Những câu thơ như một sự hàm ý gợi lên cho người đọc là thơ “ tôi” sẽ viết như thế nào, nó thể hiện điều gì? “Tôi”- người chúng ta nhắc đến ở đây chính là Vũ Gia Hà, một nhà thơ mới xuất hiện trong làng thơ Việt Nam.
Hoa nở trong trăng là tập thơ đầu tay của Vũ Gia Hà. Tập thơ bao gồm 88 bài thơ được chia làm ba phần: Cõi người, cõi tình yêu và cõi siêu tưởng. Xuyên suốt cả tập thơ đó là một Vũ Gia Hà với những chiêm nghiệm về cõi người, về tình yêu, và cả mộng tưởng.
Vũ Gia Hà tên thật là Vũ Văn Đoàn, anh tốt nghiệp lớp K12, khoa Viết văn- Báo chí (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du danh tiếng), Đại học Văn hóa Hà Nội. Anh lấy bút danh Vũ Gia Hà là ghép từ họ Vũ với chữ Gia (huyện Tĩnh Gia) và chữ Hà (xã Hải Hà), một miền đất vùng biển của tỉnh Thanh Hóa.
Trong bài viết này, chúng ta cùng cảm nhận về “cõi người”- một phần trong tập Hoa nở trong trăng. Cõi người bao gồm 35 bài thơ với nội dung chủ yếu là những suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả về thời cuộc, những thăng trầm trong cuộc sống, sự cô đơn của con người trong xã hội ngày nay. Nhưng trên hết, con người vẫn luôn muốn hướng đến một điều tốt đẹp hơn, trăn trở để làm sao chúng ta đừng tự dập tắt nhau.
Với Vũ Gia Hà, con người muốn tồn tại ở thế giới này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp. Những ganh đua, ghen ghét ở đời, chiến tranh, dịch bệnh, sự đổi thay lòng người, bất chấp mọi thứ để đạt được điều mình muốn mà không quan tâm đến mọi thứ xung quanh… Tất cả những điều ấy làm cho “tôi” cảm thấy cô đơn trong chính thế giới mình đang sống.
Tôi hai lăm tuổi
Như hai lăm viên sỏi
Lúc nào cũng sắp rơi vào hố cô đơn
( Tôi hai lăm tuổi)
Một chàng trai trẻ hai mươi lăm tuổi, nhưng lúc nào cũng cảm nhận thấy sự cô đơn nó bao vây xung quanh mình. “Tôi” cùng lớn lên như bao người “Như anh/ Như chị/ Như bạn/ Như em”. Trong khi “tôi” thấy mọi người rất đáng yêu thì tôi lại tự nhận thấy mình lẩn thẩn, vớ vẩn, ngáo đá, chập cheng, hâm hấp, tự nhận thấy nỗi buồn của mình không giống ai. “Không có ai cùng tôi lên đường”, tưởng rằng có “em”, nhưng vừa đến chân tường em đã ngoảnh lại vì có tiếng chó dại, em sợ bị xơi tái. Chàng trai trẻ một mình “lầm lũi”, vì xã hội này đầy rắn, rết, khủng long, mọi người thể hiện sự quan tâm và đánh giá về nhau dựa trên vấn đề tiền bạc, vật chất. Tôi sẽ chỉ là một thằng tồi nếu không có tiền để cho bạn đi xem một vở kịch, và em cũng thấy không có “kích thích” với tôi nếu hình tượng chẳng có gì thay đổi “Ngoài mái tóc rẽ ngôi/ Và mấy bộ quần áo mặc nhiều năm chưa thay đổi” (Tôi hai lăm tuổi).
Vũ Gia Hà còn cho ta thấy một lối sống vô cùng thực dụng trong cái xã hội hiện đại, cái thời sung sướng nhất này. “Tôi thực dụng/ Bạn cũng vậy/ Nếu một trong hai khác quan điểm sống/ Thì tôi/ Thì bạn/ Chỉ xem nhau là những người bạn của trà đá/ Của rượu/ Của bia/ Của cái bắt tay chiếu lệ” (Bàn tay giả). Chúng ta quá lạm dụng, quá sa đà vào internet, điện thoại, facebook, gmail mà quên đi những sự gắn kết của ta với quá khứ, những người thân, người bạn quen thuộc, những kỉ niệm đã nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn. Tất cả đã trở nên “han gỉ” vì những “phím chữ”, “tin vịt”. Hay “Hãy nhìn những con phố/ chỉ thấy đàn ông nhìn nhau qua hơi rượu/ Những cô gái/ Chỉ nhìn nhau vì chiếc áo ngàn đô” (Tâm hồn chết). Cho nên “tôi” thấy “quá buồn”, “cô đơn”, không biết có “ai đợi tôi/ để đi về/ cõi chết” (Tôi xanh), hay “Tôi ra biển/ Vô định như chiếc lá/ Trôi giữa giấc mơ/ Dấu chân tôi/ hoàng hôn/ Không thèm rủ xuống” (Cô đơn). “Tôi” đã “bật khóc” trước sự tàn độc của cái ác, nó “nhan nhản”, “bình thản”, nó “nhe răng ngấu nghiến cái đẹp”, “lương thiện” của tâm hồn (Tâm hồn chết).
Trong Mười bốn ngày cách ly, là thời gian mà “tôi” cũng như nhiều người cảm nhận rõ sự cô đơn nó như thế nào. Nói chuyện với bóng mình, mùa học như ba tháng hè vắng vẻ, hàng quán thưa khách, nhà thờ, chùa chiền ít người viếng thăm. Những đôi yêu nhau cũng không thể gặp mặt nhau, những nắm tay rụt lại, những nụ hôn phải giấu đi. Vũ Gia Hà còn liên tưởng nếu những A Li Ba Ba, A La Đanh, cô Tấm, hoàng tử, nàng Đê Chan Cơm, nàng Kiều, Đôn Ki Hô Tê, A Quy mà có ở thời này chắc cũng chỉ dám ở trong nhà, vì lúc nào thần chết cũng đến rất gần, đâu đâu cũng thấy “màu khẩu trang như màu áo tang”.
Tôi nghĩ gì trong căn phòng có một ô cửa
Chiều cuối thu
Tôi cuối thu
(Nỗi sợ và tôi)
Chúng ta cứ thử hình dung một chàng trai trong một căn phòng trọ nhỏ, một ô cửa sổ be bé vào một buổi chiều mùa thu. Nó rất đối lập với sự hào nhoáng, xa hoa, tấp nập nơi đô thị. Tôi nói với em về nỗi buồn nơi phố xa, nơi chỉ có xe và khói bụi. Tôi và em tiếp tục thử đi vào suy nghĩ của nhau. Nhưng cả hai chỉ nhận được “Mấy chiếc lá vàng/ Mấy vết chim/ Còn lưu lại đâu đây”. “Tôi” không tin điều đó nên tiếp tục cùng em đi vào một khu rừng xa thành phố khói bụi, nhưng kết quả là “Không một chiếc lá vàng/ Không một vết chim/ Còn lưu lại trong tôi”. Sau tất cả chỉ có “tôi” và “nỗi sợ” tồn tại trong “căn phòng có một ô cửa”.
Sự “cô đơn” của “tôi” không chỉ tồn tại trong hiện thực nữa, mà ngay cả trong mơ, trọng mộng tưởng, khi tưởng rằng mọi thứ đã chìm sâu vào giấc ngủ thì sự “cô đơn” ấy vẫn không ngủ yên. “Thời gian thật vô nghĩa với tôi bởi tôi không tìm thấy sự bình yên và sạch trong của tâm hồn khi thời gian trôi qua/ mỗi tối tôi thường trau chuốt mình bằng ý nghĩ rỗng không. Nhưng tiếc thay, sự ích kỷ của màn đêm chỉ cho tôi bằng lòng trong giây lát/ Vì vậy trong giấc ngủ, tôi lại trau chuốt mình bằng giấc mơ rỗng không” (Nỗi buồn pha lê). Hay “Tôi muốn ngủ quên/ Để đôi mắt không buồn/ Nhưng trong mơ/ Tôi lại thức” (Bay cao).
Một tâm hồn “cô đơn”, buồn chán, tưởng rằng “tôi” chỉ nhìn thấy cuộc sống quanh mình chỉ có sự đau khổ, tẻ nhạt ấy. Nhưng không, trong tâm hồn ấy là một trái tim vẫn rất yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu những sự bình dị nơi làng quê thân thuộc, trân trọng tình cảm gia đình, tình làng xóm.
Hình ảnh những con chim cứ hót từ mùa này sang mùa khác, những chiếc lá vàng khô, những đàn kiến chùn chân trước con chim giả vờ mơ ngủ, giọt sương trên cánh hoa, sự chuyển sắc của bầu trời, những chiếc lá rơi liệng xuống hồ. Hay “Đêm không ngủ/ Đang ủ/ Một nụ/ Tinh tú/ Béo ú/ Một cánh trà/ Nhạt nhòa/ Sương qua” (Nụ đêm)… Thiên nhiên có tĩnh, có lặng, có âm thanh, màu sắc, có hình khối lan tỏa biến chuyển theo thời gian và không gian. “Những hàng cây sáng đỏ/ Những bông hoa hình môi thiếu nữ” (Tôi lại đi), hay hình ảnh những “đám lá vàng khô” trong một buổi mùa thu làm tâm hồn “tôi” xao xuyến “Ai đó đi vòng quanh/ Nhặt hết lá vàng rơi/ Ai đó dở hơi/ Đào mộ chôn từng chiếc lá” (Mộ lá).
Thiên nhiên trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với bức tranh làng quê yên bình, không khói bụi. “Vành vạnh ánh trăng lên/ Tròn xoe trên đỉnh núi/ chim rủ nhau đi ngủ/ Chập chờn kéo màn đêm” (Cười với anh Cuội). Ánh trăng lên, báo hiệu một ngày đã gần hết. Mọi sinh vật sống cũng dựa vào sự thay đổi đó để dừng mọi việc lại, bắt đầu thời gian nghỉ ngơi, để chuẩn bị cho một ngày mới khác sắp đến. Đêm ở quê rất yên tĩnh và trong lành, cho nên ta có thể nghe rõ tiếng những con gà trong chuồng va mỏ vào nhau kêu lốc cốc. Không có ánh sáng điện, nhưng ánh sáng trăng lại soi tỏ cho ta thấy rõ cây hoa nhài đang điểm tô thêm sắc trắng cho màn đêm, hai con thỏ cuộn mình ngủ trên chiếc chân mây một cách ngon lành. Trên cao xa kia, cuộc sống của chị Hằng Nga với anh Cuội mới bắt đầu. Chị Hằng Nga đang ngất ngây trong điệu múa Nghê Thường, và anh Cuội thì đang lon ton dẫn đàn trâu đi chăn. Không chỉ vậy, trong Đêm vàng, tác giả còn nhận ra mùi hương đêm nơi làng quê: mùi hương của hoa dại, của những cọng rơm lá cỏ bình thường, thậm chí còn còn cảm nhận được mùi hương của ánh trăng “Ánh trăng phả bỗng thành quý phái”. Thậm chí tác giả còn ví ánh trăng như “những giọt vàng” “cựa trên mi mắt”, “in trên vành chữ” trong từng mỗi con người chúng ta.
Ngày mới bắt đầu với Sớm mai vàng: Hình ảnh một buổi sáng sương mơ, khi cảnh vật còn lờ mờ chưa hiện rõ, mọi sinh vật sống đang chờ đợi ánh sáng của mặt trời: bụi cỏ, chú chó, chú chim sâu… cùng hình ảnh thân thuộc nhất trong mỗi gia đình làng quê đó là hình ảnh người mẹ “Mẹ đã dậy từ lúc sao phai/ Chong đèn sáng ở ngoài lối cửa/ Mẹ xuống bếp quẹt diêm nhóm lửa/ Hong xôi bán sửa soạn đời con”. Người mẹ lúc nào cũng là người hy sinh tất cả vì gia đình, vì con cái “Trên chiếc giường những giấc mộng non/ Cứ bám víu mỏi mòn tay mẹ/ Bố mất sớm như cây bị trẻ/ Lá làm sao mạnh mẽ được đây”. Chúng ta có thể thấy ở đây một cái “tôi”- Vũ Gia Hà rất trọng tình cảm, một người rất coi trọng tình cảm gia đình. Nên trong bài Khóc mẹ, Vũ Gia Hà viết “Mẹ tuyệt vời ông mặt trời/ Mẹ thiêng liêng/ Ai bằng mẹ”. Rồi “Khi mẹ đã về ngủ với hoa” thì “Tôi dại khờ/ Ôm linh hồn mẹ khóc ngày đêm/ Ra đi/ Tôi đem theo nắm đất từ mộ mẹ”. Hay hình ảnh gia đình quây quần bên bếp với làn khỏi tỏa, bà tóc thưa mắt kém, ông già với chòm râu đang ngồi uống trà, thằng bé con ngủ, mẹ hái rau, gọi con vặt khế nấu canh chua, người bố cuẩn bị để ngày mai con thuyền ra khơi… Tất cả là một bức tranh làng quê vô cùng yên bình, hạnh phúc và đáng sống.
