Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 23.

V. TRUNG ĐÔNG-CÁC QUỐC GIA VÀ NHÀ NƯỚC THỜI KỲ TRUNG ĐẠI

1. Hồi Giáo

    Nhà nước Ảrập. Nằm ở Trung Đông nhưng bán đảo Ảrập bị bao bọc bốn phía bởi sông Ơphơ rát, vịnh Ba Tư, biển Ảrập, biển Đỏ và biển Địa Trung Hải. Đây là “Đảo của người Ảrập”. Bán đảo Ảrập rộng 3 triệu km2, chủ yếu diện tích đất đai là thảo nguyên và sa mạc cháy bỏng. Cư dân trên đảo bao gồm nông dân định cư sống ở miền Nam bán đảo, còn có cư dân du mục chăn nuôi gia cầm gia súc: Lạc đà, ngựa, cừu…Do vị trí của mình, kinh tế thương mại trên bán đảo tương đối phát triển. Bán đảo là nơi trung chuyển hàng hoá trên con đường buôn bán nối Đông Phi, Ấn Độ và Địa Trung Hải. Những người dân Ảrập có người đã trở thành những thương gia giàu có, lại có những người làm nghề đưa đường cho các thương đoàn trên con đường buôn bán. Trên bán đảo nhiều thị trấn,thành thị đã mọc lên như thành phố Mécca đông tới 25.000 dân, Yabơri khoảng 15.000 người[1].

   Sự ra đời quốc gia Ảrập gắn với sự ra đời của đạo Hồi. Đầu thế kỷ VII cư dân trên bán đảo Ảrập theo tôn giáo dân gian thờ đa thần như thờ thần mặt trời, thần mặt trăng, thần sông, thần suối...Cũng vào thời gian này công xã nguyên thủy của các tộc người Ảrập đang trên đường tan rã, bán đảo lâm vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhu cầu bức thiết là phải ra đời một nhà nước thống nhất. Muốn vậy cư dân phải thờ một vị thần, thống nhất về tôn giáo làm cơ sở cho sự ra đời một quốc gia thống nhất. Đạo Hồi là sản phẩm của thời kỳ quá độ từ xã hội thị tộc của người Ảrập sang xã hội có tư hữu, giai cấp và nhà nước.

   Hồi giáo (Islam) được các nhà nghiên cứu cắt nghĩa khác nhau. Hồi giáo tiếng Ảrập là Islam có nghĩa là phục tùng, quy định tín đồ phải phục tùng vị thánh tối cao, duy nhất là Thánh Ala, còn có nghĩa là thuận tòng, tuân theo, có nghĩa là tín đồ phải thuận tòng thánh ALa, tuân theo vị Sứ giả của thánh Ala là Mô Ha Mét, còn được giải thích Hồi là Thiên Sứ Mô Ha Mét truyền đạt lại (phản hồi lại) lời dạy của thánh ALa cho tín đồ.

   Người sáng lập đạo Hồi là Mô Ha Mét sinh năm 571 tại Mécca trong một gia đình nghèo thuộc bộ lạc Coraích. Năm 610 Mô Ha Mét tự xưng là nhà Tiên Tri của thánh ALa ( vị thánh tối cao của người Ảrập). Những thuyết pháp của ông đặt cơ sở cho sự ra đời một tôn giáo mới: Hồi giáo (Islam). Bộ kinh lớn nhất của tôn giáo này là kinh Coran. Các tín đồ Hồi giáo tiếng Ảrập là Muslom, người kế tục Thiên Sứ Mô Ha Mét gọi là Khalíppha. Kinh Coran bao gồm 6 tín ngưỡng lớn. Thứ nhất là phải tin thánh ALa, tin Thiên Sứ. Tin chân thánh là tin rằng ngoài thánh ALa thì không còn vị thần nào khác. Thánh ALa là duy nhất. Đây là hòn đá tảng của đạo Hồi, tín đồ không được phép nghi ngờ lung lay thoả hiệp. Thánh ALa là độc tôn trong vũ trụ. Chương 3, tiết 26 của kinh Coran viết: “Hỡi thánh ALa! Hỡi người chủ toàn quyền xứ sở..”[2]. Tín điều thứ hai là phải tin vào Thiên Sứ. Theo kinh Coran có nhiều Thiên Sứ trong tổ chức của Hồi giáo. Mỗi Thiên Sứ có một nhiệm vụ khác nhau. Tín điều thứ 3 là tin vào kinh điển, tin rằng bộ kinh Coran là kinh của thần thánh do thánh ALa khải thị cho nhà Tiên Tri Mô Ha Mét để truyền lại cho tín đồ Hồi giáo. Kinh Coran có uy quyền tuyệt đối. Tín điều thứ 4 là tin Sứ Giả. Tín điều này đòi hỏi tín đồ Hồi giáo phải tin và tôn sùng Mô Ha Mét, Sứ giả và là Tiên Tri của thánh ALa. Kinh Coran nói rằng; “Đấng ALa phái đến mỗi dân tộc một vị Sứ Giả”[3]. Đạo Hồi có 124.000 nhà Tiên Tri, 350 vị Sứ Giả. Địa vị của Sứ Giả cao hơn nhà Tiên Tri. Mô Ha Mét vừa là Sứ Giả, vừa là nhà Tiên Tri. Tín điều thứ 5 là tin vào kiếp sau. Giáo lý đạo Hồi cho rằng cuộc sống của con người ở trần gian là ngắn ngủi, cuộc sống kiếp sau của con người ở Thiên Đường mới là vĩnh viễn. Những người làm điều thiện ở trần gian khi chết, thánh ALa xét và cho sống lại,  cho lên Thiên Đường sống một cuộc đời cực lạc. Kẻ ở trần gian làm điều tàn ác sẽ bị đày xuống hỏa ngục chịu cực hình. Tín điều thứ 6 là tin vào tiền định. Đạo Hồi cho rằng con người có những số phận khác nhau đều do thánh ALa đã định đoạt và an bài, không có cách gì cưỡng lại được.

   Đánh giá những hoạt động xây dựng tôn giáo mới-Hồi giáo của MôHamét, Các Mác và Ăng ghen, những người thầy của cách mạng vô sản đã gọi đó là “Cuộc cách mạng tôn giáo của MôHa Mét”.[4]

   Kinh Coran được xem là bộ kinh tối thượng của đạo Hồi gồm 30 quyển, 114 chương, 6.236 tiết. Đó là căn cứ lập pháp của các quốc gia Hồi giáo, là “Bộ Hiến pháp vĩnh cửu”, là chuẩn mực tinh thần, đạo đức, luân lý của các tín đồ Hồi giáo. Kinh Coran có uy quyền tuyệt đối trong giáo lý và trong giáo pháp.

   Khi truyền đạo, Mô Ha Mét lên án giai cấp chủ nô, giới cho vay nặng lãi ở Mécca. Ông giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi và góa phụ. Năm 622 Mô Ha Mét cùng các tín đồ đến truyền giáo ở Yasơri. Ông trở thành người đứng đầu thành phố này. Tại Međina, Mô Ha Mét đã thành lập lực lượng vũ trang. Năm 630 Mô Ha Mét trở lại Mécca, được các tín đồ thừa nhận và ông thành lập nhà nước Ảrập, thiết lập quyền lực trên toàn bán đảo. Trong nhà nước phong kiến này Mô Ha Mét nắm cả vương quyền và thần quyền, tự ông giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Dưới ông có một Hội đồng tư vấn. Nhà nước Ảrập nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất. Mô Ha Mét đã ban cấp đất đai cho những người thân cận và quí tộc các bộ lạc. Đất đai được phong được coi là tài sản riêng và người được phong có quyền đem bán. Làm như vậy Mô Ha Mét đã tạo nên sự hình thành giai cấp địa chủ phong kiến làm chỗ dựa xã hội cho nhà nước. Quyền tư hữu được coi là thiêng liêng và được nhà nước bảo vệ. Quyền kế thừa tài sản được qui định chặt chẽ. Tài sản gia đình phải để lại cho người kế thừa hợp pháp. Đàn ông được hưởng phần gấp đôi phụ nữ. Cuộc sống và tài sản của các tín đồ Hồi giáo được coi là thiêng liêng. Kinh Coran nghiêm cấm tội ăn cắp, cho phép chặt tay kẻ ăn cắp để trừng phạt. Mô Ha mét đặt ra luật lệ về hôn nhân gia đình, luật bảo vệ trẻ mồ côi. Mô Ha Mét từ trần năm 632, để lại cho người kế nhiệm một quân đội hùng mạnh, một quốc gia thống nhất.

2. Đế Quốc Ảrập (Thế kỷ VII-XIII): Từ quốc gia Ảrập những người kế nhiệm Mô Ha Mét đã tiến hành xâm lược bành trướng, lập nên Đế quốc Ảrập rộng lớn ở Trung Đông thời kỳ trung đại. Mở đầu cuộc xâm lược, Kha Líp Abubếch xâm lược Iran. Năm 633 quân đội Ảrập chiếm hữu ngạn và làm chủ đồng bằng Ơfơrát. Năm 635 quân Ảrập chiếm pháo đài Bara.

(Còn nữa)

CVL

--------------------

[1] Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung-Cận Đông. NXB giáo dục. H. Tr. 71.

[2] . An ma nách những nền văn minh thế giới. NXB Văn hoá thông tin. H. 1999. Tr. 1050.

[3] . Sách đó dẫn. Trang 1050.

[4] Các Mác và Ăng ghen. Tập 28. NXB Sự Thật. H. Tr. 250.