Tự nhốt trong nhà nhiều, thấy nhớ mùi thành phố kinh khủng các bạn ạ.
Mà các cụ nói cũng cấm có sai: Giàu ở quê không bằng ngồi lê thành phố. Mấy cái em ship hàng = xe máy thôi, nếu chăm chỉ ở Hà Nội, tháng cũng bỏ túi được 10-15 triệu đồng. Cô chủ hàng hoa cháu tôi, gọi là có uy tín, làm ăn tháo vát nghiêm túc, thường xuyên tạo việc ổn định cho hơn 20 ship nam chuyên nghiệp (Bao năm nay, cả hai năm dịch dã, ông nào cũng tháng bỏ túi không dưới 20 triệu đồng).
Quán quang gánh cháo CHAI, vẫn đậu chân gầm cầu đi bộ chỗ Đại học Thủy Lợi - mỗi chiều bán hai nồi cháo quẩy to như nồi nấu bánh chưng và khoảng trăm quả trứng gà ung (trứng soi)... cô chủ nuôi ba con đại học, và còn mua được cả nhà chung cư (không trả góp) ngay bờ sông Tô.
Bát phở ngon, đúng gốc Rau Cù (Nam Định), giá 25 ngàn. Cũng gia đình ông chủ ấy, bán bát phở như vậy (Ở HN, 35 - 40 ngàn), ông Thìn phở 13 Lò Đúc bát tái lăn giờ 60-65 ngàn.
Mấy cô Quất Lâm, quê gần Hà Nội, ba tháng nay dưới đó giải thể vòm cũ, xây biển mới. Trong khi chờ đợi, các cô về Hà Nội pho mét lại người, rồi cũng hành nghề. Giá cũng tăng gấp mấy lần cái 200/một nháy (tin từ cơ quan C.A), kiếm tiền Hà Nội có vẻ dễ hơn, cả nghề ấy cơ mà.
Một chiếc làn, vài cái phích, mươi hòn gạch thay ghế bán chè chén, trà đá góc các vườn hoa, nuôi được vài ba đứa con thơ là chắc. Bạo phổi, chiều chiều ghi lô đề cò hôi, mà được khu vực “thông cảm”, thì mỗi tối cũng qua Bảo Tín Minh Châu mua và găm được chỉ vàng.
Ấy là chuyện kiếm ăn bình dân, lam lũ, mùa vụ. Còn làm ăn lớn, có được có thua, nhưng nói gì thì nói, tiêu pha đỡ phải nghĩ. Chỉ có điều, dễ kiếm ăn cò hôi, nhưng đồng tiền ấy, của người lành thì ít, của kẻ tham ô, trục lợi, ăn theo kẽ hở của ông nhà nước thì nhiều. Tiền của họ thì bạc. Tiền kiếm bình dân là = mồ hôi, nước mắt, tại sao không làm "người ngồi lê thành phố” nhỉ?
Ở nông thôn, giờ không đói ăn thiếu mặc. Nhưng thiếu người các ông bà ạ.
Có khi cả tháng, quanh làng chả có tiếng trẻ con khóc (chúng theo cha mẹ anh em về phố cùng kiếm sống). Đi làm thuê và thuê người giúp việc trông con cho cũng là bình thường.
Thanh niên thì học hành bay nhảy cả để thoát nông. Phần còn lại, giai chưa vỡ tiếng, gái ngực cau nhu nhú đã được các công ty gần xa mời gọi. Có lương, có bảo hiểm. Chưa có nghề thì được dạy nghề. Chưa có tiêm, thì cứ vào công ty khắc được tiêm đủ hai mũi. Thôi cứ bỏ ao bỏ ruộng đấy, có máy làm. Mà máy không làm xuể thì bỏ hoang, đâu có lo chết đói.
Có một cảm giác yên bình đến rợn người. Nhiều vùng nông thôn trù phú, đẹp đẽ mà toàn tiếng chim gù, tiếng gà gáy sớm trưa chiều tối mà lại ít, rất ít tiếng người, không cả tiếng võng à ơi!
Đấy là nông thôn tự kỷ?
Mong sao ý tưởng “ly nông bất ly hương” sớm trở thành hiện thực, để nông thôn khỏi lâm vào cảnh tự kỷ, bừng lên sức sống mới!