Người bay bổng khắp các thiên hà (bài 4)

Phụng Thiên

06/07/2022 22:43

Theo dõi trên

Cõi siêu tưởng là một phần trong tập thơ Hoa nở trong trăng, bao gồm 34 bài trong tổng thể 88 bài thơ của tập thơ. Nếu trong Cõi người là một sự chiêm nghiệm, suy tư, triết lý về cuộc sống; Cõi tình yêu thể hiện một quan niệm yêu luôn say mê, hết mình; thì trong Cõi siêu tưởng, Vũ Gia Hà lại cho chúng ta thấy một thế giới vô cùng vô tận, không thể chạm nắm được.

vu-gia-ha-1657114195.jpg
Vũ Gia Hà

 

Thế giới ấy không hề đối lập hay xa rời thực tại, mà chính là thực tại nhưng ở chiều sâu và xa hơn trong tâm thức con người. Thế giới trong Cõi siêu tưởng là vô cùng vô tận, nó xuyên suốt vượt thời gian, bao trùm toàn bộ không gian trong mọi suy nghĩ của “tôi”. Đọc Cõi siêu tưởng, chúng ta có thể tưởng tượng chủ thể “tôi” ở đây như đang chìm vào chiêm bao, trong cõi mộng, và mọi thứ dần dần hiện ra trong giấc mơ của anh ta.

Trong vô thức, trong giấc mơ, “tôi” giống như có một năng lực siêu nhiên có thể nhìn thấu được tất cả: là thần, hay ma, hay một linh hồn nào đó. “Thấy thần chết đã mỏi tay gạch tên người”, “Mở túi/ Toàn mắt người”, “Tôi bay đi cùng linh hồn kiến”, “Nhiều linh hồn to nhỏ bên tai”, “Có mấy linh hồn run vì lạnh/ Có mấy linh hồn tái sắc xanh”, “Những con mắt người/ Bơi lên nhìn tôi”, “Vài bóng hoa thu sót lại/ Quỳ lạy Đức Phật/ Để được hóa kiếp ăn mày”, “Chúa ngồi xuống ghế rất lâu/ Đau lòng không nói vuốt râu về trời”… Theo lẽ thường mà nói, một người bình thường thì không thể nhìn thấy những điều như vậy được. Nhưng “tôi” ở đây lại có thể nhìn, nghe được hết tất cả, như tường tận mọi thứ. Có lẽ chăng, “tôi” cũng đang tồn tại lơ lửng như một linh hồn nào đó để có thể tường tận mọi ngóc ngách, tường tận cả kiếp người, kiếp sinh vật, có thể nhìn thấy cả sự hiển linh của Đức Phật, của Chúa Trời.

Trong Cõi siêu tưởng, Vũ Gia Hà còn vẽ ra cho chúng ta thấy một thế giới đầy thi ảnh, cũng vô cùng đẹp đẽ. Nhưng cái đẹp ở đây nó tự do, trôi nổi, chúng ta không thể quan sát, thưởng thức bằng cảm quan bình thường giống như việc thấy bông hoa đẹp ngoài đồng bạn có thể tới cạnh rồi chạm, ngửi, thậm chí hái chúng đem về. Cái đẹp ở đây phải cảm nhận bằng tâm hồn, bằng một tâm thức cao hơn bình thường, hay có thể nói, chỉ khi bạn cũng thả hồn mình được tự do, bay bổng trong giấc mơ, khi mọi hoạt động của bạn dừng lại và chỉ có con tim hoạt động thì bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp đó:

                           Thu dạo mùa

                           Lá gửi gió đi chợ

                           Bán màu xanh

                                             (Sự tích mùa)

Mùa thu thường gắn liền với sự rơi rụng, với những hình ảnh con đường trải đầy lá vàng rơi. Thường thì các nhà thơ khi viết về mùa thu sẽ vẽ lên những hình ảnh đậm chất thu như: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xáo xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô” (Tiếng thu- Lưu Trọng Lư), hay trong “Trận gió thu phong rụng lá vàng/ Lá rơi hàng xóm, lá bay sang” (Gió thu- Tản Đà), hoặc ví như: “Đêm trước ta ngồi dưới bãi trông/ Con trăng mắc cỡ sau cành thông/ Buồn buồn ta muốn về, trăng hỏi:/ Thu đến lòng em có lạnh không?” (Tình thu- Hàn Mặc Tử)…Nhưng ở đây, “tôi” lại cảm nhận nó bằng một sự chuyển đổi rất nhẹ nhàng, vẫn giữ được hương sắc xanh, có chuyển đổi nhưng vô cùng tinh tế “Lá gửi gió đi chợ/ Bán màu xanh”, không hề có sự buồn bã, ly biệt, chỉ là “gửi” thôi mà. Đọc câu thơ lên, chúng ta còn có thể thấy dường như “tôi” cũng đang cùng bay cùng “lá” theo làn gió, cùng mang màu xanh ấy đi để bắt đầu cho một bản nhạc dạo đầu mùa thu.

Hay trong Vô tận, “tôi” nhìn thấy sự chuyển đổi của thời gian chỉ bằng một khoảnh khắc bông hoa tàn:

                           Bông hoa sắp tàn

                           Muốn tôi nhìn lần cuối

                           Tôi chần chừ trước ánh trăng mỏi

                           Lan dần qua đám rêu

 

                           Bông hoa bắt đầu rụng

                           Trăng rùng màu

                           Lan vội qua đám rêu

Nhìn một bông hoa, lại như nhìn được cả linh hồn của nó, giống như hai người tri kỷ trước lúc đi xa muốn nhìn nhau lần cuối. Bông hoa dưới mặt đất sắp tàn, ánh trăng ở trên cao như cũng đồng tâm trạng “ánh trăng mỏi”, cũng như “tôi” vẫn còn đang chần chừ “lan dần qua đám rêu”. Để rồi khi bông hoa bắt đầu rụng xuống, ánh trăng bất chợt “rùng màu” giống như cảm giác rùng mình, sợ hãi, hơi lạnh lẽo của con người khi bất chợt mất mát đi một người thân nào đấy. “Lan vội qua đám rêu”, thời gian đã dịch chuyển một cách nhanh chóng, vội vàng, mau lẹ như sợ rằng không thể bắt kịp sự rơi rụng của bông hoa.

hoa-no-trong-trang-vu-gia-ha-1657114275.jpg
Hoa nở trong trăng. Ảnh Nguyễn Thị Kim Nhung

 

Sự cảm nhận tinh tế, thả hồn trong mộng còn được thể hiện rất rõ trong Hoa nở trong trăng:

                           Tôi đã thấy                                                                

                                    Nụ hoa duy nhất nơi hiên nhà

                                    Đang nở trong trăng

“Hoa nở trong trăng”, có thể ở hiên nhà có một cây hoa, có một nụ hoa trên cao nhất, “tôi” khi ngồi ở hiên nhà, ngước nhìn lên trời, chọn lấy một “điểm vàng” ngắm nụ hoa trước tầm mắt, rồi mặt trăng ở đằng sau thành một hàng nên thấy như hoa nở trong trăng. Nhưng cũng có thể, với một tâm hồn mơ mộng, yêu cái đẹp, nụ hoa ở đây không phải là nụ hoa bình thường nữa, nó chỉ hiện ra trong trí tưởng tượng của “tôi”, nhìn ánh trăng đẹp, rồi nghĩ rằng phải có một nụ hoa rất đẹp đang nở ở trong đó. Giống như ông bà ta thường chỉ vào ánh trăng và bảo trong đó có chú cuội đi chăn trâu, có chị Hằng Nga xinh đẹp để lũ trẻ con cứ nhìn vào trăng là nghĩ như vậy. Vì “nụ hoa nở trong trăng” ấy, nên không phải ai cũng nhìn thấy vẻ đẹp của nó “Xa mắt người/ Nên chẳng tươi/ Chẳng mong được hái đặt trên bàn”. Cho nên thời gian ẩn hiện của ánh trăng cũng chính là sự nở tàn của nụ hoa “Không nở mà rụng đi”. “Nụ hoa rụng xuống hiên/ Bắt đầu nở/ Thành bông hoa vàng rực” giống như một thời khắc khác đã đến, là một ngày tươi mới rạng rỡ ánh mặt trời.

