Chu Nguyên Chương là người Chung Ly, Hào Châu (nay thuộc Phụng Dương, tỉnh An Huy) sinh năm Mậu Thìn 1328 và mất năm Mậu Dần 1398, tên hồi nhỏ là Trọng Bát, tự là Quốc Thụy.
Vốn xuất thân trong một gia đình bần nông nghèo khổ, hồi nhỏ đã từng đi chăn trâu cho người ta, đời sống rất khó khăn.
Năm Giáp Thân 1344, Chu Nguyên Chương khi đó 16 tuổi, vùng Giang Hoài bị nạn hạn hán khủng khiếp, nạn đói nghiêm trọng, lại thêm bệnh ôn dịch hoành hoành, nhân dân đói khổ. Cha, me, anh, em Chu Nguyên Chương đều chết hết trong đại dịch, trong nhà chẳng còn chút gì để bấu víu, Chu Nguyên Chương phải đến xin đi tu ở chùa Hoàng Giác. Chưa đầy 2 tháng chùa này cũng phải đóng cửa vì thiếu lương thực. Chu Nguyên Chương đành phải ra khỏi chùa, làm nhà sư lang thang, khất thực để sống, trôi nổi bốn phương khắp các vùng Hà Nam, An Huy trong suốt 3 năm trời.
Năm Đinh Hợi 1347, các thủ lĩnh Hàn Sơn Đồng, Từ Thọ Huy và Lưu Phúc Thông cầm đầu Bạch Liên Giáo (một chi phái Phật giáo) - một tổ chức bí mật của nông dân - tuyên truyền thời đại hắc ám sắp qua và sự quang minh sẽ đến, để chống lại sự áp bức tàn bạo của nhà Nguyên (1271 - 1368), và tổ chức nông dân khởi nghĩa lan rộng ra trong phạm vi cả nước, gọi là “giặc khăn đỏ”.
Chu Nguyên Chương, một con người sống lưu lạc khó khăn, vất vả, nhiệt liệt hoan nghênh tôn giáo Bạch Liên Giáo, và ra nhập vào nhóm giặc khăn đỏ dưới sự lãnh đạo của Quách Tử Hưng.
Chu Nguyên Chương là người lanh lẹ, cơ trí, đánh giặc rất dũng cảm, nên mau chóng được Quách Tử Hưng để ý tới. Sau đó Quách Tử Hưng còn gả con gái nuôi Quách Mã Thị cho Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương giúp Quách Tử Hưng đánh chiếm Trừ Châu (nay thuộc An Huy), đánh Hòa Dương (nay cũng thuộc An Huy).
Chu Nguyên Chương nhanh chóng thăng giữ các chức Chấn phủ, Tổng binh quán và bắt đầu nắm quyền hành của nghĩa quân.
Mùa Xuân năm Ất Mùi 1355, Quách Tử Hưng bị bệnh mất, Thiên Tự là con trưởng của Quách Tử Hưng lên làm Đô nguyên súy, Chu Nguyên Chương được phong làm tả phó Đô nguyên súy.
Tháng 6 năm 1355, Chu Nguyên Chương vượt sông Trường Giang chiếm lĩnh được trấn quan trọng là Thái Bình.
Cũng trong thời gian trên Quách Thiên Tự chết trận, Chu Nguyên Chương lên thay thế, thống lĩnh toàn bộ quân Hào Châu, thế lực càng mạnh.
Thủ lĩnh thủy trại Sào Hồ là Liêu Vĩnh Anh và Du Thông Hải về theo, Chu Nguyên Chương có hơn một ngàn chiếc thuyền. Sau khi chiếm được Tập Khánh (sau đổi thành Ứng Thiên) liền lấy nơi đây làm cơ sở để từng bước phát triển ra các nơi.
Lúc đó trong đạo quân của Hồng Cân ở phương Bắc, Lưu Phúc Thông đã lập Hàn Lâm Nhi (con của Hàn Sơn Đồng) làm vua, quốc hiệu là Tống, lập chính quyền Hán tộc đối lập với chính quyền nhà Nguyên ở phía Bắc Trung Quốc. Chu Nguyên Chương nhận tôn phụng Hàn Lâm Nhi làm tôn chủ. Hàn Lâm Nhi công nhận xứ hành trang thư tỉnh Giang Nam của Chu Nguyên Chương, và bổ nhiệm Chu Nguyên Chương chính thức liên kết với Hồng Cân phương Bắc.
Trong khi đó, lãnh thổ đất đai của Chu Nguyên Chương ở Giang Nam giáp với lãnh thổ của hai cánh quân khởi nghĩa là Trương Sỹ Thành và Phương Quốc Trân, về phía Tây là lãnh thổ của cánh quân Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương nhận thấy rằng Trần Hữu Lượng và Trương Sỹ Thành đã không gánh trách nhiệm khó khăn là tiêu diệt, lật đổ quân nhà Nguyên, mà còn trở thành kẻ thù sau lưng mình. Vì vậy muốn đánh đổ nhà Nguyên thì trước hết phải tiêu diệt hai cánh quân của Trương Sỹ Thành và Trần Hữu Lượng.
Năm Canh Tý 1360, Trần Hữu Lượng giết chết Từ Thọ Huy, tự mình xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán, cho sứ giả hẹn với Trương Sỹ Thành, tập kích Chu Nguyên Chương. Trong khi quân của Trương Sỹ Thành còn chưa xuất phát thì Chu Nguyên Chương dốc toàn binh lực đánh úp quân của Trần Hữu Lượng, Trần Hữu Lượng thua to chạy về Giang Châu. Năm Tân Sửu 1361, Chu Nguyên Chương lại đem thủy quân đánh Giang Châu, Trần Hữu Lượng thua chạy về Vũ Xương.
Đến năm Quý Mão 1363, Trần Hữu Lượng đem 60 vạn quân tấn công Chu Nguyên Chương nhưng bị thất bại nặng nề, Trần Hữu Lượng trúng tên chết trận, quân sỹ tan rã. Con của Trần Hữu Lượng là Trần Lý trốn về Vũ Xương, lên thay ngôi cha. Chu Nguyên Chương tự thân chinh đem binh vây Vũ Xương trong hơn nửa năm, Trần Lý thế cùng phải xin hàng. Như vậy toàn bộ vùng Giang Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc đều thuộc về quyền kiểm soát của Chu Nguyên Chương.
Tháng Giêng năm Ất Tỵ 1365, Chu Nguyên Chương tự lập mình làm Ngô Vương, chủ động đem quân tấn công quân của Trương Sỹ Thành, đến năm Đinh Mùi 1367 thì bắt sống được Trương Sỹ Thành, và sau đó Phương Quốc Trân ở Triết Giang cũng phải xin hàng Chu Nguyên Chương.
Lợi dụng sự mâu thuẫn và sự không ổn định trong hàng ngũ quân nhà Nguyên, tháng 10 năm 1367, Chu Nguyên Chương triệu tập các tướng lĩnh thảo luận về chiến lược đánh tan quân nhà Nguyên.
Đầu năm Mậu Thân 1368, nhận thấy thời cơ đã đến, Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế ở Ứng Thiên (Nam Kinh), đặt quốc hiệu là Đại Minh, niên hiệu là Hồng Vũ, vương triều nhà Minh chính thức được thành lập từ đây.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1368, thắng lợi thành công, gắn liền với nguồn gốc Tết Trung thu.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Chu Nguyên Chương ra sức chuẩn bị tiêu diệt toàn bộ quân nhà Nguyên ở Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Vua nhà Nguyên lúc bấy giờ là Nguyên Huệ Tông (1320 - 1370), do chính quyền ngày càng thối nát, lại bị nhân dân Trung Quốc nổi lên khởi nghĩa ở khắp mọi nơi, nên chính quyền nhà Nguyên ngày càng suy yếu, và sắp đến ngày bị diệt vong.
