Những nạn nhân của Nguyễn Phương Hằng nói gì?
Tháng 6/2021, nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM) là người trả lời phỏng vấn trên VOV.VN về những hành vi, phát ngôn “lệch chuẩn” của Nguyễn Phương Hằng (xem lại bài viết "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng").
Nguyễn Phương Hằng cho rằng bài phỏng vấn trên của ông thể hiện sự công kích, gán ghép, quy buộc cho bà ta phải đi tù. Từ đó, Hằng sử dụng các ngôn từ nhục mạ, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo và vợ ông liên tục trên các livestream suốt một thời gian dài. Tháng 10/2021, nhà báo Nguyễn Đức Hiển đã gửi đơn tố giác Nguyễn Phương Hằng đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương.
Ngày 25/3, trao đổi với phóng viên VOV.VN, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết quan điểm thống nhất của ông từ đầu vụ việc là không đôi co với Nguyễn Phương Hằng nên không trả lời báo chí sau khi bị tấn công. Tuy nhiên, nhà báo Đức Hiển chia sẻ: “Mỗi chúng ta, những công dân bình thường vẫn tin rằng, không ai có thể lên livestream chửi bới, vu khống, nhục mạ nhiều cá nhân, tổ chức, nghề nghiệp mà gọi là đấu tranh tố giác tội phạm. Không chỉ Nguyễn Phương Hằng, cả những kẻ a dua, giúp sức, đu bám ăn theo, nhục mạ người khác để kiếm tiền cũng khó thoát khỏi bị xử lý bởi pháp luật”.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, không ai có thể đẩy Nguyễn Phương Hằng vào tù nếu như bà ta không vu vạ, không vi phạm pháp luật.
Còn nhà báo Hàn Ni (báo Sài Gòn giải phóng, cũng là người bị Nguyễn Phương Hằng chỉ trích, tấn công trong nhiều tháng liên tục) cho biết, những tháng ngày qua bà cảm thấy rất mệt mỏi với những hành động của Nguyễn Phương Hằng và phải nhờ tới sự bảo vệ của cơ quan công an để đảm bảo cho cuộc sống, tính mạng của mình.
“Bà Hằng livestream tại TP.HCM đòi giết tôi, gặp đâu đánh đó...Thực tế là bà Hằng đã lên báo Sài Gòn giải phóng và tôi thấy bà ấy nói được, làm được. Tôi đã gửi đơn cho Công an TP.HCM đề nghị bảo vệ mình trước nguy cơ bà Hằng có thể giết người. Công an TP.HCM tiếp nhận và chuyển cho Công an quận 7. Các lực lượng chức năng ở phường và quận đã có động thái hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể bảo vệ tôi liên tục suốt cả một thời gian dài”, nhà báo Hàn Ni kể.
Nhà báo Hàn Ni cũng cho biết, vừa qua Hằng đã kéo nhóm người xưng là “phe chính nghĩa” đến trước cổng nhà mình la ó, chửi bới. Sau đó, nhà báo Hàn Ni bị một nhóm người lạ hành hung khi đang ăn sáng trước cổng nhà. Sau xô xát, nhà báo Hàn Ni bị mất tài sản tổng trị giá 10 triệu đồng.
Khi được hỏi về việc liệu có sự chậm trễ trong xử lý Nguyễn Phương Hằng hay không, nhà báo Hàn Ni cho biết: “Điều này tôi đã nói nhiều lần. Trong trường hợp này giống như công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi nhà cháy mà lực lượng chữa cháy không đến kịp thì những gì anh cứu được chỉ là đống tro tàn mà thôi. Vụ việc của bà Hằng đã không được ngăn chặn kịp thời nên bà ta tổ chức lực lượng ngày càng rộng hơn. Trong đó có cả những người có tiếng tăm cũng hùa theo bà ta. Điều đó càng làm cho bà ta tự tin rằng mình đúng và tiếp tục tấn công hết người này đến người kia”.
Về việc Nguyễn Phương Hằng lấy tên Hàn Ni đặt cho thú đua, nhà báo Hàn Ni cho rằng đó là một sự vô văn hóa. “Đây là câu chuyện của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa (Lạc cảnh Đại Nam văn hiến – khu du lịch Đại Nam) nhưng lại đi tổ chức những show vô văn hóa như vậy, lấy tên người khác để đặt cho những con chó, con ngựa. Sự việc đã xảy ra cả quá trình dài và bà Hằng lấy tên những người có mâu thuẫn để đặt tên cho thú đua, đây không phải là sự ngẫu nhiên. Theo tôi, đây là chuỗi hành vi làm nhục người khác của bà Hằng”.
Nhà báo Hàn Ni nhấn mạnh, việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng là động thái cần thiết để đảm bảo cho ổn định, trật tự xã hội.
Tư vấn, hỗ trợ Nguyễn Phương Hằng vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý
Luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật Chính Pháp – đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng là nạn nhân của những vụ “khủng bố” tin nhắn, điện thoại, sau khi trả lời phỏng vấn liên quan đến hành vi “lệch chuẩn” của Nguyễn Phương Hằng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam. Ngoài ra, trong quá trình tạm giam, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những sai phạm khác của đối tượng này.
“Hành vi vi phạm pháp luật không chỉ do Nguyễn Phương Hằng thực hiện mà đằng sau đó còn cả một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ, tham gia cùng trên mạng xã hội. Bởi vậy, ngoài việc xử lý Nguyễn Phương Hằng thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác. Trong vụ án này, lực lượng chức năng sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép, những ngôn ngữ, hành động mà nhóm người này đã thực hiện. Đồng thời, nhà chức trách sẽ đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, với Nhà nước, với các tổ chức, cá nhân để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án” – Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Luật sư Đỗ Minh Hiển (Văn phòng luật sư JVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng, trong các buổi livestream, Nguyễn Phương Hằng đã đưa nhiều thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của nhiều người, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.
“Các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng có rất nhiều người theo dõi và được tổ chức khá bài bản. Đối với các cá nhân có hành vi hỗ trợ, tư vấn, chuẩn bị để giúp bà ta trong các buổi livestream mà biết rõ các nội dung được nhân vật chính nói ra không có căn cứ, nhằm mục đích xúc phạm danh dự người khác mà vẫn tham gia thì đây là hành vi vi phạm pháp luật” – luật sư Đỗ Minh Hiển khẳng định.
Cũng theo vị luật sư Hiển, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể triệu tập để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân hỗ trợ Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định, những người này là đồng phạm với vai trò giúp sức thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về cùng tội danh. Việc thực hiện khởi tố bổ sung để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật là hoàn toàn có thể xảy ra.