Và rồi, Nguyễn Văn Hòa tặng tôi hai cuốn sách: “Tình thơ bạn thơ” và “Con tằm rút ruột nhả tơ”, đều phê bình, tiểu luận; cùng xuất bản năm 2020. Vừa rồi anh tặng tôi cuốn “Mạch đời chảy mãi”, cũng tiểu luận phê bình, NXB Hội Nhà văn, quý 1/2022.
“Tình thơ bạn thơ” và “Mạch đời chảy mãi”, mỗi tác phẩm có “36 khúc đò đưa”, “Con tằm rút ruột nhả tơ” có 32 “Khúc đò đưa”. Tổng cộng, Nguyễn Văn Hòa đã giới thiệu 104 tác giả, thơ và văn; từ nổi danh, thành danh đến tác giả mới.
“Tình thơ bạn thơ”, Nguyễn Văn Hòa giới thiệu những người thành danh, đã có “thứ hạng” như Bùi Kim Anh, Miên Di, Phan Ngọc Thường Đoan, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đinh Thị Thu Vân, đến những người thành danh thuộc lớp trẻ như Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thế Kiên, Đặng Thiên Sơn....và nhiều tác giả khác.
“Con tằm rút ruột nhả thơ”, Nguyễn Văn Hòa giới thiệu “chân dung thơ” Trần Mai Hường, Huỳnh Thúy Kiều, Trần Nhuận Minh, Đặng Chương Ngạn và nhiều tác giải đang nổi.
Tương tự, trong “Mạch đời chảy mãi” có những gương mặt thành danh như Lê Quốc Hán, Nguyễn Ngọc Hạnh, Phan Hoàng, Trúc Linh Lan, Lê Phương Liên, Lý Phương Liên, Vương Tâm, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh....Liệt kê thế để thấy rằng, Nguyễn Văn Hòa rất chịu khó đọc, tác giả khắp các vùng miền trong cả nước.
Những đóng góp của Nguyễn Văn Hòa là “những đóng góp tự nguyện, bất vụ lợi, say mê, kiên trì, liên tục và tài năng” (Lý Phương Liên và Nguyễn Văn Bảy đánh giá). Nguyễn Văn Hòa tham gia biên tập, đọc, chọn, phê bình tác phẩm và tác giả tham gia dự án “Thơ bạn thơ – Văn bạn văn” do một số người yên văn chương nói riêng, văn hóa đọc Việt Nam khởi xướng.
Nếu như trước đây, nhà thơ Lê Đạt gọi nhà văn, nhà thơ là những “phu chữ”, thì có lẽ dễ thống nhất, những nhà văn làm công tác lý luận phê bình là những người “cày ải” trên những “cánh đồng” chữ nghĩa vất vả nhất. Lấy hình ảnh từ tự nhiên để so sánh, đó là cánh đồng bạc màu, thời tiết khí hậu khắc nhiệt nhất, hạt thóc làm ra “một nắng hai sương”, thấm đủ cay cực.
*
**
Trong “Mạch đời chảy mãi”, năm nhà văn được Nguyễn Văn Hòa giới thiệu là Tâm An, Hồ Kiên Giang, Hồ Huy Sơn, Vũ Văn Song Toàn, Võ Diệu Thanh; có hai tác giả viết tiểu luận – khảo cứu; còn lại là các nhà thơ, tác giả thơ. Nói thế để thấy, thơ đang “nở rộ” hơn văn, cũng có thể, viết phê bình về tác giả, tác phẩm văn xuôi vất vả hơn. Đó là câu hỏi trên bình diện chung, với Nguyễn Văn Hòa, đọc và viết là một đam mê, không phân biệt văn xuôi, thơ hay lý luận phê bình.
Tôi từng đọc tập truyện ngắn “Chửa hoang” của nhà văn trẻ Tâm An – Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, nên xác nhận những phát hiện của Nguyễn Văn Hòa. “Tâm An luôn có cái nhìn biện chứng về con người. Anh luôn đặt quan hệ của mình trong những mối quan hệ đa dạng, phức tạp của đời sống....Bao câu hỏi về kiếp người, niềm tin, giá trị đạo đức, nhân văn được đặt ra”, (Mạch đời chảy mãi, trang 10). “Chửa hoang là tập truyện ngắn có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ. Hệ thống từ ngữ bình dị, gần gũi, trữ tình, phảng phất chất thơ” (trang 11, SĐD).
Và, Nguyễn Văn Hòa nhận định “Tâm An hướng ngòi bút của mình về những phận người bất hạnh với một thái độ trân trọng, cảm thông sâu sắc. Có lẽ vì thế mà truyện ngắn của anh dễ gây cảm tình với người đọc”, (trang 12, SĐD).
Nhà phê bình văn học trẻ Nguyễn Văn Hòa
Nếu như thơ đang có cuộc “hành trình” trở về với bản ngã, thì văn đang phải là cuộc phân thân với đồng loại. Năm 2014, nhân tổ chức Trại sáng tác Văn học về đề tài giao thông vận tải khu vực các tỉnh phía Nam, tôi có gặp nhà văn trẻ quân đội, Hồ Kiên Giang. Anh ít nói, hướng nội. Có lẽ vì thế, tác phẩm của Hồ Kiên Giang nhân bản. “Trên núi Tưk-cot” là tên tập truyện ngắn mới nhất của Hồ Kiên Giang. Trong bài viết “Hồ Kiên Giang, góc nhìn của người viết trẻ về đề tài chiến tranh”, Nguyễn Văn Hòa nhận định: “Thế giới nhân vật trong tập sách Trên núi Tưk-cot phong phú và đa dạng, đủ cả mọi tầng lớp, loại người. Điều đặc biệt trong truyện của anh có kiểu nhân vật tự dằn vặt, ăn năn về những lỗi lầm mà họ đã gây ra trong quá khứ. Lỗi lầm đó chủ yếu do hoàn cảnh thúc ép và hạn chế của thời đại. Cái hay của nhà văn là không để cảm xúc của mình lấn át mà luôn với thái độ công bằng, bình thản phản ánh một cách trung thực, khách quan về nhân vật”, (trang 57, SĐD).
Văn là người, câu nói cũ nhưng nhắc lại luôn mới. Nhận định của Nguyễn Văn Hòa, không chỉ là phát hiện trong tác phẩm, tôi xác thực, đúng với “tạng” nhà văn Hồ Kiên Giang, dù còn trẻ nhưng luôn quan sát cuộc sống bằng sự mẫn cảm, trung thực, vị tha.
Trong tất cả tác phẩm mà Nguyễn Văn Hòa đã xuất bản, như trên đã nói, anh giới thiệu nhà thơ, tác phẩm của họ nhiều hơn văn. Trong số những nhà thơ hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Văn Hòa, tôi để ý đến Hoàng Thụy Anh. Chị là một “ngôi sao đang lên” cả trong lĩnh vực phê bình văn học, lẫn “địa hạt thơ”, đã xuất bản tập thơ đầu tay “Người đàn bà sinh ra từ mưa”, NXB Hội Nhà văn năm 2017. Thơ Hoàng Thụy Anh có xu hướng lạ hóa trong lập tứ cũng như thi ảnh. Và, bước đầu chị tạo ra được một phong cách, không lẫn.
Nguyễn Văn Hòa nhận xét: “Có lẽ với năng khiếu, cộng với ý thức một cách nghiêm túc về nghiệp cầm bút nên Hoàng Thụy Anh rất cẩn trọng trong việc dùng câu, chữ, hình ảnh thơ. Là tập thơ đầu tay nhưng tôi cho rằng đây là tập thơ có chất lượng, dù những hình ảnh, câu chữ có thể gây khó hiểu cho người đọc vì cách sử dụng từ ngữ mới lạ, trừu tượng...Nhưng đó cũng là thế mạnh trong thơ chị nói riêng và thơ trẻ đương đại nói chung”, (Tình thơ bạn thơ, trang 9). Quả đúng như vậy.
*
**
Tôi nhớ, cuối năm 1985 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị những người viết văn trẻ. Khi đó nhà thơ Xuân Diệu – một người từng được gọi là “người gác barie thơ” đang ốm nặng (sau đó không qua khỏi). Từ Bệnh viện Việt Xô (nay gọi là Bệnh viện Hữu nghị), Xuân Diệu gửi đến Hội nghị bài tham luận có tiêu đề: “Sự uyên bác và công việc làm thơ”.
Đúng là để làm thơ, nhất là có thơ hay, ngoài tài năng, còn phải uyên bác. Tất nhiên, viết văn, làm phê bình văn học càng phải thế. “Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”, (L.N.Tolstoy). Tác giả của những tiểu thuyết lừng danh như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina” khí nói đến điều này, ông đã nói đến tài năng, uyên bác – yếu tố cần và đủ để hy vọng có tác phẩm lớn, dù là văn xuôi, thơ hay lý luận phê bình.
Sau công việc sáng tạo ra tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ là đến công việc của các nhà lý luận phê bình. Họ là những người, không chỉ đồng sáng tạo mà còn thực hiện “sứ mệnh” hướng độc giả biết đến tác phẩm, tìm đến tác phẩm. Để làm được điều này, đòi hỏi đam mê và phẩm chất dấn thân.
Nguyễn Văn Hòa còn trẻ, nhưng có phẩm chất và tư cách của một người dấn thân cho văn chương./.