Phú Thọ: Huyện Cẩm Khê thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều chuyển biến tích cực

Đình Thơm

06/12/2023 11:40

Theo dõi trên

Năm học 2023-2024 là năm học thứ 4 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã quan tâm chỉ đạo các trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo hứng thú, cuốn hút học sinh trong tiếp thu kiến thức chủ động hơn.

dt1-2023-12-06t110334791-1701837260.jpgSinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Tiêu biểu là Trường THCS Cấp Dẫn đã quan tâm và chỉ đạo Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội tăng cường các hoạt động trải nghiệm bổ ích thông qua các kế hoạch cụ thể cho từng thời điểm của năm học, gắn với các ngày kỷ niệm trong năm với các chủ đề như: Tình yêu biển đảo của tổ quốc; đền ơn đáp nghĩa; tuyên truyền giáo dục pháp luật; ngoại khóa chăm sóc sức khỏe vị thành niên... Qua đó không chỉ tăng cường kỹ năng sống mà còn góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lý tưởng sống và khát vọng vươn lên cho các em học sinh.

Cùng với tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm, trường đã chú trọng công tác tuyên truyền về Chương trình GDPT 2018 tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường; chủ động tham mưu UBND xã, huyện xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị; bổ sung đủ giáo viên theo cơ cấu bộ môn đảm bảo yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham tập huấn nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, quản lý theo định hướng triển khai chương trình GDPT mới. Kế hoạch thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được trường xây dựng bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.

dt2-2023-12-06t110423629-1701837427.jpgTrường THCS Yên Tập tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

Trường THCS Yên Tập đã đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Trường đã thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất người học. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn, trường đã bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Tập chia sẻ: Cùng với cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống, việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Trong thực tiễn dạy học ở trường hiện nay, các giáo viên đã cải tiến bài lên lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm, góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh. Ngoài ra, trường đã vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, vận dụng dạy học theo tình huống, vận dụng dạy học định hướng hành động; sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo; chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học.

Trường THCS Yên Tập đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giáo viên, học sinh được tiếp cận với các phương pháp giáo dục, rèn luyện mới. Vai trò trò của giáo viên đã chuyển từ vị trí là “người dạy” sang vị trí là người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh; học sinh đã chủ động lĩnh hội kiến thức, tạo ra môi trường học tập tiến bộ theo đúng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

dt3-2023-12-06t110442909-1701837492.jpgTiết đọc thư viện tổ chức ngoài không gian lớp họctại Trường Tiểu học Tình Cương.

Thực hiện chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục tại Trường Tiểu học Tình Cương có nhiều chuyển biến tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tình Cương chia sẻ: Giáo dục học sinh toàn diện trong đó phát triển cả phẩm chất và năng lực là điều rất quan trọng. Các em có hiểu biết, có kĩ năng tốt nhưng bên cạnh đó các em cũng cần được bồi dưỡng về đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Trong mỗi năm học, hàng tháng, trường đều tổ chức cho các em tham quan, chăm sóc các địa chỉ đỏ trên địa bàn xã. Mỗi tiết học, mỗi hoạt động trải nghiệm đó đã góp phần rèn luyện phẩm chất yêu nước, trách nhiệm cho các em.

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong thời gian đầu, không ít giáo viên còn lúng túng, song với ý thức tự học, tự bồi dưỡng, 100% giáo viên Trường Tiểu học Tình Cương đã thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui nhộn. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm thực tế của học sinh. Trong mỗi tiết học, các em đều có cơ hội được thực hành làm việc nhóm, cùng nhau học, từ đó phát triển năng lực hợp tác và tư duy sáng tạo. Những tiết học tổ chức ngoài phạm vi không gian lớp học được tổ chức thường xuyên. Nhờ có những tiết học như vậy, các em có thêm vốn hiểu biết thực tế và biết áp dụng chính những điều đã được học vào giải quyết các vấn đề trong thực tế tốt hơn.Đặc biệt, bước vào năm học 2023-2024, việc đưa nội dung dạy học STEM vào chương trình học đã cuốn hút học sinh hơn, đặc biệt là với lĩnh vực sáng tạo.Từ năm học 2019-2020 cho đến nay, Trường Tiểu học Tình Cương luôn đạt Tập thể Lao động Xuất sắc, chất lượng đại trà được giữ vững; chất lượng mũi nhọn có nhiều bước tiến đáng kể.

dt4-65-1701837554.jpgHọc sinhTrường Tiểu học Điêu Lương tham giahoạt động trải nghiệm giáo dục Stem.

Trường Tiểu học Điêu Lương đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục gắn liền với hoạt động trải nghiệm. Ngay từ đầu năm học, trường đã chỉ đạo và thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học hoạt động trải nghiệm của từng khối lớp và kế hoạch tổ chức các hoạt động tập thể cho từng tuần, từng tháng gắn với chủ đề cụ thể, từ đó giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học linh hoạt phù hợp. Thông qua các tiết học hoạt động trải nghiệm giáo dục theo chủ để của từng tuần, học sinh biết tự giới thiệu bản thân, biết sắp xếp sách vở, gấp quần áo gọn gàng ngăn nắp, biết vệ sinh cá nhân, việc sinh trường lớp sạch sẽ, biết chào hỏi lễ phép…

Các hoạt động trải nghiệm giáo dục Stem và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh toàn Tiểu học Điêu Lương được tổ chức hiệu quả. Đối với hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học theo chủ đề: Các tiết học sinh hoạt dưới cờ, giáo viên Tổng Phụ trách Đội phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức cho học sinh thực hiện các nội dung hoạt động theo khối lớp đã được phân công, theo chủ đề, chủ điểm bám sát nội dung chương trình quy định.Các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường cũng được chú trọng tổ chức tốt. Trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh, ban quản lý các di tích trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, trường nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã và thăm hỏi động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tĩnh. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hoạt động trải nghiệm hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác với bạn bè, thầy cô và có năng lực giải quyết vấn đề.