Để đánh bại được quân nhà Nguyên thì cần phải có trong ngoài tiếp ứng, tức là cần phải có người tiêp ứng trong kinh thành, có người tiếp ứng rồi, nhưng tìm cách báo tin cho họ biết ngày giờ mở cổng kinh thành, ngày giờ khởi nghĩa tổng tiến công cũng là một vấn đề cực kỳ khó. Nhờ có nhiều mưu sỹ giỏi, khó khăn cuối cùng cũng được giải quyết.
Chu Nguyên Chương liền cho làm một loại bánh, trong hàng ngàn hàng vạn cái bánh được đưa vào kinh thành, có một số cái bánh nhân ở bên trong không phải là nhân đậu hay nhân thịt như bình thường mà thay vào đó là những mãnh giấy nhỏ, bên trong mảnh giấy có ghi ngày giờ đồng loạt tổng khởi nghĩa là vào đúng ngày Rằm tháng Tám Âm lịch năm Mậu Thân 1368.
Sở dĩ Chu Nguyên Chương phải cho làm loại bánh đó là vì quân nhà Nguyên vẫn đang còn kiểm soát Đại Đô, và cho kiểm tra những người ra vào kinh thành rất nghiêm ngặt. Cuối cùng, nhờ những chiếc bánh có nhân đặc biệt đó, tin tức về ngày giờ khởi nghĩa đã được nhiều tướng lĩnh, quân sỹ trà trộn vào kinh thành biết được.
Đúng lịch hẹn được ghi trong những mảnh giấy cỏn con đó, vào đêm Rằm tháng Tám năm Mậu Thân 1368, trăng tròn sáng như gương, quân của Chu Nguyên Chương Đã đồng loạt tấn công Đại Đô, cổng kinh thành được mở, trong ứng ngoài hợp, đánh cho triều đình nhà Nguyên tan tác.
Triều đình nhà Nguyên thua chạy phải rút về phương Bắc (nội Mông Cổ, vua Nguyên Huệ Tông sau đó mất vào năm 1370, hưởng thọ được 50 tuổi).
Năm sau, gần đến Rằm tháng Tám Âm lịch, tức là gần đến ngày kỷ niệm 1 năm đánh đuổi sạch được quân nhà nguyên, Chu Nguyên Chương muốn tổ chức một lễ hội cực kỳ long trọng, nhưng vì đất nước còn chưa hoàn toàn được thống nhất, nhân dân còn nhiều khó khăn, nên đã nghĩ đến viêc làm lại loại bánh năm trước, nhân bánh lần này được làm toàn bằng nhân đậu, nhân thịt.
Đặc biệt, không chỉ tổ chức ở trong cung đình, trong kinh thành, mà còn cho nhân dân cả nước cùng làm, cùng tổ chức một lễ mừng chiến thắng hoành tráng vào đúng đêm Rằm tháng Tám Âm lịch năm Kỷ Dậu 1369.
Từ đó hằng năm, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Rằm tháng Tám Âm lịch người Trung Quốc lại tổ chức đón một cái Tết gọi là Tết Trung tThu.
Như vậy, nguồn gốc Tết Trung thu được bắt đầu vào thời nhà Minh, thời kỳ Chu Nguyên Chương làm vua (1368 - 1398). Từ lúc đánh thắng quân nhà Nguyên năm 1368, đến lúc mất vào năm Mậu Dần 1398, Rằm tháng Tám năm nào Chu Nguyên Chương cũng cho làm một loại bánh gọi là bánh Trung thu để nhớ sự kiện đánh bại quân nhà Nguyên. Sự kiện này thì trong sử sách Trung Quốc, đặc biệt là những quan chép sử ở trong cung đình ghi chép lại rất tỉ mỉ và cẩn thận.
Tài liệu tham khảo:
Định lăng một đời bể dâu, Vương Sỹ - Nhạc Nam, NXB Thế giới, 2001; Các đời đế vương Trung Hoa, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, 2003; Các triều đại Trung Hoa, Lê Giảng, NXB Thanh niên, 2003; 16 Hoàng đế triều Minh, Vương Thiêm Hữu (chủ biên), NXB Văn hóa Thông tin, 2001.