Kỳ 29
Sau đại chiến thế giới thứ hai, các nước tư bản châu Âu cũng như chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Các nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề như Anh, Pháp, Đức, Italia... đều phải vay tiền của Mỹ để khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Ngoài cho vay tiền, Mỹ còn trực tiếp đầu tư vào Tây Âu. Tây Âu một lần nữa lại trở thành con nợ của Mỹ. Giai đoạn hồi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh diễn ra từ năm 1945 đến năm 1950. Từ những năm 50 đến những năm 70 thế kỷ XX, các cường quốc Anh, Pháp, Italia, Đức... đã đuổi kịp Mỹ. Tây Âu trở thành một trong 3 trung tâm lớn kinh tế, tài chính của thế giới tư bản (hai trung tâm khác là Nhật Bản và Mỹ). Trong chính sách đối ngoại, các nước Tây Âu tương đối đồng nhất với chính sách đối ngoại của Mỹ: Chống Liên Xô, chống hệ thống xã hội chủ nghĩa, chống phong trào giải phóng dân tộc. Mỹ được xây dựng căn cứ quân sự và đóng quân trên lãnh thổ các nước Tây Âu. Các nước bị cuốn hút vào cuộc chạy đua vũ trang đối đầu với phe xã hội chủ nghĩa. Các nước Tây Âu cùng Mỹ thành lập khối Quân Sự Bắc Đại Tây dương (NATO) đối trọng với khối Vác sa va của Đông Âu và Liên Xô. Tuy nhiên hai cường quốc có nhiều thuộc địa là Anh và Pháp sau chiến tranh thế giới thứ hai chịu thất bại nặng nề. Anh thất bại trong chiến tranh tái xâm lược Malai xia, mất hết thuộc địa ở Đông Nam Á và Nam Á, ở châu Phi, châu Đại Đương. Anh cố gắng duy trì ảnh hưởng ở các thuộc địa cũ bằng tổ chức các quốc gia này nằm trong Khối Liên hiệp vương quốc Anh và các quốc gia độc lập. Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương hao người tốn của, thất bại ở An giê ri. Hệ thống thuộc địa của Pháp hoàn toàn tan rã. Trận Điện Biên Phủ Việt Nam là một sự kinh hoàng không chỉ đối với chủ nghĩa thực dân Pháp mà còn đối với chủ nghĩa đế quốc quốc tế nói chung.
Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ở Tây Âu biểu hiện rõ rệt nhất ở chính sách mở cửa của các chính phủ nước này, thành lập thị trường chung châu Âu (EEC) và trên cơ sở EEC đã ra đời tổ chức Liên minh châu Âu (EU) hợp tác không chỉ về kinh tế mà còn hình thành những cơ quan nhà nước cho toàn châu Âu để điều hành công việc, phát hành đồng tiền chung Ơrô. Hiện EU có 15 nước thành viên và hàng chục nước thành viên trong tương lai. Người ta đã nói đến nhất thể hoá châu Âu, ”Liên bang châu Âu”. EU đã trở thành một trong nhưng trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính lớn nhất thế giới, đủ sức cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản, đủ sức xâm nhập vào các nước đang phát triển, mở rộng thị trường thế giới. Tây Âu không chỉ đang vươn lên giành vị thế kinh tế mà đang cố gắng độc lập trong chính sách đối ngoại, ít phụ thuộc vào Mỹ, thoát khỏi sự chi phối của Mỹ. Pháp và Đức biểu hiện cho xu hướng này. Chính phủ hai nước đã kiên quyết phản đối Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 3 năm 2003 chống I rắc. Pháp và Đức đang lấy lại vị thế có tiếng nói trọng lượng trong NATO, một khối quân sự ngày nay đã lỗi thời vì khối Vac sa va không còn tồn tại nữa. NATO chỉ còn đơn thuần là công cụ của Mỹ. Châu Âu là châu lục kinh tế tài chính phát triển nhất thế giới, quốc phòng hùng mạnh, chiếm 3 trong số 5 Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Châu Âu là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của thế giới, trong mọi mối quan hệ quốc tế hiện đại.
(Còn nữa)
CVL