Người cũ

Mấy hôm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tôi hay đi loanh quanh, vừa là rẽ vào thăm bố tôi mới ra viện, vừa là ngó nghiêng hoa trái, đồ đạc bày tết. Lúc trở về, từ xa tôi đã thấy một thanh niên vẻ nhếch nhác, đứng cạnh cột đèn giao thông, gần bưu điện, đang véo von thương cảm.
296951781-1071908813689031-1239163382349052330-n-1660035789.jpg
Ảnh minh họa

 Định bụng rằng là sẽ cho cu cậu 10 ngàn, nên tôi đi hơi chậm, chờ đèn đỏ để dừng. Móc túi lấy tiền mới nhớ ra là toàn bộ tiền nong, giấy tờ, tôi để ở ví và ví thì quên ở nhà. Ngại quá!

  Cậu thanh niên tha thiết:

- Nếu con không về, chắc mẹ buồn lắm...

Đôi mắt mở to, bàng bạc màu ai oán ấy chắc không nhìn thấy tôi đâu nhưng tôi thấy thực sự có lỗi. Tiếng còi xe nhắc nhở phía sau. Đúng là tôi đã dừng hơi lâu. Tôi phóng một mạch về nhà rồi vòng ra ngay lập tức. Dúi tờ 10 ngàn vào cái bình nhựa, tôi khẽ nói:

- Cô đỡ cháu miếng nước.

Tiếng "Cảm ơn" nhẹ buông. Thanh niên khẽ gật đầu. Bữa tối, tôi kể lại truyện đó. Con tôi phê bình:

- Mẹ đừng cho người ăn xin ở đèn giao thông nữa nhé. Ai cũng như mẹ nên thảo nào người ăn xin cứ đứng đấy. Như thế là cản trở giao thông  đấy mẹ.

Chồng tôi cũng thêm vào:

- Mà giờ toàn ăn xin giả vờ đấy. Em không thấy trên mạng người ta nói đấy à.

Tôi nghẹn thầm một giây mới quay sang nói với con.

- Ừ đúng là cản trở giao thông rồi. Mẹ cứ nghĩ, tết mà còn lang thang thế thì khổ lắm.

- Ôi mẹ ơi! Giờ ăn xin không như ngày xưa đâu mẹ. Có những tập đoàn ăn xin hẳn hoi đấy mẹ. Những người ăn xin được huấn luyện, được "chăm lo" ký lưỡng nữa cơ.

Ừhm... tôi đúng là cũ quá rồi. Biết là còn nhiều người cũ như tôi nhưng tự nhiên thấy thoáng buồn mà chẳng thể gọi tên nỗi buồn ấy.

Chuyện Làng quê