Xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo của huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, từ năm 15 - 16 tuổi, khi đang còn là một thiếu nữ với nhiều mộng ước xuân thì, nghệ nhân Lê Thị Sử đã tạm rời xa quê hương, xung phong đi làm công nhân, từ Cầu 1 đến 473 rồi công nhân đường sắt…
Xưa kia cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để ăn học tới nơi tới chốn nên bà chỉ học đến lớp 3. Mặc dù thiệt thòi về học vấn nhưng bù lại, bà hoạt động trong lĩnh vực đạo Mẫu vô cùng chỉn chu.
Nhân duyên với chốn cửa cha cửa mẹ
Năm 1987, đồng thầy Trần Thế Vịnh (sinh năm 1922, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là thầy của nghệ nhân Lê Thị Sử, lúc đó đã giao lại trọng trách gánh vác chăm lo cửa đền Thiên An cho bà. Dẫu trách nhiệm lớn lao, thế nhưng đằng đẵng nhiều năm qua, bà vẫn luôn cần mẫn, thầm lặng, nhất tâm phụng sự Thánh thật vẹn tròn. Do tuổi cao sức yếu, người thầy của bà đã qua đời vào năm 2022, hưởng thọ 100 tuổi. Tuy người thầy đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng tình yêu đạo Mẫu của thầy truyền cho nghệ nhân Lê Thị Sử vẫn không thể xóa nhòa theo thời gian.
Tính đến nay đã hơn 35 năm hoạt động tín ngưỡng với nhiều thăng trầm, dành gần nửa đời người hầu Thánh, nghệ nhân Lê Thị Sử được đông đảo bà con gần xa biết đến ngày càng nhiều. Mặc dù tuổi tác ngày một cao nhưng ý chí và tinh thần của người nghệ nhân chưa có dấu hiệu “lão hóa”. Không chỉ góp phần gìn giữ mà bà còn nhân rộng giá trị tốt đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Di sản Văn hoá, mang tín ngưỡng đến gần hơn với mọi người.
Với sự hiểu biết sâu sắc cùng vốn kinh nghiệm chuyên môn dày dặn, bà luôn sẵn sàng kết nạp thêm học trò, luôn dìu dắt, hướng dẫn và truyền dạy cho các đệ tử con nhang của mình thật tốt để văn hoá đạo Mẫu không bị mài mòn mà ngày càng phồn thịnh.
Chính nhờ căn duyên với đạo Mẫu và việc giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc đã giúp bà sống vui sống khỏe đến bây giờ. Một người phụ nữ đã ngoài 70, nhưng chắc hẳn nếu ai một lần có dịp gặp gỡ bà sẽ thấy ở bà lúc nào cũng tràn đầy năng lượng cùng niềm đam mê bất tận với đạo Mẫu.
Sống tốt đời đẹp đạo
Con đường tín ngưỡng của nghệ nhân Lê Thị Sử thật may mắn khi luôn được sự ủng hộ và đồng hành từ người thân, nhất là người chồng của mình. Đồng thầy Lê Thị Sử tự hào, bản thân luôn là một công dân tốt, không chỉ làm gương cho con cháu mà còn giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Con cái của bà đều đã trưởng thành, hiếu thuận với cha mẹ, có công việc ổn định, trong đó con trai cả và con dâu đều là đảng viên gương mẫu. Còn con trai thứ và con gái út có duyên với đạo Mẫu nên bà hỗ trợ cho các con ra trình đồng mở phủ, theo bà phụng sự bề trên. Không chỉ vậy, đối với gia đình, bà là một người vợ rất mực yêu thương chồng con, luôn lo lắng quan tâm cho người thân chu đáo. Vì vậy, gia đình bà luôn được công nhận là gia đình văn hóa.
Đằng đẵng nhiều năm theo nghiệp đồng, nghệ nhân Lê Thị Sử không chỉ phụng sự cửa Thánh mà còn kết nối đạo với đời, làm nhiều việc thiện ích cho cộng đồng, xã hội. Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, thế nhưng không gì có thể cản bước người nghệ nhân đầy tâm huyết Lê Thị Sử lặn lội đường sá xa xôi cách trở trên những chuyến xe từ thiện xuôi ngược Nam - Bắc. Với tấm lòng từ bi, bà thường xuyên trực tiếp đi đến trao quà cho đồng lũ lụt, hỗ trợ trẻ em hay các gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống; chăm lo đời sống cho các cụ cao niên, ma chay cho người đã khuất, thăm hỏi động viên những người mắc bệnh hiểm nghèo…
Đặc biệt, trong trận bão số 3 mới xảy ra tại miền Bắc vừa qua, trước hoàn cảnh tang thương, mất mát của đồng bào, nghệ nhân Lê Thị Sử là thành viên cao tuổi nhất đã xung phong lên đường cùng đoàn thiện nguyện của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hoá Quốc gia tới tận ngôi làng Nủ - địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để gửi những món quà chứa đầy tình yêu thương đến tận tay đồng bào…
Với những đóng góp này, ngày 27 tháng 9 năm 2024 bà được trao nhận giấy khen của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hoá Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.
Một lòng nhất tâm phụng sự Thánh mẫu
Trăn trở về những khó khăn trong cuộc đời phụng sự việc Thánh, Nghệ nhân Lê Thị Sử nhớ lại ngày xưa, tín ngưỡng thờ Mẫu từng bị kỳ thị và được xem là một hình thức mê tín dị đoan, không được Nhà nước và nhân dân công nhận rộng rãi. Nhờ khát vọng vươn tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành động lực to lớn giúp bà vượt qua được nỗi khổ của bản thân trong giai đoạn đó, tự dặn lòng rằng mọi khó khăn đều có thể khắc phục, đau đáu trong tâm việc gìn giữ đạo Mẫu cho đến ngày hôm nay. Và thật vinh dự khi năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể lâu đời của Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh to lớn giúp cho nghệ nhân Lê Thị Sử nói riêng và cộng đồng đạo Mẫu nói chung thêm tự hào về tín ngưỡng của bản thân.
Với niềm tin yêu mãnh liệt và mong muốn lưu giữ giá trị di sản phi vật thể của đất nước, nghệ nhân Lê Thị Sử đã tham gia tích cực các chương trình vinh danh, liên hoan nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Từ Hà Nội, Lào Cai cho đến Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Bất kể khi nào, ở đâu có tổ chức giao lưu và ngỏ lời mời thì bà đều sẵn lòng. Rất nhiều bằng khen, bằng chứng nhận được trao nhằm ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của nghệ nhân Lê Thị Sử vì đã có công gìn giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Là nghệ nhân cao tuổi, bà Lê Thị Sử luôn ý thức vai trò, trách nhiệm và gương mẫu trong đời sống cũng như trong công việc của Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Bà tâm niệm và nhắc nhở bản thân cũng như con nhang đệ tử phải luôn sống hết mình, một đời vì bề trên, giữ gìn cho đạo Mẫu được nghiêm trang, chứ không tính toán, vụ lợi riêng mình. Không chỉ vậy, nghệ nhân Lê Thị Sử luôn mong muốn thế hệ trẻ đời sau có thể tiếp nối và bảo tồn đạo Mẫu, để hiểu biết về cội nguồn thánh thần, về những bậc thánh nhân đã có công gìn giữ đất nước.
Để đạo Mẫu có sự tồn tại và phát triển như ngày hôm nay là nhờ một phần không nhỏ vào sự gắn kết cộng đồng, luôn kiên trì bền bỉ bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc tín ngưỡng thờ Mẫu của các đồng thầy, thanh đồng, đạo quan, trong đó có nghệ nhân Lê Thị Sử. Cũng từ đây, từng bước làm thay đổi nhận thức của xã hội, đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng gần với quần chúng nhân dân. Qua đó, khẳng định được những giá trị to lớn của di sản của đất nước.
Có thể nói, những cống hiến của nghệ nhân, đồng thầy Lê Thị Sử là không nhỏ với nền văn hoá đạo Mẫu của Việt Nam. Bà chính là một trong những người truyền lửa, truyền niềm tin yêu và cả sự tin tưởng về một thế giới tâm linh cũng những giá trị văn hóa lâu đời của mảnh đất hình chữ S.