Theo chia sẻ của người nhà người bệnh, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, người bệnh giẫm phải đinh gỉ nhưng chủ quan nghĩ vết thương nhỏ, không đáng kể nên đã không đến cơ sở y tế kiểm tra và cũng không tiêm huyết thanh phòng uốn ván.
Trong thời gian điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ phải áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như kiểm soát hô hấp nhân tạo (mở khí quản thở máy), dùng huyết thanh kháng độc liều cao, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng, dùng kháng sinh dự phòng chống bội nhiễm, đồng thời chăm sóc và can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.
Sau 4 tuần điều trị, người bệnh tỉnh, bỏ được máy thở, tự thở qua canuyn mở khí quản, hết co giật, người bệnh chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi.
Theo TS. Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: Uốn ván là bệnh lý cấp tính nặng, vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới 2 dạng nha bào tồn tại ngoài môi trường và dạng hoạt động tồn tại trong cơ thể thông qua vết thương. Đây cũng là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng), chi phí điều trị tốn kém và tỉ lệ tử vong cao. Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da. Nếu bị vết thương ngoài da, đặc biệt là những vết thương bị nhiễm bẩn, dính đất cát, bụi bẩn thì người dân cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách và được tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.