Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 40)

PGS TS Cao Văn Liên

17/06/2023 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.    

Kỳ 40

Tầng lớp thị dân: Có thể coi những người sống và làm việc ở  các đô thị và các  thành phố  là thị dân bao gồm một bộ phận hầu hết các giai tầng của xã hội Việt Nam  hiện đại. Nhưng thị dân trong lịch sử chỉ  đề cập đến những người không  có tư liệu sản xuất, không phải  trí thức, cũng không phải là công chức. Đó là những người làm nghề thủ công, những người buôn bán nhỏ, những người bán hàng rong trên các hè phố. Từ năm 1986 đến 2007 do chính sách đổi mới với nhiều thành phần kinh tế, đô thị mọc lên nhiều và ngày càng phồn vinh là cơ sở kinh tế địa bàn để thị dân phát triển mạnh. Trong qui luật của cơ chế thị trường, thị dân cũng bị phân hoá giàu nghèo. Thị dân Việt Nam hiện đại cũng đóng vai trò trong nền kinh tế, gạch nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Tương lai của họ cũng như các tầng lớp khác trong xã hội phụ thuộc vào tương lai của dân tộc, phụ thuộc vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước .

  Tầng lớp doanh nhân: Trong thời kỳ  đổi mới, nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế bao gồm doanh nhiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Tương ứng với các nền kinh tế đó xuất hiện tầng lớp doanh nhân. Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thì quyền sở hữu nhà máy, xí nghiệp công ty thuộc nhà nước, những người lãnh đạo các cơ sở kinh tế này chỉ có quyền sử dụng tài sản và vốn đầu tư của nhà nước để kinh doanh. Kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế quốc dân. Cho đến năm 2000 có khoảng 5.280 doanh nghiệp nhà nước với số vốn 116.000 tỉ đồng Việt Nam, bình quân mỗi doanh nghiệp sử dụng 22 tỉ đồng, chiếm khoảng 45,5 tổng tài sản cố định của nền kinh tế. Trong doanh nghiệp nhà nước vừa có doanh nghiệp trung ương vừa có doanh nghiệp địa phương. Đứng về mặt sở hữu, những doanh nhân của doanh nghiệp nhà nước không thể gọi là tư sản. Tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là của nhà nước,  không phải của một cá nhân nào. Các Tổng giám đốc, giám đốc chỉ thay mặt nhà nước  quản lý, vận hành kinh doanh và chịu hoạch toán với nhà nước .

          Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tư sản nhưng không phải thuộc doanh nhân Việt Nam. Cho đến năm 2007 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lên đến 21 tỉ USD, là một lực lượng kinh tế khá lớn ở Việt Nam .

          Những doanh nghiệp do  vốn tư nhân của các doanh nhân Việt Nam đầu tư kinh doanh là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Những chủ nhân của các doanh nghiệp, xí nghiệp tư nhân là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam, làm ăn có hiệu quả. Tính đến năm 2007 có khoảng 200.000 doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Những doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là kinh doanh trong lĩnh vực đấu thầu những công trình xây dựng đường sá, xây dựng nhà cửa, các khu chung cư, chế biến nông, thuỷ, hải sản, buôn bán trong các lĩnh vực dịch vụ mà chủ yếu là thực phẩm. Doanh nghiệp tư nhân làm chủ tư liệu sản xuất và kế hoạch  nên năng động, bộ máy gọn nhẹ nên hoạt động có hiệu quả. Từ năm 1997 đến năm 2000 khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng 18,5%, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 15 %, khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 12%. Trong xu hướng phát triển của đổi mới và hội nhập, đặc biệt trong chính sách cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả thì thành phần kinh tế doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước .

          Nhìn chung cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân còn non yếu so với các doanh nghiệp trên thế giới, chưa đủ sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế. Trong thị trường nội địa với 70% dân số là nông dân sức mua còn thấp. Biến nông thôn Việt Nam thành một thị trường rộng lớn và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam .

         4. Tôn giáo Việt Nam thời kỳ hiện đại :

           - Phật giáo: Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ VI gồm phái Thiền tông và Tịnh độ tông, sau đó kết hợp hai phái này thành phái Thiền thảo đường. Thế kỷ XIII ra đời phái Thiền trúc lâm Yên Tử do ba vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập. Qua một thời gian lâu dài thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, tháng 11 năm 1981 Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tại Hà Nội đã thành lập “Giáo hội phật giáo Việt Nam”, thông qua Hiến chương, Chương trình hoạt động và bầu ra các cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Tại Việt Nam Phật giáo tính đến năm 2007 có khoảng 10 triệu tín đồ. Trong thời kỳ hiện đại Phật giáo có chiều hướng gia tăng vì tôn giáo này hòa đồng với tín ngưỡng dân gian và hoà đồng với  phong cảnh thiên nhiên Việt Nam .

           - Công giáo: Được các nhà truyền giáo Bồ đào nha và Pháp truyền bá vào Việt Nam thế kỷ XVI. Đến cuối thế kỷ XVII ở Việt Nam đã có 35 vạn giáo dân và 70 linh mục người Viêt Nam. Cuối thế kỷ XVIII nước ta đã có 68 vạn tín đồ, 365 linh mục và 8 giáo phận, Năm 1938 có 3.000 nhà thờ, 2.000 nhà nguyện, 1,5 triệu giáo dân, 979 linh mục. Ngày nay, Công giáo có khoảng 6 triệu tín đồ , 3 giáo tỉnh (Hà Nội , Huế, Thành phố Hồ Chí Minh), 25 giáo phận (Hà Nội: 10 , Huế: 6, Thành phố Hồ Chí Minh: 9), 22.030 xứ đạo, 5.390 nhà thờ, 42 giám mục, 2.700 linh mục, 84 dòng tu, 11.282 tu sĩ .

         - Đạo Tin Lành: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đạo Tin Lành được tổ chức Tin Lành Liên hiệp Phúc âm và Truyền giáo  truyền bá vào Việt Nam. Năm 1911 Hội thánh Tin Lành được thành lập ở Đà Nẵng. Hiện nay đạo Tin Lành khoảng 1,5 triệu tín đồ (20 dân tộc Tây Nguyên), khoảng 100.000 tín đồ là người dân tộc Hmông-Dao, tổng cộng 40 dân tộc ở Việt Nam theo đạo Tin Lành. Hiện nay chức sắc (mục sư , truyền đạo) khoảng 500 người  và 450 nhà thờ.  Đạo Tin Lành ở Việt Nam có khỏang 10 hệ phái  tổ chức khác nhau. Trong đó có các hệ phái lớn như Tổng liên hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Nam, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Bắc, Hội thánh cơ đốc Phục Lâm, Hội thánh Bắp tít, Hội cơ đốc truyền giáo . v. v. Hiện nay đạo Tin Lành đang phát triển ở Tây Nguyên, Việt Bắc và Tây Bắc  trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong việc truyền đạo, đạo Tin Lành rất tích cực sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để truyền đạo.
(Còn nữa)

  CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 40)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn