Nghĩ về danh xưng nghệ sĩ…

Thời gian qua, trên các diễn đàn báo chí, mạng xã hội, câu chuyện văn hóa rộ lên những luồng ý kiến liên quan đến hai từ nghệ sĩ. Việc ngày càng có nhiều người tự xưng, tự gán cho mình mác nghệ sĩ với những tên gọi thật kêu đã khiến những người hoạt động nghệ thuật chân chính chạnh lòng, cũng như tạo nên sự ảo tưởng trong một bộ phận giới trẻ.
kh2q-1627637505.jpg
Ca sĩ, diễn viên múa Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh minh họa chụp vào tháng 12-2020.

Quả thật, trên mạng xã hội, người ta dễ dàng tìm thấy những tên gọi như: Ông hoàng nhạc Việt, công chúa nhạc Pop, giáo sư âm nhạc, nữ hoàng catwalk... Thậm chí, có những người hát nhảm vài bài, đóng một số vai quần chúng, chơi một số gameshow giải trí cũng tự cho mình là người của showbiz, nghệ sĩ của công chúng. Để rồi từ đó, không ít người đã lợi dụng “lòng thương” của khán giả làm những điều khó chấp nhận: Nhẹ thì quảng cáo, bán hàng kém chất lượng, hàng lậu; nặng hơn là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đóng góp vào sự hỗn độn đó có phần dễ dãi của khán giả khi mang tâm lý a dua theo đám đông; sự lăng xê thái quá của truyền thông, báo chí. 

NSƯT Trần Nhật Lệ (nguyên Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa) cho rằng: “Tôi thấy bây giờ mọi người tự cho mình là nghệ sĩ dễ dàng quá. Bản thân tôi vào nghề từ năm 1979, nhưng mãi đến năm 2012, khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, tôi mới dám nghĩ mình là nghệ sĩ. Suốt 33 năm sống cùng ánh đèn sân khấu, trải qua biết bao thăng trầm, nỗ lực hết mình cho từng vai diễn và nhận nhiều giải thưởng của các cuộc thi nghệ thuật, nhưng tôi vẫn chỉ coi mình là một diễn viên, một người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật”. 

Cùng chung ý nghĩ đó, ca sĩ Hải Lý (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) chia sẻ, để được nhận vào đoàn đòi hỏi mỗi người phải được đào tạo chuyên môn bài bản, có những tố chất riêng. Nhưng vào đoàn cũng chỉ mới là bước khởi đầu và mỗi ca sĩ phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập rất nhiều mới có thể được đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả. “Vị  trí công việc của tôi trong đoàn là ca sĩ thì cố gắng làm hết vai trò, trách nhiệm của một ca sĩ, chứ không nghĩ mình là nghệ sĩ này nọ. Trong 7 năm công tác ở đoàn, bản thân tôi cũng cố gắng giữ gìn hình ảnh cho đơn vị và cá nhân”, ca sĩ Hải Lý nói. 

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy được phần nào sự vất vả, khổ luyện trên con đường trở thành nghệ sĩ. Bởi với họ, danh từ nghệ sĩ là một điều cao quý, đạt được bằng chính những đóng góp, cống hiến có giá trị nghệ thuật. 

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, lực lượng nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên ở Khánh Hòa nhìn chung đều có ý thức hoạt động nghệ thuật lành mạnh, nghiêm túc. Tuy nhiên, để tránh những biểu hiện lệch lạc, sở đã có công văn gửi các đơn vị nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực nếu có. Trong đó, nhấn mạnh đến việc sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây bức xúc trong nhân dân. 

Nghệ sĩ là danh xưng dành cho những người chuyên hoạt động trong một bộ môn nghệ thuật nào đó và có những đóng góp thiết thực, mang tới giá trị chân - thiện -mỹ đối với cuộc sống. Vậy nên, không dễ để có thể đạt được danh xưng đó và cũng đừng ngộ nhận chỉ cần tham gia hoạt động giải trí là đã trở thành nghệ sĩ.