Trong ‘Đại Nam nhất thống chí’ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, về phong tục của tỉnh Gia Định có đoạn viết: “Đất nhiều sông ngòi, nên người nào cũng giỏi bơi lội. Nhân dân đủ người bốn phương, mỗi nhà mỗi tục. Dân nông thôn thì hầu như chất phác, dân thành thị thì chơi bời. Việc tang chế cưới gả cũng có người theo lễ chế, người thờ phật cũng có. Ngoài ra những việc tiễn năm cũ mừng năm mới, các tiết Nguyên đán, Đoan dương, thờ cúng tổ tiên cho đến khi gặp sinh nhật thì mời khách, gặp tiết tốt vui mừng, đại khái các tỉnh Nam Kỳ đều giống nhau cả”.
Đời sống kinh tế khá hơn trước, công nghệ mở mang, nhưng đến Tết, người dân Nam Kỳ vẫn không quên phong tục cổ truyền. Tết đến mọi người sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên, trong nhà ngoài ngõ đều có dán đôi liễn đỏ. Trên những đôi liễn đỏ ấy, thời xưa người ta đã viết những bài thơ, bài vè nói lên khát vọng của lưu dân trên vùng đất mới. Một bài vè xưa được ghi chép lại trung thực:
“Ăn mừng năm mới
Chữ an, chữ thới
Dán trước hàng ba
Phú quới vinh hoa
Dán vô trước cửa
Tài lợi lộc phước
Dán trước hàng nhì
Vạn trực duy tân
Dán vô trước cửa.”
Đối với ông Táo, một “thần nhân” gần gũi, quen thuộc đối với tất cả người Việt, trang thờ Táo quân trong bếp cũng được sắp đặt bài trí như sau:
“Trên trang ông Táo
Đề chữ hiển linh”.
Ngoài cổng ngõ và trên cây nêu bằng tre tống xuất tà ma ngoại đạo thì bài vè này ghi:
“Lấy câu thái bình
Dán ngoài cửa ngõ”.
Ngày xưa, trước ngày 23 đưa ông Táo, người lớn trong nhà lo việc lau chùi bộ lư và các độc bình bằng đồng cho bóng loáng. Các bát nhang đều được thay cát mới trắng tinh trên bề mặt. Xin trích một đoạn trong bài viết “Vài cảm tưởng về tết trong Nam” của cụ Vương Hồng Sển: Vào năm 1920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá khoảng năm chục đồng bạc lớn. Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt hai con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười “cầu phúc”. Có thứ lư gồ ghề chùi cho bóng rất vất vả, vì lư làm theo kiểu cầu kỳ “lư mắt tre”, lư “trúc hóa lân”. Cũng theo cụ Sển ghi lại thì “hóa chất” chùi lư thời xưa là “dùng khế chua đập dập lấy nước chua ấy chấm với tro bếp và chấm với “cậc bần” (bàn chải) cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ đồng cũng sạch” (theo Tập san Sử Địa - 1967).
Trên bàn thờ tổ tiên, ngày tết những người dân Nam kỳ thời xưa chủ yếu “có chi cúng nấy”, miễn là đầy đủ lòng thành đối với người đã khuất. Thông thường chưng cúng trái cây trong ngày Tết phải đủ “ngũ quả” tượng trưng cho “ngũ phúc” là lê, lựu, đào, mai, phật thủ. Dần dần, người dân ước mơ về một đời sống cụ thể hơn, cũng giản dị chỉ cầu “cầu vừa đủ xài” do đó, họ sắp đặt mâm ngũ quả gồm có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, nói lên tâm niệm đơn giản của người dân lương thiện.
Về ý nghĩa mâm ngũ quả mà dân Nam Kỳ thường chưng trong những ngày tết theo học giả Trương Vĩnh Ký thì “ngũ phước” là ngôn ngữ của “ngũ quả”: phú quý, thọ, khang ninh, khảo, chung mạng (giàu sang, sống lâu, mạnh khỏe, bình yên, chết lành khi về già). Vì thế người ta đã lựa chọn những loại trái cây có tên đồng âm với ý nghĩa tốt đẹp. Dựa vào phát âm tương tự, đã chọn trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Với mâm trái cây như thế thì hiểu rằng: “cầu sung túc vừa đủ xài”. Sung là sung túc, dừa phát âm như vừa và xoài là xài!
Muốn mâm ngũ quả sinh động, màu sắc rực rỡ thì người ta còn thêm nhiều loại trái cây khác như quýt (đồng âm với kiết có nghĩa là cát - tốt lành) hoặc trái tắc (đồng âm với đắc - đắc lợi) hoặc bông mai (mai đồng âm với may- may mắn) hoặc trái thơm (gợi sự thơm tho) hoặc thêm trái lê viết gần giống chữ lợi (chữ Hán) có thêm bộ mộc v.v... Điều này cho thấy mâm ngũ quả của dân miền Nam không những phong phú về các loại trái cây mà còn hàm súc về ý nghĩa như một lời cầu mong năm mới thuận lợi, tốt đẹp.
Mặc dù cuối năm phải lo việc buôn bán tất bật, từ ngày 20 tháng Chạp trong gia đình người lớn đã họp con cháu lại, phân công nhiệm vụ cho từng người để sửa soạn tết. Mâm cỗ tết trên bàn thờ gia tiên bao gồm một mâm hoa quả, một mâm bánh ngọt, một mâm bánh mặn và một mâm thức ăn. Ngày xưa, người ta không mua đồ ăn, bánh mứt ngoài chợ mà tự tay làm hết.
Thời gian qua mau, hết mồng bảy hạ cây nêu mọi người lại trở về với công việc bình thường.