Ngư dân và biển cả

Viết cho những ngư dân xã Cẩm Nhượng của tôi và tất cả những ngư dân miền biển trên mọi miền Tổ Quốc

 

ngu-dan-va-bien-1644326201.jpg

 Là một người dân của quê hương Cẩm Nhượng, cũng là một người lính từ cõi chết trở về với đời thường, nay là ngư dân với công việc là đi biển vì cha mẹ sinh ra đã nhiễm vào mặn mòi biển cả với những chát đắng của biển quê hương, vui có, buồn có, biển hào phóng với những người làm nghề đi biển như Nguyễn Sinh nhưng cũng dễ trở mặt như bàn tay sấp ngửa, với những năm tháng mưu sinh và nhọc nhằn với biển, Nguyễn Sinh gửi đến tất cả các bạn phóng sự này, vì là người con của biển nên cũng lấy tên nick là Tình Biển, phóng sự mà Nguyễn Sinh viết có khi còn chưa hay, chưa làm vừa lòng độc giả như tính chất và công việc đặc thù của nghề đi biển, lại còn nhiều chỗ khô khan, nhưng đó là những sự thật, chính xác, không đơm đặt và thêu dệt, mời các bạn ghé đọc để hiểu thêm phần nào cuộc sống của những người ngư dân như Nguyễn Sinh, kẻo cứ nhìn vào ngư dân đi biển toàn một màu hồng tươi sáng, phóng sự

NGƯ DÂN VÀ BIỂN CẢ

xin được bắt đầu

          *****

   Những người ngư dân miền biển chất phác lắm, họ gắn cuộc sống của mình với biển, quen ăn sóng nói gió nhưng lại có tấm lòng chân thật. Họ sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên và con người. Sản phẩm của họ là những khoang cá đầy. Những sản vật từ biển giúp họ trang trải cuộc sống gia đình.

   Những ngôi nhà liền kề lúc nào cũng thoáng vị mặn nồng của biển thường vắng bóng đàn ông. Bởi lẽ, đa phần họ đều đang bôn ba nơi đầu sóng ngọn gió, rẽ sóng ra khơi vào lộng với mong muốn thu hoạch những mẻ cá đầy để trả những khoản chi phí như dầu, nhờn, sửa sang tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, phân chia cho bạn thuyền và lo cho đàn con đi học, gia đình có thêm ít của để dành phòng khi cần thiết. Những người phụ nữ cũng đảm đang không kém, mỗi sáng, khi chưa tỏ mặt người, họ tụ tập nơi bến thuyền để ngước thuyền về, để mua bán, chia nhau những rổ cá, rổ tôm với các loại hải sản khác và tất cả đều được mang đi các chợ bán hoặc chuyển những thực phẩm tươi ngon, những con cá lớn đến các nhà hàng khách sạn. Những đôi tay nhanh nhẹn, những đôi chân thoăn thoắt cùng với tiếng cười nói rộn ràng luôn diễn ra. Mỗi sáng sớm, khi những con tàu, những chiếc thuyền cập bến, những mẻ lưới mới được kéo lên. Mở đầu cho một ngày mới đầy năng lượng ở nơi đón ánh bình minh mặt biển.

   Đối với những làng nghề khác, người nghệ nhân sử dụng đôi tay khéo léo cùng với kỷ thuật gia công tinh xảo và tỉ mỉ để chế tạo nên những sản phẩm hữu dụng cho con người. Cũng phục vụ cuộc sống con người, những ngư dân làng chài lại sử dụng sự khéo léo để tạo nên những dụng cụ đánh bắt cùng kinh nghiệm đương đầu với sóng gió để thu hoạch những mẻ lưới đầy ắp cá và các loại hải sản. Tùy theo thời tiết và ngư trường. Những người làm nghề biển này có thể linh động trong cách đánh bắt như giã cào, rê câu, mành đèn, giã ruốc, lưới ghẹ, lưới tôm, lưới te, bóng bắt mực lá, câu mực khơi, câu mực lộng, lưới vây...đa phần cách đánh bắt là các loại thuyền nhỏ, sử dụng trang thiết bị đơn giản để đánh bắt các loại cá. Trừ các loại cá nổi như cá nục, cá trích, cá cơm, cá bạc má...Đến các loại cá tầng đáy như cá mú, cá hố, cá lượng, cá phèn, cá trác, mực nang, tôm sú, tôm sắt...là phải sử dụng loại tàu to, thuyền lớn. Trước mỗi chuyến đi, chủ thuyền và bạn thuyền chuẩn bị các vật dụng cần thiết để sinh hoạt hàng ngày như gạo, muối, nước, thực phẩm (chủ yếu là rau củ các loại), dầu chạy, nhờn, đá lạnh, bình ga, đồ câu. Đảm bảo cho một chuyến đánh bắt dài ngày. Đồng thời không quên làm lễ, cầu nguyện khi mỗi lần ra cửa biển cho chuyến đi được thuận lợi, an toàn và may mắn.

   

ngu-dan-va-bien-1-1644326201.jpg

Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống. Những ngư dân làng chài vẫn giữ vững tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau không chỉ trong lúc vươn khơi mà còn có cả trong cuộc sống thường ngày. Vào mỗi buổi chiều, buổi sáng, tùy theo con nước biển lên hay hạ (thủy triều lên xuống).Những thanh niên khỏe mạnh, những người đàn ông với nước da rám nắng đưa thuyền xuống biển (và ngược lại). Trong tiếng dô hò như thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của con người trước thiên nhiên (đây là đối với những xã không có cửa biển cho tàu thuyền vào ra (gọi là bãi ngang). Chứ còn xã Cẩm Nhượng của Nguyễn Sinh có cửa biển gọi là cửa Nhượng với ngọn hải đăng luôn sáng tỏ khi trời bắt đầu tối cho tàu thuyền ra vào và về bến đậu, rất thuận tiện cho những khi có bão tố, gió mùa đông-bắc hay không khí lạnh tăng cường, biển động, vào đậu bến là an toàn nhất.

   Còn những tàu thuyền to có công suất lớn thì ra khơi, đánh bắt xa bờ với những chuyến đi dài ngày. Bình thường từ 5 đến 7 ngày hay 8 đến 10 ngày. Nếu may mắn gặp được luồng cá, trúng được ổ mực ống thì khoảng 3đến 4 ngày là về. Nếu không gặp may mắn thì có khi nửa tháng mới về. Hoặc có thuyền thu mua ngoài biển khơi thì có khi cả tháng mới về, ngư dân bán hải sản cho họ, họ bán lại cho mình đá lạnh, dầu, nhờn và các loại rau củ, đường, sữa, kẹo bánh...(Thuyền thu mua như một đại lý thu nhỏ, cái gì cũng có hết)...Thuận lợi như vậy đỡ mất công, hao phí dầu, nhờn chạy đi chạy về, lại khỏi phải mất thời gian đánh bắt.

  Ở ngoài biển, tâm linh đối với những người ngư dân là rất quan trọng. Ví dụ ra ngoài biển không được huýt sáo, kiêng phỉ báng xúc phạm đến Thần Thánh, kiêng nói đến những con vật có tên như mèo, khỉ, chuột, hổ báo. Như con khỉ con chuột thì phải gọi chệch đi là con dài đuôi, còn hổ, báo thì gọi là ông ba mươi, còn khi ăn cơm, trong lúc xới cũng không được lấy đũa bếp (đũa cả) đánh xung quanh miệng nồi nếu cơm bị dính. Ăn xong, cơm cá nếu thừa không ăn nữa hoặc không để lại bữa sau mà đem đổ đi thì phải gọi là "ra" chứ không được nói là "đổ"...Nói chung là kiêng rất nhiều thứ. Chỉ cho phép nói chuyện tiếu lâm để vui cười, nhưng cũng phải nói tránh đi nhiều từ...

   

ngu-dan-va-bien-2-1644326201.jpg

Trước biển cả mênh mông, nhiều khi sóng yên biển lặng, sao mà nên thơ và rất hữu tình. Trời đầy nắng và ấm áp, nhìn lên trời những đám mây trắng bồng bềnh trôi, những làn gió trong lành thổi mơn man, mát rượi, những cánh chim hải âu chao liệng, dập dờn trên mặt biển xanh êm ả. Thỉnh thoảng một đàn cá chuồn lao phóng lên mặt nước và dương đôi cánh bay đi, hay những chú cá heo nô giỡn, lặn ngụp trồi lên thụp xuống. Thấy tàu thuyền chạy là cứ phóng đuổi theo. Một cảnh trí rất tuyệt vời và thơ mộng giống như một bức tranh sơn thủy rất tuyệt vời. Lòng người lâng lâng, rộn ràng thơ thới. Nếu chuyến biển đó an toàn, may mắn, đánh bắt được nhiều cá, mực cùng với các loại hải sản thì càng tuyệt vời biết bao nhiêu.

   Nhưng, cũng có khi trời đang yên đang lành, biển đang êm ả. Bỗng đâu một cơn lốc xoáy, một trận cuồng phong kéo đến bất chợt là khổ đến vạn lần. Mặt biển đang hiền hòa thơ mộng là thế bắt đầu nỗi những con sóng hung dữ, bọt tung trắng ngầu, gió rít điên cuồng, mặt biển bỗng dưng tối sầm dữ dội, mưa như trút nước. Tàu thuyền chao đảo, nghiêng ngả, dềnh lên, hụp xuống. Cơ hồ bị sóng đánh chìm. Ở quê tôi có rất nhiều ngư dân bị chìm thuyền, người mất tích. Mãi đến những ngày sau, có khi hơn 10 ngày mới thấy xác trôi dạt vào bờ đá dọc bờ biển nhưng khoảng cách trôi dạt cách xã, cách huyện có khi gần 100 cây số.

ngu-dan-va-bien-3-1644326201.jpg

   Trước biển cả nỗi cơn thịnh nộ, số phận của những người ngư dân sao mà mong manh, nhỏ nhoi và yếu đuối đến tội nghiệp, con thuyền giống như một chiếc lá tre trước mênh mông biển cả bị quăng quật, tơi tả, sống chết trong gang tấc. Những lúc ấy, chỉ biết phải đoàn kết, động viên nhau cùng chống chọi giữa cơn cuồng nộ, dữ dằn của biển với một niềm tin là biển sẽ lặng, sóng sẽ êm và tất cả sẽ được an toàn, khi cơn giận dữ của biển qua đi, mới thở phào và tin là mình còn sống. Ở quê tôi có câu ca truyền đời:

  YÊU ANH, EM NỎ (chẳng) MUỐN THEO

LẤY CHỒNG ĐI BIỂN HỒN TREO CỘT BUỒM

là nói đến sự gian khổ, mong manh, dễ chết của những người ngư dân.

          *****

   Ở trên đất liền, người nông dân trồng củ khoai hạt lúa, rau màu còn nhìn được, biết được sâu bệnh, hạn hán, mưa lũ để phòng trừ, hạn chế. Ví dụ, ruộng lúa, nương khoai, vườn rau nếu bị sâu bệnh thì mua thuốc phun khử, hoặc ruộng đồng bị khô hạn, nứt nẻ, úng ngập thì bơm nước vào (và ngược lại). Chứ ở ngoài biển, mọi thứ đều chìm trong lòng biển. Không thấy được, không nghe được. Biển dấu vào lòng nó bao bí mật muôn thuở. Dù hiện tại bây giờ đi biển đã có máy định vị, máy dò cá, nhưng vẫn không thể nào biết hết được.

         *****

   Mọi người đừng có nghĩ rằng, nghề đi biển là nhàn hạ và giàu có lắm. Cá, mực với các loại hải sản ăn tha hồ xả láng. Không hẳn như vậy đâu. Nguyễn Sinh là một ngư dân, đã thực tế đánh bắt và nhìn thấy cụ thể, chính xác trước mắt. Không phải như vậy đâu, đừng nghĩ thế mà tội nghiệp cho những người ngư dân. Mọi người có biết không, có những chuyến biển đánh bắt 2 - 3 ngày đêm không đủ cá kho cho bạn thuyền ngoài biển vì cá không có, cá đã không có thì các loại hải sản cũng không nốt vì chúng nó đi cùng với nhau. Phải lấy mì tôm nấu lên thay canh, hay lấy muối trắng, bột canh, nước mắm làm thức ăn. Mà mọi người cứ hình dung ăn mì tôm, bột canh 2 - 3 ngày như thể có chịu nổi không, nó ngán đến tận cổ mọi người ạ. Vào bữa ăn thấy như vậy là không muốn ăn hoặc ăn cũng rất khó nuốt. Nhưng vẫn phải ăn để lấy sức mà sản xuất, không biết tác giả nói vậy mọi người có tin không?

Nhưng đó cũng rất hạn hữu, vì đánh bắt, chạy đủ các điểm, các làn nước đều không có cá. Ai nấy đều buồn và rất chán nản. Thì...Đùng một cái, gặp ngay luồng cá, mực...thế là hò dô tung lưới, thuyền lại đầy khoang cá nặng. Mỗi người hồ hởi, phấn khởi. Mọi sự chán nản, buồn bực, lo lắng dường như mất hẳn. Chỉ còn lại những nụ cười và niềm hưng phấn tột cùng, tất cả lại hò reo, ca hát, đấm lưng nhau thình thịch. Đúng với tên gọi: Biển giả

   Còn nghĩ về nghề đi biển là nhàn hạ, lại nhầm nữa rồi đấy. Nghề đi biển là vất vả, nặng nhọc, cơ cực nhất so với các nghề khác. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ấm áp cũng như buốt giá, đều phải bám biển. Trước là để nuôi sống bản thân, sau là gia đình của mình,  có những ngày hè trời nắng nóng kinh hồn, ngọn gió nam đang thổi tự nhiên nghẹt gió, thế là trời như đổ lửa với cái nóng kinh khủng, mặt biển như bị thiêu đốt, như bị rang lên trong chảo lửa, hoặc về mùa đông, trời rét mướt, rét cắt da cắt thịt, mưa dầm dề, gió Đông Bắc thổi đến tái tê, rét thấu tận xương, cũng phải sản xuất, mà nhiều khi làm quên cả ăn luôn, vì có cá là phải chớp ngay thời cơ, liên tục, đến bữa ăn cũng phải gác lại, chờ đánh bắt, thu hoạch xong mới ăn cơm được. Có nhiều bữa ăn phải đúp lại hai bữa thành một, bữa tối có khi đến tận 10g đêm mới được ăn.

    Vì vất vả, khó nhọc, thu nhập bấp bênh, ăn uống thất thường nên sức khỏe của những người ngư dân rất mau già, mau xuống sức và hầu hết thanh niên, hay những người đàn ông còn trẻ, mạnh khỏe họ đều bỏ nghề đi biển mà tìm cách xuất khẩu đi nước ngoài, ở quê tôi bây giờ đi biển chủ yếu là những người trung niên nhiều tuổi nên lao động rất thiếu, mọi ngày cá, mực với các loại hải sản còn phong phú, dồi dào thì mỗi con tàu, mỗi chiếc thuyền có từ 6 đến 7 người, bây giờ con cá con mực thưa đi, hơn nữa không mấy ai còn hào hứng, háo hức, thiết tha với nghề đi biển nữa nên mỗi tàu thuyền chỉ có 3 đến 4 người, mà chủ thuyền phải đến tận nhà để vận động, nói đến rã bọt mép, phải chiều họ hết mức để họ đi cho mình, chứ không là tàu thuyền phải đậu bến vì bạn thuyền không có. Và cũng vì ít người nên cường độ lao động tăng lên gấp mấy lần, lại càng thêm vất vả và khó nhọc hơn.

          *****

   Nghề đi biển giờ cũng không mấy khả quan. Vì với lối đánh bắt tinh vi, xảo quyệt, tận diệt. Tàn phá hệ sinh thái, môi trường như hiện nay. Đánh bắt từ trong trứng hay những con cá, con mực nhỏ như que tăm cũng đều không thoát. Vào mùa hè là mùa vụ chính của ngư dân vì có nhiều thức ăn, cá, mực với các loại hải sản sinh sản rất nhiều. Họ lại chế ra phương thức đánh bắt là gắn điện vào lưới giã cào rồi cho tàu thuyền chạy rất thấp ga, con cá, con mực nếu vấp phải là chết luôn hoặc khi đánh mành chà, mành đèn là họ đánh mìn, bộc phá. Không có một con cá, con mực nào còn sống sót. Hoặc có những đoàn tàu chuyên làm nghề lặn. Họ chạy tàu thuyền ra những điểm có cá, có mực. Từ độ sâu 15 đến 32 mét nước tính bằng sải tay. Khi đến nơi, họ neo tàu thuyền lại và cho người lặn xuống những cồn rạn, những bãi đá ngầm, những rạn san hô tìm hang hốc, lối di chuyển của những đàn cá lớn, của những con mực nang. Sau khi nắm được chính xác hướng đi về cũng chúng, thế là họ đặt những khối bộc phá từ 3 - 5 cân. Thậm chí 10 cân rồi cho nổ. Thử hỏi còn cá, mực... nào sống sót ?

   Cuộc sống của những gia đình ngư dân có chồng, con đi biển hầu hết đều rất nghèo. Nếu gặp phải những gia đình đông con, lại tuổi ăn tuổi lớn và đang đi học thì lại càng khổ. Gặp năm được mùa, cá, mực nhiều thì kinh tế tạm đủ ăn, con cái được thêm bộ quần áo mới. Bữa ăn đầy đủ chất hơn, nhưng gặp phải cái năm mất mùa. Cá, mực với các loại hải sản đều không có. Thời tiết lại không thuận lợi, bão tố, không khí lạnh tăng cường với những đợt gió mùa đông bắc liên tục, biển động thì cái gieo neo, nghèo thiếu càng hiện rõ. Những người người ngư dân chỉ ở trong những căn nhà cấp 4, tường gạch, mái ngói đã xỉn màu vì mưa nắng. Mặc dù thời đại đi lên, muốn tu sửa lại căn nhà nhưng tiền không có, đành phải chấp nhận

bình chân như cũ chứ không thể khác. Làm mùa hè, ăn mùa đông. Hết mưa là hết nước giọt, câu nói của những người dân làng chài đúng và rất chính xác.

   Vẫn biết vậy, là vất vả đấy, là khó nhọc đấy, là xuống sức và mau già đấy, là nghèo vì thu nhập bấp bênh đấy, sống chết không biết đâu mà lường đấy. Nhưng là nghề của cha ông truyền lại cũng không thể bỏ được, hình như nó đã ngấm vào máu thịt, sinh vì nghề, tử vì nghề là vậy. Lại phải bám biển, lại phải vào lộng ra khơi, lại phải chịu nhọc nhằn vất vả, như quy luật muôn đời vẫn thế!

   Ở xã Cẩm Nhượng của Nguyễn Sinh cũng có rất... rất nhiều gia đình rất giàu có. Đó là những gia đình buôn bán, hoặc có con cái đi nước ngoài. Họ ở trong những căn nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi. Cuộc sống sung sướng nhàn hạ. Có vốn chấn họ mua bất động sản, mở khách sạn, nhà hàng (mà ở xã Cẩm Nhượng bây giờ đã có khu du lịch Thiên Cầm, các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm). Vào các ngày nghỉ, ngày lễ du khách về đông nghẹt, xe cộ san sát, đậu nối đuôi nhau từng dãy. Họ tắm biển, vui chơi, nhậu nhẹt suốt ngày đêm, nhà hàng, khách sạn nhiều khi không có chỗ cho du khách đặt vé. Bây giờ đang là mùa dịch nên khu du lịch Thiên Cầm đóng cửa, nhà hàng, khách sạn cũng vậy, không một bóng người qua lại, vắng ngắt.

 Quay lại lúc đầu mà tác giả đã viết. Cuộc sống của những người ngư dân vẫn phải lam lũ, chịu đựng mọi sự gian khổ đến cùng cực. Vẫn bám biển với niềm tin vào tâm linh nhờ Thánh Thần, tổ tiên ông bà phù trì phù hộ.

Vào mùa hè, mùa vụ chính của ngư dân, biển lặng suốt. Cá, mực với các loại hải sản nhiều nên thời gian đi biển thường dài hơn, xa hơn, thu nhập khả quan hơn với những chuyến biển dài ngày. Đánh bắt từ độ sâu làn nước biển từ 15 đến 32 mét nước tính bằng sải tay mà Nguyễn Sinh đã kể. Chỉ có những điểm xa hơn, sâu hơn như thế mới có nhiều cá, nhiều mực...chứ trong lộng đánh bắt không ăn thua, nhiều khi còn bị lỗ chi phí vì tàu thuyền nhiều cộng với lối đánh bắt tận diệt, tàn phá môi trường sinh thái nên các loại cá và hải sản đều phải trốn ra ngoài khơi xa.

  Đó là mùa hè, còn về mùa đông. Khi những đợt không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về liên tục. Biển động dữ dội với gió cấp 6 cấp 7, giật cấp 8 cấp 9, lại bão tố cơn này đến cơn khác. Trời mưa rét tái tê và không thể đi biển được. Những người ngư dân lại ngồi nhà cặm cụi vá lưới, sửa sang lại ngư cụ, tàu thuyền và khi nghe đài báo thời tiết biển : Vịnh Bắc Bộ cấp 4 cấp 5 (nghĩa là biển bắt đầu chớm lặng, biển Hà Tĩnh chúng tôi nằm trong vịnh Bắc Bộ), là đi luôn. Mặc kệ trời mưa rét, mặc kệ biển còn lào nhào, chưa thật sự lặng hẳn, mặc quần áo ấm vào, mặc đồ ni lông vào và ra đi. Không đi thì đói, phải cắn răng đi trong gió bấc mưa dầm với cái lạnh xuyên thấu thịt da. Mặc bao nhiêu quần áo ấm cũng thấy như chưa mặc vậy, vì khi ra ngoài biển, gió thổi thông thốc, mưa vuốt mặt không kịp, thấy sao mà khổ mà cực đến vậy. Mình ra đi biển trong khi đó mọi nhà, mọi người đang say sưa giấc ngủ với chăn êm nệm ấm. Cảm thấy một nỗi buồn dâng lên trong nước mắt, nỗi lòng thêm xót xa, cám cảnh cho thân phận. Chỉ mong sao cho gặp được cá, mực...để sớm trở về với gia đình, người thân, bạn bè và quê hương.

   Mỗi chuyến đi biển là một niềm tin, niềm hy vọng của con người vào tương lai. Chỉ mong sao trời yên biển lặng để những con tàu, những đoàn thuyền lại trở về với những mẻ cá nặng lòng khoang. Cũng chỉ khi đó. Những người mẹ, người vợ với những đứa con mới thở phào nhẹ nhõm sau những đêm lo lắng cho những người đàn ông trong gia đình trước những khó khăn nhọc nhằn và rất nhiều khi có cả những nguy hiểm ở biển khơi.

   Có tiếp xúc với ngư dân mới thấu hiểu được phần nào những gian khó, nhọc nhằn mà họ phải vượt qua. Mấy con người trên một chiếc thuyền trở nên bé nhỏ, chênh vênh và mỏng manh vô cùng giữa biển khơi bao la. Gặp con sóng lớn, dông lốc hay mưa gió bất thường, xung quanh không có chỗ bám víu. Họ chỉ có thể cùng nhau giữ vững tay lái cùng với sự hỗ trợ của những thuyền bạn và trên hết là hy vọng, niềm tin. Đưa nhau về nơi trú ngụ an toàn, hay những lúc bạn thuyền lên cơn đau đột ngột. Giữa đêm tối mịt mùng, không có thuốc men mà thuyền còn quá xa đất liền. Họ phải nương tựa lẫn nhau vượt qua cơn hoạn nạn, và còn rất nhiều... Rất nhiều khó khăn khác mà chỉ những người ngư dân đi biển, người trực tiếp đối mặt mới hiểu được. Khó khăn là vậy, nhưng những ai đã gắn bó với biển thì sẽ không thể nào rời xa. Vì đối với họ. Biển là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Những lúc mưa bão ập đến hay những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. Biển động, tàu thuyền phải đậu bến mấy ngày, có khi gần tháng như năm nay. Lòng những người ngư dân lúc nào cũng bồn chồn và da diết nhớ những chuyến ra khơi. Chỉ mong sao sớm có thể tiếp tục những chuyến đi gian nan nhưng thắm đượm nghĩa tình.

          *****

   Tính tình những người ngư dân làng chài bao đời nay vẫn vậy. Họ hiền hòa chất phác, cần cù, chịu khó. Đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Nếu bạn lần đầu nói chuyện với một ngư dân, nhiều khi có thể giật mình với giọng nói sang sảng, đậm chất miền trung và rất nặng thổ âm, thổ ngữ (răng...rứa... mô...tê) của họ. Nhưng có tiếp xúc mới biết. Dù "ĂN TO NÓI LỚN", dùĂN SÓNG NÓI GIÓ" nhưng họ lại rất nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau, kể cả những người khi mới gặp lần đầu. Phải chăng họ là những

NGƯ DÂN LÀNG BIỂN

 

Chuyện làng quê