Đứng trên “Sống lưng khủng long” Bình Liêu hít hà hương cỏ khô trong gió lạnh tháng Chạp, phóng tầm mắt ngắm những rừng lau trắng trập trùng, tận hưởng cái hùng vĩ, ngút ngàn của núi non vùng biên cương Đông Bắc, tôi trào dâng bao cảm xúc. Đất nước rộng dài, non sông gấm vóc “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, một thoáng nơi địa đầu Tổ quốc thiêng liêng mà yêu thêm, tự hào thêm về đất nước bốn ngàn năm.
Ròng rã hai năm dịch bệnh Covid- 19 hoành hành khiến tôi lỡ hẹn với Bình Liêu. Thật may mắn, thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh có sáng kiến tiên phong “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh bằng Hội thảo “Hội nhà báo, các cơ quan báo chí thích ứng an toàn, linh hoạt góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid - 19”. Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh và Hội Nhà báo các tỉnh dự Hội thảo tổ chức đoàn lên Bình Liêu thăm, tặng quà các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô.
Bình Liêu mùa này sắp sang xuân, dọc đường lên biên giới thấp thoáng mấy vườn đào đang nhú nụ, thấp thoáng đâu đó trắng những vạt rừng hoa sở, còn lau thì bạt ngàn hai bên đường, bên triền núi, dưới thung sâu. Mấy đồng nghiệp trong đoàn nhà báo chúng tôi say sưa giai điệu bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung (thơ Lò Ngân Sủn): “Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn/ Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở /Khi mùa sở ra cây lúa lượn bậc thang mây/ Mùi tỏa ngát hương bay...”. Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã từng nhiều năm là “phóng viên ruột” của Bình Liêu nên thân thuộc từng cung đường, ngọn núi, vạt rừng nơi đây. Câu chuyện của anh về những chuyến đi cơ sở đáng nhớ ở Bình Liêu, những con người Bình Liêu mộc mạc, chất phác, giàu tình cảm nhưng cũng rất năng động khiến chúng tôi càng “cảm tình” hơn với vùng đất này.
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) 108km. Phía tây Bình Liêu giáp tỉnh Lạng Sơn, phía bắc có đường biên giới trải dài 43km, giáp với Trung Quốc. Với ưu thế về địa hình, Bình Liêu sở hữu nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m cùng hệ động, thực vật đa dạng. Nổi bật trong số đó phải kể đến những ngọn núi như: Cao Ba Lanh (1.113m), Cao Ly (1.000m), “Sống lưng khủng long” (1.305m) hay Cao Xiêm (1.429m). Những dãy núi trùng điệp này là một phần của con đường tuần tra biên giới Bình Liêu và dự án “Con đường dài nhất Việt Nam” có tổng chiều dài 10.000 km do Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, với điểm đầu là thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và điểm cuối là thành phố Hà Tiên (Kiên Giang).
Điểm dừng chân của đoàn nhà báo chúng tôi là Chốt 2 quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, nằm trên địa bàn thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Qua hàng rào và khoảng sân nhỏ là bước vào ngôi nhà gạch xi măng của Chốt. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, không nhiều tiện nghi nhưng gọn gàng và ấm cúng, vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi làm việc của 7 cán bộ, chiến sĩ. Hàng ngày, cán bộ chiến sĩ thay nhau trực và xuống bản giúp địa phương giữ gìn an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh. Sau khi thăm hỏi và tặng quà, sách báo cho các chiến sĩ, đoàn tiếp tục hành trình thăm cung đường biên giới.
Đi trên cung đường biên giới với 68 cột mốc uốn lượn theo những dãy núi có độ cao 700m so với mực nước biển, ngắm nhìn dải núi Nam Châu Lãnh - Cao Ly - Cao Xiêm như “bức tường thành” vững chắc bảo vệ biên giới Tổ quốc mới thấy đất nước mình thật đẹp và cảm nhận rõ hơn trong mình niềm tự hào dân tộc.
