Sẵn sàng một ngày mới

Chuông điện thoại reo vang kéo tôi trở về thực tại. Mọi vật trong phòng trực cấp cứu bé nhỏ như bừng tỉnh. Nuốt nước mắt vào trong, nén đau thương, tôi cùng đồng nghiệp được lệnh lên đường. Chiếc xe cứu thương xé tan màn đêm lao nhanh trên đường khẩn trương đưa đón những ca bệnh Covid -19 mới.
1-san-sang-mot-ngay-moi-1649987684.jpg
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân mắc Covid -19. (Ảnh minh hoạ)

Bốn giờ ba mươi phút chuông điện thoại reo. Má gọi. Tuấn à, khoẻ không con? Ăn uống có đủ chất không? Có nghỉ ngơi được nhiều không? Ở trển có nhiều ca Covid không con? Tiếp xúc với người bệnh nhớ cẩn thận, giữ gìn sức khoẻ nha con. Mở camera cho má nhìn mặt xem nào, sao lại phải tắt đi như thế. Má thấy tóc con bạc nhiều, người gầy, ốm đi nhiều đấy, thấy con vậy má xót lòng lắm. Má chỉ còn mỗi mình con, con có mệnh hệ gì má làm sao sống nổi. Má sụt sịt. Tôi vừa định lựa lời an ủi để má đỡ lo thì chị điều dưỡng chạy vào giọng hối hả:

- Các sơ ơi, có ông lão mới qua đời. Các sơ vào cầu nguyện cho ông đi!

Chúng tôi chạy vội vào phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ, đồng nghiệp của tôi vẫn chưa rời đi, gương mặt thẫn thờ vì không giữ được sự sống cho ông sau khi đã cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các sơ nhanh chóng cầu nguyện để các điều dưỡng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng từ cái vuốt mắt, khép hàm, vệ sinh từng ngón tay, kẽ chân bằng loại khăn riêng có tẩm sẵn xà phòng diệt khuẩn được bệnh viện đặt mua. Lúc này người mất vẫn còn ấm, anh chị em tranh thủ xếp lại ngay ngắn chân tay rồi bọc giữ trong một bao chứa tử thi chuyên dụng và chuyển về nhà đại thể. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.

Từ lúc xung phong chống dịch nơi tuyến đầu ở khoa ICU công việc chồng chất vừa gây áp lực lớn vừa có nguy cơ nhiễm Covid cao khi phải thường xuyên tiếp xúc với người khác. Đồng nghiệp của tôi nhiều người phơi nhiễm, một số nhân viên y tế và lực lượng chống dịch đã tử vong sau khi mắc Covid-19. Nhiều người lo lắng về việc không có đủ thiết bị phòng hộ để bảo vệ bản thân khỏi virus. Họ đau đớn trước viễn cảnh hết máy thở và phải giữ sự chăm sóc cẩn trọng đối với người sắp chết, giành giật sự sống từng giờ, từng phút. Họ phải thực hiện các ca làm việc căng thẳng, mệt mỏi, không biết khi nào thì dịch bệnh hết hoặc bùng phát trở lại. Sự bất lực cố hữu khi không thể cứu hàng chục ngàn bệnh nhân.

Đại dịch đặt chúng tôi vào giữa hai thứ quan tâm nhất - công việc và gia đình. Thật là khó khăn. Công việc quá tải, làm nhiều giờ liên tục đã khiến ba nữ nhân viên y tế bị ngất xỉu trong lúc làm việc mà người ta gọi đó là Hội chứng “burnout”. Hội chứng “burnout” là những biểu hiện của sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress). Nhân viên y tế luôn được xếp vào nhóm ngành nghề dễ bị hội chứng “burnout”, trong đó, điều dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất. Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng burnout ở người điều dưỡng thường là những vấn đề liên quan đến công việc đặc thù của họ khi thường phải chứng kiến và đối phó với cái chết một cách thường xuyên, bị căng thẳng về cảm xúc khi mất bệnh nhân và giúp đỡ các thành viên gia đình bị đau buồn do mất mát người thân, phải làm việc với ca trực kéo dài từ 12 giờ trở lên thường dẫn đến tình trạng kiệt sức và căng thẳng so với những ca trực kéo dài 8 giờ. Nhìn đồng nghiệp của mình kiệt sức, ngất xỉu mà tôi không cầm được nước mắt vì họ đã làm việc với 200% sức lực khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và căng thẳng.

Bệnh nhân của tôi là người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội. Có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi. Trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0. Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với những hơi thở khó khăn, thoi thóp. Cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!

Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. Như hôm rồi, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi. Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người.

Nơi đây, tôi nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng. Sars-cov-2 lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Covid quét qua, hoành hành dữ dội tước đoạt của chúng ta cả những quyền cơ bản nhất của con người. Một thứ giặc không lộ diện, nhưng sự tàn ác chẳng thua kém lũ giặc hữu hình nào.

Đại dịch toàn cầu Covid 19 xảy ra từ cuối năm 2019, đến nay đã gần hai năm trôi qua. Con người, với toàn bộ sức mạnh của khoa học hiện đại và nỗ lực của ý chí vẫn chưa thể chắc chắn khi nào nó dừng lại. Sự đe dọa có tính thường trực đến sức khỏe và sinh mạng của các cộng đồng người, sự đình trệ của các hoạt động sống, sự đổ vỡ theo hệ thống của các nền kinh tế mà sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi được. Trong những ngày thực hiện giãn cách, những ngày điều trị trong bệnh viện đã cho con người nhiều trải nghiệm về cái gọi là “sống chậm”, nhìn nhận lại những giá trị của đời sống gia đình vốn đã ít nhiều bị nhợt nhạt, biết trân trọng và hòa mình vào “tình quân dân, nghĩa đồng bào” rộng lớn.

Tiếng chuông điện thoại vang lên réo rắt, định không nghe. Nhưng theo phản xạ tới hồi chuông thứ hai tôi với tay bắt máy. Vợ của một bệnh nhân điện thoại đến, chồng chị bị cao huyết áp và tiểu đường, tối hôm qua thấy khó thở, huyết áp lên và sốt nhẹ. Gia đình đã cho uống thuốc hạ sốt và hạ huyết nhưng vẫn thấy khó thở. Tôi liền điện thoại cho tốp cấp cứu của bệnh viện. Tổ cấp cứu trang phục đầy đủ từ đầu đến chân ngồi chỉnh tề trên xe. Chiếc xe lao vút đi trong cái lạnh se se của buổi sáng cuối hè và sắp vào thu của thành phố vốn ồn ào náo nhiệt nhất đất nước, thành phố của miền nhiệt đới của nắng, gió và những cơn mưa rào chợt đến lại chợt đi như một giấc mơ trong đời mỗi người dân  thị thành. Khác với mọi khi, xe chạy nhanh và khá im lặng. Tài xế không còn hụ còi inh ỏi như những ngày chưa có dịch. Đường vắng thông thoáng, xe cứu thương chạy một lèo cần gì phải hụ còi inh ỏi, làm kinh động cả buổi sáng sớm khi mà có nhiều người còn nồng say trong giấc ngủ vừa mới đi vào chiều sâu, sau những lo toan sợ sệt về đại dịch thế kỷ.

Cả bệnh viện như bừng tỉnh. Trong phòng cấp cứu tiếng bíp đều đều của chiếc monitor theo dõi sinh hiệu của bệnh nhân vẫn vang vọng giữa buổi sáng trong lành. Mùa này bình thường mọi năm thì số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện cũng khá đông, đôi khi là quá tải với những bệnh viện lớn. Người ta đến xếp hàng lấy số có khi từ một giờ sáng. Năm nay do dịch và dãn cách xã hội nên rất ít người đi khám bệnh. Ngược lại là sự tràn ngập của những bệnh nhân mắc bệnh cúm Covid. Họ nằm đầy các phòng bệnh, nhất là ở khu cấp cứu và khu điều trị bệnh nặng. Thật là mới sáng ra đã quá nhiều điều lo âu cho một ngày mới.

Đúng bảy giờ, cô Thạc sỹ điều dưỡng trưởng phòng kế hoạch tổng hợp gọi điện  thoại nhắc tôi đã đến giờ giao ban và hội ý của bệnh viện online. Rất thuận tiện và bảo đảm nguyên tắc chống dịch là không tụ tập đông người, dù là trong bệnh viện. Thông thường ngày trước khi có dịch việc giao ban bệnh viện chỉ diễn ra một tuần một lần vào sáng thứ sáu với toàn thể nhân viên bệnh viện tại hội trường lớn. Trong mùa đại dịch này, công việc phải xử lý nhiều kể cả chuyên môn lẫn hành chính cho kịp với việc khám và chữa bệnh kèm theo chống sự lây lan của virus cúm Covid-19 nên ban giám đốc bệnh viện đã quyết định chỉ giao ban trong nhóm cán bộ chủ chốt hàng ngày. Mỗi cuộc họp và hội ý chỉ kéo dài khoảng 15 phút thôi, còn bao nhiêu việc cần giải quyết, bao nhiêu bệnh nhân nặng cần khám và điều trị. Ơn trời, trong lúc khó khăn nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc này, có sự giúp đỡ của Internet và công nghệ thông tin mọi việc trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn trước. Thời đại 4.0 mà.

Điện thoại đổ chuông liên tục, hết của bệnh nhân đến của người quen. Họ điện thoại đến hỏi xem có còn nhận thêm được bệnh nhân không? Tình trạng bệnh của người thân trong gia đình có nguy cấp không? Có  còn cách nào cứu chữa cho bệnh nhân? Tại khu cách ly bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ xuống. Công văn chống dịch, chỉ thị… bay như bươm bướm. Có ngày sáng một công văn chỉ thị, trưa một công văn giải thích, chiều một công văn thu hồi. Rối loạn tất cả. Cũng phải thôi vì chúng ta chưa từng trải qua một cơn đại dịch nào ghê gớm như vậy.

