Nguyễn Thanh Tùng- Người Trung đoàn trưởng đặc công 113 đầu tiên và những chiến công vang dội

Hoàng Minh Mẫn/Thành Đô (biên tập - giới thiệu)

06/06/2023 21:34

Theo dõi trên

Tại Đại hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ III tôi gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người chỉ huy đầy mưu lược, đầy dũng khí của Binh chủng Đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Anh nắm chặt tay tôi cười hiền và hứa: “Sau Đại hội về anh sẽ kể cho em nghe về một số chiến công của bộ đội đặc công. Lần này không lỡ hẹn nữa đâu, yên tâm đi”. Vào một buổi sáng đẹp trời chiếc xe nhà binh đã đưa anh đi gần trăm cây số đến với tôi. Cùng đi còn có anh Quốc Hoàn là cựu sĩ quan của Binh chủng Đặc công năm xưa và hiện là cán bộ tuyên huấn của Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai. Anh vào câu chuyện thật tự nhiên, thoải mái: Ngày 1 tháng 1 năm 1969, anh được đề bạt Phó phòng Đặc công Miền; đến tháng 5 năm 1969 được nhận nhiệm vụ đi trinh sát căn cứ “Tếch Ních” của địch cách tỉnh lỵ Bình Long 2,5 ki-lô-mét. Đây là căn cứ của lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn “Kỵ binh bay” và sở chỉ huy sư đoàn bộ binh số 1 “Anh Cả đỏ” của Mỹ. Căn cứ rộng tới 60 ki-lô-mét vuông được bảo vệ bởi tám lớp rào kẽm gai với chi chít mìn sát thương, mìn sáng và hệ thống đèn pha.

b1td1adv-1685975466.jpg

Thiếu tướng AHLLVTND Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh Lịch sử Lữ đoàn Đặc công bộ 113.

 

Tổng số binh lính địch trong căn cứ lên tới 4.000 tên với hệ thống công sự hầm hào kiên cố, trang bị hiện đại. Qua nghiên cứu tài liệu và thực tế trinh sát kỹ lưỡng, ngay sau đêm đầu tiên anh đã cơ bản nắm được hệ thống phòng thủ của địch. Nhưng không may anh đã bị thương bởi một quả đạn M.79 bắn vu vơ từ trong căn cứ ra. Anh được đưa về bệnh xá Hớn Quản, và khi biết các bác sĩ có ý định chuyển anh về tuyến sau thì anh đã kiên quyết đề nghị được ở lại và trở ra chiến trường tiếp tục chỉ đạo tác chiến. Các anh quyết định tiến công căn cứ “Tếch Ních” trên ba hướng. Mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy sư đoàn bộ binh “Anh Cả đỏ”; mục tiêu quan trọng là sở chỉ huy lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn “Kỵ binh bay”. Do căn cứ địch rộng nên anh đã tổ chức thành chín mũi tiến công.

0 giờ ngày 12 tháng 5 năm 1969, 201 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 đặc công dũng mãnh tiến công bằng thủ pháo và lựu đạn. Sau 25 phút khói lửa ngút trời, bọn địch mới bắt đầu phản công, cường độ phản công ngày càng quyết liệt. Nhưng dưới sự chỉ huy quả cảm, sáng suốt của Nguyễn Thanh Tùng quân ta vẫn chiếm lĩnh và làm chủ các mục tiêu quan trọng. Địch phải dùng máy bay và xe tăng chi viện nhưng lại càng chuốc lấy thất bại nặng nề hơn, nhiều xe tăng bị bắn cháy; riêng đồng chí Nguyễn Xuân Tình (*bằng hỏa lực B.40 đã bắn cháy sáu xe tăng Mỹ (sau này Nguyễn Xuân Tình là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). 1 giờ 47 phút ngày 12 tháng 5 năm 1969 ta hoàn toàn làm chủ trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu 1.106 tên địch, bắn cháy 21 máy bay; 105 xe quân sự; phá hủy 20 khẩu pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch, quân ta rút lui an toàn. Chỉ hơn một tuần sau trong lúc địch còn đang hoang mang thì Nguyễn Thanh Tùng lại nhận được lệnh chỉ huy Tiểu đoàn 5 tiến công “Tếch Ních” lần thứ hai. Sau một thời gian ngắn trinh sát, 0 giờ ngày 6 tháng 6 năm 1969 trận tiến công bắt đầu, đó cũng là thời kỳ địch đang tập trung binh khí hỏa lực chuẩn bị một cuộc càn quét lớn. Vì vậy ta đã loại gần 1.000 tên Mỹ; phá hủy tám khẩu pháo; 12 máy bay; 30 xe quân sự, san phẳng 30 lô cốt, 50 hầm ngầm, 87 nhà ở, ba nhà kho... Hai chiến thắng liên tục ở “Tếch Ních” chứng tỏ đặc công có đủ khả năng đánh nhồi, đánh bồi liên tục vào một căn cứ lớn của địch trong một thời gian ngắn và giành thắng lợi giòn giã. Đầu năm 1972, Bộ Chỉ huy Miền mở chiến dịch Nguyễn Huệ; không gian chiến dịch ở phía bắc Sài Gòn gồm bốn tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương. Hướng chủ yếu của chiến dịch là đường 13; khu vực quyết chiến đợt 1 là Lộc Ninh; đợt 2 là Hớn Quản, Châu Thành; Sau đó phát triển về Lai Khê, Dầu Tiếng. Hướng nghi binh chủ yếu là đường 22; khu vực quyết chiến điểm là Sa Mát, Trảng Sụp, hướng phối hợp là Tây Ninh, Long Khánh, Biên Hòa. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm ba sư đoàn bộ binh; hai trung đoàn bộ binh và binh chủng; lực lượng đặc công có chín tiểu đoàn. Với cương vị là Sư đoàn phó Sư đoàn 30B, Nguyễn Thanh Tùng được chỉ định làm Chỉ huy phó cánh nghi binh chiến dịch và đặc trách chỉ huy lực lượng đặc công hướng này. Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho đặc công đánh Trảng Lớn nhằm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch. Đợt tiến công thứ nhất anh chọn 66 chiến sĩ chia thành năm mũi tiến vào căn cứ Trảng Lớn và rất nhanh chóng giành thắng lợi; diệt và làm bị thương 230 tên địch; diệt sở chỉ huy sư đoàn địch; phá hủy chín máy bay; năm khu thông tin và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Để đánh lạc hƣớng và thu hút địch, đêm 20 rạng 21 tháng 3 năm 1972 Tiểu đoàn 16 đặc công do Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp chỉ huy được lệnh tiến công Trảng Lớn lần thứ hai, tiêu diệt thêm 300 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hướng nghi binh mà Bộ Tư lệnh Miền giao phó.

Đêm 4 tháng 4 năm 1972 chiến dịch Nguyễn Huệ chính thức bắt đầu, quân ta đánh chiếm thị trấn Lộc Ninh; Tiểu đoàn 28 đặc công của sư đoàn 5 diệt chi khu cảnh sát; sở chỉ huy chiến đoàn 9 ở căn cứ Hoa Lư. Cũng trong đêm đó các đơn vị đặc công của Đoàn 429 đồng loạt tiến đánh tám mục tiêu của sư đoàn 25 ngụy trong đó có Tếch Ních, Lai Khê, Phước Vĩnh, Hậu Nghĩa. Đêm 6 tháng 4 năm 1972, Tiểu đoàn 16 đặc công dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Thanh Tùng đã tập kích trung tâm núi Bà Đen, chiếm được hai phần ba núi,... Sau hai tháng kể từ lúc mở màn chiến dịch, Bộ Tư lệnh Miền quyết định rút các sư đoàn chủ lực ra để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho trận đánh quyết định cuối cùng. Đồng thời giao nhiệm vụ cho bộ đội đặc công tăng cường hoạt động, liên tục tiến công địch để phối hợp với mặt trận đấu tranh ngoại giao mà chủ yếu là cuộc đàm phán ở Pa-ri. Ngày 1 tháng 6 năm 1972 Nguyễn Thanh Tùng được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ tổ chức thành lập năm đoàn đặc công tương đương cấp trung đoàn có phiên hiệu là 113, 115, 116, 117 và 119. Đoàn Đặc công 113 được bố trí xung quanh Biên Hòa; bốn đoàn còn lại bố trí xung quanh Sài Gòn hoạt động nhằm tiêu hao sinh lực địch và làm nhiệm vụ mở cửa cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Các mục tiêu trọng yếu được tính đến là các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, tổng kho Long Bình, căn cứ Đồng Dù... Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền cũng chỉ rõ: các đơn vị đặc công phải vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tác chiến liên tục để gây áp lực đối với địch tại bàn đàm phán Pa-ri. Theo bổ nhiệm của cấp trên anh Út Thắng là Trưởng đoàn Đặc công 113, nhưng anh chưa kịp nhận nhiệm vụ thì đã hy sinh nên Nguyễn Thanh Tùng được chỉ định thay thế. Lực lượng của 113 có Tiểu đoàn 9 đang hoạt động ở Phú Lợi (Bình Dương) Phân khu 5; ở Biên Hòa có Tiểu đoàn 1 và 2; Tiểu đoàn ĐKB 174 và một đại đội vận tải. Ban Chỉ huy gồm Nguyễn Thanh Tùng Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy; Mai Văn Thoạn - Chính ủy; Vũ Quớ - Đoàn phó Tham mưu trưởng, đồng chí Đỗ Thịnh Phó chính ủy và đồng chí Hai Lộc Đoàn phó. Thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ trên giao, Nguyễn Thanh Tùng đã cùng Ban chỉ huy Đoàn tổ chức hoạt động liên tục, trước hết là mở trận đánh lớn vào sân bay Biên Hòa. Để phối hợp hành động, anh đã bàn với đồng chí Phan Văn Trang Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hòa (mật danh là U1) huy động 600 cán bộ cơ quan tỉnh ủy, dân công cùng bộ đội để bảo vệ hành lang và vận chuyển 200 quả đạn ĐKB, H.12 (mỗi quả ĐKB nặng 58 ki-lô-gam) vào trận địa tiến công. Đêm mồng 2 rạng mồng 3 tháng 8 năm 1972, Đoàn Đặc công 113 đã dồn dập dội bão lửa vào sân bay Biên Hòa và bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy; 74 máy bay địch bị phá hủy, hai đài điều không bị đánh sập; nhiều phương tiện chiến tranh bị phá hủy, hàng trăm tên giặc phải đền tội.

