Phát triển du lịch địa phương của Nhật Bản và hàm ý cho việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc

TS. Phan Cao Nhật Anh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

27/10/2023 09:39

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của TS. Phan Cao Nhật Anh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về "Phát triển du lịch địa phương của Nhật Bản và hàm ý cho việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc" tại Hội thảo "Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 21/10/2023.

quang-canh-hoi-thao1-1698374473.jpg

Quang cảnh Hội thảo "Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” 

Tóm tắt: Nhật Bản xác định du lịch là ngành công nghiệp mũi nhọn, trụ cột trong tăng trưởng GDP của Nhật Bản. Trong đó, du lịch địa phương là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước mặt trời mọc. Du lịch địa phương hướng tới phát huy các thế mạnh như văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống, phong cảnh thiên nhiên,… Ngoài ra, các địa phương Nhật Bản tăng cường liên kết, phối hợp nhằm thu hút khách du lịch. Qua phân tích chính sách phát triển du lịch địa phương của Nhật Bản, bài viết đưa ra hàm ý cho việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc.
Từ khóa: Du lịch, Địa phương, Nhật Bản, Vĩnh Phúc, Làng văn hóa 
Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, song quốc gia này đã có những định hướng chính sách đúng đắn để phát triển xây dựng đất nước hùng cường. Phát triển du lịch địa phương, phát huy thế mạnh của mỗi vùng là một trong những mô hình phát triển đạt được thành công nhất định.
1. Chính sách phát triển du lịch địa phương
Cho đến những năm đầu thế kỷ 21, ngành du lịch Nhật Bản chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Một phần do Nhật Bản ít chú trọng tới việc thu hút khách du lịch quốc tế, chính phủ thường ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp điện tử. Thêm vào đó, thảm hỏa động đất sóng thần ngày 11/3/2011 tàn phá, gây mối lo ngại về phóng xạ khiến cho lượng khách du lịch đến Nhật Bản sụt giảm mạnh. Nhưng từ sau năm 2012, ngành du lịch Nhật Bản đã có bước phát triển thần kỳ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. 
Thực tế, chính phủ Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch và cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động. Năm 2008, Nhật Bản công bố Sách Trắng về du lịch, đưa ra những chuẩn mực cụ thể về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó “môi trường” và “phát triển” cùng tồn tại trong sự hài hòa, chứ không phải là loại trừ lẫn nhau, do đó, để “phát triển bền vững” thì cần phải bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong các hoạt động thúc đẩy du lịch quốc gia cần phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường và vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh. Cho đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững, tập trung vào các vấn đề sau: Sử dụng du lịch để nâng cao tỷ lệ việc làm; Tăng cường đào tạo để nâng cao kỹ năng trong ngành du lịch; Khuyến khích tinh thần kinh doanh, khả năng cạnh tranh và đổi mới trong ngành du lịch; Thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ và đạo đức trong kinh doanh du lịch; Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm như một yếu tố để phát triển văn hóa xã hội; Hạn chế biến đổi khí hậu và tăng cường sử dụng năng lượng sạch; Thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm trong ngành du lịch; Thúc đẩy chất lượng và văn hóa trong dịch vụ du lịch; Phối hợp du lịch với bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học; Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; Giảm số lượng chất thải du lịch; Bảo vệ cảnh quan du lịch; Cải thiện hệ thống giao thông và quản lý sử dụng đất; Kiểm soát sự phát triển của giao thông liên quan đến du lịch và các tác động bất lợi của nó đối với môi trường; Chuyển đổi cân bằng giữa các phương thức vận tải cho du lịch .
Đến năm 2020, do đại dịch Covid-19 ngành du lịch Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng và mới từng bước phục hồi thời gian gần đây. Trong ba tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đã đón 4,79 triệu du khách nước ngoài, phục hồi khoảng 60% so với mức trước đại dịch. Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi lượng khách đến từ các thị trường từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ. Trong khi đó, lượng khách du lịch Trung Quốc lục địa, chiếm khoảng 1/3 tổng số du khách nước ngoài tới Nhật Bản, trong quý 1/2023 đã giảm 93,4% so với cùng kỳ năm 2019 do nước này vẫn hạn chế lượng khách đi theo đoàn. Nhật Bản cũng muốn khuyến khích du khách nước ngoài dành thời gian ở khu vực ngoại ô lâu hơn trong các chuyến đi. Năm 2019, du khách nước ngoài trung bình chỉ dành một đêm ở vùng nông thôn .