Công việc của bệnh viện còn quá nhiều, bệnh nhân nằm khu cách ly vẫn chưa lấy mẫu làm PCR xong, đông quá mà theo quy định của ngành y tế để bảo đảm tính chính xác trong điều trị bệnh nhân thì bệnh nhân khi nhập viện hay chuyển viện đều phải có kết quả của test PCR. Quy định này cũng gây khó khăn nhiều cho công tác điều trị và vận chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện hoặc các trung tâm chuyên điều tri bệnh nhân Covid.

Chiều nay một lúc 5 bệnh nhân vào cấp cứu thì 3 người dương tính với test nhanh Covid. Cả 3 đều được đưa xuống khu cách ly. Bắt đầu cuộc tìm kiếm gửi gắm bệnh nhân “vĩ đại” bằng điện thoại. Hàng chục cuộc điện thoại được gọi đi khắp các bệnh viện cũng không nơi nào nhận cả, chỗ nào cũng đầy ắp cả rồi, họ không thể nhận thêm nữa kể cả bệnh  nhân nặng đang phải thở oxy. Buồn thật. Loay hoay gần 2 tiếng đồng hồ, vừa cấp cứu vừa điện thoại tận dụng mọi sự quen biết, ngoại giao đặc biệt mà chúng tôi thường gọi là “Ngoại giao mùa Covid” rốt cuộc cũng có hai bệnh viện chịu nhận bệnh nhân. Họ giục chúng tôi, chuyển nhanh nhé không có là bệnh viện khác họ lấy mất chỗ đấy. Chúng tôi nể thầy của các anh lắm mới nhận đấy. Thở phào một cái, nhẹ hết cả người, nhưng chưa đâu bạn, lại có tiếng xe cấp cứu chạy đến trước bệnh viện rồi, lại có bệnh nhân nặng, lại lo âu căng thẳng. Nhưng biết làm thế nào được, nghề nghiệp mà. Đất nước đang trải qua cơn nước sôi, lửa bỏng, là công dân nước Việt thì ai cũng phải làm hết sức mình phụng sự cho sự tồn vong của dân tộc, vì sức khỏe của mọi người như lời thề của Hypocrate mà chúng tôi đã đọc ngày ra trường.

Đứa em tôi, một phóng viên năng nổ, người cha của hai đứa con còn quá bé, bệnh nặng nhưng vẫn lạc quan để cập nhật tình hình bệnh tật từng ngày. Chỉ cần thiếu oxi không tới 10 phút thì có lẽ bây giờ em không còn có mặt trên cuộc đời này. Cảm ơn các anh em đã cứu sống em. Bây giờ em đang phải thở oxi. Em đã ăn được chút xíu rồi nha cả nhà ơi. Anh chị em cô bác yên tâm nha. Em cảm ơn cả nhà, nhiều người gọi và nhắn tin, em không có sức trả lời được tất cả vì em còn mệt lắm nên đừng ai buồn hay trách em nha. Em hồi phục được 20% - 25% sức khỏe rồi mặc dù phải thở máy suốt 100%. Sáng nay em phải hồi sức gấp. Trời thương, bác sĩ phát hiện kịp mà em giữ được mạng sống. Đang thở, máy oxi ngừng làm em không thở được. Phải vật lộn gần 3 tiếng em mới lấy lại được một tí sức chống chọi. Giờ thì em tiếp tục khỏe lại rồi. Em giờ ăn uống thật tốt mau nhanh hồi phục để về với với gia đình. Má ơi, con sẽ ráng khỏe má đừng lo. Vợ ơi, anh khoẻ lại rồi, em đừng lo lắng quá mà ảnh hưởng đến sức khoẻ, gắng thay anh chăm sóc hai con, chỉ vài bữa nữa là anh sẽ ra viện về với em, vợ chồng mình sẽ tiếp tục thực hiện những dự định tương lai còn dang dở và còn tổ chức ngày sinh nhật của em nữa chứ, sắp đến ngày 20/10 rồi. Hai con của ba phải ngoan ngoãn vâng lời má nghe không, phải nhường nhịn nhau đừng có tranh giành đồ chơi của nhau đấy nhé, nhất là Nam, con nhớ trông em cẩn thận và giúp má việc nhà nghen con. Ba nhớ và yêu hai con nhiều lắm,…

Hôm sau, mệt nặng, em viết: Xin Chúa dừng bỏ rơi con... con còn nhiều việc phải lo lắm. Người hãy ban cho con sức mạnh vượt qua khó khăn. Con hôm nay rất mệt mỏi. Xin người cứu lấy con. Đừng để con gục ngã lúc này. Facebook của em hiện lên dòng trạng thái. Em ra đi thanh thản rồi. Thanh thản đi em, phiêu diêu miền cực lạc rồi đợi khi trời đất yên bình lại luân hồi em nhé.

Chuông điện thoại reo vang kéo tôi trở về thực tại. Mọi vật trong phòng trực cấp cứu bé nhỏ như bừng tỉnh. Nuốt nước mắt vào trong, nén đau thương, tôi cùng đồng nghiệp được lệnh lên đường. Chiếc xe cứu thương xé tan màn đêm lao nhanh trên đường khẩn trương đưa đón những ca bệnh Covid -19 mới.

Mọi thứ đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.