Người chiến sĩ năm ấy

Đàm Nhuần

28/09/2021 22:06

Theo dõi trên

Hai chúng tôi gắn kết với nhau có lẽ bắt đầu từ ngày cả hai cùng nhận được lệnh triệu tập của Bộ Công An, ra Hà Nội huấn luyện một thời gian để nhận nhiệm vụ mới, đó là ngày 15 tháng 11 năm 1964.

chuyejn-lg-qu8-1632841527.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Anh là người ít nói, sung sức và chín chắn . Dạo ấy, tôi kém anh đến gần một giáp nên ngay từ bước đầu, tôi đã có cảm giác anh là ruột thịt, là anh cả trong gia đình mình vậy.

Thời gian huấn luyện trôi qua rất nhanh, trước khi lên đường vào B nhận nhiệm vụ, chúng tôi được phép về thăm gia đình lần cuối.

Ngày tập trung trở lại, tôi còn son rỗi nên chẳng có điều gì để nói, còn anh tôi được biết, đứa con trai út bị sốt cao đi bệnh viện khám bệnh phải nằm viện, nhưng anh đã xin cho cháu về điều trị ngoại trú ở nhà. Lo thuốc men chu tất và ít thứ cơ bản cho vợ con nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc( vì đã là ngày 25 tháng chạp) anh dặn dò vợ con rồi chia tay lần cuối, lên đường.

Gia cơ tài sản của mỗi người chúng tôi, từ quần áo,chăn màn, xoong nồi, bát đũa, lương khô, mắm muối,thuốc men. Thậm chí, cả nhà cửa, giường nằm - được gói gọn trong một chiếc ba lô con cóc.

Tối hôm xuất phát, trời se lạnh,trong màn đêm cuối năm, anh vẫn nhận biết xe vừa chạy qua cầu Hàm rồng, theo bản năng, anh và tôi vẫn ngoái cổ lại nhìn quê hương xứ sở lần cuối, chắc giờ này vợ con anh đang ngủ say hoặc biết đâu vẫn đang còn thao thức?

Chúng tôi đi an toàn đến điểm thứ nhất, đó là điểm cuối cùng của miền Bắc. Bắt đầu hành quân bộ, ai nấy đều đội mũ tai bèo, chân đi dép cao su, tay chống gậy, vai đeo ba lô . Cuộc trường chinh đã tôi luyện cho chúng tôi dày dạn với nắng mưa thiếu thốn, nhưng bù lại, tình người được nhân lên. Chúng tôi gắn bó với nhau trong im lặng như một quy luật bù trừ.

Lần đầu tiên tiếp cận với Trường Sơn, tôi có cảm giác như mình bị lọt thỏm giữa một khoảng không gian ngút ngàn là cây xanh và đồi núi. Ngày nghỉ, đêm đi cứ như vậy chúng tôi hành quân theo hướng dẫn của giao liên như một nghĩa vụ bắt buộc và theo một khoảng thời gian nhất định, chúng tôi nghỉ lại dọc đường, dựng nhà nấu cơm ăn. Nhà của chúng tôi là những đoạn cây rừng chặt trên lối đi và lôi ra từ ba lô, những tấm tăng che lên làm mái . Giường nằm là những chiếc võng dù dã chiến . Có hôm, mưa rừng ào đến bất chợt, nước chảy theo cột dọc thấm xuống võng ướt sũng, vẫn phải nằm . Anh là người sáng kiến khắc phục cho chúng tôi khỏi bị ướt, bằng cách mỗi lần làm nhà phải có hai cây cột giả lui vào phía trong một tí, mắc võng, dù mưa to đến mấy, mọi người vẫn bình thản mà ngon giấc. Lính Trường Sơn gọi đó là cọc phụ.

Chỉ tội, cái nạn vắt rừng, ban đầu tôi cứ nôn nao ghê người thế nào ấy, nhưng ai mà cưỡng lại được với số phận, lâu dần cũng thành quen. Những con vắt rừng hút máu êm như ru, chỉ khi nào cảm thấy lành lạnh kẽ chân dưới dây quai dép hoặc ở tai, hoặc chỗ hiểm, con người mới biết đích xác mình vừa bị ăn cắp máu.

Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn, chúng tôi thường bị mệt mỏi, nên mỗi lần nghỉ, lại tìm cách vứt bỏ dần những thứ mang từ Hà Nội vào như quần áo, thuốc lá, đường sữa ...cho nhẹ vai, tôi là thanh niên nhưng chưa từng trải nên anh thường mang hộ thêm cho tôi, dù là chút ít .

Dạo ấy, thuốc bổ loại tốt cho mỗi người là những gói thuốc viên polyvitamine, còn loại cao sang phú quý hơn thì có ít sâm củ dùng để ngậm dần. Đặc sản rau xanh chỉ là món lá tàu bay hái dọc đường, một loại rau rất lạ là thường mọc ở quanh miệng hố bom, bom rải thảm đất còn đang mới, nhưng rau tàu bay đã nảy mầm, non bấn, đem luộc ăn hoặc thái nhỏ, nấu canh với một lượng nhỏ thịt hộp chúng tôi mang theo thì được một món ăn tuyệt vời.

*

Đoàn chúng tôi đến địa điểm nhận nhiệm vụ cụ thể . Tôi được may mắn cùng anh về một xã của tỉnh Quảng Nam, lập hồ sơ về những tên ác ôn, những tên phản động tay sai có nhiều nợ máu với nhân dân . Vừa chân ướt chân ráo đến nhà anh Hải, bí thư chi bộ xã cũng vừa lúc lính Mỹ bắn pháo vào chợ gần làng, mở cuộc càn quét . Anh Hải cùng ra mặt trận của làng chỉ đạo chiến đấu, còn chúng tôi được một người trong đội du kích dẫn sang nhà chị Năm Ngọ . Anh em vừa xuống hầm bí mật được vài phút đồng hồ, thì bọn địch kéo đến sân quát nạt và hỏi chị Năm bằng một tràng tiếng Mỹ, tiếng Anh gì đấy. Chúng tôi ngồi dưới hầm nghe rõ mồn một, cả tiếng trả lời rất dứt khoát của chị Năm, rồi chúng xin nước uống, phá phách theo cái kiểu uể oải như vừa đi càn ở đâu về . Sau đó kéo nhau ra ngõ . Buổi trưa hôm đó chúng đóng quân tại chỗ, không bắn phá truy quét nhưng sang chiều chúng tiếp tục xăm tìm hầm bí mật, nhưng vô hiệu.

Kết thúc trận càn, chúng tôi và anh Hải, chị Năm Ngọ và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong xã mới có dịp làm quen và nhắc lại nhiệm vụ của đoàn chúng tôi, để địa phương giúp đỡ . Họ đặt tên cho anh là anh Ba, còn tôi được gọi thân mật là cậu Út.

Khi anh Ba đem cái điều áy náy lúc mới đến nói với anh Hải, con người đất lửa này thật thà:

- Anh bổ sung cho lực lượng địa phương là tốt, nhưng trong chiến đấu gặp chuyện không may, tụi tôi kiếm đâu ra người để đền cho Tỉnh.

Chúng tôi cười vang vui vẻ...

Nếu có dịp nghĩ lại mới thấy cuộc đời có nhiều điều huyền bí. Cổ nhân có câu : "Đầu xuôi thì đuôi lọt" .Trận càn đầu tiên trong đời chinh chiến của anh em tôi đã qua xuôi, an toàn nguyên vẹn để rồi trong từng ấy năm ác liệt của sau này, chúng tôi đã tồn tại trở về và dù mới qua một trận nhưng chúng tôi vẫn có kinh nghiệm hơn dày dạn hơn. Có trận càn nào khốc liệt hơn như ở xã chúng tôi nằm vùng năm ấy.

Đầu tiên giặc cho từng loạt tàu gáo, tàu rọ kéo đến, cứ hai chiếc một đi thấp dưới ngọn tre quần đảo quanh xã, sức gió tung cả mái nhà dân, rung chuyển cả đất, khi phát hiện được người nó bắn chết hoặc bắt sống, nhốt vào rọ đem về tra hỏi . Sau đó chúng đổ quân xuống càn quét bắt người cướp của, lùng sục cán bộ Việt cộng. Hôm đó chúng tôi được đưa xuống hầm an toàn nhưng khốn nỗi trong hầm, nước dâng lên quá nửa người, chúng tôi ngâm mình dưới nước đã nửa ngày trời mà bọn địch vẫn không rút đi cho . Anh Dư, sức yếu nhất trong số ba anh em, có lúc đã nghẹo đầu không chịu đựng nổi, lại thiếu ôxy nữa khó thở vô cùng.

Ngày hôm sau, khi địch vừa rút quân đưa anh Dư lên khỏi hầm được vài tiếng đồng hồ thì anh đã ra đi vĩnh viễn .Chúng tôi được biết ở một hầm khác khi địch phát hiện ra, một đồng chí đội hầm lên giết được hai thằng lính Mỹ và một tên Ngụy rồi hy sinh ngay tại chỗ.

Sau đó ít ngày khi nhân dân đang tổ chức hàn gắn lại vết thương cho xã nhà và khi anh em tôi đã tạm hồi phục sức khỏe thì cấp trên lại điều về một vùng giáp ranh giữa căn cứ của ta và vùng địch tạm chiếm, tiến hành truy xét một số vụ án của những tên phản cách mạng mà nhân dân bắt được và đang giam giữ. Cứ thế, anh Ba hòa mình vào cuộc sống của người dân Nam Bộ, vừa chỉ đạo công tác đấu tranh chính trị, vừa tham gia trong tổ nông hội ở mỗi địa bàn khác nhau, cùng giáp mặt với cái chết trong mỗi lần giặc mở cuộc truy quét lùng sục cán bộ Việt cộng.

Còn một điều lạ nữa là, sống trực tiếp giữa cái khốc liệt của chiến tranh, bom đạn đã tránh anh không một lần bị thương hay mất mát. Bà con cô bác đã che chở cho anh như tình thân ruột rà máu mủ . Nhưng ác nghiệt thay, sức khỏe anh mỗi ngày một suy sụp, căn bệnh quái ác hành hạ anh mỗi lần lên cơn sốt, thỉnh thoảng người anh bị phì to ra, nhất là đôi chân, đau nhức và tê buốt cái tê buốt từ trong xương tủy buốt ra, khiến anh vật vã quằn quại như bị niệm thần chú . Mọi người lại chăm sóc anh như một nhiệm vụ và trách nhiệm, lo lắng chăm bẵm cho anh từng miếng cháo, ngụm thuốc.

Sau chiến dịch mậu thân năm 1968, anh em tôi phải chia tay nhau vì tôi được lệnh của cấp trên điều sang công tác ở một địa bàn khác. Trong điều kiện phức tạp của chiến tranh, chúng tôi bị mất liên lạc từ đó. Cho đến ngày tôi bị thương nặng lui về tuyến sau, chuyển ra Bắc và về quê, tôi vẫn bặt tin anh Ba . Sau đó hai năm thì có tin anh được khu ủy quyết định chuyển ra Bắc, hiện đang tạm thời an dưỡng ở một vùng ngoại ô thành phố Hà Nội.

Dạo ấy, theo chủ trương của cấp trên anh là một trong những người được hưởng tiêu chuẩn sang nước bạn "Liên xô cũ " điều trị bệnh và an dưỡng, nhưng suy tính thế nào anh một mực xin ở lại quê nhà . Có lẽ cái chính là những năm tháng cuối đời, anh muốn dành cho gia đình mình một tình cảm sum họp, vì từ thời trai trẻ, cưới vợ được ít ngày anh đã thoát ly tham gia cách mạng.

Thời ấy, chúng tôi lên đường tham gia cách mạng như một nghĩa vụ và trách nhiệm, theo một lẽ rất tự nhiên, vô tư và thanh thản đến kì lạ. Có điều, những người ruột thịt nơi hậu phương mới là những người phải gánh chịu hệ lụy nặng nề nhất...

Trường hợp của anh Ba, ngày trở về tiếng là trọn vẹn về con người, nhưng sau những năm tháng hoạt động nằm hầm nằm hố, gian khổ và thiếu thốn, anh đem về cho cả gia đình những trận đau thần kinh liên miên, cơ khổ cho cả nhà, nhưng vợ anh chẳng phàn nàn điều gì, chị chỉ nghĩ - đó cũng là sự đền bù cho chị sau từng ấy năm hy sinh lặng lẽ. Bởi xung quanh cuộc sống của bao gia đình, nhiều người chồng, người con của họ vĩnh viễn không thể trở về...

Người kể chuyện bỗng dưng thấy hối tiếc khi vừa buột miệng những từ ngữ vừa rồi .Ông lấy khăn khẽ chấm mắt, ngừng câu chuyện kể vì đã đến giờ cùng mọi người đưa tiễn anh Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng.

*

Hôm nay là đám tang của anh, một đám tang như muôn vàn đám tang khác, có điều hơi khác biệt đó là bà con lối sống đến rất đông, thật sự chia sẻ niềm cảm thông và thương tiếc cùng gia đình, với một tình cảm chân thành với người quá cố. Các cụ già nói với nhau : " thôi thì ông ấy đi trong dịp này cũng là mát mẻ, cầu chúc cho vong linh của ông ấy được nhà Phật đón đưa lên thiên đàng..." .

Từ tấm bé tôi không hiểu Thiên đàng là gì cả nhưng giờ đây tôi lại tự tin rằng - chắc chắn có một nơi nào đấy gọi là thiên đàng, nơi hội tụ linh hồn của những con người kiên cường và cao thượng.

Đ. N.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Người chiến sĩ năm ấy" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn