Kỳ 25.
Thời kỳ phát triển và suy vong: Năm 1357, quân đội Ôsman bắt đầu cuộc xâm lược Nam Âu (Ban Căng) lúc này là những quốc gia phong kiến đang trên đường suy yếu. Năm 1362 quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Ađriaôpôn, năm 1389 chiếm Secbi, năm 1393 chiếm kinh đô Bungari, năm 1448 chúng đánh bại Bungari. Hầu như toàn bộ Nam Âu và Tây Âu đều vào tay quân Thổ. Chiến tranh đã tàn phá Nam Âu. Các dân tộc Nam Âu chịu sự thống trị của một dân tộc lạc hậu hơn mình, chịu sự thống khổ trong một thời gian lâu dài. Chỉ còn lại kinh thành Công stantinốp và đế quốc Bizăntium là cản trở cuối cùng trong mục tiêu làm chủ Ban Căng của Thổ. Quân Thổ đã tập trung một lực lương to lớn gấp 10 lần quân đội Bizăntium mở cuộc tấn công kịch liệt vào kinh thành Công stantinốp. Kinh đô này phòng thủ chiến đấu suốt 50 ngày đêm và thất thủ ngày 29-5-1453. Sun tan Thổ Môhammét II đổi tên Công stantinốp thành Ixtambun và trở thành kinh đô của đế quốc Ôsman. Đế quốc Đông La Mã đến đây hoàn toàn diệt vong. Sau chiến dịch Côngstantinôp, quân Thổ tiếp tục chiếm Bôsna, Hecxegôvinna, Anbani, tiêu diệt Hãn quốc Crưm, đánh phá Nôgiêva một thành bang của nước Ý.`
Sau khi làm chủ Ban Căng, Môhammét II tiếp tục xâm lược các vùng còn lại của Tiểu Á, tiến tới sông Ơfrát. Trong 30 năm dưới triều đại của ông, Ôsman trở thành một đế quốc hùng mạnh, xã hội và nhà nước phong kiến Thổ Nhĩ Kỳ phát triển lên một bước mới. Xêlim (1512-1520) kế vị Môhammét II chinh phục ngoại Kapcazơ, chiếm Azecbaizan, một phần Acmênia, một phần Gruzia, Đagestan, Kiêczigia, chiếm Xiri, Ai Cập, Vênêxia (một thành bang của Ý), chiếm những đảo trên Địa Trung Hải. Năm 1517 Xalim tự phong mình danh hiệu Khaliphê (thủ lĩnh tối cao của Hồi giáo).
Đế quốc Ôsman trở nên hùng cường dưới thời Xun tan Xulâyman II (1520-1565). Thời kỳ nay Thổ có 25 vạn quân, có lực lượng pháo binh mạnh nhất thế giới gồm 300 khẩu pháo, có lược lượng hải quân to lớn gồm 300 chiến thuyền[1]. Xu lây man đánh chiếm thành Bengrát, chiếm đảo Rôđốt. Năm 1256 quân Thổ đánh tan liên quân Tiệp-Hunggari, chiếm Hungga ri, Valakhi, Mônđôva. Năm 1259 quân Thổ đánh phá nước Áo, vây hãm kinh thành Viên. Cùng thời gian trên, quân Thổ chiếm Lưỡng Hà, chiếm Bátđa, chiếm bán đảo Ảrập, chiếm Bắc Phi. Tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ uy hiếp vùng biển Ý, Tây Ban Nha, khống chế con đường buôn bán qua Địa Trung Hải, Hồng Hải và biển Ban Tích.
Như vậy bắt đầu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, ở Trung Đông, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một đế quốc rộng lớn thay thế cho đế quốc Ảrập và đế quốc Bizăntium. Lãnh thổ của đế quốc này dài 7.000 km từ Đông sang Tây, 5.000 km từ Bắc xuống Nam, rộng gần 8 triệu km2 với dân số khoảng 30 triệu người. Đế quốc ÔSman trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển của nó đã có tác dụng to lớn trong việc củng cố và phát triển đạo Hồi, thúc đẩy quá trình phong kiến hóa ở Trung Đông, chống lại các cuộc xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây, bảo hộ cho cư dân theo Hồi giáo. Nhưng với những cư dân theo Cơ Đốc giáo ở Ban Căng và những vùng khác, quân Thổ đã dùng mọi thủ đoạn tàn khốc buộc họ phải phục tùng, tàn phá làng mạc thành thị của họ, giết chết hay biến họ thành nô lệ hàng vạn người.
Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ là đế quốc phong kiến quân sự, là nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền. Quyền lực của Kaliphê Xun tan là vô hạn độ. Tất cả thần dân và quí tộc đều là nô lệ của Xun tan. Xun tan có thể quyết định sinh mệnh và tài sản của thần dân. Đa số cư dân trong đế quốc là nông dân bị áp bức bóc lột tàn khốc. Nông dân phải nộp thuế cho nhà nước, phải nộp nhiều khoản tiền, thực hiện nhiều nghĩa vụ đối với chủ đất. Tình trạng những dân cư vùng bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược còn bi đát hơn nhiều. Họ có thể bị tàn sát bất cứ lúc nào chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Nền kinh tế trong đế quốc Ôsman hết sức lạc hậu, nông nghiệp thấp kém, thủ công nghiệp không phát triển, văn hoá trì trệ lạc hậu. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh phong kiến hoá ở Trung Đông nhưng ngược lại cũng là nhân tố kìm hãm sự phát triển của khu vực trong thời cận đại. Năm 1571 hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bị hạm đội Tây Ban Nha - Vênêxia tiêu diệt ở Lê ô pantô đánh dấu thời kỳ suy yếu của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế kỷ XVII, XVIII, XIX Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện và bị các cường quốc tư bản châu Âu khống chế, bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến và sụp đổ trong cuộc cách mạng tư sản năm 1908.
4. Nhà nước phong kiến Iran (Saphavít)
Bước vào thời kỳ trung đại, Trung Đông nói chung và Iran nói riêng rơi vào thời kỳ chiến tranh đầy biến động. Iran bị người Ảrập xâm lược và thống trị. Thế kỷ XVI, Iran nằm trong bản đồ của đế quốc ÔSman. Thế kỷ XIII, Iran hoàn toàn khuất phục dưới vó ngựa hung tàn của đế quốc Mông Cổ do Khulagu, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn chỉ huy. Thế kỷ XV đế quốc Mông Cổ sụp đổ, Iran bước vào thời kỳ hỗn loạn. Trong hoàn cảnh đó, một thế lực phong kiến là Saphavít ở thành Aczebin (miền Nam Azecbaizan) đã nổi lên thành Quốc vương của nhà nước Saphavít. Lãnh thổ của nhà nước này ngoài Aczebin còn bao trùm cả Tiểu Á, Acmêna, Xiri. Năm 1499 SaPhavít bành trướng sang miền Bắc Azecbaizan, chiếm Tebơrizơ năm 1502 và xưng là đại vương của Iran (ShahanShah), Tebơrizơ thành thủ đô của vương quốc, phái Siít của đạo Hồi thành quốc giáo.
Thế kỷ XVII nhà nước phong kiến Iran tiếp tục hoàn thiện việc thống nhất và mở rộng lãnh thổ. Quân đội Iran chiếm Irắc và thành Bátđa. Năm 1510 Saphavít chiếm Khorasan, tiến hành chiến tranh với Ôsman để tranh giành Kapcazơ, Kiêcdigistan và Lưỡng Hà. Nhà nước này còn gây chiến tranh với các Khan của Uzơbếchkistan.
Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII Quốc vương Apbát đã tiến hành cải cách trong lĩnh vực quân sự, thành lập 12.000 quân ngự lâm được ưu đãi đặc biệt, 10.000 kỵ binh người Kapcazơ, binh chủng pháo binh có tới 500 khẩu đại bác. Quân đội trung ương được xây dựng vững mạnh làm suy yếu lực lượng vũ trang của các bộ lạc du mục, tạo điều kiện cho việc hoàn thành thống nhất đất nước.
Nhà nước Iran là nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền nặng tính chất quân sự. Quốc vương nắm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quyền tổng chỉ huy quân đội. Dưới Quốc vương có một Hội đồng nhà nước gồm 8 đại thần. Các nhà thần học Hồi giáo cao cấp là cố vấn của Quốc Vương. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm quan cai trị đều do Quốc vương trực tiếp chỉ đạo. Có một loại quan lại trông coi công việc nhà nước, một loại quan lại trông coi ruộng đất riêng của Quốc vương lên tới 2/3 diện tích toàn lãnh thổ. Thế kỷ XVI kinh tế Iran phát triển thủ công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp. Nông dân chiếm đa số dân cư của vương quốc và bị bóc lột áp bức hết sức nặng nề tàn khốc.
Thế kỷ XVII thực dân Tây Âu xâm nhập vào Iran, chính sách phản động của giai cấp cầm quyền cùng với các cuộc khởi nghĩa của nông dân làm cho nhà nước suy yếu, lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Iran đứng trước nguy cơ bị xâm lược trước chủ nghĩa tư bản phương Tây
4. Kết luận: Sau khi các nhà nước chiếm hữu nô lệ sụp đổ, Trung Đông bước vào thời kỳ lịch sử trung đại với sự xuất hiện của các quốc gia, các đế quốc, các nhà nước phong kiến. Lớn nhất là ba đế quốc, ba nhà nước gần như kế tục và song hành với nhau: Đế quốc Ảrập, đế quốc Ôsman (Thổ Nhĩ Kỳ) và nhà nước Iran (Sa phavít). Đạo Hồi ra đời vào thế kỷ VII đã đóng một vai trò to lớn trong việc thống nhất thế giới Ảrập, ra đời một quốc gia Hồi giáo. Đạo Hồi cũng đóng vai trò to lớn trong việc hình thành các đế quốc Ảrập, đế quốc Ôsman, nhà nước phong kiến Iran Saphavít và thúc đẩy quá trình phong kiến hoá ở Trung Đông. Tiến trình phong kiến hoá và hình thành các quốc gia, các đế quốc ở khu vực hiển nhiên tôn giáo chỉ là một trong các yếu tố tinh thần, tín ngưỡng cổ vũ thúc đẩy cho sự thống nhất quốc gia.
Tuy nhiên sự ra đời của các nhà nước, các đế quốc ở Trung Đông thời kỳ trung đại không nằm ngoài qui luật chung là việc sử dụng biện pháp chiến tranh và bạo lực để xâm lược nô dịch áp bức bóc lột tàn khốc nhân dân mà đại đa số là nông dân. Trong các nhà nước đó chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt, nhất là nông dân Trung Đông với giai cấp quí tộc phong kiến, mâu thuẫn giữa những dân tộc bị xâm luợc và nô dịch với các đế quốc. Các nhà nước, các đế quốc đã có những yếu tố tích cực là thống nhất đất nước, đẩy mạnh quá trình phong kiến hoá, thúc đẩy văn hoá, kinh tế phát triển ở những thời gian đầu. Nhưng do thiết chế chính trị phong kiến quân sự, càng về sau các nhà nước phong kiến đó càng mang tính chất bảo thủ phản động, giam hãm Trung Đông trong vòng lạc hậu. Thế kỷ XVI,XVII,XVIII, chế độ phong kiến Trung Đông lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Trung Đông đứng trước nguy cơ bị chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược.
(Còn nữa)
CVL
-----------------
[1].Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Giáo trinh lịch sử thế giới Trung đại. Q2, T1. H. 1976. Tr.119.