Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 26)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 26

Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc chiến tranh có quy mô to lớn, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh từ trước cho đến lúc đó. Chiến tranh lôi cuốn 36 nước vào vòng khói lửa tham chiến, huy động 74 triệu người vào quân đội, 10 triệu người chết, khoảng 20 triệu người bị thương tàn phế, thiệt hại vật chất lên tới 338 tỉ USD. Chiến tranh càng làm cho quy luật phát triển không đồng đều phát huy mạnh mẽ, càng làm thay đổi vị trí của các cường quốc, các nước tư bản châu Âu kiệt quệ phải trở thành con nợ vay tiền của Mỹ để khắc phục hậu quả, khôi phục đất nước. Châu Âu ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Chiến tranh mang lại cho nhân dân chính quốc và thuộc địa nhiều tai hoạ nặng nề: Đói khổ, chết chóc, bị bóc lột nặng nề hơn, mâu thuẫn xã hội trong các nước tư bản cực kỳ gay gắt dẫn đến bùng nổ một phong trào cách mạng rộng lớn ở các nước châu Âu trong và sau chiến tranh trực tiếp tấn công vào chế độ tư bản chủ nghĩa, đẩy chủ nghĩa tư bản vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử.

           Một trong những cuộc cách mạng vĩ đại bùng nổ trong chiến tranh là Cách mang xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917. Cuộc cách mạng này đã lật đổ chủ nghĩa đế quốc Nga, chọc thủng một khâu yếu nhất trong hệ thống chủ nghĩa tư bản châu Âu và thế giới, thành lập nhà nước đầu tiên của giai cấp vô sản, nhà nước Xô Viết và sau này là Liên Xô, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau cuộc cách mạng này thế giới chia thành hai phe: Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, xuất hiện những mâu thuẫn mới và những quan hệ quốc tế mới tác động đến quan hệ toàn thế giới suốt 7 thập kỷ qua. Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là một sự kiện lịch sử mang tầm vóc thế giới nên nó là sự kiện kết thúc thời kỳ lịch sử cận đại, mở ra một thời đại mới cho lịch sử toàn thế giới, thời kỳ lịch sử hiện đại.

           Trong bối cảnh phong trào cách mạng trong nước lên cao, chủ nghĩa tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng, cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng quyết liệt, để có sức mạnh bên trong đàn áp cách mạng, bên ngoài cạnh tranh với các cưòng quốc khác, ở một số nước Tây Âu đã xuất hiện chủ nghĩa phát xít và tìm đến chủ nghĩa phát xít làm cứu cánh, thiết lập nhà nước phát xít, xoá bỏ nền dân chủ tư sản đại nghị. Năm 1922 đảng phát xít của Ben ni tô Mút xô li ni ở I talia lên nắm chính quyền, năm 1933 đảng phát xít (Quốc xã) của A đôn phơ Hít Le lên nắm chính quyền ở Đức, năm 1936 chủ nghĩa phát xít lên nắm chính quyền ở Nhật Bản. Chủ nghĩa phát xít là chủ nghĩa đế quốc nhất, phản động nhất, sô vanh nhất (Đimitơ rốp). Các nhà nước phát xít Đức, Italia, Nhật Bản thiết lập một chế độ độc tài, thủ tiêu tất cả những quyền tự do tư sản, công khai khủng bố, công khai gây chiến tranh xâm lược nhằm thực hiện giấc mộng điên cuồng làm bá chủ toàn thế giới. Ba lò lửa chiến tranh đã hình thành và dẫn loài người đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đẫm máu.

           Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức dùng 52 sư đoàn bất ngờ tấn công Ba Lan mở đầu cho đại chiến thế giới thứ hai. Ngày 16 tháng 9 năm 1939 thủ đô Vac Sa va thất thủ, nước Ba Lan bị đánh bại. Ngày 3 thánh 9 năm 1939 Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Từ ngày 9 tháng 4 đến tháng 6 năm 1940 Đức đánh chiếm các nước Tây Âu: Chiếm Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Lúc xem bua. Ngày 5 tháng 6 năm 1940 Đức ào ạt tiến vào Pa ri đánh chiếm nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng khi trong tay còn 2 triệu quân. Từ ngày 9 tháng 4 năm 1940 đến tháng 4 năm 1941 phát xít Đức đánh chiếm các nước Đông và Nam Âu: Hung ga ri, Bun ga ri, Ru ma ni, Nam tư, Hi lạp. Phát xít Đức thiệt lập ở các nước châu Âu bị chúng chiếm đóng chế độ diệt chủng, tàn phá cướp bóc kinh tế văn hoá một cách tàn khốc. Đức đã lập các trại tập trung, lò thiêu người ở khắp châu Âu, tàn sát 6 triệu người Do Thái, 6 triệu người Ba lan và hàng chục triệu dân châu Âu vô tội. Toàn châu Âu ngập chìm trong khói lửa chiến tranh và lửa khói thiêu người của bè lũ phát xít khát máu.

           Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức dùng 190 sư đoàn (5, 5 triệu quân), 42.000pháo, 3.700 xe tăng, 5.000 máy bay, 200 tàu chiến bất ngờ tấn công Liên Xô trên toàn tuyến biên giới từ Ban Tích đến Hắc Hải. Do ưu thế binh lực, Đức tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô từ 400 đến 600km nhưng mất 50 vạn quân từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1941, kế hoạch đánh bại Liên Xô trong hai tháng của Đức bị thất bại. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, từ tháng 9 năm 1941 đến tháng 11 năm 1942 Đức dùng 131 sư đoàn mở hai cuộc tấn công vào Mátscơva buộc Liên xô phải đầu hàng theo điều kiện của chúng. Nhưng Đức bị Liên Xô đánh bại và mất 40 vạn quân trong chiến dịch Mátscơva. Ngày 7 tháng 12 năm 1941 Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, một căn cứ hải quân Mỹ trên quần đảo Ha oai (Thái Bình Dương), tiêu diệt toàn bộ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, chính thức phát động chiến tranh Thái Bình Dương, phe phát xít tuyên chiến với Mỹ. Chỉ với 3. 000 máy bay “Thần phong”, 20 sư đoàn, trong 6 tháng chiến tranh, Nhật Bản đánh chiếm toàn bộ thuộc địa của Anh, Mỹ, Hà lLn trên Thái Bình Dương, làm chủ cả Thái Bình Dương, một phần Ấn Độ Dương. Đây là đỉnh cao nhất trên con đường bành trướng xâm lược của đế quốc Nhật Bản. Chiến tranh cũng diễn ra ác liệt ở Bắc Phi. Đại chiến thế giới thứ hai lan tràn khắp các châu lục (trừ châu Mỹ), khắp các đại dương nhưng chiến trường chính quyết định số phận của cả hai bên vẫn là chiến trường Xô-Đức. Ngày 28 tháng 6 năm 1942, Đức dùng 90 sư đoàn, 1.300 xe tăng, 17.000 pháo, 1.640 máy bay đánh chiếm Stalingrát, thành phố chiến lược quan trọng ở miền Nam Liên Xô. Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1942 Hồng quân Liên Xô đã đập tan 700 cuộc tấn công của Đức vào thành phố. Tháng 11 năm 1942, Hồng quân tấn công tiêu diệt và bắt sống 33 vạn quân Đức đang bao vây Stalingrát. Thừa thắng, Hồng quân phản công giải phóng nhiều làng mạc thành phố của Liên Xô. Cả chiến dịch Hồng quân tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu 1.700.000 tên địch. Chiến thắng Stalingrát đẩy quân Đức vào thế bị động, mở đầu cho sự diệt vong của Đức và phe phát xít.

  (Còn nữa)
   CVL