Đội bóng đá Công an Hà Nội có nhiều lứa cầu thủ. Lứa đầu tiên có các ông Luyến, Thưởng, Nghẽn, Tòng, Phú ‘Tí’, Hợi “toe”… Các ông này chuyển sang từ đội bóng Hoàng Diệu, làm nòng cốt cho đội CAHN. Trước đó các ông này đã đá cho đội Cảnh binh Hà Nội thời thuộc Pháp.
Đội cũng tuyển dụng thêm một số thanh niên Hà Nội đá bóng giỏi như lứa các ông Nguyễn Mạnh Cường, Phan Đức Âu… Ông Âu sau về phụ trách thể dục thể thao của Sở Công an Hà Nội.
Sau khi ổn định việc tiếp quản Thủ đô, Công an Hà Nội bắt đầu tuyển mộ lứa thứ hai để trẻ hóa đội hình.
Lứa này có hàng loạt các ông gắn bó suốt đời cầu thủ với đội bóng CAHN như các ông Tô Hiền, Hạc “phệ”, Du “cò”, Sơn “min”, Thành A, Lai Thành, Pháp A, Đài “gôn”, Thọ “gáo”, Độ “trây” v.v…
Trong những bậc kỳ cựu đấy, ông Đức “khựa” là một người có cá tính mạnh mẽ nhất.
Ông là người thuần Việt, ở làng Ngọc Hà, vốn thuộc đất Thập tam trại của Hà Nội xưa. Nhưng ông cao lớn, có nét mặt giống người Tàu nên được đặt biệt danh là Đức “khựa”, dù tính cách của ông lại cực giống với các cụ đồ nho của xứ Annam xưa.
Khi nghỉ hưu ở phố Đội Cấn, nơi ông sinh ra và lớn lên, ông còn xung phong làm thủ từ cho đình Ngọc Hà, để níu giữ những tập tục xưa cho vùng đất ông gắn bó suốt cuộc đời mình.
Tôi đến với bóng đá là do ông Trần Đình Đức.
Ông đá cùng anh rể tôi là Phạm Tuân và cả em anh rể là Phạm Hinh (sau đá trung vệ ở đội Phòng không) ở Thanh niên Hoàng Diệu, Thanh niên Ba Đình. Ông được anh rể tôi rủ xuống sân Xã Đàn xem tôi thi đấu rồi hướng tôi vào bóng đá chuyên nghiệp. Vì vậy, ông là người thày hướng nghiệp của tôi từ ngày mới làm quen với trái bóng.
Trang sử bóng đá Việt Nam gắn với tên ông.
Ông là cầu thủ của đội bóng đá CAHN.
Ông là tuyển thủ quốc gia.
Ông là lãnh đạo của đội bóng CAHN.
Ông là Huấn luyện viên của một số đội bóng thuộc V-League.
Kể về ông với những mốc son của bóng đá Việt Nam, bóng đá Hà Nội thì phải hết cả một cuốn sách dày. Người hâm mộ bóng đá thủa xưa không thể quên những cú đá phạt của ông làm rạng danh bóng đá Việt trên trường quốc tế.
Không hiểu tại sao ông chỉ chuyên với những cú cứa lòng hoặc bạt má chứ không bao giờ đá úp mu, dù gân chân ông rất khỏe.
Ông đá tiền vệ công. Cùng với ông Sơn “min”, các ông là người điều phối nơi tuyến giữa cho đội CAHN.
Tuyển Việt Nam được thành lập để thi đấu với các đội bóng trên sân Hàng Đẫy, ông luôn được tin tưởng giao trọng trách án ngữ khu vực giữa sân.
Không hoa mỹ, không động tác thừa, ông cần cù điều phối trận đấu, cứa lòng hoặc vẩy má, đưa bóng lượn qua rừng chân của đối thủ đến nơi đồng đội đang đón chờ.
Ông cũng là người tận tình dìu dắt các đàn em như Điệp “lùn”, Nhã “tròn” nhanh chóng trưởng thành, gánh vác trọng trách các đàn anh để lại nơi giữa sân.
Nghỉ đá bóng, ông làm huấn luyện viên trưởng đội bóng CAHN.
Những trận derby quyến rũ của Hà Nội thời bao cấp có sự góp mặt của Thể công, CAHN, Đường sắt và sau có thêm đội Bưu điện. Ông biết sở trường sở đoản của các đội bóng trong cùng thành phố. Ông biết từng mặt mạnh mặt yếu của mỗi cầu thủ, nên khi sắp xếp đội hình, ông cân đối để mỗi khi bước vào trận derby, khán giả ai cũng sướng khi chiêm ngưỡng những miếng chiến thuật nhuần nhuyễn của đội bóng CAHN. Có thể nói đội CAHN thời ông huấn luyện sở hữu nhiều bậc danh tài, có lối đá hoa mỹ, giàu chất latin.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam hồi đấy, ai cũng thích lối đá đậm chất kỹ thuật và đầy ngẫu hứng của đội CAHN.
Bóng đá Việt Nam cuối thời bao cấp vướng những chuyện lùm xùm về xin điểm, nhường điểm. Trong vòng xoáy đấy có cả nghi án về một số trận đấu có đội CAHN tham gia.
Ban lãnh đạo đội bóng khi ấy bị nghi ngờ về tính trung thực trong thể thao. Tại những cuộc họp đầy rẫy sự nghi ngờ, quy chụp ấy, ông đã đứng lên, tuyên bố từ chức và xin nghỉ hưu trước tuổi.
Ông được sắp xếp làm công việc khác trong ngành, nhưng tính ngạo nghễ của người Hà Nội không cho phép ông tiếp tục làm việc trong sự nghi ngờ.
Chính vì điều đấy, các đồng đội và các lứa đàn em ở đội bóng đá CAHN luôn coi ông là số một. Người đàn ông đích thực của đội bóng đá CAHN.