Những chặng đường qua sau ngày trở về Huế

Sông An Cựu nắng đục mưa trong  "Núi Ngự Bình trước tròn sau méo     Sông An Cựu nắng đục mưa trong".
img-7921-1689478060.jpeg
Ảnh một góc sông An Cựu trong ngày nắng và Cung An Định nhìn từ bên nầy sông

Tôi trở về  Huế khi hạ đã chín nồng. Huế đón tôi vơi cái nắng tháng sáu như thiêu, như đốt, thỉnh thoảng có những cơn mưa giông buổi chiều làm cho Huế như dịu lại trong niềm thương. Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là sông An Cựu.
Rời bến xe phía Nam tôi về cầu an Cựu, nói đúng hơn là về con đường quen thuộc:  đường Phan Chu Trinh, con đường mà tôi đã có những ngày gắn bó cho đến ngày rời xa Huế , con đường chạy dọc theo sông An Cựu.
 Sông An Cựu gắn liền những địa danh quen thuộc: Kho Rèn, Phủ Cam, Bến Ngự, Nam Giao. Những địa danh đã đi vào thơ ca, âm nhạc. Lòng bồi hồi khi nhớ lại câu hát “ Ai về bến Ngự cho ta theo cùng…” Hay “Dốc Nam giao còn cao mong đợi…”. Những câu hát trong những bài hát nổi tiếng, gắn bó với Huế một thời và gieo vào lòng người đi xa một niềm thương nhớ khôn nguôi.
 Dòng sông vẫn như xưa, vẫn lặng lờ như không buồn trôi suốt bao mùa mưa nắng. Bên kia sông, Cung An Định vẫn im lìm soi bóng xuống dòng sông, như nó vẫn soi bóng từ những tháng năm nào. Những hàng cây ngày tôi đi còn nhỏ, cao hơn đầu người một chút nay đã thành cổ thụ, tỏa bóng xuống đường đi, làm dịu cơn nắng đang oi nồng. 
Nhìn dòng sông, tôi lại nhớ câu ca xưa: “ Sông An cựu nắng đục, mưa trong”. Sao vậy nhỉ?  Tôi cứ thắc mắc hoài! Rồi tôi hỏi thăm, tìm hiểu từ người nầy người nọ, chút được chút mất.
Theo lời người  xưa: Sông An Cựu là chi lưu của sông Hương, chảy qua phía Nam Thành phố Huế, sông còn có tên là Lợi Nông. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long 13. Vua Gia Long cho đào khơi thông sông Hương với sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thuỷ, vì vậy mới có tên là Lợi nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có tên khác là sông Phủ Cam hay sông Thanh Thuỷ. Năm 1836, sông Lợi Nông đã được khắc vào Chương đỉnh trong Cửu đỉnh đặt trong Hoàng Thành.
Ở đoạn đầu của sông có Bến Ngự để thuyền rồng của nhà vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao hay vua ngự thuyền câu cá, gắn với câu hò xưa “ Chiều chiều ông Ngự ra câu . Cái ve, cái chén , cái bầu sau lưng” Phía hạ lưu có các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để vua tạm nghỉ trong những lần về chơi ở phá Hà Trung hoặc về rừng Đông Lâm săn bắn.
 Để lý giải cho hiện tượng “ nắng đục, mưa trong”, người ta đã có nhiều câu chuyện, nhiều giả thiết khác nhau:
Theo truyền thuyết thì đầu thế kỷ 19, khi sơn hà xã tắc đã thống nhất, cùng với việc kiến thiết xây dựng kinh đô, củng cố triều chính, phát triển kinh tế, vua Gia Long đã sắc cho Bộ Công đào sông An Cựu theo ước nguyện của dân trong vùng. Lúc đó dòng sông được khơi thông từ vũng eo dưới mũi cồn Giã Viên. Nhưng do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang.
Theo thời gian và qua quá trình nghiên cứu, người ta nhận ra rằng:
 Dòng sông này là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về phá Hà Trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nước nguồn trên núi chảy về. Trái lại, mùa nắng hạn, nước sông cạn, có khi cạn gần đến đáy sông và lại có màu vàng đục của lớp phù sa dưới đáy.
 Ngoài ra còn có một cách giải thích khác nữa, sở dĩ sông An Cựu nắng đục mưa trong là do dưới lòng sông chứa một hàm lượng lớn nguyên tố sắt, vào mùa nắng sông cạn nước, nhiệt độ lên cao do đó xảy ra phản ứng khử tạo ra oxit sắt kết tủa có màu nâu đỏ, chính hàm lượng oxit sắt này lơ lửng trong dòng nước đã làm cho nước sông có màu đục ngầu. Đến khi trời lạnh lớp oxit sắt này lắng xuống nên dòng sông lại trong xanh.
Như dòng sông chảy từ thượng nguồn vè biển cả, những truyền thuyết khởi đầu cho đến những  những nghiên cứu từ thực tế này đã lý giải vì sao “ Sông An Cựu nắng đục, mưa trong” và ngày càng thuyết phục.
Sông vẫn như xưa vẫn “nắng đục, mưa trong”, có khác chăng là dòng sông được nạo vét mặt sông như thông thoáng hơn, nước như trong hơn. Và sông vẫn làm nhiệm vụ của mình: cung cấp nước cho đồng ruộng, thoát nước cho mùa mưa lũ , góp phần điều hòa khí hậu cho phía Nam sông Hương và điểm thêm một nét mềm mại cho Thành phố.
 Những bến  sống xưa, nơi người dân gánh nước, tắm giặt hay những O bán bún về có thể rửa chén bát, son nồi  giờ đây tuy không còn được sủ dụng vào những việc trên, vì đã có nước máy  vào tận từng nhà nhưng  được sửa sang lại, tạo thành những điểm nhấn cho đòng sông thêm đẹp và yên bình.  
Tôi đi xa lâu ngày vẫn nghe đâu đó vang lên câu hát hay câu hát  tồn tại trong lòng mình khi nghe ai đó nhắc đến sông An Cựu: “ Sông An Cựu  nắng đục, mưa trong”.