Nhớ nội

Nắng gắt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại thấm vào bờ môi mằn mặn. Mặc, tôi cứ chạy, mong sao sớm về đến nhà để được gặp người mà mình yêu thương nhất - nội tôi.

 

1-nho-noi-1629720178.jpg
Phải sống làm sao cho thủy chung, son sắt như trầu cau thì mới có ý nghĩa và xã hội mới tốt đẹp.

Cái nắng xuyên qua lớp cửa kính xe nóng ran cũng không làm giảm đi cảm giác sốt ruột đến nôn nao của tôi trên con đường trở về ngôi nhà thân yêu khi nhận được điện báo phải về ngay. Con đường làng sỏi đá mấp mô, nhọn hoắt như xuyên qua lớp giầy ba-ta khiến bàn chân nhói đau. Nắng gắt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại thấm vào môi mằn mặn. Mặc, tôi cứ chạy, mong sao sớm về đến nhà để được gặp người mà mình yêu thương nhất - nội tôi.

Vừa về đến ngõ, mọi người từ trong nhà, nước mắt lưng tròng, ùa ra đón tôi. Linh tính mách bảo tôi có chuyện chẳng lành. Không kìm được nước mắt, tôi òa khóc nức nở, bước chân líu ríu rồi quỵ xuống...

Tôi đã không về kịp...

Sáu tuổi tôi đã được về ở với nội khi bố mẹ phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trả nợ người ta vì bị vỡ nợ. Tôi đã khóc khản cả cổ khi phải xa cha mẹ “Nín đi con, nội cho con xem cái này hay lắm...” rồi vừa dỗ dành nội vừa lấy trong túi áo ra cái túi vải nâu sòng một vật hòn tròn trông thật ngộ nghĩnh đem ra cho tôi xem.

Tuy vẫn còn “rấm rứt” nhưng thấy vật lạ tôi liền cầm mà nghịch lấy nghịch để. Có lần do giận con mèo dám ăn vụng cơm, tôi đã lấy cái cối giã hầu của nội ném nó khiến chiếc cối bị méo mó trông đến thảm hại. Nhìn chiếc cối giã trầu bị méo mó tôi sợ đến xanh mặt vì sợ nội đánh đòn. Nhưng không, nội không đánh tôi mà cầm chiếc cối đem đến lò rèn chú Hoàng ở đầu xóm nhờ gõ lại, nhờ thế mà chiếc cối lại hòn trịa như xưa. Nhưng cũng từ đó tôi không dám nghịch cối giã hầu của nội nữa bởi đó là cối giã trầu của ông mua tặng nội trước lúc lên đường nhập ngũ.

Nội rất ghiền hầu, vì thế nội thường giao cho tôi nhiệm vụ giã trầu. Đó là công việc tôi rất thích, cối giã trầu của nội bằng đồng to bằng chén uống nước và có nắp đậy, có một cái dùi nhỏ cũng bằng đồng dài cỡ ngón tay út của người lớn. Sau khi bỏ miếng hầu, miếng cau... vào cối thì dùng dùi dằm, ngoáy cho nhỏ và nát ra để cho dễ ăn đối với những người già, răng yếu nhưng ghiền ăn trầu.

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm tôi cứ cầm cái dùi mà chọc, mà ngoáy lấy ngoáy để khiến trầu văng tung tóe ra ngoài, riết sau thành quen, không còn bị bắn ra ngoài nữa. Ngoài ra tôi còn được nội giao cho nhiệm vụ tiếp nội hái trầu bẻ cau để sớm hôm sau nội đem ra chợ bán. Nội thường dặn “Những quả cau vỏ xanh bóng, tròn đều, khi bố ra có cùi màu trắng, hạt hồng hồng vân tím đẫy đà là ngon, còn trầu nên chọn những lá trầu già mới đậm, khi ăn mới có mùi thơm đặc trưng”. Cũng nhờ những “mách nước” của nội mà tôi rất có kinh nghiệm trong việc lựa chọn trầu cau và đã đạt điểm tập làm văn cao nhất lớp khi làm bài văn nghị luận “Loài cây em yêu’”.

Những cây trầu xanh mơn mởn quấn quýt ôm chặt lấy thân cây cau cao vời vợi. Đó là những cây trầu quế. Trầu quế là một loại trầu lá không to nhưng dày, màu xanh đậm, khi ăn có mùi thơm như mùi quế nên gọi là trầu quế. Nội bảo “Trầu cau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình cảm gia đình keo sơn gắn bó. Ban đầu ăn không quen sẽ thấy cái vị cay của lá trầu, vị chát của cau, vị nồng của vôi... nhưng khi đã quen thì đã để lại nơi cuống họng vị ngọt bùi. Trầu làm cho má đỏ môi hồng. Vì thế trong cuộc sống mỗi con người chúng ta phải sống làm sao cho thủy chung son sắt như trầu cau thì mới có ý nghĩa và xã hội mới tốt đẹp con ạ”. Tôi cuộn tròn trong lòng nội mà suy nghĩ miên man về những điều nội răn dạy.

Trầu, cau sau khi hái xong sẽ được bó lại thành từng mớ nhỏ rồi đem phơi sương ở trên bể nước cho tươi. Sáng, nội dậy sớm xếp cau vào đầy thúng còn trầu thì xếp lên cái mẹt, xong nội đặt cái mẹt lá trầu lên miệng thúng cau rồi đội lên đầu đi chợ, để rồi khi trở về trong thúng của nội lúc nào cũng có quà cho tôi khi thì bánh hấp, xôi vò, lúc thì bánh gai, kẹo vừng hoặc mấy con tò he... Mỗi khi được quà tôi nhảy cẫng lên ôm chầm lấy nội mừng rỡ vì đó là những món mà tôi thích. Nhìn cháu ăn quà, mắt nội lấp lánh niềm vui “cha nội mi, ăn như kẻ chết đói ấy, từ từ thôi kẻo nghẹn...”. Tôi ngắc ngứ, nhưng mà con đói. Nội cười móm mém, ôm lấy tôi mà vuốt ve âu yếm.

Có lần đang ngồi học trong lớp thì nội thập thò xin phép cô giáo cho tôi ra ngoài gặp. Khi ra ngoài tôi liền bị nội kéo tuột ra cuối dãy lớp học rồi dúi vào tay gói xôi vò nóng hổi “hôm nay có người mua hết trầu cau về làm đám nên nội về sớm để con ăn cho nóng”, nhìn cái dáng còng còng “chấm phẩy” lầm lũi đi ra cổng trường, miệng nhai trầu móm mém của nội mà tôi ứa nước mắt.

Cũng có lần bị mắc khuyết điểm, bị nhà trường đưa giấy mời phụ huynh, tôi sợ không dám đưa. Sau, nội phát hiện ra đánh cho một bận, vừa đánh nội vừa khóc: “Con không được dối nội nghe chưa, có lỗi lầm thì phải chịu bách nhiệm trước lỗi lầm mà mình gây ra và sửa chữa lỗi lầm, có như vậy mới trở thành người tốt”, rồi đưa tôi tới gặp ban giám hiệu nhà trường xin lỗi. Sau lỗi lầm đó tôi ân hận lắm, tự hứa với lòng sẽ không bao giờ tái phạm nữa để nội không phải buồn lòng nữa.

Nhờ những trái cau, lá trầu của nội qua những năm tháng cực nhọc đã phần nào giúp cha mẹ tôi thoát khỏi cảnh nợ nần ngày xưa và giúp tôi bước chân vào giảng đường đại học.

Nhìn giàn trầu héo hon, những trái cau gầy quay quắt queo vì thiếu bàn tay chăm sóc ngày càng xơ xác khiến tôi nhớ nội đến cồn cào, da diết. Trong ánh nắng vàng ruộm của buổi chiều tà tôi ra ao múc nước tưới cho giàn trầu mà nước mắt rưng rưng. Nhìn mỗi lá trầu, mỗi quả cau gắn bó, thấm đẫm hình ảnh của nội tôi thấy nội như một bà tiên đang bỏm bẻm nhai trầu, mỉm cười dặn dò “Nhớ học giỏi nghen con!”.

Cầm những quả cau, lá trầu quế ấp lên ngực, tôi thầm gọi: Nội ơi...