Nhật Bản đưa ra nhiều cải cách sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… tạo ra sự thay đổi và đạt được thành tựu nhất định trong ngành du lịch. Trong những năm đầu của thế kỉ XXI, bên cạnh việc ban hành các chính sách về du lịch (Luật Cảnh quan, Luật Qui hoạch thành phố lịch sử,...) Nhật Bản tích cực phát huy sức mạnh cộng đồng trong phát triển du lịch qua phương châm “Thương hiệu của lối sống”, qua đó đưa ra một khái niệm mới “nơi khách du lịch muốn ghé thăm” là “nơi mà người dân địa phương đang tích cực sống”, xây dựng các điểm đến độc đáo (lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) và khai thác một cách sáng tạo những nét văn hóa của mình (lĩnh vực ẩm thực), để từ đó “thương hiệu hóa” những di tích lịch sử, những điểm du lịch thu hút khách của từng địa phương .
Một trong những điểm nhấn là chính sách phát triển địa phương được thực hiện dưới thời cố Thủ tướng Abe Shinzo. Ở đây, phát triển địa phương (tiếng Nhật là: 地方創生, được hiểu là tái sinh, khôi phục, sáng tạo và phát triển tất cả các địa phương, nhất là các tỉnh vùng nông thôn Nhật Bản). Thực tế, trước đây khách du lịch đến Nhật Bản chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kyoto,…. Nhưng hiện nay, số lượng khách du lịch hướng đến trải nghiệm tại các địa phương Nhật Bản đang gia tăng. Chi phí của du khách tại các địa phương Nhật Bản đang tăng nhanh hơn so với khu vực còn lại. Du lịch địa phương đang giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế du lịch Nhật Bản hiện nay.
Về tổng thể phát triển ngành du lịch địa phương, chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo đã sớm đưa ra chiến lược tổng hợp phát triển hạ tầng, con người, việc làm ở các địa phương. Ngày 03/9/2014, Thủ tướng Abe đã công bố một loạt chính sách liên quan đến phát triển địa phương. Đây được coi là chính sách “Abenomics địa phương”.
Trong đó, coi du lịch là động lực phát triển cho các khu vực phụ cận và nông thôn. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia đặt mục tiêu hướng tới ngành công nghiệp du lịch Nhật Bản đạt đẳng cấp thế giới. Ngành du lịch tạo ra việc làm và môi trường yên tâm làm việc tại các địa phương. Địa phương cần nâng cao sức cạnh tranh trong phát triển du lịch, quảng cáo sản phẩm nổi tiếng của địa phương, chấn hưng văn hóa, thể thao, nghệ thuật. Các địa phương nỗ lực tạo việc làm bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên bản địa về nông nghiệp, du lịch, văn hóa,... đồng thời tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như các trường học, cửa hàng, trung tâm văn hóa, đất nông nghiệp bỏ hoang... Để tạo ra vòng tuần hoàn tốt, chính phủ tập trung hỗ trợ phát triển ngành mũi nhọn, có chức năng đầu tàu kéo thu nhập và nền kinh tế của địa phương đi lên.
Chính sách phát triển du lịch địa phương dưới thời Thủ tướng Abe có mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, phát huy thế mạnh địa phương thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các địa phương nhằm hướng tới bảo đảm sức tăng trưởng trong tương lai, vừa ngăn chặn trình trạng thiếu hụt lực lượng lao động do di dân từ địa phương ra các thành phố lớn và già hóa dân số. Thúc đẩy Abenomics ở địa phương thông qua việc phát triển du lịch địa phương tạo ra vòng tuần hoàn là công việc sẽ kéo con người về với địa phương và con người lại tạo ra công việc, qua đó nâng cao thu nhập bình quân của địa phương.
Sách trắng Du lịch năm 2019 của Nhật Bản phân loại tám thành phố lớn gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo thuộc vào loại đô thị, còn 41 khu vực còn lại là địa phương. Theo thống kê, tiêu dùng của du khách nước ngoài ở khu vực địa phương đã đạt 1,036 nghìn tỷ yên (khoảng 9,67 tỷ USD) trong năm 2018, tăng 58% so với năm 2015. Trong khi chi tiêu du lịch của khách nước ngoài tại Nhật Bản, bao gồm tất cả chi phí khi đi du lịch, tổng cộng đạt 4,5 nghìn tỷ yên trong năm 2018, tăng khoảng 30% so với năm 2015 . Như vậy, tốc độ tăng mức tiêu dùng ở khu vực địa phương cao hơn nhiều so với đô thị trung tâm. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng nhiều khách nước ngoài chuyển hướng đến thăm các vùng địa phương trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên Nhật Bản.
2. Một số biện pháp phát triển du lịch địa phương 
Đa dạng hóa điểm du lịch địa phương
Du lịch quá tải từ lâu đã là một thách thức đối với ngành du lịch Nhật Bản. Người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm đã phải chịu đựng các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, nhiều rác và tiếng ồn. Vì vậy, ngành du lịch Nhật Bản đã tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và thời điểm khám phá, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức đồng thời cho phép ngành du lịch hồi sinh. Trước đại dịch, tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trú tại Tokyo, Osaka, Kyoto và Fukuoka, nơi tập trung nhiều khách du lịch, đã tăng lên gần 80%, và những tác động tiêu cực của tình trạng du lịch quá tải đang được chỉ ra. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh khác, tỷ lệ lấp đầy các cơ sở lưu trú chưa đến 50% . Điều quan trọng là phải khắc phục những khác biệt khu vực này bằng cách quảng bá các điểm đến đa dạng của Nhật Bản và tăng số lượng người đến thăm các điểm du lịch không quá đông.
Quảng bá ẩm thực địa phương truyền thống
Ẩm thực truyền thống Nhật Bản (washoku) là một trong 22 di sản của Nhật Bản được công nhận trong danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO vào năm 2013. Khách du lịch khi đến các địa phương tại Nhật Bản thường nghĩ ngay đến việc được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của vùng đó như món hàu ở Hiroshima, Okonomiyaki ở Osaka,… hay rượu ngon của địa phương, hoặc được trải nghiệm sự thanh thản tĩnh lặng bên chén trà thơm dịu. Có thể nói rằng, ẩm thực là thứ níu chân du khách khi đến bất kì địa phương nào.
Đứng trên góc độ của khách du lịch, họ đến địa phương muốn hưởng thụ những sản phẩm văn hóa khác lạ mà chỉ vùng này mới có. Đặc biệt đối với khách ngoại quốc muốn khám phá bản sắc văn hóa, đặc trưng truyền thống của người Nhật Bản, chứ không phải những cái đã quen với họ. Chính vì lẽ đó, đối với ẩm thực Nhật Bản thì trước hết những nét văn hóa truyền thống là điều hấp dẫn với du khách. Ẩm thực địa phương Nhật Bản hấp dẫn du khách ở ba tiêu chí. 
Thứ nhất là đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng. Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, vị tươi ngon tự nhiên của món ăn được coi là vấn đề then chốt. Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn.
Thứ hai là yếu tố thẩm mỹ và hài hòa với thời tiết trong năm. Bữa ăn điển hình truyền thống của người Nhật về cơ bản dựa trên 4 thành phần: cơm, canh tương, cá và đồ muối. Tuy nhiên, cùng với môi trường khí hậu thay đổi theo mùa, sự nhạy cảm về thời tiết đã làm nên nét tinh tế trong việc sử dụng các nguyên liệu ẩm thực của người Nhật Bản. Trong các món ăn chính, người Nhật đã khéo léo sử dụng các nguyên liệu để tạo nên các món ăn tùy theo thời tiết, điều đó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn đem lại cảm hứng thay đổi về mùa cho người thưởng thức. Đặc biệt, trong chế biến thức ăn, người Nhật rất chú trọng phong cách tạo cho màu sắc và bố cục hài hòa. Sở dĩ như vậy là bởi yếu tố thẩm mỹ trong trình bày món ăn Nhật Bản luôn được nhìn nhận chính là tái tạo lại thiên nhiên.
Thứ ba, ẩm thực truyền thống thẻ hiện bản sắc con người Nhật Bản. Nó thể hiện nếp sống, nếp nghĩ của người Nhật. Hay nói cách khác, những phong tục tập quán của người Nhật Bản đã được chứa đựng trong ẩm thực. 
Trong suốt thời gian dài, văn hóa ẩm thực Nhật Bản ít được truyền bá ra nước ngoài. Vài chục năm gần đây, do việc quan tâm tới sức khỏe liên quan tới phong cách ăn uống ngày một gia tăng, văn hóa ẩm thực Nhật Bản đã được thế giới quan tâm sâu sắc. Như vậy, ẩm thực là một yếu tố quan trọng, tạo sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách khi đến Nhật Bản. Trải nghiệm văn hóa ẩm thực chính là một trong những phương thức tiếp cận nền văn hóa nhanh nhất và thú vị nhất mà bất kì du khách nào cũng muốn khi đặt chân đến Nhật Bản.
Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp địa phương 
Ngay từ năm 1979, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) được khởi phát từ tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản, là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước. Sản phẩm của OVOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường thế giới. Các khâu của chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khuyến khích những cách làm sáng tạo bao gồm việc nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, quy cách đóng gói bao bì; cách tiếp thị, quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường sao cho ấn tượng, thu hút khách hàng… đều được chú trọng. Người dân được chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ bằng những chính sách hiệu quả. Nhờ đó, họ tạo được nhữngsản phẩm có thương hiệu như: Chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường nấm trên toàn quốc; hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yonouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu,…
Hiện nay, nông nghiệp Nhật Bản chiếm 1% GDP, có vai trò không chỉ cung cấp nông sản chất lượng cao mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo. Người ta có thể thấy những cánh đồng lúa đẹp như tranh, vườn dâu tây hay táo trĩu quả,… đang trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch. Với mỗi thế mạnh của nông nghiệp địa phương, Nhật Bản tạo ra những sản phẩm ấn tượng như sử dụng khoa học công nghệ tạo nên những bức tranh nghệ thuật trên cánh đồng, vườn cây. 
Ví dụ như cánh đồng lúa nghệ thuật, vườn dâu, táo ở Aomori, vườn hoa ở Ibaraki,…. Những người nông dân Nhật đã phải tính toán rất kĩ lưỡng khi trồng xen kẽ, cắt tỉa các giống lúa để tạo thành những tác phẩm nghê thuật vô cùng ấn tượng và bắt mắt. Để tạo ra được những tác phẩm như vậy người dân nơi đây đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để thiết kế, dùng máy thiết kế vẽ hình và trồng lúa với màu sắc khác nhau để bức tranh thêm phần sống động. Những vườn dâu, táo được mở mà du khách tham quan chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ có thể ăn thoải mái trong vòng 30 phút là sản phẩm du lịch tạo nên sức hấp dẫn. Những sản phẩm du lịch dạng này vừa để cho khách tham quan vừa nhằm mục đích quảng bá sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản đến với thế giới. Ngay tại Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản như táo Fuji, Aomori được nhiều người biết đến.  
Nhận thức và hạn chế mặt trái của phát triển du lịch địa phương 
Việc gia tăng lượng khách du lịch đến để cảm nhận và khám phá sự hấp dẫn của Nhật Bản là điều đáng mừng, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Song điều này cũng làm nảy sinh những vấn đề mới mà Nhật Bản đang lưu ý và chuẩn bị những phương án ứng phó. Du lịch phát triển quá nhanh đồng nghĩa với cơ sở hạ tầng, dịch vụ địa phương bị quá tải. Khách sạn, nhà hàng, phương tiện công cộng không đáp ứng được nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Hơn nữa, mùa du lịch trong nước của người dân Nhật Bản là vào tháng 4 và tháng 10, thời điểm có những kỳ nghỉ dài ngày. Đây là khoảng thời gian hoa anh đào nở và mùa lá đỏ, biểu tượng vẻ đẹp của đất nước mặt trời mọc, nên cũng trùng với mùa du lịch đến Nhật Bản của khách nước ngoài. Thực tế là vì khách du lịch nước ngoài đến quá nhiều mà người dân Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đi du lịch trong nước.
Do khách du lịch đông, người dân địa phương phải chen chúc trên các phương tiện giao thông, không gian sống trở nên chật chội hơn. Đồng thời, nhu cầu chỗ ở tăng cao, nhiều nhà nghỉ, khách sạn bất hợp pháp mọc lên, gây ra nhiều mối đe dọa cho sự an toàn của cư dân nơi đây. Trước thực tế này, ngành du lịch đã nghĩ đến phương án biến các nhà cổ thành khách sạn cho khách nước ngoài yêu thích văn hóa Nhật Bản có thể lưu trú. Đối với những khách muốn giao lưu với người Nhật Bản, có thể tận dụng các phòng trống trong nhà người dân làm phòng nghỉ cho khách. Đồng thời tiến hành triển khai những hoạt động bổ sung dịch vụ lưu trú đang có nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.
Lượng khách du lịch tăng đột biến gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là về văn hóa. Điều này khiến chính quyền và người dân địa phương phải cân bằng giữa giữ gìn nét văn hóa truyền thống và tiếp tục phát triển du lịch. Nhật Bản có nền văn hóa đặc trưng riêng biệt nên việc số người du lịch đến Nhật Bản gia tăng dễ tạo ra xung đột văn hóa giữa khách và người dân bản địa. Sự khác biệt này thể hiện từ những việc đơn giản nhất như phân loại rác thải, hút thuốc nơi qui định,… Bản thân người dân Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao khi đi du lịch nước ngoài đã từng gặp phải nhiều rắc rối do khác biệt văn hóa. Chính vì vậy, các công ty du lịch chú trọng việc giải thích cách ứng xử, trao đổi thông tin, hướng dẫn khách du lịch. Truyền đạt hướng dẫn thông tin văn hóa thông qua những cách thích hợp để khách du lịch hiểu rõ về những khác biệt văn hóa và cảm thấy thoải mái hơn .
3. Hàm ý cho việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc có nhiều công trình văn hóa, di tích đẹp, sản phẩm nông nghiệp sạch cũng rất phong phú là nền tảng để phát triển du lịch địa phương. Làng văn hóa kiểu mẫu không đơn thuần chỉ để phục vụ người dân địa phương, khi có cơ hội phát triển du lịch sẽ đón đầu du khách đến tham quan. Làng văn hóa kiểu mẫu đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để đưa các tour du lịch nội địa ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về với địa phương. Khi đó, kinh tế-xã hội ở các địa phương sẽ phát triển nhanh; đời sống vật chất của người dân được nâng cao và mọi người dân có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Vĩnh Phúc cũng vinh dự được tin tưởng, lựa chọn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện thuộc các lĩnh vực văn hóa-văn nghệ và thể dục-thể thao cấp quốc tế. Năm 2022, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo được bình chọn “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”… những danh hiệu, điều kiện thuận lợi trên sẽ góp phần kết nối hiệu quả các tour, tuyến du lịch đến với các Làng văn hóa kiểu mẫu.
Vĩnh Phúc ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng. 
Trong phạm vi bài tham gia hội thảo lần này, người viết chỉ đưa ra một số gợi ý liên quan đến việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ngoài đến Vĩnh Phúc. Để nâng cao chất lượng du lịch, cần quan tâm nhiều vấn đề trong một chiến lược tổng thể, song qua những thành công đã và đang đạt được của du lịch địa phương Nhật Bản, có thể nêu một số đề xuất như sau.
- Đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho nhân viên. Cần thực hiện các khóa đào tạo, đi thực tế, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Khách đến từ các vùng miền, quốc gia khác nhau, văn hóa, tôn giáo có sự khác biệt, sở thích và nhu cầu cũng không giống nhau, do đó cần có sự chuẩn bị cơ sở dịch vụ đảm bảo tiêu chuẩn cho khách nước ngoài như nhà nghỉ, khách sạn, Internet,… Xây dựng các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách du lịch muốn tham quan và trải nghiệm như chèo thuyền Kayak, leo núi, đạp xe, đi bộ trong rừng,…
- Đẩy mạnh du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Vĩnh Phúc có lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nếu chúng ta biết cách khai thác một cách có hiệu quả và sáng tạo. Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương như đông trùng hạ thảo sấy khô thăng hoa, nấm sò Tam Đảo của HTX Nấm Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ Tam Đảo, viên tinh bột nghệ mật ong rừng Tam Đảo, các sản phẩm sữa chua Tam Đảo, sữa chua nếp cẩm Tam Đảo, bánh sữa đặc biệt Tam Đảo, sữa chua uống Tam Đảo… Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu và chất lượng đối với khách du lịch trong và ngoài nước, các sản phẩm phải sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Có thể xây dựng vườn trái cây sạch, ngon cho du khách Việt Nam và nước ngoài. Trong đó cần tính đến yếu tố kỹ thuật nông nghiệp đảm bảo chất lượng cây trồng, những cũng cần lưu ý đến tính nghệ thuật thẩm mỹ nhằm thu hút khách du lịch.
- Thực hiện tour du lịch liên kết các làng văn hóa. Liên kết làng văn hóa là giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm mà hiệu quả, tạo nên sự thống nhất, đa dạng sản phảm du lịch dựa trên việc phát huy thế mạnh riêng biệt của từng làng văn hóa. Về khía cạnh này, Vĩnh Phúc là địa phương nhiều danh lam thắng cảnh như Tam Đảo, Hồ Đại Lải, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Làng hoa Mê Linh,…. Bên cạnh đó là lối sống đặc sắc, sản phẩm nông nghiệp đa dạng và văn hóa ẩm thực truyền thống. Trên cở sở đó, có thể xây dựng các tour du lịch liên kết như ý tưởng kết nối các làng văn hóa tạo chuỗi giá trị hấp dẫn khách du lịch.      
- Kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và duy trì cộng đồng địa phương. Trường hợp địa phương của Nhật Bản cho thấy sự gia tăng khách du lịch sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặt ra vấn đề kết hợp hài hòa giữa phát triển và duy trì cộng đồng địa phương. Cần trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Đảm bảo điều này không chỉ việc nâng cao nhận thức lãnh đạo, người dân mà cả công tác kiểm tra, thanh tra một cách chặt chẽ. Tham khảo ý kiến người dân địa phương là một quá trình nhằm dung hòa giữa phát triển kinh tế và những tác động tiềm ẩn của sự phát triển lên môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa. Ý kiến của người dân địa phương là cần thiết để đánh giá một dự án phát triển, các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực và tối đa hóa sự đóng góp tích cực của quần chúng địa phương.

--------------------

Tài liệu tham khảo
1.    訪日客の急増を手放しで喜べるか (Liệu có vui mừng khi thả lỏng việc gia tăng khách du lịch đến Nhật Bản) 
http://www.nikkei.com/article/DGXKZO82279450T20C15A1EA1000/
2.    訪日外客数(年表)(Số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản)
https://www.jnto.go.jp/jpn/statistics/visitor_trends/
3.    日本政府観光局(JNTO), https://www.jnto.go.jp/
4.    Clyde Prestowitz (2018), Chấn hưng Nhật Bản, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật
5.    Các địa phương Nhật Bản tăng cường liên kết để thu hút khách du lịch
https://baoquocte.vn/cac-dia-phuong-nhat-ban-tang-cuong-lien-ket-de-thu-hut-khach-du-lich-94973.html
6.    Nhật Bản ‘hốt bạc’ của du khách nước ngoài nhờ… du lịch nông thôn
https://baoquocte.vn/nhat-ban-hot-bac-cua-du-khach-nuoc-ngoai-nho-du-lich-nong-thon-96396.html 
7.    Phạm Thị Thu Hà (2021), Phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-du-lich-ben-vung-cua-nhat-ban-va-mot-so-goi-y-cho-viet-nam-77353.htm