Cõi người trong thơ Vũ Gia Hà không chỉ được thể hiện qua đời thực mà còn ở thế giới tâm linh. Chúng ta thấy Gia Hà nhắc nhiều đến Chúa, Phật, Diêm Vương, ma, sự hủy diệt, cái chết… Trong Mười bốn ngày cách ly tác giả có viết” Tôi chẳng tin vi rút do Thượng Đế phái xuống/ Bởi Thượng Đế luôn có đức hiếu sinh/ Bởi Thượng Đế luôn muốn những đứa con của mình khỏe mạnh”. Với Vũ Gia Hà, tôn giáo nào cũng hướng tới những điều tốt đẹp cho con người, nên những đớn đau mà chúng ta phải chịu đều do chúng ta tự chuốc lấy mà thôi. Thế giới tâm linh Vũ Gia Hà còn được thể hiện qua nhiều hình ảnh mang truyền thống, phong tục của người Việt Nam: thắp hương “Tôi lang thanh như que nhang/ Phả hương/ Nhử linh hồn” (Tôi xanh), hay hình ảnh “Trước khi vào bữa ăn/ Mẹ nhẩm tên bố về ăn cùng” (Bữa cơm chiều”. Rồi hình ảnh “Bài thơ cúng chúng sinh” gắn liền với đạo Phật. Sự kết nối của hiện tại với quá khứ, của những người còn sống với những người đã khuất.
Cô đơn, buồn chán với thời cuộc, nhưng không phải vì thế mà “tôi” dửng dưng với cuộc đời. Cõi người trong Vũ Gia Hà còn là sự thức tỉnh cho mỗi cái “tôi” trong thế giới này, phải thay đổi, phải làm gì đấy, đừng “tự dập tắt nhau”.
Trong Tôi hai lăm tuổi “Tôi xin làm trái ớt để cay miệng người”, “Tôi muốn cắn vỡ mặt trời/ Bởi sống để chờ chết/ Có nghĩa lý gì không?”. Một con người rất trân quý cuộc sống, vẫn nhìn thấy sự tươi đẹp của thiên nhiên, vẫn yêu tha thiết quê hương, gia đình của mình thì sao có thể ngồi im trong căn phòng chật chội được. Bởi lẽ vật chất sẽ chẳng còn giá trị gì khi thân xác ta không còn “Tôi ngồi tĩnh tâm lại đời mình và kiếp người/ Những đồng pô li me những thẻ ngân hàng/ Chẳng bao giờ theo ta được khi xác thân này không còn”, “Tại sao chúng ta để hao mòn tâm hồn/ Vì những thứ rồi cũng bỏ ta/ Cuối cùng bệnh tật vi rút ập đến bất ngờ/ Mỉa mai ta bằng những cơn đau” (Mười bốn ngày cách ly). Những con vi rút ập đến một cách quá nhanh, quá bất ngờ, không đoán định được, không kịp ngăn cản, lan ra toàn thế giới như một cơn gió. Nó giống như một bài toán mà tất cả mọi người muốn tiếp tục tồn tại phải tìm ra đáp án để “Cho cuộc sinh tồn vĩnh hằng bớt đau khổ”. Nếu như cuộc sống chỉ tồn tại toàn những điều giả dối, những ghanh ghét, đố kỵ thì “Chẳng bao lâu chúng ta han gỉ/ Chúng ta cảm lạnh” (Bàn tay giả).
Vũ Gia Hà còn muốn thay đổi cái xã hội buồn chán ấy bằng cách vẽ nên những bức tranh màu sắc cuộc sống qua chính những vần thơ của mình. “Tôi căng mình để sống nên tôi viết những vần thơ bắt đầu/ Tương lai là những vần thơ xếp chồng lên nhau” (Nỗi buồn pha lê). Chỉ khi trong con người “tôi” có một sức sống mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng tích cực mới có thể vẽ ra được một hành trình tương lai như vậy. “Để không đơn điệu, tôi vẽ những chiếc lá xanh, ngày mới là mùa xuân, tôi đắm mình trong muôn sắc/ Tôi viết tiếp dòng thơ nguệch ngoạc, ngày mới là con đường khó đi, con đường dẫn về miền đất hứa/ Tôi vẽ thêm những chiếc lá vàng, ngày mới là mùa thu, tôi lạc trong vườn trăng vàng khắt” (Nỗi buồn pha lê). Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn, nếu “tôi” tự vẽ ra được một bức tranh đẹp từ trong tâm hồn mình. Trong Mùa buốt giá, “tôi” còn mang cái lòng tốt, sự từ bi, thiện lương trong tâm hồn mình “Để rải lên lá cỏ xanh rì/ Để chạm vào mắt mi độc ác/ để cất giữ trong tim người hiền”.
Trong khao khát tìm kiếm sự thay đổi, Vũ Gia Hà đã gặp được nhiều người cũng có tâm hồn giống mình. “Đêm làng quê chẳng ai than nghèo/ Người ta muốn reo ca lòng tốt/ Người ta muốn hát cùng núi sông/ Người ta muốn sống cùng cánh đồng/ Màu lúa màu cây màu áo cũ/ Màu mắt hiền như những vị tiên” (Đêm vàng). Đó là những con người hồn quê chân thật, đơn sơ và mộc mạc. Họ sống hòa cùng thiên nhiên, núi sông, cây cỏ. Nghèo khổ nhưng không vì thế mà than thở với đất trời, không vì thế mà rời bỏ “màu lúa màu cây màu áo cũ” ấy. Họ muốn có một cuộc sống đẹp, ý nghĩa để gieo vào lòng những thế hệ sau một sức sống tích cực như thế.
Phần Cõi người nói riêng và tập thơ Hoa nở trong trăng nói chung được Vũ Gia Hà viết theo thể thơ tự do, nên không có sự rập khuôn, gò bó. Vì thế mà khi đọc, chúng ta cảm thấy như đọc được lời tâm sự của tác giả: lúc thăng trầm, lúc cao trào trong cảm xúc, nhưng cũng có lúc lại bị hụt hẫng “rơi” một cách tự do. Như nhà thơ Thanh Thảo từng nói “Là nhà thơ bao giờ cũng nuôi khát vọng vượt thoát một cái gì. Cái gì đó có khi chính là chữ, là vần, là nhịp, là nhạc, là tất cả những gì tạo nên cái vỏ vật chất của nhà thơ. Khao khát vượt thoát, ý hướng tự giải phóng đó gặp được một hình thức thích hợp: đó chính là thơ tự do” (Thanh Thảo- Mãi mãi là bí mật- Nxb Lao động Hà Nội, 2004, tr.310).
Với thể thơ tự do, không bị gò bó về số chữ, vần điệu nên Vũ Gia Hà có thể thỏa sức sáng tạo theo ý hướng mình. Một chữ, hai chữ, chín rồi mười chữ, thậm chí có dòng thơ là cả một dòng thơ dài với ba câu được đặt không tách rời. Tất cả tạo nên một nhịp điệu cảm xúc khá riêng biệt. Giống như một bản nhạc hòa tấu lúc nhanh dồn dập, nhưng lại có lúc chậm rãi, có lúc miên man vô tận nhưng tự dưng lại lặng đi chỉ bằng một nốt nhạc. Chẳng hạn trong đoạn thơ này “Trên khoảng đất đầy rẫy vết chân kiến/ Mấy chú chim buồn không muốn hót/ Đợi một chiếc lá vàng/ Rơi/ Mới bay đi” (Vô hướng). Ta thấy ở đây, nhịp thơ đang dài dần chậm lại 8/ 7/ 5 rồi tự dưng “rơi” chỉ có 1 lại tiếp đến 3. Là thơ nhưng đọc lên lại như một lời tâm sự, một sự trải lòng, giống như đang kể bì cảm xúc nghẹn lại như mắc trong lồng ngực, rồi từ từ bình thản lại nhẹ nhàng tuôn ra.
Ngôn ngữ thơ Vũ gia Hà trong Cõi người cũng khá là phong phú và đa dạng. Lúc thì dùng ngôn ngữ rất bình dân, đời thường, lúc lại khá trau chuốt với những từ ngữ mang tính hình ảnh biểu tượng. Điều này tạo nên một sự đa dạng trong ngôn ngữ thơ Vũ Gia Hà.
Để cho chúng ta thấy một cách sinh động và rõ nét về một xã hội hiện đại, nhiều trò, Vũ Gia Hà đã dùng rất nhiều từ trong ngôn ngữ đời thường: thằng ngáo đá, chập cheng, hâm hấp, thớt, trái ớt, thằng tồi, chó dại, xơi tái, kẻ khốn nạn, nhăn răng, thùng rác, đám u ơ, internet, điện thoại, facebook, gmail, tin vịt… Đây là những ngôn ngữ khá phố biến trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng lại được tác giả đặt vào trong những câu thơ của mình. Có thể nhận thấy một sự “thản nhiên” không câu nệ trong thơ Vũ Gia Hà, nhưng đó mới chính là cách miêu tả tốt nhất, rõ nét và dễ hình dung nhất về một phần cõi người trong thế giới này.
Như một cách tự nhiên nảy nở trong một tâm hồn đẹp, ngôn ngữ cũng vì thế mà chứa đựng rất nhiều hình ảnh đẹp: Chiếc lá vàng; giọt sương; cánh hoa vàng; ánh trăng; hàng cây sáng đỏ; những bông hoa hình môi thiếu nữ; con đường có cánh hoa rơi; hình ảnh bình minh đủ sắc trắng, vàng, hồng; những ánh nắng vàng đỏ; những khoảng trời tím thơm; những ánh sao xa…Cuộc sống sẽ trở nên đáng đáng sống hơn khi nó được tô điểm bới những cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên, đất trời. Không những vậy, có nhiều hình ảnh còn mang tính biểu tượng rất cao: chiếc lá vàng, ánh trăng. Những chiếc lá vàng tượng trưng cho mùa thu, cho sự sắp rơi rụng, ngày tàn, sự cô đơn trong lòng. Hình ảnh ánh trăng mang trong mình hai tầng nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và mơ. Ánh trăng gợi lên cho ta về một nơi xa xăm nào đó như trong cõi mộng, mơ hồ “Tôi đi như bóng trăng rằm” (Về xa xăm). Nhưng cũng từ ánh trăng, chúng ta lại thấy được một cuộc sống tực tại, gia đình quây quần dưới ánh trăng sáng, những mơ ước của lũ trẻ về cuộc sống với hình ảnh chú Cuội và chị Hằng Nga mỗi khi trăng lên. Vũ Gia Hà đã cho ta thấy độ mở của ngôn ngữ thơ. Giống như Thanh Thảo từng quan niệm: “Không chỉ kích thích trí tưởng tượng của con người, nó còn khiến con người vững tin rằng ngoài những hình ảnh thế giới mình thấy được, cảm nhận được, còn những hình ảnh mà mình chưa thấy nhưng sẽ thấy, chưa cảm nhưng sẽ cảm được” (Thanh Thảo- Mãi mãi là bí mật- Nxb Lao động Hà Nội, 2004, tr.224-225).
Để cho cảnh vật trở nên sống động, có hồn, những thứ trừu tượng trở nên hữu hình, Vũ Gia Hà đã sử dụng khá nhiều thủ pháp nhân cách hóa và so sánh. Anh viết: “Đàn kiến bắt đầu biết sợ/ Trước con chim giả vờ mơ ngủ”, “Chú chim buồn không muốn hót” (Vô hướng); “Và những chiếc lá thấy lạ mặt đất” (Phố lạ); “Chú chim trong lồng đang ngủ/ Cựa mình gọi tên tôi” (Gặp bố); “Ai đó đang hát ru/ Khiến lá vàng nhớ lại/ Mùa xanh/ Sao qua nhanh” (Mộ lá)… Ở những ví dụ này, tác giả đã sử dụng những tính từ, động từ vốn để sử dụng cho con người vào cảnh vật làm cho vật trở nên có hồn, có cảm giác. Với thủ pháp so sánh, Vũ Gia Hà cũng thể hiện một cách rất tài tình làm tạo nên sự hứng thú, kích thích cho người đọc. Anh so sánh “Tôi hai lăm tuổi” với “Như hai lăm viên sỏi”, “Càng giống thàng đi bụi” (Tôi hai lăm tuổi), hay “Tôi lang thang như que nhang/ Phả hương/ Nhử linh hồn” (Tôi xanh), “Bây giờ tôi bơ vơ/ Như cánh hoa nơi sa mạc/ như tiếng nhạc” (Buồn cuối phố)…
Những trang thơ đa dạng, đầy cảm xúc, màu sắc ấy đã đem đến cho người đọc biết bao suy nghĩ về Cõi người trong thơ Vũ Gia Hà. Từ cái nhìn của anh, người đọc biết sớm nhận ra bộ mặt thật của xã hội, biết sớm thức tỉnh, biết khao khát vươn lên, biết hành động vì những điều tốt đẹp như những thiên thần áo trắng trong làn sóng dịch vi rút vừa qua. Từ cái đẹp của thơ anh, chúng ta nhận ra cái khả năng khám phá, sáng tạo, tự nhiên mà không cẩu thả, không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang đậm tính nghệ thuật, tạo một sức hút mới trong làng thơ trẻ Việt.