Cảm nhận, sống trong một thế giới cao hơn hiện thực nhưng lại không thoát ly hiện thực. Cõi siêu tưởngcủa Vũ Gia Hà là sự lên tiếng của những ẩn ức, những đè nén bên trong lòng. Từ cái hiện thực nó ám ảnh đến cõi mơ, cõi mộng, cái hoạt động vô thức của con người.

                                    Vì đâu vi rút về hành tội

                                    Ăn thân người bịt lối ô xy

                                    Trăm đường chẳng thấy ai đi

                                    Hoa tàn lá rụng mắt mi rầu rầu

                                                               (Đi qua dịch bệnh)

Vì dịch bệnh quá dã man và tàn ác, nguy hiểm hơn cả bom đạn và chiến tranh. Nó khiến cho người với người không thể đứng cạnh nhau, không còn những cái ôm hôn thân thiết, những cuộc gặp gỡ thân tình. Đến cả những giờ phút sinh ly tử biệt cũng phải lặng lẽ, đơn độc: “Có gia đình nhiễm lâu nằm chết/ Còn một người lê lết đau thương/ Đám tang lặng lẽ bình thường/ Không ai phúng điếu đưa đường biệt xa”. Hay trong Nỗi buồn lạ, “tôi” miêu tả đêm đông Noel vô cùng khác biệt: phố đêm ít người, quán trà vắng khách, mọi người đều bịt khẩu trang khi ra đường… Cho nên, trong Những ngày cách ly tại nhà,“tôi” đã muốn lên chùa xuống tóc đi tu, nhưng không thành vì “giãn cách”. Nên “Tôi muốn tháo chạy/ Khỏi cuộc sống đầy rẫy hiểm nguy/ Nhưng tôi biết đi đâu/ Khi bầu trời cũng phải đóng cửa”. Tất cả những điều đó đã ám ảnh “tôi” để rồi “tôi” trong một cõi khác nhìn thấy thần chết đang “mỏi tay gạch tên người” khỏi sự sống, nhìn thấy những oan hồn tụ tập kêu la thảm thiết, khóc lóc, rồi ôm nhau kể khổ. “Tôi” như cũng đang sống cùng thế giới của những linh hồn ấy. Người ta thường nói, ban ngày anh nhìn, ngắm, anh nghĩ về cái gì thì trong mơ anh sẽ tiếp tục nghĩ về cái đó. Đó là sự liên kết trí óc con người giữa tưởng tượng với đời thực.

Hay trong Mùng một:

                                    Mùng một

                                    Chưa kịp thắp hương

                                    Nhiều linh hồn to nhỏ bên tai

Quan niệm thắp hương vào ngày mùng một, ngày rằm hay lễ tết là một truyền thống tốt đẹp. Trong ngày này, thường con cháu trong gia đình sẽ làm lễ thắp hương cầu mong cho gia đình được bình an, khỏe mạnh, may mắn, cầu mong cho các linh hồn tổ tiên được siêu thoát, không vướng bận trần thế… Đây là việc làm thể hiện tấm lòng của con cháu kính hiếu với ông bà tổ tiên. “Tôi” chưa kịp thắp hương, hay nói rộng ra là cuộc sống này khiến nhiều người quên đi việc làm đó, chỉ chú trọng đến cuộc sống trước mắt mình mà quên đi người đi trước mình. Khói hương với người đã khuất cũng cần như thức ăn, nước uống chúng ta dùng hàng ngày. “Tôi” thấy linh hồn họ cũng buồn bã, than ngắn thở dài, họ run vì lạnh, tái sắc xanh. “Tôi vội vàng thắp hương/ Nhiều linh hồn khác đến/ Ra hiệu thắp thêm hương/ Và nhờ tôi nhẩm đọc mấy đoạn kinh cầu”. Có rất nhiều linh hồn bị bỏ rơi, không người hương khói. Đó cũng là một lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay.

Cuộc sống trở nên phong phú, không đơn lẻ, đáng sống hơn trong Cõi siêu tưởng của Vũ Gia Hà. Nhưng thế giới ấy không phải được vẽ ra bằng sự ngẫu nhiên, mà bằng sự trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống, bằng những hiểu biết sâu sộng của mình về thế giới nhân sinh quan, bằng chính sự yêu thương của bản thân mình với cuộc sống này. Vì chỉ khi có một tâm hồn đẹp, bạn mới có thể hòa đồng vào thế giới đó được.

Những hình ảnh thi vị hóa ấy được Vũ Gia Hà sử dụng mang đầy sự cảm quan mới lạ: “Tôi nằm gọn trên chiếc lá/ Và bắt đầu vàng lên’, “Tôi tan trong miệng kiến’, “Tôi bay đi cùng linh hồn kiến” (Linh hồn nhỏ). “Tôi” là một người to lớn như vậy mà trở nên nhỏ bé trước chiếc lá, trước miệng kiến. “Bắt đầu vàng lên” nó giống như một trạng thái khá thảnh thơi của “tôi” khi đã biến hóa thành một linh hồn nhỏ, có thể tự do bay bổng đi vào trong và khám phá những điều nhỏ bé nhất. Trong con mắt của Vũ Gia Hà, những vật tưởng vô tri, vô giác cũng trở nên đầy sắc thái:“Mây cũng đau/ Đá cũng nhàu/ Vài nốt nhạc tự lên màu/ Và sầu như những câu kinh” (Lặng lẽ). Hay trong Buồn ê: “Những chiếc lá/ Chở lời gian dối/ Đổ tràn xuống thế gian”, “Ngọn đèn nơi cuối phố/ Muốn thổ lộ với tôi/ Vài bí mật đêm”, “Tôi và giọt cà phê/ Rơi xuống cốc ngân hà”. Chiếc lá, ngọn đèn, Giọt cà phê đã trở thành như những con người thật sự. Chiếc lá đại diện cho một người với đầy sự gian dối, ngọn đèn giống như một người chỉ bạn đi theo ánh sáng, còn giọt cà phê lại như một người bạn tri kỷ cùng “tôi” đi đến tận cùng của sự vô tận.

Thả hồn mình ở tầng không trung ấy, “tôi” trở nên thanh thoát và nhẹ nhàng như gió, như mây, có thể lóng lánh lên tận trời cao: “Những vết chân tôi/ Lóng lánh lên tận cõi trời” (Ánh sáng); có thể dễ dàng “siêu sinh/ Cho các chư thiên” (Lặng lẽ). Thậm chí trong miền hoang tưởng ấy tôi đã chết nhưng cái chết ở đây không phải bất động, không phải là chấm dứt, mà vẫn có thể đảnh lễ cầu kinh cho linh hồn siêu thoát “Tôi đã chết trên miền hoang tưởng/ Những ngón tay còn cựa quậy/ Để đảnh lễ vị Cao Siêu” (Buồn ê). Rồi “tôi” còn có thể tự tự đi nhặt cánh tuổi tôi, cánh tuồi của nhiều người khác, ăn cắp thêm cả cánh tuổi trái đất ở kiếp trước để bỏ vào bình hoa như một sự lưu niệm trong Tôi kiếp trước.

Cõi siêu tưởnglà một thế giới đẹp của chân - thiện - mỹ. Cái đẹp được cảm thụ không phải bằng những giác quan bình thường, là cảm nhận bằng tâm hồn, từ cái tâm thiện đẹp đẽ nhất. Một nhà sư đang giảng giải vô thường cho một bà lão bị bệnh ung thư, một ông lão say rượu, nhưng “Sân chùa nắng chiếu đỏ le/ Nhà sư ngừng giảng đi che hoa vàng” (Một hôm ở chùa).Chúng ta thường nghĩ một người tu đạo, một nhà sư khi đang cầu kinh, giảng dạy sẽ chỉ chú tâm vào điều đó, không màng sự đời, không màng đến cảnh sắc xung quanh. Nhưng không, với Vũ Gia Hà, một người chỉ đẹp và tối thượng khi chính bản thân họ cũng biết yêu quý và trân trọng những điều gì là thuần túy, tự nhiên nhất diễn ra chung quanh mình. Hay trong Bông hoa ngoài  ngõ, “tôi” nhận ra “Có một cánh xấu nhất/ Nhưng ánh nắng/ Lại lấp lánh nhất/ Khi chiếu vào cánh hoa đó”.

