Sai sót rất quan trọng trong bài "Thanh hư động ký" của Nguyễn Phi Khanh cần nói lại

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

01/07/2023 10:04

Theo dõi trên

Bài THANH HƯ ĐỘNG KÝ (Bài ký Động Thanh Hư) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) được sách THƠ VĂN LÝ-TRẦN in đầy đủ cả nguyên tác chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. Cụ Trần Lê Sáng dịch. Bài ký này nội dung nói về sự ra đời của THANH HƯ ĐỘNG, theo đó là ca ngợi cụ Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán (1325-1390), người khởi xướng ý tưởng và sau đó là chủ nhân của khu động mang tên THANH HƯ ở Côn Sơn, thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương ngày nay.

Mấy chục năm nay, nhất là từ khi đất nước đổi mới, Côn Sơn được chú ý trùng tu nhiều bước, trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của cả nước. Du khách khắp mọi miền đến đây chiêm ngưỡng, tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà thơ vĩ đại bậc nhất của dân tộc ta.

Ở chùa Côn Sơn ngay dưới chân núi, có khắc “Bài bia” (Bi ký) do “Đức vua Duệ Tông và bài “Minh” của Thượng hoàng Nghệ Tông.

Tuy nhiên, ở đây có chỗ sai sót rất quan trọng, cần phải chỉnh sửa. Câu ấy như sau: “Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng (Nghệ Tông) tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá”

b1vbl1qe-1688180476.jpg

Tác giả Vũ Bình Lục bên cạnh tấm bia THANH HƯ ĐỘNG tại chùa Côn Sơn (Hải Dương).

 

Chưa rõ Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) viết sai, hay do người đời sau chép sai. Tiếc là cái sai đó cứ kéo dài một cách “hồn nhiên” mãi cho đến ngày nay. Các hướng dẫn viên du lịch cứ theo văn bản mà thuyết trình. Vậy sai ở chỗ nào? Xin thưa rằng:

Thứ nhất: Vua Trần Duệ Tông (1336-1377), tên thật là Trần Kính. Sau loạn Dương Nhật Lễ, Trần Phủ (Nghệ Tông) lên làm vua. Biết mình kém tài trị nước, Nghệ Tông chỉ làm vua 2 năm, rồi nhường ngôi cho em là Trần Kính (Duệ Tông). Duệ Tông là vua có chí trung hưng nhà Trần, sau nhiều năm suy thoái. Nhưng tiếc thay, vua bị bọn gian thần lừa đảo. Lại do chủ quan khinh địch, không nghe lời tham mưu của tướng giỏi, cho nên Dụ Tông mắc mưu Chế Bồng Nga, chết dưới chân thành Đồ Bàn của Chiêm Thành. Đó là năm 1377.

Trần Nguyên Đán bắt đầu xin nghỉ hưu từ năm 1383. Ông xin vua cho được khai hoang khu rừng Côn Sơn và cho tiến hành xây dựng nhà cửa và các công trình phụ trợ. Năm sau, Giáp Tý (1384), cụ Tư Đồ về THANH HƯ ĐỘNG nghỉ ngơi. Nghĩa là khoảng 6 năm, sau khi vua Duệ Tông mất, Trần Nguyên Đán mới xin về nghỉ. Tháng 3 năm 1377, vua Duệ Tông đã mất rồi, làm sao ngài còn có thể bay về Côn Sơn mà tự tay viết bài BI KÝ ở THANH HƯ ĐỘNG" được?

Thứ hai, khi vua Trần Phủ (Nghệ Tông) cầm quyền trị nước, Trần Nguyên Đán được phong chức Tư Đồ (Tể tướng). Trần Kính lên làm vua, cho tổ chức thi tuyển nhân tài, Tư Đồ Nguyên Đán được vua giao trực tiếp chỉ đạo kỳ thi. Đó là khoa thi năm Long Khánh thứ 2 (1374), dưới thời vua Trần Duệ Tông. Khoa này, cả hai chàng rể của cụ Tư Đồ là Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh đều đỗ Thái Học sinh (Tiến sĩ). Thời kỳ này, Trần Nguyên Đán rất hứng khởi, say mê cống hiến.

Nhưng từ khi vua Duệ Tông mất, vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho rằng Đại Việt không còn ai đáng mặt. Vậy nên, Chế Bồng Nga liên tục tấn công Đại Việt, mấy lần vào thẳng Thăng Long cướp phá, như vào chỗ không người. Thượng hoàng Nghệ Tông ngu hèn, chạy trốn, bỏ mặc Thăng Long. Quyền bính lọt vào tay gian thần Hồ Quý Ly và Đỗ Tử Bình. Trần Nguyên Đán nhiều lần can ngăn, nhưng Nghệ Tông đều bỏ ngoài tai. Nhận thấy triều chính đổ nát, trước sau gì thì Quý Ly sẽ cướp ngôi. Cụ Tư Đồ rất buồn chán. Thế nên, mới quyết định xin về hưu ở tuổi 60. Cụ có ý tìm cách bảo toàn cho gia tộc nhỏ của mình. Cụ biết, nhất định Hồ Quý Ly sẽ tàn sát quý tộc nhà Trần. Năm 1385 Giáp Tý, Trần Nguyên Đán chính thức về hưu. Nguyễn Phi Khanh viết bài THANH HƯ ĐỘNG KÝ, cũng vào năm này, sau khi công trình đã hoàn tất.

Tóm lại, vua Trần Duệ Tông không phải là người “tự tay” viết bài bi ký". Có thể là vua Trần Hiện (Trần Phế Đế). Trần Hiện (1361-1388) con trưởng vua Duệ Tông, chứ không phải là ai khác. Rất mong được các vị cao minh xem xét.

Bạn đang đọc bài viết "Sai sót rất quan trọng trong bài "Thanh hư động ký" của Nguyễn Phi Khanh cần nói lại" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn