Lễ hội Nguyễn Trung Trực được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Lễ giỗ 156 năm ngày Nguyễn Trung Trực hy sinh còn nhằm tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới và biển đảo Việt Nam trong tình hình hiện nay; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc.
Dưới đây là một số hình ảnh của lễ hội mà phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển ghi nhận:
Trên đường Tự Do, phường Vĩnh Thanh bố trí hai trại võng với 1.200 võng do hai đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ, tăng 200 võng so dịp lễ hội năm trước. Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực lắp đặt 13 quạt điện tại khu vực hai trại võng để phục vụ người dân và du khách…
Bên cạnh những hình ảnh đẹp, trở thành nét văn hóa của lễ hội đã góp phần không nhỏ trong quảng bá du lịch Kiên Giang thì vẫn còn đâu đó "hạt sạn".
Tại khu vực Công viên Lý Nhân Tông, phường Vĩnh Thanh Vân, có một điểm trông giữ mô tô, xe gắn máy, xe gắn máy điện với mức giá ban ngày 10.000 đ/ lượt, ban đêm 20.000 đ/lượt.
Khi thấy điểm trông giữ xe công khai giá ở điểm vào, nhiều du khách đã vào gửi xe để vào đình Nguyễn Trung Trực. Khi trở ra, nhiều người cầm trên tay vé xe cùng 10.000đ nhưng người thu vé ở điểm ra thông báo thu 20.000đ khiến ai cũng bất ngờ và bất bình nhưng đành phải trả vì không muốn lôi thôi, phiền phức.
Như vậy, nhân viên thu gấp đôi số tiền đã niêm yết. Việc làm đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh con người Kiên Giang hiền hòa, thân thiện và mến khách. Và, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược quảng bá, kích cầu du lịch của tỉnh.