Quan điểm của Tổng Bí thư về "độc lập dân tộc gắn với CNXH" là sự "sáng tạo lý luận"

Bích Thuận - Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh

07/08/2021 07:52

Theo dõi trên

Đây là nhận định của ông Vương Văn, Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Là học giả nổi tiếng của Trung Quốc, ông Vương Văn đánh giá rất cao bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông khẳng định, bài viết khiến ông “ tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam”.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhận được những đánh giá tích cực từ giới chuyên gia, học giả Trung Quốc. Với ông Vương Văn, Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, thành viên thường trực của Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, những kiến giải và tư tưởng của Tổng Bí thư đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc.

Ông cho rằng, bài viết đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận định về vị thế mới, sự phát triển mới, cơ hội và thách thức mới mà Việt Nam đang nắm bắt cũng như phải đối mặt ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Ông đặc biệt ấn tượng với những phân tích về “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” trong bài viết và gọi đây là sự “sáng tạo lý luận” khi thống nhất một cách biện chứng mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội với độc lập dân tộc và tự chủ quốc gia.

Theo ông, nhiều năm qua, sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, nhất là các nền kinh tế thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa gặp rất nhiều khó khăn, con đường đầy trắc trở, nhưng họ luôn duy trì một nền tảng, đó là độc lập dân tộc.

“Về điểm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày rất sâu sắc. Một nước xã hội chủ nghĩa muốn phát triển tốt thì trước hết phải có nền tảng là độc lập dân tộc. Nền tảng độc lập dân tộc và tự chủ quốc gia ấy sẽ thúc đẩy tốt hơn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ biện chứng này rất đáng để chúng ta tham khảo, đồng thời cũng rất đáng để các nền kinh tế mới nổi trên thế giới tham khảo. Việt Nam đã có những bước đi rất vững chãi và tiến bộ trong phát triển lý luận chủ nghĩa Mác và tiến trình thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là điều rất đáng để Trung Quốc và Việt Nam học hỏi lẫn nhau, cũng như các học giả Trung Quốc suy ngẫm.”- ông Vương Văn đánh giá. 

Là chuyên gia nghiên cứu sâu trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, ông Vương Văn dành nhiều sự quan tâm đến quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa ra trong bài viết.

Với ông, đây là khái niệm “rất mới mẻ”, là sự “đột phá và sáng tạo” về lý luận, đặc biệt khi “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” được xác định là một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Ông Vương Văn cho rằng, “ kinh tế thị trường hoàn toàn tự do đã được chứng minh là thất bại”. Nếu như trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là sau những năm 1980, nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tự do “rất được ngưỡng mộ”, trong đó nhà nước càng nhỏ càng tốt, thì hơn 20 năm qua, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh rằng, sự điều tiết của thị trường đã có lúc thất bại và lúc này nhà nước cần phát huy vai trò định hướng của mình.

Do vậy, theo ông, cần đảm bảo sự cân bằng và thống nhất giữa điều tiết của thị trường và sự dẫn dắt của nhà nước. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra đã nắm bắt chuẩn xác được thế cân bằng giữa hai yếu tố này. Thị trường đã trở nên thông minh hơn và chính phủ cũng trở nên thông minh hơn. Thực tiễn đã chứng minh rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã có thể làm cho chính phủ trở nên rất thông minh và thị trường cũng rất thông minh. Đây chính là thành công mà tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặt hái được từ thực tiễn ở Việt Nam.”

Liên quan đến nhận thức về yếu tố bản chất nhất của dân chủ là “quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”; “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ...; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” đưa ra trong bài viết, ông Vương Văn cho rằng, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “lấy con người làm gốc” chính là yếu tố căn bản và “phép màu” để Việt Nam đi đến thắng lợi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ông cho biết, “Quyền vi dân sở dụng” hay “Sử dụng quyền lực vì nhân dân” cũng là chủ trương mà Trung Quốc quán triệt thực hiện bấy lâu nay.

Ông Vương Văn chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi thấy tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tư tưởng của ông không chỉ trùng hợp với tinh hoa của văn minh Đông Á đã có hàng nghìn năm nay và chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử văn minh thế giới, mà còn đúc kết những bài học trong quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội những thập kỷ gần đây và hướng với tương lai. Trong tương lai, sự nghiệp chủ nghĩa xã hội cần nắm bắt những điều căn bản và phép màu ấy. Tôi cho rằng, tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất phù hợp với xu thế thời đại, điều này khiến chúng tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ.”

Cũng theo ông Vương Văn, tìm hiểu về những tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến những học giả Trung Quốc như ông hiểu sâu sắc hơn về Việt Nam, từ đó “đầy tin tưởng” về triển vọng phát triển của Việt Nam, về cách mà Việt Nam vượt qua thách thức và càng tin tưởng hơn vào sự phát triển lành mạnh, ổn định và chất lượng cao hơn của quan hệ Việt - Trung.

Ông mong rằng, là hai nước xã hội chủ nghĩa và cũng là những nền kinh tế đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ đoàn kết, hợp tác và tăng cường tin cậy lẫn nhau, để cùng đón nhận những cơ hội và vượt qua những thách thức trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Quan điểm của Tổng Bí thư về "độc lập dân tộc gắn với CNXH" là sự "sáng tạo lý luận"" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn