Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử. Bằng cách cung cấp cho bạn đọc một số thông tin "hậu trường chính trị" nhưng lại mang tính "bên lề sân cỏ" sẽ góp phần giải mã cho những bí mật nhiều người thắc mắc lâu nay. Chúng tôi cũng chủ trương đề cập tới những câu chuyện đời thường thú vị nhưng mang tính nhân văn sâu sắc...
Ngày 13/12, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" đã phối hợp với Nhà xuất bản Công an nhân dân chính thức ra mắt cuốn sách tư liệu mang tên "Phi công Mỹ ở Việt Nam" - Phiên bản 2014, của tác giả Đặng Vương Hưng. Đây là một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm tròn 40 năm sự kiện trao trả tù binh Phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (1973 - 2013), tiến tới kỷ niệm 70 năm Truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và 70 năm Khởi đầu lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1944 - 2014)... VNCA đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng xung quanh cuốn sách đặc biệt này.
- Thưa nhà thơ Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" - phiên bản 2014 là cuốn sách đánh dấu 16 năm ông theo đuổi đề tài này. Ông có thể cho biết tại sao ông lại dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm này đến vậy?
+ Như chúng ta đã biết, trong chiến tranh Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ đã bị bắn rơi và hàng trăm phi công đã bị bắt làm tù binh… Vấn đề "tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam" từ lâu đã được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, suốt một thời gian dài, đề tài này ít được nói đến trong các tác phẩm phát hành công khai…
Tôi bắt tay vào đề tài này từ năm 1997, tới nay là 24 năm. Khi ấy, tôi đang làm việc ở Báo An ninh Thế giới. Một hôm Tổng biên tập Hữu Ước gọi tôi lên phòng và giao cho nhiệm vụ đi tìm hiểu và viết về vụ tập kích cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây. Phải nói rằng, đây là một đề tài khó và nhạy cảm, hầu như chưa có báo nào chạm đến. Theo tôi được biết thì cho đến thời điểm đó, mới chỉ có anh Xuân Ba ở báo Tiền Phong từng viết một đôi bài "Hỏa Lò… tò mò ký". Anh Xuân Ba cũng chính là người dẫn tôi đến nhà những nhân chứng đầu tiên. Rồi từ những nhân chứng ấy giới thiệu, tôi lên thị xã Sơn Tây tìm gặp được những nhân vật có nhiều tư liệu về vấn đề này như anh Trần Lâm - nguyên Trưởng Công an Thị xã Sơn Tây, rồi bác Lê Việt Tiến, nguyên Phó Trưởng ty Công an Hà Tây (cũ)…
Khi Báo An ninh thế giới tung ra loạt bài tư liệu gần chục kỳ viết về vấn đề này, đã gây được sự quan tâm lớn của dư luận bạn đọc. Tiara báo tăng cả vạn tờ. Bài báo tạo hiệu ứng xã hội rất tốt, qua người này tìm được người kia. Nhiều cụ già từng có thời gian làm việc ở thời kỳ đó tìm đến tôi cung cấp tài liệu. Bên cạnh đó, do yêu cầu công việc, tôi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân chứng và tài liệu "tuyệt mật" một thời của cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Với những tư liệu có được sau nhiều năm sưu tầm, tôi nghĩ rằng cần phải có một cuốn sách mới đủ chứa đựng những thông tin, tư liệu ấy.
Đầu năm 2010, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" đã được in thử nghiệm với số lượng hạn chế, để phát hành mang tính thăm dò ý kiến bạn đọc. Sau 3 năm được các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, sưu tầm và đồng nghiệp đóng góp nhiều ý kiến quý báu, bản in chính thức cuốn sách này đã được ra mắt độc giả.
- 16 năm cho một công trình, chắc chắn đó không chỉ là một hành trình dài mà còn rất vất vả, tỉ mỉ? Xin ông có thể chia sẻ một số khó khăn khi thực hiện cuốn sách này?
+ Như đã nói ở trên, tôi may mắn được tiếp xúc với những người từng là nhân chứng của sự kiện như Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại giam Tù binh Mỹ ở Hỏa Lò (Hà Nội) cung cấp phần ảnh tư liệu minh họa, ông Đặng Xuân Xiêm - nguyên quản giáo Trại giam tù binh Phi công Mỹ ở Nhổn gửi tặng tài liệu. Gần đây nhất là tài liệu của thân nhân gia đình cố Thượng tướng Đào Đình Luyện…
Sau bài viết của tôi đăng trên Báo An ninh thế giới, tôi được biết phía Mỹ rất quan tâm vì đây là cách nhìn từ phía Việt Nam. Thông qua ông David Monk, cố vấn về những vấn đề xã hội của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Giáo sư Benjmin F. Schemmer - nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ, cũng chính là tác giả cuốn sách "The Raid" (tức "Vụ tập kết Sơn Tây"), từng được nhà xuất bản CAND ấn hành trước đây - đã liên lạc và trao đổi tư liệu với tôi. Sau bài viết của giáo sư Benjmin đăng trên báo Mỹ, hàng chục cựu phi công Mỹ khi có điều kiện sang thăm Việt Nam đã tìm đến gặp tôi, cung cấp cho tôi những tư liệu quý báu. Trong số đó, có người là phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, có người từng là Thống đốc bang, nhiều người có quân hàm Tướng của quân đội Mỹ…
16 năm là khoảng thời gian tôi đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người lọ mọ tìm tài liệu. Công việc này vô cùng khó khăn vì tài liệu ít, lại không công khai. Ví dụ như khi tìm hiểu về "Chiến tranh thời tiết" của Mỹ đã gây ra những trận mưa nhân tạo, lũ lụt vào năm 1971, tôi phải tới Trung tâm lưu trữ quốc gia, Viện Nghiên cứu khí tượng Thủy văn, rồi Thư viện Quốc gia… đọc hàng chồng tài liệu từ mấy chục năm về trước. Tìm hiểu kỹ đến mức, sau này có người nhầm tưởng tôi là nhà nghiên cứu chuyên môn trong lĩnh vực này nên gửi thư mời tôi tới dự Hội thảo, họ ghi chức danh của tôi là "Nhà nghiên cứu khí tượng thủy văn".
- So với bản in thử nghiệm năm 2010, phiên bản mới ấn hành 2014 được trình bày lớn hơn và bìa sách có cả nội dung giới thiệu tóm tắt bằng Anh ngữ, còn nội dung cụ thể có thay đổi gì thưa ông?
+ Phiên bản 2014 được sửa chữa và bổ sung thêm hàng trăm trang sách cùng nhiều ảnh tư liệu quý. Chúng tôi đã thêm phần tư liệu "Người anh cả" của Lực lượng Phi công tiêm kích Việt Nam, về "Những chuyến bay "tuyệt mật" của các phi công Mỹ trong cuộc "chiến tranh thời tiết" và đoạn cuối sách: "Hậu cuộc trao trả tù binh phi công Mỹ tại Gia Lâm 1973". Hay phần Phụ lục "Những góc nhìn từ nhiều phía, khi kẻ thù trở thành… bè bạn". Đây cũng là lần đầu tiên, chúng tôi đưa vào cuốn sách một tài liệu hết sức thú vị: Bức thư của Đại tướng Ronalt Robert Fogleman, cựu Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Mỹ gửi Trung tá Trần Sự, nguyên chỉ huy trưởng Mặt trận Quảng Bình (1968) với nội dung như một lời xin lỗi muộn mằn người dân Việt Nam sau chiến tranh…
- Là tác giả ý tưởng, người khởi xướng và tổ chức nhiều công trình tác phẩm "Sưu tầm và giới thiệu" độc đáo, có giá trị về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn, ông có điều gì gửi gắm qua cuốn sách này?
+ Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử. Bằng cách cung cấp cho bạn đọc một số thông tin "hậu trường chính trị" nhưng lại mang tính "bên lề sân cỏ" sẽ góp phần giải mã cho những bí mật nhiều người thắc mắc lâu nay. Chúng tôi cũng chủ trương đề cập tới những câu chuyện đời thường thú vị nhưng mang tính nhân văn sâu sắc.
Trước khi ấn hành cuốn sách này, chúng tôi quyết định đưa vào bìa 4 của sách một tư liệu quý giá: Họa bản của báo "Việt Nam độc lập", cơ quan của Mặt trận Việt Minh Cao - Bắc - Lạng phát hành trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đây là tờ báo do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và điều hành. Đó là một bức tranh gồm 8 bức hình liên hoàn, hướng dẫn nhân dân cách cứu phi công Mỹ; bên trên có vẽ 2 lá cờ Mỹ và Việt Nam, ở giữa có 2 câu thơ: "Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh". Cả thơ và tranh vẽ vẫn được các nhà nghiên cứu cho là do Bác Hồ trực tiếp sáng tác, thể hiện rõ nét nhất tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Và đó cũng là một "vật chứng" sinh động, khởi đầu cho lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã có cách đây gần tròn 70 năm…
- Không chỉ là người có nhiều ý tưởng trong việc giới thiệu và sưu tầm sách độc đáo, ông còn là người thường xuyên có những sáng kiến thiết thực trong việc để tác phẩm được tiếp cận một cách nhanh nhất tới bạn đọc. Ở quyển sách này thì thế nào thưa ông?
+ Với mong muốn sách đến được với bạn đọc nhanh và tiện lợi nhất, tôi quyết định chọn phương pháp phát hành qua kênh "chuyển phát nhanh" của hệ thống bưu điện. Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua email dangvuonghung@gmail.com cuốn sách nói trên sẽ được gửi đến tận nhà.
- Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng!