Khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

26/10/2023 10:49

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nha đề "Khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay" tại Hội thảo "Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 21/10/2023.

dai-bieu-thao-luan-1698292046.jpg

Các Đại biểu thảo luận tại Hội thảo "Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 21/10/2023

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định vai trò rất quan trọng của việc khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là một sáng kiến của Vĩnh Phúc nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tư tưởng xuyên suốt của Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030: “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” đã khẳng định bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, vì sự phát triển của con người, chăm lo cho hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân. Mặc dù phạm vi của Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị, nhưng trong tham luận này, tôi xin tập trung trình bày giới hạn vấn đề ở khu vực nông thôn, khai thác và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
1.    Giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn là cốt lõi của văn hóa dân tộc
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những hằng số của văn hóa Việt Nam. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, nhận định đó vẫn còn đứng vững. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam được hình thành, được nuôi dưỡng, được trao truyền qua các thế hệ trong sự tương tác giữa các thành tố con người - nông dân, phương thức mưu sinh - nông nghiệp và không gian sống - nông thôn. 
Nông dân là chủ thể kiến tạo nên những giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Hệ giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam về cơ bản được sáng tạo, tích lũy, trao truyền bởi những người nông dân. Từ lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý đến cần cù trong lao động, giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử, … là những giá trị đã được kết tinh trong quá trình sống, lao động, tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình của những người nông dân chất phác. “Vì lẽ sinh tồn”, để ứng phó với thiên tai, địch họa, “thay trời làm mưa” hay “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, từ rất sớm, những người nông dân đã phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm kể cả trong lúc thái bình hay trong lúc can qua. Trải qua những biến thiên của lịch sử, những giá trị văn hóa ấy được tạo dựng, vun đắp, trở thành bản sắc dân tộc.
Nông nghiệp là sinh kế chủ yếu của người nông dân. Phương thức sản xuất nông nghiệp đã chi phối mạnh mẽ tới việc hình thành các giá trị văn hóa, các chuẩn mực ứng xử và các hoạt động văn hóa truyền thống. Hoạt động sản xuất nông nghiệp không chỉ tác động đến việc hình thành các giá trị văn hóa vật chất mà còn tác động đến việc hình thành các giá trị văn hóa tinh thần. Chính hoạt động sản xuất nông nghiệp qui định hình thức quần cư. Làng từ ý nghĩa là điểm quần cư ban đầu đã dần trở thành không gian cư trú, không gian xã hội và không gian văn hóa. Đời sống tinh thần của người dân cũng gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đó là tín ngưỡng, là lễ hội, là các hình thức diễn xướng dân gian gắn với vụ mùa, gắn với những yếu tố của nghề nông.
Nông thôn là không gian sáng tạo, trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị văn hóa. Nói đến nông thôn trước hết là phải nói đến làng - xã, từ làng - xã ta có thể có một bức tranh khá toàn diện về xã hội nông thôn trong quá trình phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng làng - xã Việt như một quốc gia thu nhỏ, có đời sống vật chất và tinh thần bền vững. GS. Phan Đại Doãn khẳng định “Làng Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của gia đình tiểu nông mà chính bản thân nó là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, một tổ chức xã hội” . Còn GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Làng xã cổ truyền của người Việt  … còn là một môi trường văn hóa, là tế bào cơ bản, là tấm gương phản chiếu nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Văn hóa dân tộc chỉ là sự mở rộng và nâng cao của văn hóa xóm làng” . Là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt, có cơ cấu tổ chức phong phú nhưng chặt chẽ, có tính cộng đồng và tự trị cao, làng Việt mang tính khép kín, bản vị. Nó chính là nơi lưu giữ, bảo vệ một thứ văn hoá làng - nước chống lại sự xâm lăng, đồng hoá của văn hoá ngoại lai. 
2.Phát huy bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu 
Bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng con người mới
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có người mới xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hay xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu thì phải có những con người có năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết để hiện thực hóa những sáng kiến dựng xây đó. Điều đó có nghĩa, yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu hiện nay chính là con người. 
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn; để nông dân thực sự trở thành chủ nhân của nông thôn mới với trình độ sản xuất cao, bản lĩnh chính trị vững vàng; tạo điều kiện để nông dân tham gia, đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong các mục tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Những chủ nhân của làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ cần nhanh nhạy với cơ chế thị trường, làm chủ công nghệ sản xuất mà vẫn rất cần những con người nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý. Hệ giá trị văn hóa truyền thống góp phần hình thành nhân cách, khơi dậy những khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng. Đồng thời, cũng chính hệ giá trị văn hóa truyền thống là màng lọc để điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người trước tác động của cơ chế thị trường và những biến đổi xã hội. Những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng vẫn cần được gìn giữ. Hệ thống giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và vẫn là những giá trị và chuẩn mực xã hội cơ bản định hướng các hành vi ứng xử của con người trong xã hội nông thôn. Uống nước nhớ nguồn, kính già yêu trẻ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tình làng, nghĩa xóm … vẫn là những giá trị được cộng đồng chia sẻ và thực hành. Mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình khuyến học” “Dòng họ khuyến học” cần tiếp tục được nhân rộng. Thiết nghĩ, trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu cần quan tâm đến xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa trên cơ sở khơi dậy, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn háo nông thôn truyền thống. Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương nơi cư trú. Mỗi gia đình trong không gian làng đều là gia đình văn hóa, đều là những hạt nhân gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống thì sẽ là yếu tố mang tính quyết định đến việc xây dựng thành công làng văn hóa kiểu mẫu. 
Bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng cảnh quan, kiến trúc 
Ở cấp độ quốc gia, theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (119 di tích cấp quốc gia đặc biệt); 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Còn ở cấp độ địa phương, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có 514 di tích đã được nhà nước xếp hạng, trong đó có: 03 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích quốc gia và 446 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng gần 800 di tích thuộc các loại hình khác nhau chưa được xếp hạng. Di tích trên địa bàn tỉnh đa số gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ… 
Đa phần các di sản này đều gắn với nông thôn theo các chiều cạnh khác nhau. Mặc dù diện mạo nông thôn hiện đã có rất nhiều thay đổi, nhưng những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống như đình, đền, chùa, miếu mạo, những di tích và danh thắng, những lễ hội, dân ca, những truyền thống văn hóa … vẫn hiện diện trong một khung cảnh làng quê có nhiều đổi khác. Sự hiện diện của các yếu tố văn hóa truyền thống này không mâu thuẫn với những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang áp dụng mà trái lại, nó chính là điểm tựa tinh thần, là linh hồn của mỗi làng quê trong quá trình tái kiến tạo một không gian sống mới theo hướng tiêu chuẩn hóa. Một làng quê với nếp sống văn minh được tô điểm bởi những giá trị văn hóa truyền thống (ở các dạng thức văn hóa vật thể và phi vật thể) chính là phương án tối ưu trong kiến tạo làng văn hóa kiểu mẫu hiện nay. 
Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống, để phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa của nông thông cũng được quan tâm đầu tư. Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa) , vừa thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá, thể thao vừa đặt ra yêu cầu đạt chuẩn các nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hoá.
Thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng nông thôn với thành thị. Đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống.
Tính đến thời điểm 12/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.237 Nhà văn hóa, Khu thể thao/1.237 thôn, tổ dân phố, trong đó, có 336 nhà văn hóa, khu thể thao/336 tổ dân phố (100%); có 901 Nhà văn hóa, Khu thể thao/901 thôn (100%) đạt chuẩn nông thôn mới và nông mới kiểu mẫu. Việc quản lý và tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa, khu thể thao thôn quản lý và tổ chức hoạt động thực hiện Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa, khu thể thao thôn .
Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập trong xây dựng nông thôn mới không những ngăn ngừa được nguy cơ vong bản, nguy cơ khủng hoảng văn hóa - xã hội mà còn góp phần gia tăng chất lượng sống của mỗi cá nhân và cộng đồng, tạo nên những cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Những yếu tố văn hóa truyền thống hiện lại trở thành điểm nhấn cho khung cảnh làng quê, mở ra tiềm năng phát triển du lịch. Kinh nghiệm cho thấy, những làng du lịch cộng đồng thành công hiện nay chính là những nơi còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống
Bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng đời sống tinh thần 
Không thể phủ nhận thực tế là ngày nay đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn; dân trí được nâng cao hơn, người dân tiếp cận nhiều hơn với những thành tựu văn minh của nhân loại. Đặc biệt sau một thời gian triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, không chỉ hạ tầng giao thông, kinh tế mà cả hạ tầng văn hóa xã hội đã được cải thiện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Những phong trào: “Sạch làng, đẹp ruộng”; “Thắp sáng làng quê”; “Năm không ba sạch”…đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội. 
Dựa trên việc khai thác hợp lý các giá trị văn hóa truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch đã ban hành tiêu chí làng (thôn, ấp, bản) văn hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa đã được người dân nông thôn hưởng ứng. Năm 2000, cả nước có 17.651 làng (thôn, ấp, bản, tổ dân phố) văn hóa được công nhận; năm 2015 con số đó là 70.982 (đạt tỷ lệ 68,86%). Đến năm 2019, 82,3% làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa được công nhận (trong đó trên 50% làng, thôn, ấp, bản văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, nông thôn mới) .
Vĩnh Phúc là một trong các địa phương chỉ đạo và triển khai tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Qua bình xét, năm 2021, toàn tỉnh có 91,84% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, năm 2022 đạt 92%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 93,85%, năm 2022 đạt 93%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 90,14%, năm 2022 đạt 91%. 
 Quá trình xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa được các địa phương tiến hành chặt chẽ từ khảo sát thực tế, xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức thực hiện… Tại các làng, thôn, tổ dân phố văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, mức sống được nâng cao, an ninh trật tự đảm bảo, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, môi trường cảnh quan sạch đẹp... Mức hưởng thụ văn hóa và nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân phong phú hơn. 
Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở khu vực nông thôn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại dần dần được loại bỏ. Tính tự nguyện trong hôn nhân được đề cao, nhiều địa phương đã hình thành những mô hình đám cưới theo hình thức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và được đại đa số nhân dân hưởng ứng. Các nội dung xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá đã đưa việc tang vào hương ước, quy ước ở cộng đồng cam kết cùng nhau thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ. Tinh thần tổ chức tang lễ trang nghiêm, tiết kiệm, nghĩa tình được nhân dân đồng thuận thực hiện. Lễ hội, một sinh hoạt văn hóa cộng đồng quan trọng đối với cư dân nông thôn cũng được phục dựng, tổ chức ở các địa phương. Hầu như làng nào, địa phương nào cũng có lễ hội của làng, của vùng. Việc tổ chức lễ hội cũng có những chuyển biến theo chiều hướng phát huy vai trò chủ thể của người dân, giữ gìn những giá trị truyền thống, giảm bới các thủ tục phiền hà, lạc hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. 
Bản sắc, giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
Bản sắc, giá trị văn hóa không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa mà nó còn có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác bản sắc, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế đã được nhiều địa phương đưa vào trong các chiến lược, các kế hoạch phát triển. 
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, trong đó, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng và khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Những làng nghề này đóng góp không nhỏ vào kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Số liệu trên cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc ngày 5/1/2018 cho thấy Vĩnh Phúc hiện có nhiều làng nghề, tập trung ở các huyện Vĩnh Tường (7 làng nghề), Sông Lô (4 làng nghề), Lập Thạch (4 làng nghề), Yên Lạc (8 làng nghề), Bình Xuyên (4 làng nghề).
Chương trình OCOP được thực hiện theo QĐ số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đến hết năm 2020 đã có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện và đạt được 4.451 sản phẩm OCOP của 2.491 chủ thể. Đề án này nhằm phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đây là sáng kiến thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chiến lược mà Đề án hướng tới là thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn. Từ góc nhìn văn hóa, sản phẩm OCOP chính là sự vật thể hóa yếu tố bản sắc, giá trị văn hóa của từng địa phương. 
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai chương trình sản phẩm OCOP, hiện Vĩnh Phúc có hơn 100 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên . 
Bản sắc, giá trị văn hóa với những hiện thân sống động như làng nghề, sản vật đặc trưng của mỗi làng, cảnh quan hay hệ thống di sản văn hóa phong phú ở khu vực nông thôn chính là những tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị .
Hơn nữa, bản sắc, hệ giá trị văn hóa truyền thống còn là sợi dây liên kết cộng đồng, tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc để hình thành môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn.
3.Những vấn đề đặt ra trong phát huy bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn hiện nay
Nông thôn Vĩnh Phúc nói riêng, nông thôn Việt Nam nói chung hiện nay đang chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố, có cả những yếu tố thời đại và những yếu tố trong nước, những yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, việc phát huy bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Thứ nhất, về chủ thể của văn hóa nông thôn: người nông dân. Người nông dân hôm nay không còn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa”. Người nông dân đã biết lên sàn thương mại điện tử, khớp lệnh giao dịch bán nông sản đi khắp cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Người nông dân không chỉ “ăn bữa nay lo bữa mai” mà đang cháy bỏng khát vọng làm giàu. Người nông dân không chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng mà đã đi muôn nơi để mưu sinh, để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán. Người nông dân không chỉ chân chất như củ khoai, củ sắn mà đã biết tính toán lợi nhuận. Và cũng đã có một bộ phận người nông dân tha hóa, biết buôn gian, bán lận, chạy theo tiếng gọi của đồng tiền mà quên mất những giá trị truyền thống tốt đẹp. Như vậy, sự lựa chọn giá trị của người nông dân đã bắt đầu có những thay đổi. Nếu không có sự định hướng tốt, rất có thể những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp sẽ bị coi nhẹ, giá trị vật chất sẽ lên ngôi.
Thứ hai, về phương thức sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sự thay đổi lớn lao so với sản xuất nông nghiệp của giai đoạn trước. Khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào để tăng năng suất, chất lượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng. Nhịp sống chậm rãi, mùa vụ vốn là đặc trưng của xã hội nông nghiệp giờ cũng trở nên nhanh chóng hơn. Lối sống, nếp sống và những sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn bó với phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ bị phai nhạt, dần thay thế bằng những lối sống, nếp sống mới. Trong buổi đổi thay này, nếu không có bản lĩnh văn hóa để thích ứng một cách khoa học và có đạo lý với nhịp sống mới thì dễ dẫn đến sự xung đột giữa các thế hệ, xung đột giữa các giá trị truyền thống và các giá trị mới hình thành.
Thứ ba, về không gian nông thôn. Quá trình đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan nông thôn. Một mặt, diện mạo nông thôn trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhưng mặt khác, cấu trúc không gian nông thôn truyền thống đang bị thay đổi một cách tùy tiện. Nhiều di sản văn hóa ở nông thôn đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Trong lúc các thiết chế văn hóa mới chưa thực sự có chỗ đứng trong tâm thức của người dân thì các thiết chế văn hóa truyền thống đã bị mai một. Bản sắc và các giá trị văn hóa được hình thành trong một môi trường sinh thái nhân văn nhất định. Môi trường sinh thái nhân văn là tổng hòa của những yếu tố tự nhiên và văn hóa, xã hội tác động đến sự hình thành, phát triển con người với tư cách vừa là một sinh thể tự nhiên, vừa là một sinh thể xã hội. Môi trường sinh thái nhân văn vừa là không gian sống, vừa là không gian thực hành văn hóa của con người. Nó có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành những đặc trưng văn hóa, bản sắc văn hóa của các cộng đồng người. Những cư dân sống trong vùng văn hóa biển có những phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, … khác với những cư dân ở vùng văn hóa đồng bằng hay rừng núi. Không gian văn hóa biến đổi sẽ khiến các sáng tạo và thực hành văn hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí là lụi tàn.
4.Giải pháp phát huy bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc
Một là, cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, các cấp lãnh đạo, quản lý, cho các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải phát huy bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, trong nhân dân về ý nghĩa của bản sắc văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông, cần phải có các hoạt động cụ thể để thuyết phục người dân, để người dân thấy được lợi ích của chính mình, hiểu được vai trò của mình khi tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Hai là, con người là nhân tố quyết định cho sự thành công trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc. Do đó, cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Khi người dân tự nguyện, tự giác tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu thì khi đó, các khó khăn, thách thức sẽ được tháo gỡ. 
Ba là, cần có sự kiểm kê, đánh giá đúng thực trạng bản sắc, giá trị văn hóa ở nông thôn Vĩnh Phúc hiện nay. Giá trị văn hóa đó có thể được kết tinh ở các di tích lịch sử - văn hóa, có thể kết tinh ở các phong tục, tập quán, ở những tri thức địa phương về tự nhiên, xã hội, …Để biến giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa thành tài sản và nguồn lực trực tiếp cho phát triển nông thôn, chính quyền các cấp và ngành văn hóa cần xây dựng các kế hoạch dài hạn và trước mắt để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn. Bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa vừa góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh của địa phương, tạo nên lợi thế trong phát triển. 
    Bốn là, tiếp tục lựa chọn tập trung đầu tư xây dựng những làng giàu bản sắc trở thành những làng du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các tài nguyên sinh thái nhân văn sẽ góp phần xóa đói, giàm nghèo, chuyển đổi sinh kế theo hướng bền vững cho cư dân sở tại đồng thời bảo vệ được bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống
    Năm là là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở các địa phương, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. 
Sáu là, cần có sự kết nối, liên thông giữa các chiến lược, các chương trình, đề án phát triển. Chương trình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu phải được đặt trong mối quan hệ với các chương trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và cùng phải được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Có như vậy mới đảm bảo được sự nhất quán, mạch lạc trong phân bổ các nguồn lực cũng như tránh sự lãng phí, chồng chéo trong triển khai thực hiện.
Nông thôn, cả về phương diện học thuật và thực tiễn, đã bao chứa trong nó những yếu tố văn hóa truyền thống. Muốn hiểu sâu về văn hóa Việt Nam phải hiểu về nông thôn Việt Nam và ngược lại. Nếu không quan tâm đến yếu tố văn hóa thì sẽ không giải quyết vấn đề nông thôn một cách thấu đáo. Để “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”  như tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đòi hỏi phải huy động nguồn lực tổng hợp, trong đó có nguồn lực văn hóa. Hay nói cách khác, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa nông thôn là một trong những biện pháp cần phải có trong quá trình xây dựng “mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Sự lựa chọn của Vĩnh Phúc để thế chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng bằng việc triển khai Đề án Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là một sự lựa chọn hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, bối cảnh đất nước và thời đại. Quan trọng hơn cả là vì người dân, vì ấm no, hạnh phúc của người dân.
                                    V.T.P.H
Tài liệu tham khảo:
1.    Ban chấp hành Trung ương: Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2.    Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngày 1 tháng 10 năm 2019.
3.    Cục Di sản Văn hóa: Báo cáo số  883 /BC-DSVH ngày 15 /12/2020.
4.    Cục Văn hóa cơ sở: Báo cáo số 673/BC-VHCS Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngày 1 tháng 10 năm 2019.
5.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb CTQG, HN, 1998.
6.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
7.    Phan Đại Doãn (2010), Làng xã Việt Nam - Một số vấn đề kinh tế văn hóa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
8.    Tổng cục Thống kê: Báo cáo kết quả Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 (theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).
9.    GS.TS. Ngỗ Đức Thịnh: Tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.