Nhiều biển báo “vô dụng”

Dương Khánh

31/07/2021 01:35

Theo dõi trên

Trên nhiều tuyến đường, tuyến phố ở một số thành phố lớn, đông đúc, những biển báo giao thông, biển cấm từ lâu đã không có tác dụng, thậm chí “vô dụng” ngay từ khi cơ quan chức năng mới lắp đặt.

nhieu-bien-bao-1627670104.jpg
 

Trong số những biển cấm “vô dụng”, phải kể đến đầu tiên là biển cấm dừng đỗ. Vài năm trở lại đây, số lượng ô-tô loại dưới 9 chỗ ngồi tăng nhanh ở các thành phố lớn, trong đó xe taxi và xe hợp đồng điện tử tăng mạnh nhất, trong khi các điểm đỗ xe trong thành phố ngày càng chật chội. Để kiếm được một chỗ đỗ xe trên phố ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh quả thật quá khó, sơ sẩy là bị lực lượng chức năng cẩu đi ngay.

 Mặc dù vậy, nhiều người vẫn ngang nhiên đỗ xe ngoài đường, ngay tại vị trí biển cấm. Nhiều tuyến phố nội đô phải “hứng” hai hàng xe ô-tô đỗ hai bên lề khiến con đường vốn đã nhỏ lại càng chật hẹp hơn. Cách đây hơn bốn năm, từ tháng 3/2017, Hà Nội đã triển khai quy định đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên tuyến phố Nguyễn Gia Thiều (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, giờ lại đâu vào đấy, bất kể ngày chẵn hay lẻ đều có xe ô-tô đỗ hai bên lề đường.

Một trong những điểm nóng về vi phạm dừng đỗ xe là tại vị trí trước cổng các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội... Hằng ngày thường xuyên có hơn 10 xe taxi của nhiều hãng dừng đỗ, không chỉ một hàng mà hai hàng trước cổng Bệnh viện 108 (phố Trần Hưng Đạo) dù bệnh viện này đã dựng biển cảnh báo khu vực quân sự. Bệnh viện Việt Đức thì từ sáng sớm đến tối muộn, vẫn thường xuất hiện hàng chục xe taxi nằm vạ vật, xếp hàng dài, gây cản trở giao thông đoạn gần cổng Phủ Doãn và cổng Tràng Thi... Lực lượng chức năng địa bàn cũng đã không ít lần cam kết xử lý triệt để tình trạng này, nhưng lời nói chưa thật sự đi đôi với việc làm.

Nhiều biển báo giao thông, biển cấm được lắp đặt như cấm quay đầu, cấm rẽ, cấm đi ngược chiều, cấm họp chợ, hạn chế tốc độ... rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn và tính mạng người dân. Thế nhưng, càng cấm thì một số người càng vi phạm. Đoạn đường một chiều phố Quốc Tử Giám (từ phố Văn Miếu đến ngã tư Cát Linh - Tôn Đức Thắng, Hà Nội), theo quan sát thực tế, số lượng người điều khiển phương tiện vi phạm đi vào đường một chiều trong vòng một giờ đồng hồ lên tới hàng chục người. Điều đáng nói là lỗi vi phạm chưa được xử lý triệt để, diễn ra trong thời gian dài, trở thành thói quen xấu.

Bên cạnh những tấm biển cấm bị ngó lơ, có những tấm biển có cũng như không, vì bị che khuất bởi mái hiên của các hàng quán, biển quảng cáo, cành cây, mớ dây cáp lằng nhằng, thậm chí bị chính những tấm biển báo khác che khuất khiến chúng cũng trở nên “vô dụng”. Điều này không chỉ làm mất tác dụng chỉ dẫn giao thông, gây mất an toàn giao thông mà còn làm xấu cảnh quan đô thị.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ba lần sửa đổi Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ - Quy chuẩn 41 (QCVN 41: 2019) trong khoảng mười năm trở lại đây. Quy chuẩn 41 được xây dựng nhằm phù hợp với công ước quốc tế, cũng như điều kiện phát triển giao thông ở nước ta, thế nhưng hệ thống biển báo, hướng dẫn giao thông trên nhiều tuyến đường vẫn còn bất cập, tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Tình trạng cắm biển báo, biển hướng dẫn giao thông một cách tùy tiện đã xảy ra nhiều năm qua trên nhiều tuyến đường. Nhiều tuyến cao tốc lắp đặt biển báo không hợp lý, khó quan sát hoặc không hiểu biển chỉ dẫn, khiến nhiều trường hợp đi quá lối ra, đành liều điều khiển xe đi lùi, đi ngược chiều.

Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trên các tuyến đường do sở GTVT các địa phương quản lý, trong khi điều tiết hoạt động giao thông lại do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện, dẫn đến sự không thống nhất trong điều hành giao thông. Quy chuẩn 41:2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đến nay đã hơn một năm nhưng các cơ quan hữu quan nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Ngành giao thông cần rà soát lại hệ thống biển báo giao thông trên cả nước, đưa vào sử dụng thống nhất theo quy chuẩn, đồng thời nghiên cứu, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của hệ thống biển báo giao thông hiện nay, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế và nhu cầu của người dân. Các biển báo cũng cần theo các quy định quốc tế, tránh việc đánh đố hay “bẫy” người đi đường.
 

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều biển báo “vô dụng”" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn