Phát huy vai trò, tính chủ động của các hội VHNT trong việc thực thi, bảo vệ quyền tác giả

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2022.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Nghệ thuật (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt báo cáo đánh giá khái quát tình hình văn hoá, văn nghệ của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trong quý I/2022. Theo Vụ trưởng Nguyễn Minh Nhựt, thành công của Hội nghị văn hoá toàn quốc đã tạo bước ngoặt, đem lại luồng sinh khí mới thúc đẩy lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển.

Trong quý I/2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới về văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng; kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật được duy trì phong phú, đa dạng; truyền hình, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, vừa tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật, khích lệ, cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí lạc quan, lan tỏa các thông điệp tích cực.

Về nhiệm vụ trong  quý II, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển; đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. 

Cũng tại Hội nghị, đại diện các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cũng báo cáo tình hình công tác trong quý I và các hoạt động của quý II. Bên cạnh đó, đại diện các Hội VHNT cũng nêu ra những vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm trong thời gian qua như nhiều văn, nghệ sĩ không thuộc các đơn vị trực thuộc Nhà nước nên gặp khó khăn trong tiếp cận các văn bản về đường lối, chính sách của Đảng về sáng tác; vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn tồn tại, quyền lợi các nghệ sĩ chưa được giải quyết, các quỹ điện ảnh do tổ chức nước ngoài đầu tư cho đối tượng làm phim trẻ, Luật thi đua khen thưởng cần xem xét, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế,...

Trước ý kiến của đại diện các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá Thể Thao và Du Lịch cũng nêu ra những đề xuất giải pháp trước những vấn đề nóng. Cục Trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu, cần có nhận thức đúng về quỹ điện ảnh không phải chỉ là quỹ kinh tế, tài trợ mà đó là "cánh tay nối dài" của nhà nước, công cụ quản lý, định hướng các nhà làm phim trẻ. Điều đó sẽ hạn chế được việc các quỹ điện ảnh do tổ chức nước ngoài đầu tư khiến đối tượng làm phim trẻ có nhận thức sai lệch về quan điểm, tư tưởng...

Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền tác giả cũng được đề cập đến trong Hội nghị. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, quyền tác giả và các quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế, thương mại quốc tế. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. 

Những công nghệ này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh mà theo đó các tác phẩm có bản quyền được xuất bản và phân phối tới công chúng. Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí hiện đang tồn tại trên không gian mạng, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, thách thức các quy tắc bảo vệ pháp lý truyền thống như luật bản quyền quốc gia thường có bản chất lãnh thổ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại là tài sản trí tuệ. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống. 

Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế, tham gia 7 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên phạm vi quốc tế, thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục... 

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số diễn ra phức tạp, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung trong môi trường kỹ thuật số còn chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thống tín trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên trên internet chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Giải pháp được đưa ra trong Hội nghị là tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là các quy định về bảo hộ quyền tác giả, hướng tới Luật Bản quyền tác giả độc lập; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, tăng cường năng lực cá cơ quan quản lý; đẩy mạnh hợp tác quốc tế;...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá: "Thời gian qua công tác chuyên môn mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn tổ chức được nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật. Phong trào sáng tác tốt. nhiều Hội Văn học nghệ thuật có hoạt động sáng tác gắn liền với chống dịch hiệu quả thời gian qua.... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc về thủ tục, pháp luật khi triển khai công tác giữa các bộ, ban ngành. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với Ban Tuyên giáo, các đơn vị quản lý nhà nước giải quyết vướng mắc để thể hiện sự quan tâm hơn, có thêm chính sách chăm lo cho các văn, nghệ sĩ. Qua đó tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, quan tâm hơn đời sống văn nghệ sĩ". 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II. Các hoạt động như trại sáng tác, hội thảo, có thể kết nối thành chuỗi sự kiện thay vì sự kiện đơn lẻ. Cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các Hội Văn học nghệ thuật, các bộ, ban ngành liên quan. Cần có chiến lược phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học. Công tác báo cáo kết quả thường xuyên để cùng nhau nhìn nhận lại tồn tại để khắc phục.