Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ?

dai-hoc-san-khau-dien-anh-1678359243.jpgToàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ngày 3/6/2023

 

Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (Trường) ngày 3/6/2023 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị thạc si, tiến sĩ để phù hợp với ngành đào tạo.

Đề xuất trên đây đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Để có ý kiến phù hợp, cần nhận thức chính xác đề xuất của Trường và xem xét đề xuất ấy trong hoàn cảnh đào tạo cụ thể ở nước ta.

Trước hết, cần chú ý là trong đề xuất, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - nêu đề nghị các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ, không phải là tương đương. Tính tương đương để nhà trường có đủ giảng viên cơ hữu cho một khoa đào tạo nghệ thuật ở bậc trên đại học. Nói cách khác, như PGS.TS Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh, đề xuất này chỉ tính các nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy trong nhà trường mang tính đặc thù đào tạo nghệ thuật và chỉ tương đương trong xét quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo là mỗi ngành học phải có đủ 5 tiến sĩ (có thể hiểu là không đủ 5 tiến sĩ thì bù vào là mấy nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, để được tính đủ 5 giảng viên theo quy định).

Nó hoàn toàn không có nghĩa nghệ sĩ nhân dân được hưởng các chế độ như một tiến sĩ từ lương bổng tới nhân sự…

Đây là một đề xuất sát với thực tiễn, cần được quan tâm xem xét.

Trong hệ thống đào tạo của một đất nước, quy định về học vị thạc sĩ và tiến sĩ phải trải qua một quá trình đào tạo, được xác nhận bởi những tiêu chí về khoa học, như các công trình nghiên cứu, bài báo, tham gia các dự án nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác liên quan đến nghiên cứu và phát triển khoa học. Những tiêu chí này không thể thay đổi chỉ vì giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đào tạo, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất để các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương với thạc sĩ, tiến sĩ để họ có thể được tính vào đội ngũ giảng viên chính thức của trường (tôi nhấn mạnh từ TÍNH). Trên thực tế, rất ít nghệ sĩ phấn đấu theo con đường học cao nhằm đạt học vị, mà thường chuyên tâm rèn giũa nghề nghiệp, họ có thể đào tạo học trò theo phương pháp truyền thống một số bộ môn nghệ thuật ở trình độ cao. Tôi còn nhớ, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ Văn hóa đã phải bàn bạc rất nhiều với Bộ Giáo dục để đi đến thống nhất công nhận Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung, người chỉ có bằng đại học, là giảng viên hợp lệ hướng dẫn một học viên lấy bằng thạc sĩ ngành biểu diễn. Với ngành nghệ thuật biểu diễn, cùng với đào tạo theo lý thuyết, thì đào tạo bằng thực hành hết sức quan trọng. Do vậy, các nghệ sĩ thực hành giỏi sẽ giúp cho đào tạo đạt kết quả tốt. Trong nghệ thuật biểu diễn, có rất nhiều cung bậc trình độ khác nhau, được đánh giá ở khả năng biểu diễn (thực hành) chứ không phải ở khả năng lý thuyết. Ví dụ, có những bản nhạc viết cho Piano, Violin khó tới mức chỉ rất ít nghệ sĩ biểu diễn được. Hát cũng vậy, không thể lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ (lý thuyết) ra mà hát hay, hát được những bài khó (thực hành). Trong khi đó, có những nghệ sĩ (có thể không có danh hiệu, bằng cấp gì) lại hát bằng sự rung cảm và kỹ thuật tuyệt vời. Chính vì vậy, để đào tạo bậc cao cho ngành nghệ thuật biểu diễn, cùng với đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, rất cần có những nghệ sĩ biểu diễn ở trình độ cao, trong đó, có nhiều người được xác nhận bằng danh hiệu nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân. Từ góc độ này, thấy đề xuất của Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thi là hợp lý, cần quan tâm xem xét.

Để giúp Nhà nước xây dựng được chính sách phù hợp, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cần xác định các yêu cầu cần thiết đối với giảng viên trong ngành nghề thuật, bao gồm các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến ​​thức cần thiết để giảng dạy các môn đặc thù biểu diễn. Những yêu cầu này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng môn học.

Sau đó, trường có thể tạo ra các tiêu chuẩn đánh giá và bằng chứng xác nhận cho các giảng viên dựa trên các yêu cầu này.

Từ đó, trường có thể đề xuất xuất cho các cơ quan quản lý giáo dục một cơ chế đặc biệt để đánh giá và chứng nhận các giảng viên trong ngành nghề, đặc biệt là những giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân. Điều này giúp đảm bảo rằng các giảng viên được đánh giá cao và công nhận theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, chứ không chỉ dựa vào học vị của họ.

Cuối cùng, trường có thể cân nhắc các phương pháp đào tạo phát triển khác, bao gồm các chương trình đào tạo chuyên sâu và các khóa học ngắn hạn để giúp các giảng viên phát triển và cập nhật các kỹ năng, kiến ​​thức mới nhất trong ngành sự nghiệp của họ.

Cơ chế đặc thù cho hoạt động nghệ thuật là vấn đề được đặt ra từ rất lâu, nhưng chậm được giải quết. Thậm chí, chế độ đặc thù cho nghệ thuật (tuổi nghề, lương bổng, phụ cấp…) vừa mới được vận hành trong cuộc sống mấy năm, đã bị Luật hoặc cơ chế, chính sách khác phủ định!

Vấn đề mà Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất là vấn đề chung của việc đào tạo nghệ thuật.

Thực tế này đặt ra yêu cầu là các cơ quan hoạch định chế độ, chính sách cần lắng nghe, cần sâu sát thực tiễn, để các Quy định ban hành đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.