Ngay sau trận đánh, trên đường rút quân về căn cứ ở xã Bàu Hàm, để nghi binh đánh lừa địch Nguyễn Thanh Tùng đã đánh một bức điện cho Chính ủy Mai Văn Thoạn với nội dung: “Theo lệnh trên, không đánh các mục tiêu ở Biên Hòa nữa, chờ lệnh mới.

Anh về gấp để rút kinh nghiệm trận đánh pháo vào phi trường Biên Hòa. Cho lực lượng rút ra hết”. Đánh xong bức điện anh tức khắc dẫn quân về tổng kho Long Bình, nơi Tham mưu phó Đỗ Văn Ninh (***)và anh em trinh sát vẫn đang bám trụ nghiên cứu tình hình để chuẩn bị cho trận đánh mới. Tham gia trận đánh vào tổng kho Long Bình anh sử dụng 57 cán bộ, chiến sĩ. Đây là trận đánh bằng phương pháp phá hủy bí mật có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 12 tháng 8 năm 1972 lực lượng tập kết cách mục tiêu 15 ki-lô-mét về hướng đông bắc; xế chiều đội hình bí mật tiến về tổng kho Long Bình. Gần nửa đêm cả ba mũi đã đột nhập được vào khu vực kho 53. Các chiến sĩ phải dùng cưa sắt để cưa các khóa. Nhưng thật may cho ta, hôm ấy địch mở các cửa kho để thông thoáng nên đã giảm được thời gian đáng kể cho việc phá khoá cửa kho. 220 ki-lô-gam thuốc nổ hợp chất C4 tạo thành 220 khối thủ pháo tay được các chiến sĩ đặt vào các vị trí hiểm yếu trong kho. Thuốc nổ được đặt theo hình tam giác, cách một kho đặt một kho. Thời gian hẹn nổ cũng khác nhau: những quả đặt trước ở phía xa bên trong giờ hẹn nổ là 1 giờ; những quả ở giữa gần hơn là 30 phút và những quả ở ngoài cùng là 15 phút. Đặt xong 220 khối thuốc quân ta rút ra an toàn. Bên ngoài hàng rào trên miệng hầm chỉ huy Nguyễn Thanh Tùng bồn chồn lo lắng; thời gian sao lâu thế? Hay là bọn địch đã phát hiện được và gỡ hết rồi? Bên cạnh anh, Tham mưu phó Đỗ Văn Ninh cũng lo lắng nhưng lại liên tiếp an ủi: nhất định bộc phá sẽ nổ và thúc giục Nguyễn Thanh Tùng xuống hầm cho an toàn thì vừa lúc đó một ánh chớp xanh xé màn đêm rực sáng kèm theo là tiếng nổ long trời. Lúc ấy là 4 giờ 30 phút sáng 13 tháng 8 năm 1972. Tiếng nổ của bộc phá quân ta, tiếng nổ của bom đạn địch ầm vang rung chuyển đất trời lại thêm khói đen mịt mùng bao phủ bầu trời mãi tới chiều tối ngày 15 tháng 8 năm 1972 không gian nơi đây mới tạm trở lại yên tĩnh. Sau thất bại to lớn, bộ chỉ huy địch đã phải thú nhận trên các mặt báo: 150.000 tấn bom đạn bị phá huỷ; 200 tấn thuốc nổ bị nổ tung; 17 nhà lính bị phá tan tành, tiêu diệt một đại đội công binh; phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác... Trong khi tiếng sấm ở tổng kho Long Bình như đòn trời giáng còn âm vang, kẻ địch còn đang hoảng loạn thì Nguyễn Thanh Tùng lại quyết định đánh bồi một đòn chí mạng nữa vào quân thù; mục tiêu lần này lại là sân bay Biên Hòa.

Tại đây Ban Binh vận Trung ương Cục đã gài được đồng chí Nguyễn Văn Thôn vào hàng ngũ địch với mật danh H16, anh mang lon đại úy ngụy. H16 là đường dây đồng chí Sáu Biên - Bí thư thành đoàn Biên Hòa phụ trách. Liên quan tới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Trang.

Tỉnh đội trưởng Trần Công An (**Hai Cà) đề xuất phương án giúp đỡ, quyết định sử dụng H16 làm nội ứng để tiến công địch. Theo kế hoạch Tỉnh đội trưởng Trần Công An sẽ cung cấp thuốc nổ mồi có sức công phá lớn lấy từ đầu quả bom lép loại 250 ki-lô-gam của địch. Chất nổ được H16 đưa vào căn cứ trong sân bay (lót dưới đế giày). Nguyễn Thanh Tùng phụ trách việc tìm kíp nổ hẹn giờ, anh đã đề nghị Bộ Tham mưu Miền giúp đỡ và chi viện hai kíp nổ MY10, nhưng chỉ là ngòi nổ hẹn 8 giờ, chứ không có ngòi nổ hẹn 10 giờ như H16 yêu cầu. Sau khi bí mật đưa được thuốc nổ và kíp nổ vào sân bay, hôm ấy là đêm 8 tháng 9 năm 1972 như thường lệ H16 cùng kíp thợ quân khí ngụy lắp ráp bom vào các máy bay A37 và C130 để ngày hôm sau chúng xuất kích đi đánh phá. Khác với mọi lần, hôm nay đã gắn được thuốc nổ có kíp hẹn giờ vào một trong những quả bom loại 250 ki-lô-gam nằm trong đống bom chờ gắn vào máy bay. Anh hồi hộp nhưng bình thản dắt xe máy ra cổng gác phóng xe hoà vào dòng người để trở về nhà riêng với tấm lòng lo lắng, chờ mong và hy vọng. Ở ngoài kia, người chỉ huy trận đánh Nguyễn Thanh Tùng đã có phương án nghi binh để bảo vệ an toàn cho H16. Anh chỉ thị cho Tiểu đoàn pháo 174 đặc công Đoàn Đặc công 113 bố trí sẵn ba quả đạn ĐKB ở dốc Ông Hoàng xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu để phối hợp hành động.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 1972, quả bom trong sân bay phát nổ, tức khắc ba quả đạn ĐKB từ dốc Ông Hoàng phụt khỏi bệ phóng bay vút vào sân bay Biên Hòa, Toàn bộ sân bay chìm trong khói lửa. Tiếng bom nổ rền vang rung động cả đất trời và khoảng không bao la; 175 máy bay A37 và C130 nổ tung tan tành mây khói; hàng trăm tên địch tan xác. Những chiến công của Binh chủng Đặc công nói chung và Đoàn Đặc công 113 nói riêng, đặc biệt là chiến công lẫy lừng ở tổng kho Long Bình và sân bay Biên Hòa đã có tiếng vang lớn, bầu bạn thế giới hết lời ngợi ca; kẻ thù khiếp sợ, đã làm rung động cả bàn đàm phán Pa-ri và đã góp phần tích cực cùng với chiến thắng oanh liệt của trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và cuốn cờ rút quân về nước... Mặt trời đã đứng bóng cũng là lúc chuông điện thoại réo gọi từ một nơi nào đó chắc là gấp lắm. Anh đứng bật dậy và vẫn với giọng nhỏ nhẹ vội nói: thế đã nhé! Có việc phải đi gấp, nếu có gì chưa rõ thì trao đổi qua điện thoại vậy. Chiếc xe nhà binh đã nổ máy chờ sẵn, anh nhanh nhẹn bước vào đóng sập cửa và chiếc xe lao vút đi như ngày nào anh háo hức lao vào các trận chiến quyết liệt với quân thù.

(*) Đại tá anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Tình.

(**) Đại tá anh hùng LLVTND Trần Công An

(***) Đại tá anh hùng LLVTND Đỗ Văn Ninh ( Nguyên Phó tư lệnh TMT Binh chủng Đặc Công )

H.M.M

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Thanh Tùng- Người Trung đoàn trưởng đặc công 113 đầu tiên và những chiến công vang dội" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn