Sáng 10/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. Một chương trình nghệ thuật nhiều màu sắc đã mở đầu buổi lễ tại thánh đường nghệ thuật trong không khí vừa trang trọng, vừa ấm cúng và cũng đầy cảm xúc tươi mới đúng với slogan “Sứ mệnh sân khấu dành cho tuổi trẻ”.
Dự lễ kỷ niệm 45 năm Nhà hát Tuổi trẻ mà bản thân thấy vui và hồi hộp thực sự khi phần biểu diễn chào mừng có màn mashup những ca khúc trích trong các vở diễn ghi dấu ấn của Nhà hát thời gian qua và thật bất ngờ khi giai điệu âm nhạc được tôi viết trong màn kết của vở nhạc kịch "Bầy chim Thiên nga" đã xuất hiện. Cảm động vô cùng! Tự nhiên ký ức tuổi thơ ùa về, trộn rộn trong lòng.
Ký ức trong tôi về Nhà hát tuổi trẻ
Ngược dòng thời gian, tôi nhớ, khi đó là những năm 1986 khi tôi đang theo học Trung cấp Lý luận ở Trường Nhạc viên Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi đã được xem những thần tượng nghệ thuật của mình tại Nhà hát tuổi trẻ. Ấn tượng ngày đó và lúc này đây ký ức dội về khiến gương mặt nghệ sĩ mà tôi nhớ nhất lúc ấy là Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Kỳ. Tôi biết ông qua radio với rất nhiều ca khúc hay và trở nên quen thuộc nhưng chắc chắn những bạn cùng thời với tôi và các thế hệ trước tôi ai cũng nhớ Hồng Kỳ với Điệu nhảy trên trống và sau này là Alibaba, Lời tâm sự của chú gà trống,Tí sún... thời gian đó, ông vừa là diễn viên của Nhà hát tuổi trẻ, vừa theo học Đại học tại chức tại Nhạc viện Hà Nội (1985 - 1990) nên tôi không chỉ ngưỡng mộ ông trên sân khấu, qua radio mà còn được gặp ông dưới vòm bằng lăng ngập sắc tím nơi sân trường (tất nhiên chỉ nhìn và ngưỡng mộ chứ không có cơ hội trò chuyện), rồi liên tiếp trong những năm ấy, Hồng Kỳ xuất hiện nhiều trên sân khấu Nhà hát tuổi trẻ qua các chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi và đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế… Một nghệ sĩ sân khấu mà tôi cũng rất ngưỡng mộ đó là Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương nổi tiếng trong bộ phim: “Em bé Hà Nội” và sau này chị không chỉ tham gia diễn xuất trong các vở diễn của Nhà hát mà còn làm công tác đào tạo và phụ trách đoàn kịch thể nghiệm với những vở diễn cũng khá ấn tượng…
Năm tháng qua đi, tôi thở thành phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ trao đổi với rất nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ của Nhà hát. Hạnh phúc khi được mời dự Lễ kỷ niệm của Nhà hát, ký ức ùa về khiến tôi nhớ!. Phải nói rằng tôi rất trân trọng, ngưỡng mộ nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành. Ở cương vị nào bà cũng thể hiện được khí chất của mình: cương trực, mực thước, nhưng sâu thẳm lại là một tâm hồn hướng thiện, trẻ trung đến bất ngờ. Cái tên Nhà hát tuổi trẻ chính là nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành và Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lúc bấy giờ là bà Hà Nhân kiêm Giám đốc Nhà hát đã cân nhắc lựa chọn. Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành lý giải nếu để tên: Nhà hát tuổi trẻ thì các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dành cho thiếu nhi sẽ đang dạng và có nhiều cơ hội để diễn viên gần hơn với công chúng. Và quả thực, cùng với các vở kịch dành cho thiếu nhi, Nhà hát còn dựng rất nhiều những vở diễn sân khấu mang tính giáo dục, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển qua bàn tay tài hoa của các NSND Phạm Thị Thành, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng. Họ đã thật tài tình khi chuyển thể và đạo diễn các tác phẩm mang những thông điệp nhiều ý nghĩa về nhân tình thế thái, về những hỷ nộ ái ố trong cuộc đời được nhân cách hóa đưa lên sân khấu đầy tính nghệ thuật, đậm chất nhân văn và tính giáo dục thẩm mỹ cao, làm nên một dòng chảy của sân khấu Việt Nam với hàng loạt các tác phẩm của các tác giả trong nước và quốc tế, trong đó người có nhiều tác phẩm của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mà “Mùa hạ cuối cùng” - một vở kịch mang thông điệp giáo dục con người bằng niềm tin. Đồng thời thông qua diễn xuất của các nhân vật để nói lên tiếng nói của thế hệ trẻ - những cô, cậu học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những công dân có ích cho xã hội đã từng hot trên sân khấu. Đây là vở kịch về đề tài xã hội trong việc giáo dục thể hệ trẻ được đạo diễn NSND Phạm Thị Thành dàn dựng thành công từ cách đây 40 năm trước, được thế hệ diễn viên đầu tiên của Nhà hát thể hiện và sau này họ cũng đã trở thành những: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Hải, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền... Và rồi sau này, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn NSƯT Chí Trung, vở diễn được làm mới với nhịp sống hiện đại thông qua ngôn ngữ âm nhạc, điện ảnh, ánh, hiệu ứng ánh sáng, thiết kế mỹ thuật… cùng ekip diễn viên thế hệ kế cận là: NSƯT Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Thanh Dương, Tú Oanh,Thanh Tú, Thu Quỳnh, Thanh Sơn , Thu Trang…
Mặc dù không đứng trên sân khấu biểu diễn nhưng ông Trương Nhuận đã để dấu ấn với vai trò Giám đốc trong nhiều dự án hợp tác đối ngoại của Nhà hát, như: dự án “Childrent Voice’s” với 300 xuất diễn miễn phí cho trẻ em; quản lý dự án hợp tác dàn dựng và biểu diễn của Quỹ Giao lưu và Phát triển Văn hóa Vương quốc Đan Mạch với vở kịch thể nghiệm “Vườn thiên đàng”; “Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế Hà Nội 2010”; quản lý dự án trong khuôn khổ hợp tác văn hóa với Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy trong nhiều năm với các vở kịch của Henrick Ibsen; Hợp tác với Hiệp hội sân khấu quốc tế Thụy Điển (SW/ITI); Quỹ phát triển và hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA)... Có lẽ thời của Giám đốc Trương Nhuận đã mở ra một cơ hội tốt trong quan hệ đối ngoại của Nhà hát, ông biết đón đầu những xu hướng phát triển chung của sân khấu thế giới để làm mới sân khấu Việt Nam trên chính ngôi nhà của mình - Nhà hát tuổi trẻ. Đây cũng là thời kỳ “hoàng kim” của kịch Lưu Quang Vũ trên sân khấu.
Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung khi tiếp quản công tác lãnh đạo đã từng bước khai phá, phát triển nghệ thuật sân khấu ở cả lĩnh vực chính kịch, kịch thể nghiệm, ca múa nhạc và đặc biệt là nhạc kịch dành cho thiếu nhi...
Nếu như ông Trương Nhuận chú trọng đến hoạt động đối ngoại của nhà hát thì nghệ sĩ Chí Trung cùng các cộng sự không chỉ tiếp bước mà còn nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác bằng việc mời đạo diễn nước ngoài tới dàn dựng những vở kịch kinh điển theo phong cách mới như: “Luận Kiều” do Amelie Niermeyer (Đức) đạo diễn nằm trong dự án “ Nàng kiều” kết hợp với Viện Goethe; Romeo và Juliet, đạo diễn Beverly Blankenship (Áo); “Cậu Vanya” không chỉ đoạt giải Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế 2019 mà còn được đón nhật nồng nhiệt tại Nhật Bản. Ngoài việc mở rộng hợp tác đối ngoại là việc nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình, bổ sung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thay đổi lịch diễn cho phù hợp với từng đối tượng khán giả với mong muốn nhà hát có thể sống khỏe trên đôi chân của mình.
Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến từng làm Phó Giám đốc dưới quyền nghệ sĩ Chí Trung nên dường như có những đồng điệu trong nghệ thuật và cùng thúc đẩy nhau phát triển cũng như tôn nhau trong nghề thông qua các chương trình dự án của nhà hát. Nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến là một người kiệm lời và khá sâu sắc. Anh cùng Nhà hát cũng đã tạo nên cơn sốt với “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của kịch tác giả Lưu Quang Vũ và nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát thời gian gần đây. Người cũng luôn đặt niềm tin và tạo cơ hội cho thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ trẻ của nhà hát được phát huy khả năng sáng tạo mà gần đây nhất là hàng loạt các vở nhạc kịch đươc ra đời như: “Sóng” đạo diễn Ngọc Ánh; “Trại hoa vàng”, “Bầy chim thiên nga” “Rồi tôi sẽ lớn” của đạo diễn Lê Ánh Tuyết...
Từng bước hội nhập và phát triển theo xu hương sân khấu thế giới
Tôi may mắn khi lần đầu tiên được hợp tác với Nhà hát tuổi trẻ là Chương trình kỷ niệm 30 năm ngày mất của kịch tác gia Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh trong đêm thơ nhạc “Tình yêu ở lại”, rồi tham gia với Đoàn Ca múa nhạc của Nhà hát trong vở "Bầy chim Thiên nga"... Nhớ lại những lần được trao đổi với NSND Phạm Thị Thành, Trương Nhuận, NSƯT Chí Trung, NSƯT Sĩ Tiến và nhiều nghệ sĩ của Nhà hát càng thấy tình yêu nghề và năng lượng lan toả từ các nghệ sĩ đã góp phần làm nên thương hiệu của Nhà hát mãi trẻ trung và tỏa sáng.
Nhìn lại trong 3 năm đại dịch Covid-19 gây khó khăn với tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, sự chuyển giao cương vị lãnh đạo quản lý vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình. Nhà hát dựng vở mới liên tục, tìm các phương án xã hội hóa, đưa nghệ thuật đến tận các Trường học, nhà máy, công ty và luôn sáng đèn sân khấu nhà hát mỗi khi dịch covid tạm lắng mới thấy sự năng động, nhạy bén của người lãnh đạo.
Tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm thành lập, PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng đã thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành công mà nhà hát đã kiến tạo, lan tỏa những giá trị đẹp nhất của văn học nghệ thuật đến công chúng và bạn bè quốc tế. Bài đáp từ của nghệ sĩ ưu tú Sĩ Tiến cũng đã nói lên tất cả. Anh cho rằng: “Nếu so sánh với những nhà hát đầu tiên trên thế giới dành cho thanh thiếu nhi được thành lập cách đây hàng trăm năm, 45 năm Nhà hát Tuổi trẻ quả là còn rất non trẻ. Tuy nhiên, nếu nhớ lại khi nhà hát ra đời vào thời điểm đất nước mới thống nhất vài năm, còn ngổn ngang bao vấn đề và khó khăn về cuộc sống vật chất thì mới hiểu, đây là một quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo về các vấn đề văn hoá xã hội lúc bấy giờ, để xây dựng một lớp người mới xã hội chủ nghĩa, rất cần sự tham gia của nghệ thuật sân khấu, hỗ trợ việc hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của khán giả trẻ, với các bộ giá trị phù hợp một cách tự nhiên và hiệu quả. Ngày nay, nghệ thuật sân khấu đã có những bước tiến dài, là tập hợp của các chuyên gia, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm với nhiều xu hướng sáng tạo vô cùng mới mẻ trong thời đại kỹ thuật số. Song, sân khấu vẫn là nghệ thuật mang đậm nét của chủ thể sáng tạo, của nghệ thuật đài từ và ngôn ngữ cơ thể, vẫn luôn góp phần quan trọng vào việc định hình nhân cách, phông cảm xúc của trẻ em, cho người trẻ bằng ngôn ngữ riêng, độc đáo, mang lại cơ hội cho sự giao tiếp liên văn hoá và hội nhập, tăng giá trị thẩm mỹ và đạo đức trong cộng đồng.
Với việc là thành viên tổ chức ASSITEJ, Hiệp hội sân khấu thế giới dành cho trẻ em, nhà hát luôn chú trọng các thử nghiệm mới, mời các đạo diễn trong và ngoài nước hợp tác, sáng tạo với cách tiếp cận nội dung đa dạng, không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, hiện đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một khắt khe của khán giả trẻ. Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn góp phần giới thiệu xu thế sân khấu thế giới đương đại, giúp nâng cao thị hiếu khán giả, qua đó nuôi dưỡng, xây dựng những hoài bão và ước mơ, là nơi rèn luyện tư duy và phẩm chất cho những người trẻ tuổi thông qua nghệ thuật, đồng thời tạo cú hích tìm tòi, đổi mới chính mình.
Kỷ niệm Nhà hát Tuổi trẻ tròn 45 tuổi - đây là thời điểm quá khứ và hiện tại đan xen, của thành quả và kinh nghiệm của nhiều thế hệ đi trước, của lòng biết ơn và hội ngộ, thêm tuổi - thêm tươi mới, trẻ trung, tràn đầy năng lượng sáng tạo và đổi mới để cùng chắp cánh cho niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ luôn hiện hữu và cùng nhau chúng ta sẽ làm cho cuộc sống ngày một ý nghĩa hơn”.
Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến cũng bày tỏ sự sự kỳ vọng, tin tưởng vào các đồng nghiệp: “ hãy biết rằng những giọt mồ hôi sẽ tiếp tục chảy trên sàn diễn, cùng với nước mắt và nụ cười của nhiều thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã dâng hiến cho khán giả khắp các vùng đất mà chúng ta đã đi qua, để đổi lại là nụ cười trẻ thơ, là sự yêu mến và những tràng vỗ tay như những vòng tay ấm áp, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của một nhà hát Quốc gia có sứ mệnh phục vụ thanh thiếu nhi”.
Nhà hát Tuổi trẻ là nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật: ca - múa - nhạc - kịch, nghệ thuật đương đại - thể nghiệm, giao lưu văn hóa quốc tế, với sứ mệnh làm cầu nối giới thiệu tinh hoa văn hóa của thế giới tới khán giả trong nước cũng như đưa nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Chặng đường phát triển 45 năm với một đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp chưa phải đã dài nhưng Nhà hát Tuổi trẻ có quyền tự hào khi chính nơi này các thế hệ nghệ sĩ đã khẳng định một thương hiệu riêng không trộn lẫn.
Một số hình ảnh khác: