Nghệ thuật và Khoa học về Thiền (Kỳ 10)

07/02/2022 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp nội dung cuốn sách " Nghệ thuật và Khoa học về Thiền" của Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D Chitra Jha, được ấp ủ và hình thành bởi Tiến sĩ Newton Kondaveti, M.D do TS Nguyễn Hoàng Điệp hiệu đính sửa chữa bản tiếng Việt lần cuối và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành

Chương 9

Những trải nghiệm phiền nhiễu trong Thiền định

Chúng ta có thể gặp nhiều phiền nhiễu trong một thời Thiền. Một vài số đó đến từ bên ngoài,còn một số đến từ trải nghiệm bên trong.

chuythienf1b-1644160637.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Phiền nhiễu bên ngoài

Phiền nhiễu bên ngoài có thể đến từ âm thanh của phòng Thiền như tiếng ai đó đằng hắng, ho, hay ngáy, tiếng đồng hồ kêu bíp bíp, v.v… Một số âm thanh bắt nguồn từ bên ngoài gian phòng, như tiếng trẻ con nô đùa, la hét, chạy nhảy, tiếng chó sủa, hú hay tiếng xe cộ, tiếng máy bay, còi xe cứu thương đi ngang qua,v.v… Những phiền nhiễu này có thể được giảm bớt bằng cách chọn nơi yên tĩnh để Thiền, hoặc dùng bịt tai trong khi Thiền. Bịt tai loại dùng trong công nghiệp giúp giảm đi rất nhiều tiếng ồn bên ngoài. Một sựa lựa chọn khác là mở nhạc nhẹ để làm chìm đi những âm thanh gây nhiễu.Khi tập Thiền đã phát triển hơn, chúng ta sẽ ngừng bị phân tâm bởi tiếng ồn bên ngoài. Lúc chúng ta đạt đến trạng thái tâm trí yên tịnh, tâm trí lúc này chấp nhận và vượt lên tất cả âm thanh. Thực tế, khi chúng ta nhận biết một âm thanh và vẫn duy trì sự tập trung vào hơi thở một cách tự nhiên, chính là chúng ta đang đi sâu hơn vào Thiền định.

Phiền nhiễu bên trong

Nhiễu loạn bên ngoài chỉ là một phần của vấn đề. Thách thức thực sự xảy đến khi chúng ta nhắm mắt để Thiền và đối mặt với các phiền nhiễu bên trong. Những phiền nhiễu này có thể là về thể chất, tinh thần, hay cảm xúc. Có những lúc chúng có thể khá đau đớn, gây ra rắc rối không đáng có.

Phiền nhiễu trên thân

Chúng ta có thể trải nghiệm bất kỳ cảm giác trên thân nào khi Thiền định. Những cảm giác này có thể dễ chịu, khó chịu, hoặc trung tính.

Đau nhức trên cơ thể

Đau nhức cơ thể là trải nghiệm phổ biến khi Thiền, chủ yếu là vì chúng ta không quen ngồi lâu ở một tư thế. Nếu bạn trải qua bất kỳ cơn đau nào trên thân, nhận biết cơn đau đó, nhưng không lập tức dịch chuyển hay thay đổi tư thế ngay khi xuất hiện sự không thoải mái. Đừng quá lo lắng về việc xoa dịu cơn đau. Chỉ nhận biết nó và đưa sự chú ý quay trở lại hơi thở. Khi tiếp tục Thiền, quan sát cơn đau cũng như hơi thở của bạn, cơn đau sẽ biến mất.

Ta có thể dịch chuyển cơ thể của mình và điều chỉnh lại tư thế nếu cơn đau liên tục và không chịu đựng nổi nhưng đừng mở mắt nếu không sẽ đánh mất trạng thái tâm trí Thiền định.Đôi khi cơn đau có thể giảm bớt một lúc khi bạn thay đổi tư thế, nhưng có thể quay lại nếu tư thế mới cũng trở nên không thoải mái. Bạn không nên xua đuổi hoặc phớt lờ cơn đau. Chỉ cần ngồi yên qua nó, quan sát nó và đưa sự chú ý trở về với hơi thở của bạn.

Nếu cơn đau làm phiền bạn vào các thời Thiền liên tiếp, thử những bài tập co giãn nhẹ nhàng, xoay khớp gối cùng với hít thở sâu trước khi Thiền. Bạn có thể thử các tư thế khác nhau và chọn ra tư thế thoải mái nhất. Ví dụ, nếu bị đau lưng, bạn có thể nằm xuống và Thiền.Chú ý không mặc quần áo bó vì có thể cản trở sự lưu thông máu.

Đôi khi cơn đau được gây ra do sức đẩy của năng lượng Vũ trụ đi qua dòng năng lượng bị tắc nghẽn. Ngay khi các khối tắc nghẽn được loại bỏ và dòng chảy được thanh lọc, thì cơn đau biến mất.

Cảm giác tê và “ngủ gật” của chân

Thi thoảng, bạn có thể cảm thấy châm chích ở chân do tê chân gây ra. Hiện tượng này còn được gọi là “chân tay chìm vào giấc ngủ” và được gây ra do dồn ép các dây thần kinh làm ngắt các tín hiệu thần kinh. Đừng quá lo lắng về điều ấy, nhưng nếu nó làm phiền bạn, ta thử thay đổi tư thế xem sao.

Cảm giác ngứa

Cảm giác ngứa ở một vài nơi trên cơ thể cũng là một sự phiền nhiễu phổ biến, thường do cái tôi muốn làm chúng ta sao nhão. Nếu cảm thấy ngứa, chỉ nhận biết nó và đưa sự chú ý của bạn quay về với hơi thở. Nó có thể không làm cơn ngứa dừng lại nhưng hãy dừng chú ý tới nó. Khi gặp trường hợp, cơn ngứa không thể chịu nổi, bạn cứ thoải mái gãi nó nhé!

Cảm giác bồn chồn trên thân

Cảm giác bồn chồn trên thân gây ra sao nhãng khi mới bắt đầu vào Thiền. Nó cũng có thể biểu hiện như trạng thái siêu nhận thức về cơ thể vật lý ví dụ: Nhịp tim, xoang tắc nghẽn, khó chịu về tiêu hoá,v.v…

Hãy đừng để bị cuốn vào chúng. Ta hãy nhận biết cảm giác bồn chồn và quay về với hơi thở.

Phân tâm

Tâm trí quen với việc hướng ra ngoài; vì thế ban đầu nó sẽ phẫn uất trước nỗ lực và kỷ luật quan sát hơi thở.Sự phân tâm thường do suy nghĩ gây ra. Những suy nghĩ này có thể về bất kỳ điều gì. Tâm trí bắt đầu dự định gì đó, tưởng tượng điều gì đấy, hay trở nên cố chấp về những thứ bạn thích hoặc không thích. Những suy nghĩ có thể kết nối với các cảm giác trên thân của bạn hoặc chúng có thể chỉ là dòng suy nghĩ mang tính trung hòa. Chúng có thể là về những kỷ niệm vui hoặc không vui. Chúng có thể liên quan tới căng thẳng trong ngày hoặc một số vấn đề kéo dài khác. Chúng có thể là về các việc cần phải hoàn thành. Chúng có thể là về những suy nghĩ gần đây hiện về nơi tâm trí bạn hoặc là những suy nghĩ vụn vặt ngẫu nhiên. Chúng có thể là về tin tức mẩu chuyện bạn xem hay vài cái hoá đơn cần thanh toán. Có thể đó là một bài hát hay một giai điệu chạy trong đầu bạn.

Bất kể là suy nghĩ nào, chúng đều phát khởi và tự nguyện biến mất nếu như bạn không tương tác với chúng. Ngay khi nhận ra bạn đang có suy nghĩ, chỉ cần đưa tâm trí trở lại với hơi thở của bạn.Đôi khi tâm trí từ chối buông bỏ những suy nghĩ. Nếu vậy, đừng đấu tranh với tâm trí. Cho phép nó lang thang khi bạn vẫn tập trung vào hơi thở. Sớm muộn gì tâm trí nổi loạn cũng sẽ lắng xuống và bình tĩnh lại. Tâm trí giống như một thiếu niên. Nó sẽ không theo đuổi cái gì mà nó được phép làm. Nó chỉ chạy theo những thứ nó bị cấm, không được phép làm.

Nếu tâm trí không yên vị được cũng không sao cả. Dần dần, Thiền sẽ mở ra bản chất phi nhị nguyên bên trong bạn. Khi bạn ở không gian đó, bạn sẽ thoải mái với cả hai: Sự tĩnh lặng của tâm trí và sự chuyển động của nó. Bạn sẽ không lạc vào bất cứ cái nào hết.

Thiền định là trở nên nhận thức hơn về bản chất tâm trí của bạn.

Tinh thần bồn chồn

            Tâm trí bồn chồn khởi phát từ ký ức quá khứ khi lo lắng đến cùng với những suy nghĩ về tương lai. Hãy để chúng đến và đi. Đừng cố gắng ngăn chúng lại.Đừng bận tâm tới chúng. Đây chỉ là những cơn sóng trào của tâm trí. Nếu bạn để chúng yên, tâm trí sẽ dần lắng dịu.

Kháng cự và phẫn uất

Kháng cự là do sự phủ nhận tình huống và hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống nơi bạn. Khi Thiền, chúng ta cần hiện hữu ở đây và ngay bây giờ. Hãy chỉ nhận biết sự kháng cự và quay trở về với hơi thở.Thiền định là một thói quen, cần thời gian để làm quen. Chúng ta không thể thúc ép Thiền định diễn ra; nó cần thời gian để phát triển. Vì vậy, đừng vội vã trong việc luyện tập của bạn. Hãy nhẹ nhàng với bản thân. Nếu bạn cảm thấy bình an, hãy chấp nhận điều đó. Nếu bạn không thấy bình an, cũng hãy chấp nhận điều đó. Đây là những thay đổi bất thường của tâm trí. Đừng từ bỏ thực hành dù có điều gì xảy ra đi nữa.

Những suy nghĩ tăng nhiều hơn

Ở các giai đoạn đầu khi mới tập ngồi Thiền yên lặng, chúng ta trở nên ý thức hơn về tất cả dòng suy nghĩ của mình. Vì thế, ta cảm thấy dường như những suy nghĩ này tăng lên nhiều hơn.

Hôn trầm

Nếu bạn không thể nghe thấy gì từ bên ngoài và cũng không hề bị sao nhãng, có thể bạn vừa mới ngủ khi Thiền. Trạng thái hôn trầm, ngủ gà ngủ gật, lơ mơ là những phiền nhiễu bên trong phổ biến.Đôi khi ngủ gật lúc Thiền nói lên phần tối, phần buồn chán“tamasic”bên trong chúng ta. Đối với trường hợp đó, chúng ta phải xem xét lại lối sống, thói quen ăn uống và ngủ nghỉ của mình. Đôi lúc chúng ta buồn ngủ khi Thiền là vì chúng ta không muốn đối mặt với tất cả những cảm xúc bị đè nén mà Thiền bóc tách ra. Vào trường hợp như vậy, việc ngủ gật là trạng thái kháng cự và tránh né. Và có lúc việc ngủ lại là “yoga nidra”; trạng thái tâm trí không suy nghĩ mang cảm giác như đang ngủ. Khi bạn tỉnh dậy, tâm trí tự động quay trở về với hơi thở.  Do đó, người Thiền tập đã khiến tâm trí yên lặng thành công, nhưng cảm giác bình an, sáng suốt, và sảng khoái của Thiền sâu lại không có.Nếu bạn ngủ qua suốt thời Thiền, hãy xem lại động lực ngồi thiền của bạn. Nếu bạn thật sự mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi và Thiền sau đó nhưng đừng để bị nản chí.

Nếu bạn tỉnh dậy nghe thấy tiếng ngáy của mình, đừng cảm thấy xấu hổ hay bực bội; chỉ cần đưa sự chú ý của bạn trở về với việc hít thở. Nhận thức được tiếng ngáy cũng có nghĩa là bạn nhận biết cơ thể thư giãn của bạn khi đang ngủ.Thiền giống như chơi nhạc cụ có dây như đàn ghita. Nếu dây đàn quá căng hoặc quá trùng, nó sẽ không tạo thành âm thanh chỉnh chu. Chỉ sau khi dây đàn được điều chỉnh hợp lý thì âm nhạc tạo ra mới có hồn. Tương tự, khi Thiền, nỗ lực quá mức dẫn đến cảm giác bồn chồn, trong khi nỗ lực quá ít dẫn đến trạng thái lơ mơ.

Chủ đích, sự tập trung và cân bằng mới tạo cho Thiền định hiệu quả và bổ ích.

Phiền nhiễu về mặt cảm xúc

Hầu hết các suy nghĩ đều đi kèm cảm xúc. Những cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, ghen tị, kiêu hãnh, buồn khổ thường theo sau suy nghĩ của chúng ta; vấn đề là chúng ta mang theo cả một hệ thống quan điểm về những cảm xúc này và cảm thấy bực tức với nỗ lực Thiền của mình.

Đừng dán nhãn cảm xúc của bạn là tốt hay xấu; bạn không cần thêm bất kỳ phán xét nào trong cuộc sống của mình nữa.Đôi lúc nước mắt bắt đầu lăn dài trên má. Những giọt nước mắt này có thể hoặc có thể không đi kèm với cảm xúc. Tất cả những gì bạn phải làm là cho phép nước mắt tuôn chảy.

Khi bạn lạc vào những cảm xúc và suy nghĩ, bạn cũng đồng thời ngừng việc Thiền. Chỉ cần nhận biết suy nghĩ và cảm xúc tiềm ẩn, nhưng không để bị lan man theo chúng.

Bạn phải hiện diện với bất kể điều gì xuất hiện, nhưng sau đó bạn phải quay lại với hơi thở. Nghĩa là cho phép hơi thở hiện diện với bất kỳ điều gì chiếm ưu thế hơn của trải nghiệm khi bạn ở bất kỳ thời điểm nhất định nào. Vào lúc bạn trở nên lão luyện về Thiền, bạn sẽ bắt đầu nhận ra khi tâm trí bám vào các cảm giác trên thân, suy nghĩ và cảm xúc, thì có một cấp độ sâu hơn, tĩnh lặng hơn của nhận thức đang quan sát tất cả trò hề của tâm trí mà không để bị tác động bởi chúng. Chính niệm không phải là nắm chặt lấy, sửa chữa, hay sở hữu bất cứ gì. Đây là cốt lõi của việc thực hành Thiền.

Khi Thiền, chúng ta học được rằng không phải là những cảm giác, suy nghĩ, hay cảm xúc. Chúng ta là trạng thái nhận biết thuần tuý đang quan sát mọi thứ đến và đi. Bản thể đích thực của chúng ta không dính mắc hay đồng hoá với bất cứ cái gì nổi lên; nó chỉ cho phép trải nghiệm trôi qua nó.

Giải quyết phiền nhiễu

Nhận biết rằng bạn đang bị phân tâm.

Không để bị cuốn vào sự phiền nhiễu hay cố đấu tranh với nó.

Không phán xét nó.

Không nên cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ về nó.

Kiên nhẫn với bản thân.

Thư giãn, thả lỏng.

Đưa sự tập trung trở về với hơi thở.

Tiếp tục hành Thiền.

Giống như một em bé cần thời gian để học ngồi, bò, đi, và chạy; tương tự, Thiền cũng cần thời gian, kiên nhẫn, luyện tập nhiều hơn nữa. Cuối cùng nó trở nên vui vẻ và thú vị. Đừng để bị căng thẳng và khó chịu cho đến khi đạt tới điều đó.Phiền nhiễu bên trong và bên ngoài đều là một phần của thực tế. Đơn giản là quan sát thực tế; đừng phớt lờ nó và cũng đừng phản ứng với nó.

Những trải nghiệm bị phân tâm phải được chia sẻ với các bạn Thiền sinh khác, đồng thời nhớ rằng tất cả trải nghiệm của bạn đều có giá trị. Chúng là những cột mốc trên hành trình Thiền định của bạn.Vì chúng ta là những sinh vật độc đáo, nên trải nghiệm Thiền cũng độc đáo. Thực tế, những trải nghiệm của chúng ta cũng thay đổi từ thời Thiền này sang thời Thiền tiếp theo. Mỗi trải nghiệm Thiền là khác nhau và không có trải nghiệm đúng hoặc sai. Mỗi trải nghiệm là một góc nhìn không giới hạn, do đó, không có trải nghiệm nào có thể được đánh giá là tốt hay xấu.

Khi Thiền, chúng ta hiện hữu với bất kỳ điều gì là chủ yếu qua trải nghiệm của chúng ta tại thời điểm đó. Những trải nghiệm kéo sự chú ý của chúng ta khỏi hơi thở; nên tất cả điều gì chúng ta phải làm là nhận biết trải nghiệm, ghi nhận nó và quay trở về với hơi thở. Hơi thở chính là “nơi chốn” hoặc là mỏ neo.

Ví dụ, hình dung chính mình đang ngồi ở nhà trên bộ sofa yêu thích, lúc đọc sách thì điện thoại đổ chuông. Bạn nhấc máy nghe điện thoại, rồi quay trở lại ghế ngồi và đọc sách. Bây giờ tiếng chuông cửa vang lên, bạn ra xem ai đang ở trước cửa, rồi quay trở lại ghế ngồi và tiếp tục cuốn sách của bạn. Sau đó, bạn chợt nhớ ra cần kiểm tra gì đó ở bếp, nên bạn chạy đi xem rồi quay trở lại chỗ ghế và cuốn sách. Điều tương tự xảy ra khi Thiền giữa những trải nghiệm khác nhau và hơi thở của bạn. Bạn chứng kiến bất kỳ điều gì hiện diện từ trải nghiệm của bạn và ngay khi hoàn thành, bạn quay trở lại với hơi thở của mình.

Dần dần, bạn sẽ có thể Thiền để loại bỏ dần các phiền nhiễu. Bạn sẽ hoàn thiện hơn khi việc thực hành của mình có tiến bộ. Cho đến khi đạt được điều đó, đừng để chúng gián đoạn các phiên Thiền quý giá của bạn. Lúc Thiền, bạn dùng chiến lược giống với khi bạn đối phó với một đứa trẻ. Nếu đứa trẻ gây ồn, bạn sẽ yêu cầu bé giữ yên lặng, nhưng không buông lời phán xét như:“Con là cậu bé hư. Con lúc nào cũng gây ồn ào. Sao không im lặng được chút nào vậy?” và khi đứa trẻ giữ yên lặng, bạn sẽ cảm kích bé. Sự cảm ơn này là cần có để nuôi dưỡng kỹ năng cần thiết cho trẻ. Tương tự, tâm trí sao nhãng cũng phải được đối xử như một đứa trẻ. Nếu bạn không được phán xét nó, nhưng khi nó trở nên tĩnh lặng rồi, bạn phải nhớ cảm ơn nó!

Tóm lược

Phiền nhiễu bên ngoài có thể đến từ âm thanh trong phòng Thiền như tiếng ai đó đánh hắng, ho hoặc ngáy.

Một số âm thanh có thể bắt nguồn từ bên ngoài phòng như tiếng trẻ con nô đùa, la hét, chạy nhảy.

Khi chúng ta phát triển lên trạng thái tâm trí yên tịnh, tâm trí chấp nhận và vượt qua cả những âm thanh này.

Đau nhức trên thân là một trải nghiệm phổ biến của Thiền, chủ yếu là do chúng ta không quen ngồi ở một tư thế trong thời gian dài.

Bạn có thể di chuyển cơ thể của mình và điều chỉnh lại tư thế của bạn nếu cơn đau liên tục và không thể chịu nổi.

Bạn có thể thử ngồi các tư thế khác nhau và chọn ra tư thế dễ chịu nhất.

Đôi khi bạn có thể cảm thấy châm chích ở chân do bị tê chân.

Cảm giác ngứa ở một vài chỗ trên cơ thể cũng là sự phiền nhiễu phổ biến.

Cảm giác bồn chồn trên thân gây phân tâm khi mới bắt đầu phiên Thiền.

Dù là suy nghĩ gì đi nữa, chúng xuất hiện và tự biến mất nếu như bạn không tương tác với chúng.

Tinh thần bồn chồn nổi lên khi nghĩ về quá khứ và lo lắng xuất hiện khi nghĩ đến tương lai.

Kháng cự là do sự phủ nhận các hoàn cảnh và tình huống hiện tại từ cuộc sống của bạn.

Ngủ lơ mơ, ngủ gà ngủ gật là phiền nhiễu bên trong phổ biến.

Đa phần những suy nghĩ đều đi kèm với cảm xúc.

Đừng dán nhãn các cảm xúc của bạn là tốt hay xấu.

Sự phân tâm bên trong lẫn bên ngoài đều là một phần của thực tế; nên đơn giản quan sát thực tế.

Là những sinh vật độc đáo, nên các trải nghiệm Thiền của chúng ta cũng độc đáo.

Khi Thiền, chúng ta chọn hiện hữu với bất kỳ điều gì là chủ chốt trong trải nghiệm của chúng ta tại thời điểm đó.

“Thiền mang lại trí tuệ; thiếu Thiền định sẽ để lại sự vô minh. Cần biết rõ điều gì đưa bạn tiến lên phía trước và điều gì níu chân bạn, và hãy chọn con đường đưa bạn đến với trí tuệ.”

Đức Phật

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ thuật và Khoa học về Thiền (Kỳ 10)" tại chuyên mục Tác phẩm – tác giả. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn