Quê hương là nơi để về

Phạm Hiếu

22/04/2022 06:22

Theo dõi trên

Ông Nghĩa là người con thứ tư trong gia đình năm anh em. Anh cả của ông là liệt sĩ, anh thứ hai đi thoát ly, chị gái liền ông xây dựng gia đình ở quê, cô em gái út làm công nhân ở nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Bản thân ông Nghĩa lúc thanh niên thì đi bộ đội sau khi giải ngũ ông xin làm công nhân ở nhà máy Trung tâm cơ khí Cẩm Phả.

Duyên đến, ông gặp người con gái là giáo viên và lấy làm vợ. Gốc quê ngoại của vợ ông cũng cùng tỉnh khác huyện với quê ông. Vợ chồng ông sinh được hai người con, một trai, một gái. Cuộc sống của họ rất hạnh phúc, kinh tế cũng khá giả, nhà cửa đàng hoàng.

coi-nguon-1650583317.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Ông Nghĩa vốn là người sống tình cảm, lúc nào cũng nhớ về quê hương cội nguồn. Nơi quê nhà vẫn còn cha mẹ già chủ yếu nhờ chị gái và anh rể chăm nom. Ngày đó khi phương tiện đi lại còn khó khăn, chặng đường từ Cẩm Phả về quê phải mất một ngày trời vì phải đi qua những năm cái phà. Chính vì lẽ đó nên mỗi năm một lần trong dịp hè, ông mới sắp xếp cho vợ con về thăm thầy bu, anh em họ hàng và chòm xóm.

Dần dà đường xá thay đổi và phương tiện đi lại sẵn hơn, rút ngắn thời gian hơn, nên mỗi năm ông hay về hơn vào dịp Tết, Thanh Minh, giỗ chạp hoặc ma chay người thân trong họ nữa.

Thời gian trôi, cứ ngỡ cuộc sống êm đềm phẳng lặng, bỗng một ngày vợ ông đi dạy về không may bị tai biến ngã trên đường về. Vài tháng sau vợ ông không qua khỏi bỏ lại cho ông hai đứa con thơ đang học tiểu học. Ông đưa thi thể của vợ về quê chôn cất hướng nhìn về quê ngoại của vợ và dự định sau này mình có chết cũng sẽ chôn bên cạnh vợ.

Ngày tháng trôi, hai con ông đã trưởng thành và xây dựng gia đình, bản thân ông cũng sắp về hưu, nhưng hễ có phép là ông lại khoác túi về thăm thầy bu và thăm mộ vợ. Vài năm sau ông về hưu, lúc này ông cũng có đủ cháu nội ngoại thì ông lại hay về hơn. Cứ hễ đêm nằm ông nhớ đến cha mẹ già còn sống và nấm mộ vợ là sáng hôm sau ông lại cất bước nhảy xe ra về. Lần thì ông về một mình, lần thì ông dắt theo đứa cháu để nó biết được bản quán quê hương. Mỗi lần về là ông lại được thưởng thức món ăn quê nhà mà ông khoái khẩu đó là canh cua cà muối hoặc rau muống chấm mắm cáy hôi. Dường như cái chất quê nó ngấm sâu vào con người của ông rồi nên ông chẳng cần ăn món gì cao sang. Cứ thế anh em hàng xóm cũng hay trầm trồ rằng ông quả là người nặng tình với quê. Thế rồi cha của ông cũng qua đời chỉ còn lại mỗi mẹ già nên thỉnh thoảng ông lại đón mẹ ra ngoài nhà ông để chăm sóc một thời gian. Sau đó cụ lại về quê sống cùng anh rể chị gái ông, từ đó chốn về của ông là nhà chị gái.

Chẳng biết có phải do nhớ thương người vợ quá không mà ông mắc bệnh. Trong nhiều cơn mê sảng ông thường nói những câu như lúc mình đang ở quê. Ông nói:

- Tôi về đây từ sáng, ngồi chờ ông anh rể bà chị gái lâu quá rồi mà không biết anh chị tôi đi đâu mãi không về.

Có hôm ông nằm đó, mắt nhắm nhưng miệng liên tục giục giã đứa con gái :

- Mày gọi cho chị Gái( con bà chị gái) gửi cho bố chai mắm cáy đi.

     Thế đấy, chắc hẳn trong tâm tưởng ông nặng tình với quê quá nên lúc nào cũng nhớ đến quê, nhớ đến những món ăn dân dã. Thời gian ngắn ông cũng đi theo vợ ông về nơi chín suối, thi thể ông được đặt cạnh vợ như tâm nguyện. Chắc chắn rằng cái tâm nguyện ấy của ông đã được thoả mãn, được nằm gần cha mẹ, nằm tại quê quán gốc tích và hơn thế nữa chắc ông luôn mong muốn đời con đời cháu ông có lối đi về và luôn nhớ đến cội nguồn.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Quê hương là nơi để về" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn