp Mai vượt qua khó khăn khi Mai bị bắt nạt tại tiệm massage. Những nhân vật chính diện tô điểm cho cuộc đời thêm điểm sáng. Như vậy, vẫn còn đó lòng tốt, lòng trắc ẩn, tình người cho ta có niềm tin vào cuộc đời. Trong con người nhân vật mẹ của Dương là nhân vật đa nhân cách, tồn tại cả lòng tốt (bao dung thông cảm giúp đỡ người mẹ đơn thân) nhưng đó cũng là rào cản tình yêu của hai nhân vật trong phim.

Vì vậy vẫn tồn tại nghịch lý: Muốn Mai có hạnh phúc, muốn Mai có tình yêu (nhưng không phải con trai bà). Cuối cùng Mai hi sinh tình yêu của Mình để cho Dương có tương lai hơn.

Bởi vì hoàn cảnh của cô có một ông bố nợ nần triền miên dính vào xã hội đen. Mấy năm sau cô đã vươn lên bằng ý chí nghị lực của mình, đã trở thành người thành đạt trong kinh doanh. Còn Dương cũng có gia đình riêng hạnh phúc với người vợ trẻ. Như vậy, một thông điệp nữa: Có nên tin tuyệt đối vào lời hứa khi yêu? người bảo chờ thì không chờ được, người không hứa gì cả thì vẫn…chờ (đến khi gặp lại Dương, Mai vẫn chưa lập gia đình).

Như vậy kết thúc phim hợp lý cho cả hai thế hệ (phụ huynh và con cái). Mai không thể hạnh phúc khi người khác (mẹ của Dương) vì mình mà đau khổ.

Có người không đồng ý với kết thúc này, muốn là kết thúc phim hai nhân vật chính sẽ thành đôi thì mới mà có hậu. Mong muốn là vậy nhưng đời không như là mơ, thực tế phũ phàng hơn rất nhiều, cần phải nhìn thẳng và đối diện với thực tế cuộc sống. Đâu phải mối tình nào cũng đi tới hôn nhân đâu. Nên cuộc đời cũng như phim sát với hiện thực là vậy!

Nội dung bộ phim là một câu chuyện mang hơi thở của cuộc sống đương đại, nó xảy ra xung quanh chúng ta. Xem bộ phim chúng ta bắt gặp nhân vật rất quen như đã gặp ở đâu đó. Dĩ nhiên có những pha hài hước, gây cười trong bi cũng có hài, có cả những cảnh nóng (phim có cảnh báo trước chỉ dành cho người 18+) và có cả những lời nói rất đời thường khi tức giận, người đời có thể phun ra và đó là sự thật trong cuộc sống.

Lâu rồi tôi từng xem phim nào đó có cảnh hai thằng giang hồ nói chuyện với nhau mà cứ đàng hoàng như hai vị tiến sĩ hay mô phạm gì đó nói chuyện với nhau. Hoặc là khi tức lộn điên mà cứ nhũn nhặn một thưa anh, hai thưa chị. Điều này phi thực tế, gò ép quá! Nên cho dù bộ môn nghệ thuật nào muốn được công chúng đón nhận phải xuất phát từ cảm xúc thật, mọi sự gò ép hoa mỹ phi thực tế khó lòng lọt tai khán giả. Công chúng không dễ tin.

Tuy nhiên người xem 18+ đủ tư duy để thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật nói chung, biết gạn lọc khơi trong, biết tốt để học theo, biết xấu xa để tránh. Bộ phim phản ánh cuộc sống rất đời, người xem thấy rất thật, thật như cuộc sống gai góc vốn có, vốn xô bồ như thế vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta đấy thôi! Vẫn có những ông bố tệ nạn, làm khổ con. Dù cuộc đời đầy bất trắc nhưng họ đã vượt lên số phận, bằng ý chí nghị lực và đi đến thành công.

Có những ngành nghề dịch vụ nhạy cảm bị coi thường trong góc nhìn phiến diện của người đời. Họ vẫn có phẩm giá, không cứ làm dịch vụ thì đều bán hồn cho quỹ. Và tính xấu của một số người Việt là đố kỵ, săm soi, nhiều chuyện, không liên quan đến mình cũng hại người (như đa số hàng xóm khu chung cư cũ nơi xảy ra câu chuyện) có những người thấy người khác tay nghề giỏi hơn thì bản thân không nổ lực trau dồi mà ngược lại tìm cách trút hận lên kẻ giỏi hơn mình. Loại người này không phải không có xung quanh chúng ta. Từ lớp học, đồng môn, hàng xóm, cơ quan cùng công ty, v..v…

Tật nhiều chuyện: nếu làm khổ người khác, mình cũng không hạnh phúc hơn. Mình chưa giỏi thì phấn đấu cho giỏi chứ không thể đạp người khác xuống để mình trồi lên. Ác giả ác bảo. Nhân quả có khi không cần đợi kiếp sau mà nó trả ngay nhãn tiền.

Phim Tết không chỉ có phim Mai mà cùng công chiếu với 3 bộ phim Việt khác nữa và có cả phim ngoại nữa. Mỗi bộ phim có một câu chuyện với nội dung và ý nghĩa khác nhau, tuy nhiên phim Mai đạt doanh thu hơn cả. Mỗi người nghệ sĩ (dù ở bộ môn nghệ thuật nào) cũng có góc nhìn của riêng mình để phản ánh thời đại đó. Thẳng thắn mà nói thì những đề tài khai thác về chiến tranh, về nông thôn đã có các bậc tiền bối khác làm rồi và ít nhiều đã thành công.

Phim về chiến tranh của những nhà văn, đạo diễn gạo gội họ bước ra từ chiến tranh. Khán giả phần lớn họ cũng là người của thời đại đó, hay về sau đi nữa thì thuộc về nhiệm vụ của phim lịch sử. Không hiểu sao xem phim Mai tôi lại liên tưởng đến Phim: Đất Và Người (chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma) giai đoạn lịch sử nào có nhiệm vụ giai đoạn đó. Tuy nhiên nếu mình có tài năng để tưởng tượng ngược về quá khứ cũng tốt không sao cả nhưng để được đón nhận cũng không hề dễ dàng.

Vì sao phim của Trấn Thành của được đón nhận, đồng nghĩa với việc có doanh thu cao? Vì biết chọn vấn đề để phản ánh, chọn đề tài, và dĩ nhiên là bằng góc nhìn, tài năng, tâm huyết của người làm phim và cộng sự. Ngày nay, có những đề tài mới phù hợp với hiện thực cuộc sống đang ngồn ngộn trước mắt chúng ta, nếu cứ mãi cứ tập trung khai thác những đề tài cũ mèm thì người xem không mặn mà như mấy chục năm về trước. Tất nhiên vẫn có khán giả nhưng doanh thu không thể vượt mong đợi. Không tin bạn cứ làm thử xem!

Tôi là người mê truyện, mê phim, sau khi xem xong, có cảm xúc thì ghi lại đôi dòng cho chính tôi trong vai trò là khán giả xem phim, chia sẻ với bạn đọc thân thương chứ tôi chẳng quen biết gì đạo diễn, diễn viên gì ráo. Thấy trailer hấp dẫn thì đi xem thôi hà! Xem xong thấy bổ ích thì ghi lại! Dĩ nhiên bất cứ một tác phẩm nào trong nước hay trên thế giới đều có nhưng luồng ý kiến khen chê khác nhau là điều không tránh khỏi (kể cả những tác phẩm đạt giả Nobel có khi vẫn bị chê như thường, điều đó không có gì lạ).

Riêng tôi thì tôi thấy 3 bộ phim tiêu biểu của Trấn Thành như phim Bố Già, Nhà Bà Nữ, Mai cũng đóng góp một góc nhìn về cuộc sống cho nghệ thuật điện ảnh. Truyện thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ. Phim thể hiện bằng hình ảnh và âm thanh. Nói về truyện cũng như nói về phim. "Truyện hay là ý tưởng mới lạ, sâu sắc, có tính nhân bản cao. Nó phản ánh được hoặc xa hoặc gần xã hội Việt Nam, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam vừa xa xưa vừa hiện đại,..." (ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải- Trích Chân Dung và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa trang 261).

Điều này Trấn Thành đáp ứng được: ý tưởng mới lạ: Câu chuyện chưa ai làm, mình làm. Phản ánh được con người Việt Nam, trong một mảng của xã hội Việt Nam thu nhỏ ở một khu phố nào đó, đang hiển hiện lù lù ngay bên cạnh xung quanh chúng ta và rõ ràng là có tính nhân bản cao. Đề tài cũ là đề tài chiến tranh và nông thôn, đề tài mới là hơi thở của cuộc sống đương đại. Chỉ thế thôi! Còn chuyện trên trời, dưới đất sao hỏa, sao kim,...gì đi nữa thì dành cho mảng phim khác thể hiện.

Đành rằng thưởng thức tác phẩm nào cũng tùy tạng, tùy gu, người thích, người không thích. Có ý kiến cho rằng phim chỉ dừng ở mức độ giải trí thôi chứ không có gì cao siêu cả. Phản ảnh đời thường là lựa chọn của nội dung phim. Là những cảnh đời đâu đó, những phận người rất quen, thậm chí người xem đôi khi còn thấy có một phần hình bóng của mình.

Hướng đến tính nhân bản, nhân văn, nội dung phim hàm chứa có những điều tốt được lan tỏa, điều xấu được bộc lộ để tránh. Đơn giản chỉ vậy thôi mà được khán giả quan tâm đón nhận. Đôi khi nghịch lý ở chỗ có những bộ phim mang tính hàn lâm đi thi đạt giải cao nhưng doanh thu lại không được như mong đợi. Có những bộ phim phản ánh cuộc sống đời thường, chọn vấn đề mang hơi thở của thời đại gần gũi, thực tế có bi, có hài lại thu hút người xem. Lại nữa thói quen của một số người ít khi chịu công nhận ai đó thành công. Nếu bạn cảm thấy bộ phim này chưa hay thì bạn hãy làm bộ phim khác hay hơn! Có sao đâu! Ai có tài năng thì họ sẽ tỏa sáng.

Có người chỉ thích phim ngoại chứ phim nội không có trong từ điển của họ, có khi chưa xem cũng đã chê rồi! Tâm lý “bụt nhà không thiêng”. Có người sính ngoại đến nỗi ngay cả cau trầu cũng muốn mua cau trầu nước ngoài thì mới chịu. Xem phim thì cứ phải phim ngoại thì mới hay, mới tốt. Ý thích và lựa chọn là tùy mỗi người. Góc nhìn thiện chí cân đối hài hòa khi nêu ưu khuyết điểm góp ý xây dựng là tốt, nhưng nếu nặng về chỉ trích hay chê bai cực đoan quá thì cuộc sống sẽ ít niềm vui!

Không phủ nhận nhiều bộ phim ngoại hay, kịch bản tốt, diễn viên diễn suất giỏi, kỷ thuật hiện đại, v..v…Xem phim ngoại, để tiếp cận cái hay, cái đẹp của văn minh thế giới để học hỏi nhưng không vì thế mà nhìn phim nội bằng nửa con mắt. “Chuyện nhà mình” -Đất nước của chúng ta là một đất nước triền miên trong chiến tranh, mới bước ra khỏi tiếng súng hơn nửa thế kỷ làm sao bì được “nhà người ta”- Nước ngoài ấy mà! Họ ít hoặc không qua chiến tranh, họ có điều kiện phát triển hơn, thì có gì đâu mà lạ.

Đối với chúng tôi là người Việt, xem phim Việt vẫn là những câu chuyện có nội dung gần gũi, thân thương: từ ngôn từ diễn đạt, tình cảm, tâm lý, phong tục tập quán, và tâm hồn rất Việt của mình mà người nước ngoài không thể thay thế được.

Công bằng mà nói thì Trấn Thành đã tiệm cận với tư tưởng phương Tây vì trăn trở với từng số phận con người, quan tâm đến đời sống cá nhân. Chê người Việt, khác nào chê bai chính mình, vì mình là người Việt (dân tộc Việt) mà. Người Việt đi đâu cũng là người Việt, về cả thể trạng lẫn căn tính, nếu lai thì cải thiện đôi chút, còn thuần Việt dù ở tại cố quận hay hải ngoại nhiều đời ai nhìn thấy ngoại hình cũng biết là người châu Á, sát hơn nữa thì người Việt. Ngoại hình chưa cao to lồng lộng như diễn viên ngoại. Người Việt mình thể trạng cải thiện dần được nhiêu hay nhiêu chứ mơ được như diễn viên Hollywood thì đành phải nằm xuống mà mơ tiếp thôi!

Trấn Thành mới 37 tuổi (anh ta sinh năm 1987) chỉ bằng tuổi con cái của thế hệ chúng tôi.

Chúng tôi lấy góc nhìn phụ huynh mà nhìn về người trẻ để nhìn nhận công tâm khuyến khích mặt nào tốt khen tốt chứ không để định kiến cá nhân khi thưởng thức tác phẩm, sẽ không nhận ra ưu điểm mà tác phẩm mang lại. Trong vai trò đạo diễn, nhà sản xuất phim chỉ mới 37 tuổi làm được như vậy tôi nghĩ là đã thành công. Tuy nhiên nhân bất thập toàn, có những điều trong cuộc sống, đâu đó người ta không thích một điểm gì đó,… Nhưng dù gì đi nữa thì đó là chuyện khác còn chuyện ra phim mà được khán giả đón nhận (doanh thu là con số biết nói) vẫn là điều đáng ghi nhận.

Ai nói gì thì nói, Trấn Thành cứ lên kịch bản, sản xuất phim mang đến cho người xem những giây phút thư giãn và dĩ nhiên anh có doanh thu khủng đó là điều không thể phủ nhận. Khai thác đời thường là một đề tài gần gũi nhưng sâu rộng. Mỗi nghệ sĩ sáng tạo có một góc nhìn riêng. Hấp dẫn lôi cuốn đi vào lòng người hay không tùy thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ sáng tạo và cộng sự. Đặc biệt nhân vật chính Mai (Phương Anh Đào) có gương mặt đẹp, sáng nhập vai tốt, diễn suất rất đạt. Bộ phim đọng lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, khiến khán giả không khỏi trăn trở suy tư về cuộc sống.