Nữ tướng Hồ Đề thời Trưng Vương chính sử và huyền sử (Bài 1)

Từ một vài chi tiết thấp thoáng trong sách chính sử và những câu chuyện huyền sử (dã sử) nghe được, gần 10 năm qua, Nhà báo Phan Hữu Minh, Lê Tùng cùng các cộng sự lần tìm với hy vọng khẳng định công trạng cũng như quê hương của nữ Phó tướng của Trưng Trắc có tên Hồ Đề liên quan đến Thái Nguyên..

Bài 1: Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và những chi tiết liên quan đến Thái Nguyên

ho-de-nu-tuong-trung-vuong-1623625687.jpg
Huyền tích và lịch sử về Nguyên Soái Hồ Đề là niềm tự hào của người dân làng Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội

Trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, để gìn giữ không gian sinh tồn của người Việt, xây đắp nên cương vực dải đất hình chữ S tươi đẹp cho muôn đời con cháu, biết bao thế hệ người dân Việt đã chiến đấu và hy sinh xương máu. Từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc đến nhà nước Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt… Rồi trải qua các triều đại phong kiến quân chủ, và cho đến cuối thế kỷ XX, lịch sử của dân tộc Việt gắn liền với những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm,quá trình xây dựng và gìn giữ non sông. Trong đó, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc. Cuộc khởi nghĩa do bà Trưng Trắc phát động cùng em gái là Trưng Nhị và rất nhiều các vị nữ tướng, nữ binh trong hàng ngũ đội quân của Hai Bà, không chỉ được ghi nhận là một trong những cuộc dấy binh đầu tiên của dân tộc Việt mà còn là cuộc khởi nghĩa duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam do những người phụ nữ lãnh đạo thắng lợi; chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm, lập nên một vương triều độc lập, thống nhất, tự chủ thời kỳ ấy.

 

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam, "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Theo chính sử: Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng đất Mê Linh (nay là huyện Mê Linh - Hà Nội), là đất bản bộ của vua Hùng xưa. Vùng đất này kéo dài dọc theo bờ sông Hồng từ Việt Trì (Phú Thọ) đến nam Hà Nội, trải rộng đến chân núi Ba Vì về phía Tây Nam và chân núi Tam Đảo phía Đông Bắc…Huyền sử (dã sử) lưu truyền rằng: Bà Man Thiện (Trần Thị Đoan),cháu ngoại vua Hùng chồng mất sớm tần tảo nuôi hai chị em Trắc-Nhị bám đất phù sa mà theo nghề tầm tang, canh cửi và luyện tập võ nghệ.

Hai chị em lớn lên sức lực dẻo dai, tài sắc hơn người. Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách là con Lạc tướng huyện Chu Diên. Những năm 40, nhà Đông Hán cai trị nước ta,chia nước ta thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam để dễ bề đồng hoá. Năm 34, vua Hán Quang Vũ sai Tô Định sang Âu Lạc thay Tích Quang làm thái thú quận Giao Chỉ. Tô Đinh tham lam, tàn ác làm cho dân ta vô cùng thống khổ. Trước cảnh nước mất nhà tan, lại chứng kiến sự tàn ác của thái thú Tô Định, Trưng Trắc bàn với chồng nổi dậy chống lại Tô Định và nhà Đông Hán. Việc chưa thành thì bị bại lộ, Tô Định đã giết Thi Sách trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, hòng làm nhụt ý chí của Trưng Trắc. Nhưng hành động đó của Tô Định chỉ làm thổi bùng thêm ngọn lửa căm thù giặc trong lòng Trưng Trắc. Bà cùng với em gái của mình là Trưng Nhị đứng lên kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, chống lại nhà Đông Hán. Mục đích chính của cuộc khởi nghĩa này đã được ghi lại rất rõ trong “Thiên Nam ngữ lục”, (thế kỷ XVIII), mà sử sách vẫn thường gọi là ''Lời thề Trưng Trắc'':

                                 Một xin rửa sạch nước thù
                                 Hai xin lấy lại nghiệp xưa họ Hùng
                                 Ba kẻo oan ức lòng chồng
                                 Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này

Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội nhà Hán tan vỡ đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, nền độc lập dân tộc được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. 

Vùng đất Thái Nguyên ngày nay đầu Công Nguyên thuộc huyện Tây Vu,quận Giao Chỉ. Vùng đệm hay gọi cách khác là cầu nối giữa vùng đồng bằng châu thổ các con sông mẹ và vùng núi cao, thâm sơn cùng cốc, núi non hiểm trở, hang động nhiều, là nơi cát cứ vững chắc của các Lạc hầu, Lạc dân và tù trưởng giàu mạnh. Chính sử chép: ”Khi cuộc khởi nghĩa được phát động tại vùng Mê Linh, lập tức được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân cúa Chu Diên, Tây Vu, sau lan sang các quận Cửu Chân, Nhật Nam”… Thái Nguyên ngày ấy giáp Mê Linh, lại nằm trong đường tiến quân xuống Cổ Loa, Long Biên, Lãng Bạc, nơi có các trận đánh lớn với quân thù. “Vùng Hà Châu, Chợ Chã của Thái Nguyên có một vị trí thuận lợi hành tiến cả thuỷ, bộ, các Lạc tướng, Lạc hầu đã chốt chặn giặc ở ngã ba sông Cầu và sông Công hiệu quả. Chính vì thế, Thái Nguyên trở thành vùng phên dậu chiến lược, đóng một vai trò cầu nối,nơi cung cấp cơ sở vật chất cùng sức người trong cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo”. Còn huyền sử, trong dân gian nhiều trăm năm thì lưu truyền câu chuyện về một phụ nữ tài giỏi, cai quản tới 70 động vùng Lũng Mai, Thiên Sớ (Thái Nguyên) có tên Hồ Đề, kéo quân theo Hai Bà, lập công lớn được Trưng Trắc phong làm phó tướng cho mình (về nữ tướng Hồ Đề, sẽ nói kỹ ở phần sau)./.

Bài 2: Ý nghĩa lịch sử và thời đại của Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Bài 2)