Với Vũ Gia Hà, mưu cầu hạnh phúc, an vui ở đời không phải chỉ cho riêng mình, mà cho mọi người. Trong Đi chùa, anh viết: “Người ta cầu lấy công danh/ Tôi cầu tất cả thế gian yên bình”. Với anh, không có gì quý trọng hơn sự an yên trong lòng mỗi người, trong mỗi gia đình, mỗi dân tộc trên trái đất này. Mọi thứ vật chất xa hoa cũng không bao giờ đổi lại được sự bình yên nếu lòng không thanh thản. Cho nên ta thấy trong Cõi siêu tưởngnày, “tôi” có thể cười một cách tự do tự tại “Nụ cười chưa từng có trên thế gian/ Anh cười như vậy/ Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay” khi anh bị mọi người cười chê vì “Anh dùng đòn gánh/ Gánh hai chiếc lá bàng khô/ Đi khắp thế gian”.

Ung dung, tự tại, thản nhiên vô tư nên anh nhìn mọi thứ mình đi qua luôn ở một tâm thế tươi mới. Trong bài Sáng mùa đông, Vũ Gia Hà chỉ từ một hình ảnh có chú chuồn chuồn nhẩn nha dạo chơi đậu trên tường mà anh hình dung hình như nó đang lấy sức để tha ngôi nhà. Biết là không thực hiện được nhưng “tôi” vẫ cứ tưởng tượng ra đó như là sự tự góp nhặt những thú vị trong cuộc sống. Rồi hình ảnh hai thằng bé nhảy lên để hái hai quả na tròn tròn trong Hái na buổi sáng, hình ảnh chú sóc nằm im re để “Đợi sư nhập định lấy chè xôi ăn” trong Cảnh am thiền, có người đi lạy Phật “Ra về mất dép xỏ ngay đôi giày” trong Lễ chùa ven sông, hay “Cụ bà ước lại tuổi tin/ Đặt thêm lên đĩa năm nghìn rồi đi” trong Đi chùa gợi lên cho người đọc một sự thích thú, vui vẻ, không suy tư vướng bận gì cả. Vũ Gia Hà còn có những hình ảnh khá táo bạo: “Nhìn trời đêm đã rất khuya/ Tôi liền cầm dép rồi lia trăng vàng” (Trung thu nhiều năm trước), “Tôi chờ thu sang/ Để ném trăng/ Vào vách đá” (Trống rỗng). Đọc những câu thơ lên ta tưởng anh là người bất cần, thô lỗ trước thiên nhiên. Nhưng không, vì yêu quý, vì muốn được chạm tới ánh trăng ấy nên anh mới vô tư viết ra được những câu thơ hóm hỉnh đáng yêu như vậy.

Bằng sự tài hoa của một tâm hồn thi sĩ, Vũ Gia Hà đã mang đến cho chúng ta một viễn cảnh về một thế giới siêu tưởng đầy màu sắc, đầy tính nhân văn, đầy sự trân quý với cái đẹp. Những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, những câu thơ đầy tính biểu tượng đã gợi cho người đọc một cái nhìn đa chiều hơn về một thế giới cao hơn hiện thực nhưng không xa rời hiện thực. Mỗi sự vật chúng ta nhìn thấy đều có một vẻ đẹp riêng, một linh hồn riêng, không hề vô tri vô giác. Qua đó Vũ Gia Hà muốn gửi gắm đến mỗi người đọc chúng ta phải biết trân trọng những gì đang có ở ngay cuộc sống này, dù là những điều nhỏ nhất, biết tự tạo cho mình một tâm hồn đẹp nhất để sống đẹp nhất trong cuộc sống vô cùng phong phú, không đơn lẻ này.

 

Bạn đang đọc bài viết "Người bay bổng khắp các thiên hà (bài 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn