Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và người mẹ

Ngô Đức Hành

15/08/2021 18:51

Theo dõi trên

Lê Cảnh Nhạc sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, vùng quê khắc nghiệt, một thời quá vất vả. Người mẹ sinh ra ông cũng tảo tần, mưa nắng như bao người mẹ miền Trung khác. Yêu con hơn chính bản thân mình “Con lớn lên đồng níu mẹ hai vai / Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám / Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn / Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần” (Mẹ vĩnh hằng).

le-canh-nhac-1629028007.png
Tác giả và mẹ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc

Ai cũng có một người mẹ sinh thành. Không có gì thiêng liêng bằng tình cảm người mẹ. Ngay trong thế giới tự nhiên, tình cảm của các loại động vật dành cho con mình cảm động, chứa đựng thông điệp. Chuyện kể rằng, loài chim Bồ Nông, thấy con mình đói nó sẵn sàng dùng mỏ rạch bụng mình cho con ăn cơ mà. Huống chi con người?

Mẹ cho ta cuộc sống, sinh ra ta trên cõi đời để biết đắng cay, ngọt bùi. Nghĩ về mẹ luôn đong đầy cảm xúc, nhớ mẹ không hiếm người bật khóc. Trong cuộc đời này không ai tốt với mình hơn là mẹ, dù là đứa nhóc bé tí hay là người trưởng thành, ai cũng ao ước và nhận được chở che, yêu thương từ mẹ.

Chính vì thế, trong văn hóa có “Ngày của Mẹ”- (tiếng Anh: Mother's Day). “Ngày của mẹ” hay còn gọi “Ngày Hiền mẫu” là một ngày kỷ niệm để tôn vinh các người mẹ và tình mẹ, sự gắn kết của mẹ và ảnh hưởng của các bà mẹ trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào những thời gian khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến nhất là vào tháng Ba hoặc tháng Năm.

Ở Việt Nam, biết bao nhiêu ca dao, tục ngữ nói về tình mẫu – tử, biết bao nhà văn, nhà thơ đã dành những trang viết xúc động nhất về mẹ. Nhà thơ, TS. Lê Cảnh Nhạc không ngoại lệ. Ông sáng tác nhiều thơ, ca khúc về mẹ.

 

Con chào đời

Lộc nhú từ cây, mầm ươm từ đất

Mẹ dắt con đi khi con chưa tập bước

Bằng tiếng ầu ơ trái đất bầu trời

 

Tiếng ru cất lên nhân nghĩa cuộc đời

Cho con yêu thương cái cò cái vạc

Yêu những luống cày yêu người gieo hạt

Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi

(Mẹ vĩnh hằng)

 

Lê Cảnh Nhạc sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, vùng quê khắc nghiệt, một thời quá vất vả. Người mẹ sinh ra ông cũng tảo tần, mưa nắng như bao người mẹ miền Trung khác. Yêu con hơn chính bản thân mình “Con lớn lên đồng níu mẹ hai vai / Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám / Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn / Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần” (Mẹ vĩnh hằng). Chắc chắn, nhớ lại những ngày mẹ, cha trên những cánh đồng kiếm cái ăn cho con, những người lớn lên từ miền Trung hẳn ứa nước mắt.

...

Lời ru của bà thay mẹ đưa nôi

Cái vạc cái cò đêm đêm bắt tép

Lặn lội nuôi con cung đàn réo rắt

Lồng lộng bóng cò bóng vạc phía bờ ao

(Cung đàn của mẹ)

me-con-gong-ganh-1629028007.jpg
“Cho con yêu thương cái cò cái vạc”, thơ Lê Cảnh Nhạc

Người mẹ nào ở miền Trung cũng lặn lội khuya sớm như thân “”. Người nông dân Việt Nam rất gần gũi và gắn bó với "con cò". Cò là bạn người nông dân. Nhìn đàn cò trắng bay bổng trên cánh đồng bát ngát lòng người cảm thấy phơi phới lạ thường, quên hết nỗi nhọc nhằn sau một ngày làm việc. Dáng cò mảnh khảnh, thân cò gầy gầy, bộ lông cò trắng muốt, mang một vẻ đẹp đồng quê còn là vẻ đẹp phụ nữ “Con cò lặn lội bờ ao, / Phất phơ hai giải yếm đào gió bay” (Ca dao). Nhìn cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông, cò chao liệng trên bầu trời lộng gió ai không liên tưởng đến dáng vẻ của người phụ nữ. Hình ảnh con cò, con vạc với tư cách so sánh, ẩn dụ của người mẹ thì ca dao, tục ngữ, các nhà thơ trước đây như Tú Xương đã dùng trong sáng tác “Lặn lội thân cò khi quảng vắng / Nuôi đủ  năm con với một chồng”. Tảo tần, nhẫn nại. Hình ảnh “cái cò cái vạc” trong thơ Lê Cảnh Nhạc thêm một lần nữa mang đến dư chấn trong tâm hồn người đọc. Mẹ ta như “Thân cò lặn lội đồng xa”, nuôi ta khôn lớn, thành người.

Trong mắt bố mẹ, nhất là người mẹ mang nặng chín tháng mười ngày, đứa con là cả “bầu trời” hy vọng.

...

Rồi con tập đi rồi con tập nói

Nghe tiếng con gọi biển trời lung linh

Dõi theo từng bước chân con

Ngày một xa hơn vòng tay cha mẹ

Biết bao lo âu biết bao hy vọng

Con là tương lai bình yên cuộc sống

Khi trời bão giông khi biển bạc đầu

(Bão giông lòng mẹ)

 

Có lẽ, với bất cứ ngôi nhà của ai ở nông thôn Việt Nam, cái bậu cửa nào cũng in hình bóng mẹ ngóng con, bàn tay người mẹ nắm vào làm khung cửa vẹt mòn theo năm tháng. Mỗi đứa con lớn lên đều phải qua nhiều lần tập đi, tập đi trên đất, đi vững rồi biết chạy...”tập đi” vào đời. Lần “tập đi” của con cũng đi liền với bao âu lo của mẹ. Chỉ người mẹ mới hiểu được lắng lo của mình khi dõi theo con. Đó là hạnh phúc của bất cứ người con nào.

...

Cuộc đời con có mẹ có mùa xuân

Có tiếng hát của sông dài biển rộng

Con xin mẹ vĩnh hằng đừng bao giờ tắt nắng

Dù bóng xế chiều, tóc mẹ trắng phơ bay

(Mẹ vĩnh hằng)

 

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là người hạnh phúc. Mẹ ông, người phụ nữ dành cả cuộc đời cho các con, trong đó có nhà thơ Lê Cảnh Nhạc năm nay gần “bách niên” nhưng vẫn khỏe, mẫn tiệp. Bà vẫn là “tiếng hát của sông dài biển rộng” hiện diện trong cuộc sống thường nhật và tâm hồn thi sỹ của ông. Lòng mẹ bao giờ cũng là nơi ẩn náu yên ổn, an toàn nhất của những đứa con khi gặp “bão dông” trên cuộc đời. Nói như Bernard Shaw - nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà chính trị và nhà hoạt động chính trị người Ireland “Vũ trụ không có nhiều kì quan, nhưng kì quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”.

Hà Nội, ngày 15/8/2021

NĐH

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và người mẹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn