Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lân (ảnh trên), phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 30/4 giữa Sài Gòn của 48 năm về trước.
Nhập ngũ năm 1960, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lân, người con của vùng quê phố cổ Đường Lâm, Hà Nội, năm nay đã 85 tuổi đời, 57 năm tuổi đảng; nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14; Tham mưu phó Lữ đoàn 429, Binh chủng Đặc công đã có 10 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ. “Trước khi chiến dịch lớn nổ ra, trên các cương vị Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14, tôi đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận gây được tiếng vang lớn như trận Bù Bông, Quảng Đức, Đắc Nông bây giờ, góp phần mở rộng hành lang chiến lược trong chiến dịch Nam Tây nguyên; đánh tiêu diệt căn cứ Bù Na, Phước Long làm chủ trận địa và giải phóng hơn 20 km Quốc lộ 14 từ Đồng Xoài đến Bù Đăng, góp phần giải phóng tỉnh Phước Long ngày 6/1/1975. Sau đó chúng tôi nhận lệnh di chuyển về hướng Long An để kịp thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, bộ đội đón tết ngay trên đường hành quân”. Ông Nguyễn Văn Lân nhớ lại.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bắt đầu từ ngày 22/4, trên cương vị Tham mưu phó Lữ đoàn 429 Đặc công Miền, Trung tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Lân đã chỉ huy 1 tiểu đoàn tăng cường chiến đấu 4 ngày đêm ở hướng Nam Sài Gòn tiêu diệt Chi khu cảnh sát Quận 8 (Ký Thúc Ôn), đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường mở đường cho các cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, riêng đơn vị ông cùng với lực lượng địa phương giải phóng Quận 8 vào lúc 10h ngày 30/4/1975. “Đó là một người chỉ huy rất dũng cảm, sáng tạo và quyết đoán, có những thời khắc rất quyết liệt, nếu đợi lệnh từ cấp trên sẽ lỡ mất thời cơ, như các trận Kiến Đức, Bắc Nhân Hòa (Quảng Đức), trận nam Bến Cát (Sông Bé), dưới quyền chỉ huy của anh Lân, anh em chúng tôi rất tin tưởng và cùng xung phong tiến lên tiêu diệt địch trong mọi trận đánh”, ông Hoàng Văn Thống, CCB phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa tự hào khi nói về người chỉ huy đáng kính của mình.
Theo Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lân, tình cảm của Nhân dân là động lực thôi thúc mỗi người lính như ông thêm quyết tâm bội phần “Khi chúng tôi vào đến Quận 8 thì có một cụ già vỗ vai tôi và nói rằng, các cậu đừng có làm như xuân 68, đừng có rút nữa đánh mạnh lên, tôi quả quyết, thưa bác lần này chúng con vào là vào luôn… và sự thực chúng ta đã thành công”, ông Lân bồi hồi kể lại.
Sau ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Lân được điều về làm Tham mưu phó Trung đoàn 113, Binh chủng Đặc công, cùng đơn vị hành quân ra bắc bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (đầu năm 1976). Từ năm 1977 đến 1988, ông về công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt làm giáo viên, Phó trưởng khoa Hóa học, trong thời gian này ông được điều làm Trợ lý tác chiến Quân đoàn 5, tham gia đánh quân xâm lược bành trướng phía bắc vào tháng 2/1979, đến tháng 12/1988 ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Trở về với cuộc sống đời thường bản thân ông và hai con đều bị nhiễm chất độc da cam, nhưng ông vẫn luôn lạc quan, tích cực tham gia công tác ở địa phương thuộc phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai. Đến tháng 8/2018, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.
48 năm trôi qua, bầu không khí náo nhiệt khi chứng kiến hình ảnh người dân đứng chật kín hai bên đường cầm cờ giải phóng vẫy chào sung sướng, nhiều người mang xôi, gà, bánh tét, bánh chưng ra đón đoàn quân giải phóng vào trưa ngày 30/4 lịch sử vẫn còn in đậm trong tâm khảm của những cựu binh đặc công ngày nào như AHLLVTND Nguyễn Văn Lân, CCB Hoàng Văn Thống… cho họ mãi tự hào là những người được góp một phần sức nhỏ của mình làm nên niềm vui lớn của cả dân tộc.
Trái tim người lính