Ngày Ba tháng chín ấy

Trịnh Xuân Tiến

02/09/2022 09:21

Theo dõi trên

Năm 2022 này thật lạ, mới cuối xuân sang hạ đã thấy mưa thật nhiều. Những cơn mưa gối nhau, về theo những đợt gió mùa đông bắc. Chợt nhớ trận mưa một ngày đầu thu năm ấy.

Đó là ngày ba tháng chín năm 1969, khi tôi mới từ trại an dưỡng ra, chân thấp chân cao theo đúng nghĩa đen, về chờ gọi vào học Đại học Bách khoa Hà Nội. Vẫn nhớ, lúc ấy đang ở nhà. Đã gần trưa, chiếc Hồng Đăng mẹ đổi được từ cái đài bán dẫn Xony nhỏ xíu tôi đem về, đang phát bản tin đọc chậm. Tiếng nữ phát thanh viên trong trẻo, chậm rãi, từng tiếng lọt vào tai: “Chín giờ bốn mươi bảy phút hôm nay chủ tịch Hồ Chí Minh…”

dvh4d7-1662085160.jpg
Các vị UV BCT xúm quanh Bác lúc Người vừa đi xa. Ảnh sưu tầm mạng do tác giả cung cấp.

Chợt trời đổ mưa. Tiếng mưa sầm sập đập vào cánh cửa sổ to tướng bằng sắt tráng thiếc bên nhà. Như át cả tiếng loa. Cánh cửa vốn bằng gỗ chắc chắn, gần bằng bề ngang căn phòng, nhìn thẳng ra sông Hồng lộng gió. Từ đó thậm chí có thể nhìn thấy những chiếc máy bay ta bay lên bay xuống từ sân bay Gia Lâm. Cửa sổ bị bom hỏng từ thời Tây, thay tạm bằng tấm sắt tây, đã long lay, lủng liểng. Nó như vật cộng hưởng, khiến tiếng mưa thêm ồn.

Lúc ấy trong nhà, chỉ có tôi và em thứ ba, Hòa Bình, ngồi bên nhau. Mủi lòng. Nghĩ vẩn vơ, từ nay làm sao còn gặp Bác Hồ. Đồng bào Miền Nam mình, anh em mình thì sao. Đang gội bom tắm đạn, lấy ai dẫn dắt. Từ nay, trên đời còn đâu con người ai cũng mến thương như với cha, với ông mình. Thế rồi, tôi bật khóc. Khóc thành tiếng. Chẳng sợ nghe ai nghe thấy, có nhẽ vì tiếng khóc đã khuất lấp trong tiếng mưa.

Trước đấy, lúc còn bé thơ, tôi từng được gặp Người tại nơi gọi là Ấu trĩ viên, sau là Cung thiếu nhi Hà Nội. Ngay sau hôm ấy, tôi có dịp vào viếng Bác, bấy giờ còn quàn tạm trong hội trường Ba Đình cũ. Rồi có dịp vào thăm Lăng, ngắm người nằm bình yên, như đang ngủ trong quan tài kính. Nhưng có nhẽ, chẳng bao giờ thấy cái xao động như buổi sáng ấy. Không hiểu lúc ấy em tôi nghĩ gì, song khi vừa mười bảy tuổi, Bình đã vào bộ đội. Và liên tục chiến đấu trong quân ngũ tận đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Những ngày Bác đi xa sao mưa nhiều thế. Đến nỗi nhà thơ Tố Hữu đã viết, “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa.” Mãi sau này có tuổi mới nhận ra, trước mỗi đợt mưa dài như thế lại có chuyện trở trời. Đất trời giằng xé khiến mỗi người đều đến là bức bối, ê ẩm. Nhất là người già và người bị thương tật. Kể cả trong phòng có điều hòa nhiệt độ. Thế mà, khi ấy người lại ở trong căn phòng ẩm thấp của người thợ điện. Trước khi mất Bác cũng phải qua những ngày trở trời thế, ê ẩm đến khốn khổ thế. Trước cơn mưa. Có nhẽ cơ thể Người đã không còn chịu nổi.

Sau mới biết Bác đi đúng vào ngày hai tháng chín năm ấy, tức một ngày trước cơn mưa. Một ngày trở trời, nắng và oi khủng khiếp của vùng châu thổ sông Hồng khi. Y hệt ngày hai tháng chín năm 1945, khi vạn người dự lễ Độc lập hầu như ai cũng cầm trên tay chiếc quạt, và luôn tay phe phẩy. Đó là ngày, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, một trong những ngày Người thấy sung sướng nhất. Đã hai mươi bốn năm. Nghe bảo, không báo tin, để dân được vui với ngày độc lập của non sông. Đến giờ vẫn chẳng sao quên giọng trong veo chậm rãi trên đài, buổi gần trưa với cơn mưa rào bất chợt, chớm vào thu.

20/5/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ngày Ba tháng chín ấy" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn