Những nghề mưu sinh thời bao cấp: Nghề “Phe” và “Chichomex”.

 Có một thời Hà Nội có rất nhiều nghề kiếm sống, kể ra đây các cậu ấm cô chiêu đời @ chắc không thể hình dung ra.
245688642-3040600499552405-8049798051648351555-n-1634998312.jpg
Ảnh sưu tầm trên internet

Những bậc khả kính trong nhà, những người ông người bà của chúng có người nhớ người không, nhưng nhắc về quãng thời gian khó đấy, chắc cũng chẳng ai ngượng ngùng. Cả nước nó như vậy, riêng mình ta đâu. Không dấn thân vào guồng quay xã hội lúc ấy, khéo chỉ là những “ông cả đụt”, không dám ra thi thố với đời. Cả nước khó khăn, vì vậy làm bất cứ việc gì để gia đình có thêm một khoản thu nhập thì ai cũng sẵn sàng. Nhẹ nhàng thì như việc được cơ quan phân một thứ hàng. Việc chi tiêu ở nhà có nhiều thứ cần kíp hơn, vậy là mang đi bán. Bán cho phe thì nhanh nhưng thiệt, vậy là cầm thứ hàng mới được phân đó đi tìm người mua. Bán được cho người cần dùng, vợ chổng hỷ hả suốt tuần. Khó hơn một chút là nhận với anh chị em ở cơ quan, đứng bán hộ những hàng được cơ quan phân phối. Vậy là đã mon men đến với thế giới “phe”.

“Phe” là từ để chỉ người buôn bán nhỏ thời bao cấp. Có một chút tiền mặt, dành dụm hoặc đi vay nóng, mua ngững thứ của người cần bán bán lại cho người cần mua. Thời đấy không sẵn hàng hóa nên chủ yếu “phe” các loại tem phiếu được cấp của CBCNV. Những lúc khó khăn, tem phiếu quy đổi giá trị tương đương hàng hóa. Cứ bán. Mai kia tính sau, miễn là trước mắt có một khoản tiền lo việc trong nhà. Đến tận bây giờ việc mua đi bán lại vé xem đá bóng hoặc các chương trình biểu diễn nghệ thuật, vẫn được gọi là phe vé.

Phe vé cò con cạnh các quầy mậu dịch, còn kiêm cả việc xếp hàng thuê. Họ thường đến sớm, xếp gạch để giữ chỗ. Người đến sau cần mua nhanh, đã có họ bán cho chỗ đang xếp trên hàng đầu. Ai cũng chấp nhận. Người chân chỉ xếp hàng cũng chấp nhận hình thức giữ chỗ bằng gạch. Giang sơn nào anh hùng đấy. Những người xếp chỗ mậu dịch viên đã nhẵn mặt. Có khi hàng về, họ lại còn nhờ chính những dân phe quen bốc xếp dùm. Mối quan hệ cộng sinh điển hình thời bao cấp. Với những người không có vốn để mua đi bán lại hàng hóa, hoặc không có thời gian bám trụ quanh các điểm mậu dịch hành nghề “phe” thì gia nhập đội quân “Chi cho mếch”, nghĩa là giới thiệu người cần mua tới người cần bán. “Chi cho” nghĩa là ‘Chỉ trỏ” còn từ “mếch” là gọi cho sang khi nó đồng âm với từ cuối theo tiếng Anh là “EX” của các công ty xuất khẩu. Khi đó cả những công ty của Việt Nam có gắn đuôi EX đều ăn nên làm ra.

245217449-3040600609552394-5655248828847634450-n-1634998312.jpg
Ảnh sưu tầm trên internet

Thượng vàng hạ cám. Vừa làm việc vừa để ý xung quanh, nghe thông tin nhà nào có người ở nước ngoài về là xin địa chỉ, đến tìm hiểu mặt hàng và giá bán. Đến các cửa hàng, chào bán bằng miệng rồi chốt “thẳng tưng” với người mua. Mua bán thành công, người trung gian được ăn chênh lệch giá. Cách này thường chỉ được một lần với khách vì sau đấy cửa hàng sẽ trực tiếp liên lạc với người bán khi hàng về tiếp. Vậy là “công ty Chi cho mếch” bị cắt cầu. Buôn không vốn, lấy công sức kiếm tiền nên nghe hơi chỗ nào có hàng là giới “chi cho mếch” va phải nhau cứ đôm đốp. Giới thiệu bên bán gặp bên mua là thành công, là hết trách nhiệm nên nghe nói hồi đấy có người còn “chi cho mếch” cả việc bán hộp đựng thanh Uranium nghe nói gỡ từ lò phản ứng ở Đà Lạt hoặc vài bánh Heroin có hình con hổ cũng là chuyện thường.

 

Theo Chuyện Làng quê