Trên đường dẫn đoàn đi thăm đường biên giới, Trung tá - chính trị viên Phó đồn biên phòng Hoành Mô - Vi Tiến Hạnh giới thiệu quân số của Đồn biên phòng Hoành Mô chủ yếu là người dân tộc và cho biết Đồn quản lý tuần tra hơn 40 km đường biên, phía bên nước bạn là huyện Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trung tá Hạnh kể: cán bộ chiến sĩ của đồn gắn bó với đồng bào các dân tộc anh em, chia sẻ với đồng bào lúc vui buồn, tham gia cùng bà con làm nương làm rừng, giúp đỡ các cháu học tập và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giữ vững an ninh trật tự địa phương, tham gia phòng chống dịch...
Sau khi thăm Cửa khẩu Hoành Mô và cột mốc 1317, chúng tôi vào thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô trong sự chào đón nhiệt thành của Thượng tá Đồn trưởng Vũ Hồng Sơn và các cán bộ chiến sĩ của Đồn. Bữa cơm thân mật trên biên giới giữa bộ đội biên phòng và các nhà báo thật ấm áp, thân mật. Thời gian không có nhiều nhưng do bệnh “nghề nghiệp” nên các nhà báo hỏi đủ chuyện, tranh thủ “khai thác thông tin”.
Được biết: Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 43km đường biên với 41 mốc giới, 68 cột mốc thuộc 6 xã. Xuất phát từ đặc thù địa bàn đơn vị phụ trách, những năm qua, Đồn quan tâm làm tốt công tác phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đơn vị triển khai có hiệu quả các hoạt động giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội biên phòng với Nhân dân, từ đó huy động tốt sức dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Đặc biệt, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị đã chủ động thành lập 9 chốt phòng, chống dịch cố định, ứng trực 24/24h tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới; đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền cho người dân sinh sống tại các thôn, bản giáp biên về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và cách phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần ngăn chặn dịch bệnh ngay từ tuyến đầu, đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân. Cùng với công tác vận động quần chúng, Đồn triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên biên giới.
Qua câu chuyện với Đồn trưởng Vũ Hồng Sơn, chúng tôi còn được biết và chia sẻ những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở đây, nhất là trong những ngày cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều đồng chí quê trong tỉnh Quảng Ninh, có đồng chí ở ngay huyện gần Bình Liêu mà nhiều tháng không về nhà. Bản thân Thượng tá Vũ Hồng Sơn vừa mổ ruột thừa xong cũng nghỉ ngơi tại đơn vị để kịp thời điều hành công việc. Trên các chốt dọc 43km đường biên giới có những chốt chỉ căng được lều bạt, không điện, không nước, chỉ mang được những nhu yếu phẩm gọn nhẹ lên để sử dụng vì đường lên chốt xa, cheo leo khó đi. Ở những chốt ấy, thức ăn hàng ngày của anh em chủ yếu là mì tôm, lương khô. Thương nhất là những ngày hè nắng cháy và ngày đông giá rét hay mưa to, gió lớn bộ đội biên phòng và dân quân trực chốt chỉ có căn lều bạt che chắn. Khó khăn, vất vả nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều kiên định, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Thời gian lưu lại vùng biên giới Bình Liêu không có nhiều nên đoàn chúng tôi chia tay với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô trong bịn rịn, hẹn ngày sớm gặp lại.
Chưa đầy một ngày với Bình Liêu, thật quá ít ỏi! Chỉ là một một thoáng để cảm nhận về miền biên giới, về nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả mà quân dân nơi đây đang đảm nhận. Bình Liêu xa mà không xa, là một phần máu thịt của đất nước, là nơi tự hào có những người con kiên trung vượt lên gian khó xây dựng và bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đất nước rộng dài, non sông gấm vóc “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, một thoáng nơi địa đầu Tổ quốc thiêng liêng mà yêu thêm, tự hào thêm về đất nước bốn ngàn năm.