Nhà tình báo hai lần được trao danh hiệu anh hùng

Bài, ảnh NV. Nguyễn Chánh/Thành Đô (Biên tập)

14/11/2022 09:11

Theo dõi trên

Trong lần ghé thăm chú Tư Cang hôm vừa rồi sau sinh nhật chú, hai chú cháu tôi ngồi ở hiên nhà, chú Tư rải bắp ( ngô ) cho mấy con gà ăn và cầm cái que dài đuổi mấy con chó sợ nó rượt đàn gà .

Cảnh vật thật thanh bình, nhìn chú Tư cũng giống lão nông Nam Bộ lắm, nhưng có điều sức của chú giờ cũng đã yếu nên uy lực hô chó, chó không mấy đanh thép khiến lũ chó "giỡn mặt" ông Tư hoài, ngoắc cái đuôi như trêu ngươi người anh hùng và chúng rượt đàn gà chạy tứ tung kêu toang toác. Chú Tư nhìn tôi cười thật hiền rồi nói : mấy con chó hư quá, rượt đàn gà hoài, mần thịt hết tụi bay bây giờ ! Nhớ hồi lội bộ vượt Trường Sơn vào trong này cuối năm 1961, tụi tao cũng đổi cái áo, cái quần bộ đội cho mấy người dân tộc ở trên đường để lấy con chó rồi mần thịt ăn chứ trên đường hành quân gian khổ lắm, phải đi bí mật, được miếng thịt chó luộc và chén nước xáo, tỉnh cả người.

dh1aq1v-1668391569.jpg
Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động , Thiếu tướng tình báo Trần Văn Danh ( Ba Trần )

 

Hôm nay chú Tư hỏi tôi, chắc hồi này mầy lo nhậu quá nên ít viết bài kể chuyện tình báo của tao cho mọi người đọc rồi nhỉ ? Đâu có, rảnh là con viết đó, nghe xong không viết, giờ có tuổi nó cũng hay quên, chú Tư ơi ? Ờ, chuyện về anh Ba Trần ( thiếu tướng Trần Văn Danh ) hấp dẫn vậy, ảnh là nhà chỉ huy tình báo hai lần được tuyên dương anh hùng không viết là thiếu sót đó nghe mầy !

Hồi đầu năm, tôi cũng gọi điện thoại cho chị Trần Thu Thảo ( con gái chú Ba Trần ) , rất muốn được chị chia sẻ những trang viết hay những tài liệu của ba mình trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của ông . Nhưng thật tiếc, chị bảo, ba chị không viết hồi ký cũng như không để lại những ghi chép cá nhân gì. Có thể ba cũng có ghi chép gì đó, nhưng giờ không còn cái gì, chắc ba mang theo hết về thế giới bên kia rồi ? Tôi từ lâu đã muốn dành thời gian để tìm đọc tài liệu viết về chú Ba Trần. Có không ít thông tin, vì vậy tôi muốn viết những điều mới mẻ về chú qua các nhân chứng đã cùng chú đi qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Giờ vẫn còn sống như chú Tư Cang và chú Sáu Trí- nguyên trưởng phòng tình báo Miền B2 là những người có thể kể cho tôi những ký ức về chú Ba Trần. Rất tiếc, giờ chú Sáu Trí rất yếu, ở tuổi 98 rồi, có cái nhớ, cái quên, chú không thể kể chuyện cho tôi nghe được nữa.

dh2abn2-1668391771.jpg
 Anh hùng LLVT nhân dân Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu tại đám giỗ ông Ba Trần

 

Chú Tư Cang kể với tôi , tao biết anh Ba Trần hồi 9 năm chống Pháp ở miền Đông Nam bộ trong quân báo, quê ảnh ở Hóc môn . Hồi đó đầu năm 1949, phòng tình báo quân khu 7 được thành lập, anh Sáu Trí làm phó phòng, phụ trách điệp báo. Sau đó vào năm 1950, Phòng sát nhập với phòng quân báo Nam Bộ do anh Hoàng Minh Đạo phụ trách ( Năm Thu ). Tao và anh Ba ở trong tổ nghiên cứu, sau anh Ba được bổ nhiệm tham mưu phó kiêm trưởng ban quân báo liên tỉnh Thủ-Biên ( Thủ Dầu Một và Biên Hoà ), tao được bổ nhiệm làm trưởng ban quân báo Bà-Chợ ( Bà rịa và Chợ Lớn ). Xét về lãnh đạo, tao và anh Ba hồi đó đều là cấp dưới của anh Sáu Trí . Năm 1952 , anh Sáu Trí về phụ trách phòng quân báo đặc khu Sài Gòn-Chợ lớn. Năm 1953, bộ chỉ huy Sài Gòn-Chợ lớn giao nhiệm vụ cho anh Sáu Trí xâm nhập hàng ngũ địch để xây dựng lưới tình báo cung cấp thông tin cho lãnh đạo. Vì vậy, năm 1954 khi tập kết ra miền Bắc, anh Sáu Trí đã không đi được, tao và anh Ba đi tập kết. Cũng cần nhắc thêm , trước ngày đi tập kết, anh Ba đã trở thành cán bộ chỉ huy quân sự, anh là phó chính ủy kiêm bí thư Trung đoàn ủy của trung đoàn 556 lừng danh thời đánh Pháp 9 năm ở Nam Bộ. Khi tập kết ra miền Bắc, anh Ba ở sư đoàn 330 của tướng Đồng Văn Cống đóng ở Thanh Hoá, còn tao về sư đoàn 338 của tướng Tô Ký đóng ở Xuân Mai ( Hoà Bình ). Anh Ba là người có tố chất tổ chức lãnh đạo, tập hợp anh em rất tốt, luôn có nhiều sáng tạo và đề xuất táo bạo trong chiến đấu. Những tố chất tuyệt vời đó đã được khẳng định như là tài năng sáng chói của người thủ trưởng tình báo, đặc công biệt động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó.

Ngày tập kết ra miền Bắc năm 1954, chú Tư nói, anh Ba đi có một mình giống như tao, vợ con vẫn ở lại trong này. Anh Ba đã được đào tạo về chỉ huy tình báo rất bài bản để được tung trở về miền Nam chiến đấu. Năm 1961, khi ấy anh Ba với cấp bậc thiếu tá, ảnh tham gia đoàn Phương Đông 1 do ông Trần Văn Quang làm trưởng đoàn vượt Trường Sơn trở về Nam Bộ. Đây là đoàn cán bộ đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đoàn Phương Đông 1 , chỉ có duy nhất mình anh Ba là người của quân báo Nam Bộ thời chống Pháp 9 năm. Những ngày đầu tiên ở căn cứ, Ban quân sự Miền được thành lập, ông Trần Văn Quang làm thủ trưởng, anh Ba là người phụ trách về công tác tình báo của quân giải phóng .

Nhấp một ngụm nước, chú Tư kể tiếp, cuối tháng 3 năm 1962 khi tao từ ngoài Bắc theo đoàn Phương Đông 2 về tới căn cứ , anh Ba mừng lắm, đoàn quân chi viện cho tình báo Miền của tụi tao gồm 13 người, anh Ba phân về các cơ sở dưới quyền ở các tỉnh. Vì là những người bạn chiến đấu bên nhau trong quân báo thời 9 năm, nay được Cục 2 đào tạo nghiệp vụ tình báo trước ngày lên đường, anh Ba đặt niềm tin nơi tao và trao trách nhiệm rất lớn. Ảnh nói, giờ anh về đây rồi, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề. Tui tin tưởng ở anh, giao cho anh tổ chức lại cụm tình báo duy nhất của chúng ta hiện đang phát huy rất hiệu quả với một điệp viên đã được cài sâu trong hàng ngũ của địch. Đây là cụm tình báo B110 đang đứng chân ở Bời Lời ( Tây Ninh ) do anh Mười Nho phụ trách. Anh Mười Nho đang bị bệnh, cần phải đưa ảnh ra miền Bắc trị bệnh, anh sẽ thay anh ấy nắm cụm này. Đây là cụm tình báo của Ban địch vận Sài Gòn-Chợ Lớn được thành lập để phục vụ cho điệp viên Hai Trung ( X6, Phạm Xuân Ẩn ). Sau khi nhận nhiệm vụ, tao xuống Bời Lời, nghiên cứu địa hình , thực tế hoạt động rồi về báo cáo anh Ba. Tao thấy ở Bời Lời xa nơi dân cư, giữa vạt rừng trơ trọi, không dựa được vào dân là rất bất lợi. Tao đề xuất tách cụm B110 làm đôi, thành lập cụm A.18 phục vụ cho X6 do tao làm cụm trưởng , dời về Củ Chi nơi Bến Đình, khu Phú Hoà Đông, bám địa đạo Củ Chi để hoạt động và chiến đấu. Số còn lại vẫn lấy Bời Lời làm căn cứ , tổ chức thành cụm A.20 do anh Bảy Vĩnh làm cụm phó ( không có cụm trưởng ), tổ chức một lưới tình báo khác. Khi anh Sáu Trí bị bể ở trong thành, thoát được về cứ, ảnh được lãnh đạo phân công làm cụm trưởng A.20 trong mấy năm rồi rút về cứ làm lãnh đạo, giao lại A.20 cho anh Bảy Vĩnh làm cụm trưởng. Sau này, cả A.18, A.20 đều được tuyên dương đơn vị AHLLVTND ( 2 cụm này sau đổi tên thành H.63 và H.67 ), anh Bảy Vĩnh được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND năm 1978, giờ ảnh mất rồi.

Nhớ về người thủ trưởng cũ của mình, chú Tư tiếp : năm 1966, cuộc chiến đã rất ác liệt vì Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, nếu không có thay đổi kịp thời cách thức tổ chức, các cụm tình báo có nguy cơ bị đứt liên lạc. Anh Ba và anh Sáu Trí đã cho gọi tao vô căn cứ để giao nhiệm vụ. Khi ấy, tao với cấp bậc là thiếu tá . Anh Ba nói, bây giờ rất cần cụm trưởng phải vào trong thành, ở bên cạnh điệp viên để chỉ đạo công việc trực tiếp theo yêu cầu của Bộ chỉ huy. Tư Cang kỳ này vô thành xem có trụ lại được không ? Nếu làm ăn tốt thì cũng sẽ cho các cụm trưởng khác vô thành. Tao cũng rất băn khoăn, không biết phải thực hiện nhiệm vụ này như thế nào trong thế hợp pháp ở lại ngay giữa Sài Gòn ? Anh Ba nói, đây là nhiệm vụ rất nhiều nguy hiểm, có thể phải hy sinh bất cứ lúc nào nhưng không có cách nào khác để phát huy những đóng góp của các điệp viên của cụm đã được cài cắm sâu trong lòng địch. Vậy là năm đó tao đã vô thành, bên cạnh X6 và Tám Thảo cùng anh Nam Sơn . Ngẫm đôi chút, chú Tư nói tiếp, thực tế cho thấy những chỉ đạo này của anh Ba rất sắc sảo, đòi hỏi người chỉ huy tình báo trực tiếp như tao phải phát huy hết mọi mưu mẹo , sự dũng cảm và các nghiệp vụ tình báo đã được học để đối mặt với thách thức hiểm nguy. Những năm tháng ở trong thành gắn bó với Phạm Xuân Ẩn đã giúp cho cụm H.63 của tao cung cấp kịp thời được rất nhiều thông tin tình báo quý giá, có thể nói cực kỳ quan trọng làm nên tên tuổi của Phạm Xuân Ẩn , Tám Thảo , có tác động xoay chuyển được tình thế chiến tranh, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để rồi rút quân. Ông Ẩn cũng đã nói với tao, đặc điểm của tình báo chúng ta khi đối đầu với tụi nó là sự hy sinh nhiều quá. Bao nhiêu người vô thành cũng bị chúng bắt rồi hy sinh, tui với anh mình rất may mắn không bị lộ và tồn tại được tới ngày hôm nay là nhờ ở phước đức ông bà đó ! Nhưng, chú Tư lý giải : không có chiến thắng nào mà không phải trả bằng máu đâu ? Đó là sự hy sinh vô bờ bến của người lính trong muôn vàn khó khăn và còn đó sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ chỉ huy thì chúng ta mới đi tới thắng lợi cuối cùng.

Tôi đã ngồi nghe câu chuyện về chú Ba Trần qua những ký ức của chú Tư thật thích thú. Chú Tư bảo, ở chú rất nhiều kỷ niệm với ông Ba Trần. Ông Ba Trần là người chỉ huy giỏi, sắc sảo, nhìn nhận công việc một cách sâu sắc của người chỉ huy và có những chỉ đạo đúng đắn . Nhớ một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà đích thân ông Ba Trần đã giao cho cụm H.63 , ông Tư Cang đã từ chối nhưng không được. Đó là vào năm 1967, tao nhận được chỉ thị ở trên, giao cho ông Ẩn một tài liệu rất nhỏ chỉ bằng ngón chân cái được cuộn tròn. Đây là thư móc lại đường dây giữa người điệp viên và trung tâm chỉ huy của một nước bạn nhờ chúng ta giúp đỡ vì người điệp viên này hiện đang hoạt động ở một sứ quán tại Sài Gòn với một vai vế rất lớn. Tao với Ẩn bàn rất kỹ chuyện này sau nhiều ngày và thấy rất nguy hiểm, Ẩn phải lộ mặt coi như là điệp viên của Việt cộng ? Ẩn có nói với tao, không thể thực hiện nhiệm vụ được, anh Tư trở vào trỏng nói với chỉ huy có thể giao cho nhánh khác tiếp cận thực hiện. Tao trở vào trong căn cứ, báo cáo anh Sáu Trí, sau đó trực tiếp anh Ba nghe ý kiến của tao. Tao nói, để thực hiện nhiệm vụ này, X6 phải lộ diện, nếu nó là điệp viên đã làm phản thì X6 sẽ bị bắt ngay, như thế coi như chúng ta xoá sổ Cụm H.63, thiệt hại là vô cùng nghiêm trọng. Anh Ba coi lại, có thể giao cho nhánh khác thực hiện được không ? Trầm ngâm một chút, anh Ba nói : Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, lãnh đạo đã bàn kỹ, không ai có thể tiếp cận được với nhân vật này thuận lợi hơn X6 để hoàn thành nhiệm vụ. Không thể giao cho ai khác ngoài X6. Vậy thì X6 có thể phải hy sinh, tao hỏi lại ? Đúng ! Hy sinh cũng phải chấp nhận, không thể không làm. Nghe anh Ba nói vậy, coi như không thể từ chối được rồi, đó như là một mệnh lệnh của chỉ huy. Im lặng hồi lâu, anh bước lại gần bên tao vỗ vai rồi nói, điệp viên này của họ giờ leo cao, tôi tin tưởng anh ta sẽ không thể phản bội, X6 sẽ vẫn an toàn. Anh về bàn kỹ với X6 ráng thực hiện trót lọt nhiệm vụ quan trọng này.

Trở về Sài Gòn, tao trao đổi với Ẩn tất cả mọi chuyện. Nghe xong, Ẩn chỉ nói : có thể tôi phải hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ này. Còn vợ và các con tôi nữa, làm sao cứu được đây ? Tao đã động viên Ẩn, cấp trên đã lệnh như thế này rồi, dù có phải hy sinh, tui và anh vẫn phải chấp hành. Tôi sẽ bên anh cùng chấp nhận hy sinh. Anh về làm công tác tư tưởng với vợ, chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất rồi tôi và anh , hai ta cùng vào trận. Phải 4 tháng sau, X6 mới tìm được cơ hội để tiếp cận con người này và trao thư cho họ kín đáo trong buổi tiệc đứng. Anh ta hỏi ông Ẩn, gặp lại anh ở đâu ? Ẩn nói, tôi làm ở tạp chí Time. Hai hôm sau, họ cho người tới tạp chí Time tìm gặp tôi để xác minh. Giờ thì X6 đã lộ nguyên hình, không thể giấu thân phận của mình trước tay điệp viên này. Một tuần sau, ở trỏng gửi điện ra thông báo, nhiệm vụ đã hoàn thành, yêu cầu cắt đuôi ! Sau đó ông Ẩn luôn sống trong lo âu bị lộ và CIA có thể tới bắt ông bất cứ lúc nào. Thực tế đã chứng minh, anh Ba đã nói đúng, người điệp viên ấy đã không phản bội và X6 được an toàn cho tới tận ngày cuối cùng của chiến tranh...

( Còn tiếp )

TPHCM - 13/11/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nhà tình báo hai lần được trao danh hiệu anh hùng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn