Nghệ nhân, đồng thầy Hồ Thị Kim Thanh (Pháp danh Tâm Ngã), sinh ngày 12/2/1983, quê tại xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Hiện nay, cô đang sinh sống tại Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Cô sinh ra và lớn lên tại miền quê có truyền thống cách mạng, với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao thế hệ người Hà Tĩnh đã cần cù, sáng tạo trong lao động, vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên, biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tươi tốt, xóm làng trù phú. Và chính trong quá trình lao động sản xuất ấy, những nét văn hoá đặc sắc đã dần hình thành và không ngừng được bồi đắp, đóng góp vào kho tàng văn hoá dân tộc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Chính những điều đó đã tạo nên một bản sắc rất dân tộc, rất Việt Nam ở mảnh đất Hà Tĩnh này, đồng thời cũng làm nên những con người Hà Tĩnh giàu tình cảm, có đời sống văn hóa tâm linh phong phú và rất ngoan đạo. Nghệ nhân Hồ Thị Kim Thanh chính là một con người như thế.
Phàm sinh ra đã là con người, ai cũng có cung số bản mệnh, mỗi người mỗi căn mỗi số, mỗi người một bản mệnh. Có người mệnh tốt có người bạc mệnh, có người yên căn lành số ngay từ lúc cha sinh mẹ đỡ, nhưng có người lại vất vả truân chuyên ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Căn đồng để chỉ con người có những nghiệp duyên, nghiệp chướng, những con người đó may mắn được các Thánh đức đoái thương, nên đã chấm chọn để các Thánh cứu vớt, cũng như thay mặt các Thánh làm việc cứu độ thế gian, làm phúc làm thiện bằng nhiều cách để đạt được an nhiên thanh thản trong đời sống hiện tại và viên mãn sau khi thoát sinh. Cô sinh ra đã yếu ớt, ốm đau triền miên, trong tâm trí cô lúc nào cũng không bình thường, thường xuyên nghĩ vẩn vơ, không làm chủ được bản thân, gia đình chạy chữa bệnh cho cô nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Và rồi cô đã có cơ duyên gặp Nghệ nhân, đồng thầy Hoàng Lương Nguyên – Thủ nhang đền Tam Lang, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, dưới sự chỉ đường dẫn lối của đồng thầy, cô hiểu ra căn số của bản thân mình và nhất tâm phụng sự phật Thánh. Trải qua thời gian hành đồng thử thách nhiều khó khăn, thế nhưng với lòng tin yêu của mình dành cho Mẫu cô vẫn cố gắng vượt qua. Cô cho rằng đó có thể là những bước đầu gian khổ mà Mẫu đang thử thách mình. Sau đó, cô lập điện Phúc Linh tại tư gia, từ đó sức khỏe cô tốt lên, gia đình hòa thuận, ấm êm, mọi việc được suôn sẻ, thuận lợi hơn. Có được sự ủng hộ của người thân thiết xung quanh nên cô chuyên tâm vào những công việc Mẫu, một lòng phụng sự nghiệp hầu Mẫu, dành trọn thời gian, tâm huyết của mình cho di sản văn hóa truyền thống của đất nước. Bản điện tại tư gia cũng được nhiều người đến lễ thường xuyên, cô giúp đỡ hướng dẫn những người khó khăn, người có căn số nhưng chưa hiểu biết, giúp họ trở về cuộc sống bình thường. Với sự nhiệt thành của mình nhiều người cảm kích và yêu mến cô. Bản thân cô là người biết đến cửa Cha cửa Mẹ vào lúc gia đình vô cùng khó khăn, vì căn cao số nặng cô không thể xin khất mà ra trình đồng mở phủ, vậy nên cô luôn là người thương cảm cho những con đồng khó khăn về tiền bạc vật chất, họ cũng vất vả khổ sở như mình. Một người đồng thầy thương con đồng của mình, biết chia sẻ cùng nỗi đau và nỗi vất vả của những người đồng tân lính mới đó cũng chính là bài học đầu tiên mà cô răn dạy cho hết thảy con nhang đệ tử của mình. Đối với bản thân nghệ nhân Hồ Thị Kim Thanh cũng vậy, được giúp đỡ và hơn hết là thực hành lời Mẫu dạy là điều cô luôn hướng đến khi biết mình có cái duyên với Mẫu, với sự nghiệp bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc.
Biết ơn Thánh Mẫu, cô Thanh luôn tích cực hành việc thiện giúp người, cô luôn mong mỏi sao cho các gia đình hiểu và biết về đạo thờ Mẫu. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu, nếu chỉ vì xin bổng lộc mà đến với Mẫu, người đó ắt hẳn không thể theo hầu Mẫu, không được Mẫu phù hộ độ trì. Mẫu dạy con người phải sống hướng thiện, làm việc thiện có cái tâm trong sáng. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người, thờ những người tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Làm việc bằng cái tâm là chính, nên cô luôn cống hiến hết mình, không ngại khổ, không ngại vất vả, không sợ sự kỳ thị, hoài nghi của nhiều người trong bối cảnh đạo Mẫu bị dị nghị là mê tín dị đoan. Trong những năm gần đây, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, tình hình xã hội còn gặp nhiều khó khăn, những người hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan. Bây giờ với nhiều chính sách và quyết định mới, suy nghĩ và quan điểm của con người khách quan hơn, đạo Mẫu đã được công nhận. Với những người như cô Thanh, đây là niềm vui to lớn, không gì sánh nổi. Cô nguyện góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam mang tính đậm đà bản sắc dân tộc, đưa nghi lễ Thờ Mẫu Tam Tứ phủ xứng danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện đúng nghi lễ thờ Mẫu theo tinh thần của chính phủ.
Vốn là người nhất tâm, lại giàu lòng thương cảm cho hết thảy mọi người, nghệ nhân Hồ Thị Kim Thanh luôn tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương như chăm lo đời sống cho người già, trẻ em tàn tật, không nơi nương tựa, gặp ai giúp được gì cô luôn sẵn lòng giúp đỡ. Cùng với đó cô nhận được nhiều bằng khen khi tham gia diễn xướng hầu đồng tại địa phương cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Đó cũng chính là những món quà tinh thần động viên cô để cô toàn tâm toàn ý phụng sự Thánh cho trọn đạo.