Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 32)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 32

Tây Ban Nha giết hại 1 triệu người Anh Điêng ở vùng biển Ca ri bê, chúng phá trụi thành phố Mêhicô cổ kính, những Kim tự tháp thể tích không kém những Kim tự tháp Ai Cập bị san bằng chỉ còn nền móng. Khi C. Côlômbô đặt chân tới châu Mỹ, khoảng 60 triệu người Anh Điêng sống trên lãnh thổ này. Phần lớn bị giết hại trong chiến tranh, số còn lại bị cưỡng bức lao động kiểu nô lệ trong các đồn điền, hầm mỏ và chết dần chết mòn, số ít còn lại bị dồn lên núi rừng hoang vu để thực dân châu Âu cướp ruộng đất phì nhiêu của họ. Từ 60 triệu người suốt 500 năm sau ngày nay không gia tăng mà chỉ còn có 40 triệu trên khắp châu lục. Con số cho thấy người Anh Điêng bị tiêu diệt một cách khủng khiếp.

           Vùng Bắc Mỹ ngày nay thuộc Ca na đa bị Anh và Pháp cùng xâm lược, cuối cùng Anh làm chủ toàn bộ vùng đất này. Năm 1603 Anh đặt chân lên vùng Viếc ghi ni a. Năm 1675 thành lập ở đây 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ và thiết lập ở đây chế độ phong kiến để thống trị bóc lột. Vào cuối thế kỷ XVIII Tây Ban Nha đã chiếm xong khu vực Mỹ La Tinh (trừ Bra xin là thuộc địa của Bồ Đào Nha). Tây Ban Nha chia thuộc địa thành 4 vùng gọi là 4 phó vương quốc. Phó vương quốc Tân Tây Ban Nha bao gồm Mêhiccô và một phần Trung Mỹ. Phó vương quốc Tân gra na đa gồm Côlômbia, Pa na ma, Vênêxuêla và Êquađo. Phó vương quốc Laplata gồm Ac hen ti na, Urugoay, Paragoay và Bôlivia. Phó vương quốc Pera gồm Pê ra và Chi lê.

           Trên khắp lục địa, thực dân Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thiết lập chế độ phong kiến để áp bức, kết hợp kiểu bóc lột phong kiến, tư bản với nô lệ để bóc lột một cách khủng khiếp. Chúng cướp đoạt ruộng đất để lập những đồn điền trồng cà phê, ca cao, mía, chuối và biến người da đỏ thành nô lệ buộc lao động cưỡng bức cho đến chết trong các đồn điền hầm mỏ. Khi nô lệ da đỏ chết dần, thực dân châu Âu phát minh ra cái nghề buôn nô lệ da đen từ châu Phi sang thay thế. Nghề buôn này kéo dài suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX vì lãi một chuyến buôn lên đến 1.000%. Suốt 3 thế kỷ thực dân châu Âu đưa được 20 triệu người da đen từ châu Phi sang châu Mỹ sau khi đã giết chết 40 triệu người trong khi săn bắt, trong khi đưa họ vượt Đại Tây Dương.

           Cùng trong những thế kỷ đó, người châu Âu da trắng vì những lý do chính trị, kinh tế nghèo khổ, lý do tôn giáo lần lượt di cư sang Tân thế giới nhiều đợt hàng chục triệu người qua nhiều thế kỷ. Cho nên, trên từng quốc gia ở châu Mỹ hay trên toàn lục địa là nơi hội tụ những chủng tộc lớn và những nền văn hoá của các chủng tộc. Sống lâu với nhau, các chủng tộc hoà huyết với nhau, các nền văn hoá đan xen hoà hợp nhau. Châu Mỹ dần dần hình thành một châu lục đa sắc tộc, những quốc gia đa sắc tộc, một nền văn hoá đa dạng do kết hợp các yếu tố văn hoá người Âu, người Phi và người Anh Điêng. Các ngôn ngữ châu Âu được sử dụng rộng rãi ở châu Mỹ. Tiếng Anh, tiếng Pháp được dùng rộng rãi ở Bắc Mỹ (Ca na đa, Hoa kỳ). Tiếng Tây Ban Nha được sử dụng từ Mêhiccô trở xuống cực Nam, Braxin sử dụng tiếng Bồ Đào Nha thuộc ngữ hệ La Tinh nên được gọi là khu vực Mỹ La tinh. Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành cũng được du nhập vào châu Mỹ theo vết chân của người châu Âu.

           Ngoài bị bóc lột, người dân châu Mỹ còn phải làm lao dịch, nộp nhiều thứ thuế phi lý. Bên cạnh viên toàn quyền là một bộ máy đàn áp khổng lồ như quân đội, nhà tù, cảnh sát, bọn chủ đồn điền, chủ mỏ, cai ký, đốc công tạo nên một chế độ độc tài đè nặng lên đầu người dân lương thiện. Tất cả quyền lực chính trị quản lý nằm trong tay bọn thực dân chính quốc. Toàn thể nhân dân kể cả người Criôlô (người da trắng sinh trưởng ở thuộc địa) cũng không được tham gia vào bộ máy nhà nước. Nạn phân biệt chủng tộc nòi giống đối với người da đen, người Anh Điêng rất trầm trọng. Nhà thờ Ki Tô giáo là công cụ nô dịch tinh thần đối với nhân dân châu Mỹ. Châu Mỹ hình thành và tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa các dân tộc và bọn ngoại bang thống trị, mâu thuẫn giữa toàn dân với chế độ phong kiến thuộc địa. Để giải quyết những mâu thuẫn trên, châu Mỹ phải tiến hành hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ tư sản. Mặc dù chính quốc ra sức kìm hãm sự phát triển kinh tế tư bản tư nhân của thuộc địa, nhằm biến thuộc địa thành nơi tiêu thụ hàng hoá, cung cấp nguyên liệu, nhân công rẻ mạt cho chính quốc, nhưng kinh tế tư bản và quan hệ sản xuất tư bản ở thuộc địa vẫn phát triển. Trên cơ sở đó, giai cấp tư sản thuộc địa ra đời và họ sẽ là giai cấp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến trong tương lai.

           Thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ là nơi đi tiên phong mở đầu cho cơn bão táp cách mạng ở châu Mỹ. Năm 1773 dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản Mỹ đứng đầu là Gioóc giơ Oasintơn, nhân dân Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1783 chiến tranh kết thúc với sự thắng lợi của nhân dân Mỹ. Nước Anh thất bại phải thừa nhận Mỹ là quốc gia độc lập. Hợp chúng quốc Hoa kỳ ra đời đánh dấu thời kỳ sụp đổ của hệ thống thuộc địa ở châu lục. Cách mạng Mỹ thắng lợi với bản “Tuyên ngôn độc lập” khẳng định những quyền cơ bản của con người, quyền của dân tộc đã tác động to lớn đến cuộc đấu tranh trong khu vực Mỹ LaTinh.

           Năm 1524 đến năm 1801 người da đen và người Anh Điêng ở Mêhicô đã liên tục bạo động chống chính quyền. Ở Bradin năm 1630, nô lệ liên tục khởi nghĩa và thành lập được nước cộng hoà Pa ma rét tồn tại tới năm 1697 mới bị đàn áp thất bại. Năm 1870 người Anh Điêng ở Pêru khởi nghĩa nhằm phục hồi đế chế In Ca. Khởi nghĩa kéo dài 2 năm mới bị dập tắt. 8 vạn quân khởi nghĩa bị Tây Ban Nha hành quyết. Năm 1781, khởi nghĩa ở Tân Tây Ban Nha, năm 1787, khởi nghĩa ở Vênêxuêla. Năm 1790, người da đen ở Haiti khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Tu xanh Lu vec tua giành được thắng lợi vào năm 1803, lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha, thành lập nước cộng hoà độc lập đầu tiên ở khu vực Mỹ La Tinh. Haiti trở thành căn cứ địa cho cuộc đấu tranh của toàn khu vực Mỹ La Tinh sau này.

           Năm 1810 khi quân đội Pháp dưới thời hoàng đế Na pôlêông I tiến hành chiến tranh xâm lược châu Âu và chiếm đóng Tây Ban Nha đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Mỹ La Tinh. Cách mạng trở thành một cao trào rộng lớn suốt từ Mêhicô đến Kitô, bôgôt , Achentina, Vênêxuêla, Para goay, Urugoay... chính quyền thuộc địa bị lật đổ, nhiều nước cộng hòa được thành lập như nền cộng hoà Vênêxuêla năm 1811. Nhưng cuộc giao chiến lần này của Mỹ La Tinh bị thất bại.

             (Còn nữa)

             CVL