Sự thật “Vụ tập kích Sơn Tây” năm 1970 (Kỳ 10): TÌNH BÁO QUÂN SỰ VIỆT NAM ĐÃ LẤY ĐƯỢC THÔNG TIN VỤ TẬP KÍCH?

Trước khi vụ tập kích được tiến hành, hàng ngày trại giam Sơn Tây vẫn liên tục được chụp không ảnh vừa bằng máy thường, vừa bằng tia hồng ngoại. Các bức không ảnh bằng tia hồng ngoại cho thấy rõ ràng là đang có người trong các phòng giam. Tuy nhiên, loại phim chụp tia hồng ngoại hồi ấy có nhược điểm là không phân biệt được thân nhiệt của người Việt Nam hay người Mỹ.
chuy-tr-tim1-1637725820.jpg
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và một số cán bộ Công an tới hiện trường Trại giam Tù binh phi công Mỹ tại Sơn Tây, ngay buổi sáng vừa diễn ra vụ tập kích, 21/11/1970. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Về vấn đề này, Đô đốc Moorer đã thú nhận: “Các tin tức tình báo của chúng tôi rất chính xác. Nhưng chúng tôi không thể xác định được tù binh Mỹ đang ở đâu, khi họ liên tục bị di chuyển. Dù sao chăng nữa thì chúng tôi vẫn phải quyết định đề nghị mở cuộc hành quân giải cứu họ”.

Một số chuyên gia DIA cho rằng các tù binh Phi công Mỹ được phía Việt Nam cho sơ tán khỏi trại giam “Hy vọng” Sơn Tây chỉ vì một lý do rất đơn giản, một sự trùng lặp hết sức tình cờ: Để tránh những trận lụt, do hậu quả hoạt động mưa nhân tạo, nằm trong kế hoạch “Chiến tranh thời tiết” của CIA gây ra! Vì nguyên tắc bí mật, nên các chuyên gia của “Chiến dịch Bờ biển Ngà” đã hoàn toàn không được CIA thông báo về các chiến dịch hoạt động mưa nhân tạo nói trên. Chính vì thế, đã xảy ra câu chuyện bi hài “gậy ông lại đập lưng ông”!

chuy-tr-tim-2-1637725965.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Theo các tù binh Phi công Mỹ sau này được trao trả kể lại, những trận mưa liên miên suốt mùa hè năm 1970, theo ý đồ của CIA, đã khiến cho vùng đất này có nguy cơ bị ngập lụt. Nước sông Tích đã dâng cao sát tường rào của trại giam, công việc đi lại, tiếp phẩm hết sức khó khăn. Một số mái nhà cấp bốn của trại giam do sử dụng quá lâu, bị xuống cấp, đã trở nên dột nát và hư hỏng quá nhiều.

Một buổi trưa, tù binh được lệnh tháo gỡ các dây phơi quần áo, lưới bóng chuyền và các tư trang khác; cùng những lợn, gà, xoong, chậu... xếp lên những chiếc xe tải nhỏ. Đêm hôm đó, tốp tù binh đầu tiên đã bước lên xe ca, để về trại giam mới ở Nhổn. Cuộc sơ tán lụt lội được tiến hành trong lặng lẽ, trật tự và kéo dài hàng chục ngày. Nơi họ đến là một doanh trại quân đội mới được sửa lại, chỉ cách trại "Hy Vọng" cũ khoảng 15 cây số. Các tù binh đã gọi nơi này bằng một cái tên mới cũng rất Mỹ: Trại "Niềm Tin". Chính ở nơi đây, họ đã nghe khá rõ tiếng động cơ cánh quạt trực thăng, tiếng súng nổ và nhìn thấy ánh sáng rực trời từ trại "Hy Vọng", trong đêm xảy ra vụ tập kích Sơn Tây...

chuy-trai-tim3-1637726149.jpg
Nhà tính báo Gia Huy của Bộ Công an tại châu Âu, năm 1970. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một số chuyên gia quân sự của Mỹ lại khẳng định rằng: Tình báo Việt Nam đã biết trước có cuộc tập kích này. Họ chỉ không rõ chính xác nó sẽ diễn ra vào thời gian nào mà thôi. Bởi thế nên đơn vị biệt kích của đại tá Simons mới có thể vào và thoát ra được như đã kể trên...

Vậy, tình báo Việt Nam đã phát hiện ra âm mưu của cuộc tập kích Sơn Tây như thế nào? Chúng ta hãy nghe Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris kể lại:

“Trong thời gian công tác ở Paris tôi thường xuyên được đọc và nghiên cứu các tài liệu mật mà các bạn Mỹ tiến bộ chuyển cho đoàn ta. Trong đó có các tập Biên bản của Quốc hội Mỹ (Congressional Records). Chúng dày tới hàng nghìn trang, được in chữ nhỏ, khó đọc; nhưng có rất nhiều trang nói về chiến tranh Việt Nam, giúp cho Đoàn ta có thêm chứng cứ để đấu tranh trên bàn Hội nghị.

Vào khoảng giữa quý 4 năm 1970, trong một tập tài liệu mật do các bạn Mỹ chuyển đến, tôi phát hiện tin tức nói về việc xây dựng tại Mỹ mô hình một trại tù binh ở miền Bắc Việt Nam. Tôi phân tích rồi phán đoán: Có thể Chính phủ Mỹ muốn thấy tận mắt nơi ăn ở của tù binh Mỹ ở Việt Nam, để đòi ta phải đối xử tốt người của họ? Hay là còn một lý do quan trọng nào khác? Trong một tập biên bản về cuộc điều trần trước một Uỷ ban của Quốc hội, có nhiều đoạn bị kiểm duyệt, bị gạch bỏ hoặc xóa trắng, xen kẽ những đoạn được công bố. Qua các đoạn còn lại, thấy nội dung đại ý: Uỷ ban đã chất vấn Chính quyền là “Hành động như thế có thể dẫn đến việc một số nước Xã hội chủ nghĩa có cớ đưa quân vào miền Bắc Việt Nam không? Đại diện Chính quyền đã trả lời rằng “Không có khả năng đó!”

Đọc đến đây, tôi chợt nhớ tới chi tiết sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ rất sợ một cuộc chiến tranh trên bộ với Trung Quốc ở lục địa Châu Á. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chủ trương hạn chế hoạt động của bộ binh trong phạm vi miền Nam; chỉ dùng không quân, biệt kích Nguỵ, gián điệp đối với miền Bắc... Vì Mỹ cho rằng nếu dùng bộ binh tấn công miền Bắc, thì chắc chắn các nước Xã hội chủ nghĩa sẽ đưa quân vào giúp Việt Nam. Như vậy, sẽ xảy ra cuộc chiến tranh trên bộ với quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa, điều mà Mỹ vẫn muốn tránh...

Như vậy, rất có thể các nghị sĩ Mỹ đã lo ngại việc giới quân sự có ý đồ đưa bộ binh tiến ra miền Bắc Việt Nam. Nhưng trong thực tế ở chiến trường miền Nam thời gian đó, dưới nhiều áp lực quân đội Mỹ đang thực hiện việc rút dần về nước, để thay thế bằng kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” và “dùng người Việt đánh người Việt”. Nếu vậy, mục đích của hành động quân sự dùng bộ binh đánh miền Bắc là gì? Đánh vào Thủ đô Hà Nội, đầu não chỉ huy cả nước? Đánh vào Cảng Hải Phòng để phá hoại các kho hàng và ngăn chặn nguồn tiếp nhận viện trợ quân sự? Đánh ra Nam khu Bốn để triệt phá các chuyến hàng vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam?... Những khả năng ấy đều rất khó xảy ra, vì từ sau khi cuộc hành quân vào vùng Mỏ Vẹt hòng mở rộng chiến tranh sang Campuchia bị thất bại, Richard Nixon đã vấp phải sự phản đối kích liệt của dư luận Mỹ. Chắc chắn, hắn chẳng dại gì liều lĩnh và mạo hiểm khi chưa được Quốc hội và dư luận Mỹ ủng hộ!

Từ những lập luận như thế, tôi chợt nghĩ tới vấn đề mấy trăm tù binh Phi công Mỹ đã bị ta bắt sống và giam giữ tại miền Bắc? Đúng rồi, đó là vấn đề người Mỹ quan tâm hàng đầu lúc này! Qua nghiên cứu tài liệu trước đó, tôi được biết để đào tạo một Phi công chiến đấu quân đội Mỹ thường phải tốn ít nhất tới nửa triệu đô-la mỗi người. Và để có được những Phi công giỏi, nhiều giờ bay chiến đấu còn tốn kém hơn rất nhiều... Đấy là chưa kể đến chuyện hầu hết các Phi công đều được tuyển chọn trong các gia đình Mỹ giàu có và thế lực. Chẳng thế mà họ còn được mệnh danh là các “Sĩ quan quý tộc”. Với người Mỹ, chiến tranh có thể hao tổn nhiều triệu đô-la vũ khí, trang bị cũng không hề gì, nhưng chỉ cần một người lính bị chết hoặc bắt sống là ầm ĩ cả lên! Huống hồ, đó lại là số phận của mấy trăm “Sĩ quan quý tộc”, có nhiều người là “cậu ấm”, là “con ông cháu cha”?

Đến đây, tôi liên hệ ngay tới việc Mỹ cho xây dựng trên đất của họ một trại giam giữ tù binh giống như ở Việt Nam. Hồi ấy, tôi đã biết ở Sơn Tây có một trại giam Phi công Mỹ và mô hình trên rất có thể là trại giam đó. Quân đội Mỹ đã từng tổ chức giải cứu thành công một số Phi công ngay sau khi họ bị bắn rơi ở chiến trường Việt Nam. Lần này, sự tham lam quá mức đã khiến cho Lầu Năm Góc có hành động quân sự phiêu lưu đến như vậy. Và kế hoạch quân sự phiêu lưu này đã được đưa ra Quốc hội Mỹ bàn bạc, khiến cho nhiều trang văn bản bị kiểm duyệt, nhiều đoạn bị gạch bỏ? Nếu đúng như vậy, thì cần phải báo gấp thông tin này về “nhà” càng sớm càng tốt!

Rất may ngay sau đó, tôi được thủ trưởng đoàn thông báo cho biết là ngày hôm sau sẽ có người về thẳng Hà Nội. Tôi liền viết một báo cáo chi tiết một số điều tôi đã thu lượm được, trong đó có đoạn: “Qua một số tư liệu trong biên bản Quốc hội Mỹ cho thấy địch có kế hoạch tập kích Trại giam Sơn Tây để giải thoát tù binh. Cần có phương án đề phòng”.

Sau này, khi tôi về nước mới được biết tù binh Mỹ đã được chuyển khỏi trại giam Sơn Tây từ trước khi tôi báo tin về. Thì ra ở “nhà” cũng đã nhận được nguồn tin tình báo về kế hoạch giải cứu tù binh Mỹ tuyệt mật nói trên. Khoảng hai tuần sau đó cuộc tập kích diễn ra đúng như tôi dự đoán”...

MỘT NHÀ TÌNH BÁO CÔNG AN CŨNG LẤY ĐƯỢC THÔNG TIN VỤ TẬP KÍCH SƠN TÂY 1970?

Còn sau đây là câu chuyện của ông Gia Huy, một cán bộ tình báo bí mật của Bộ Công an:

“Khoảng giữa năm 1968, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp cử tôi đi công tác ở một số nước Tây Âu. Noel năm sau, tôi nhờ một người bạn giỏi tiếng Anh làm phiên dịch rồi cùng đến “Nhà người Mỹ” (Maisons Etats-Unis) trong Cư xá Quốc tế tại đại lộ Jourdan ở Paris để tham dự một cuộc hội thảo với chủ đề “Chiến tranh và hòa bình”. Cuộc hội thảo diễn ra khá căng thẳng. Tôi tìm hiểu một số người phản chiến và nhanh chóng làm quen được với một số nhân tố tích cực. Đầu tiên là hai sinh viên Mỹ đang theo học khoa Sử có tên là L. và G. Để có tiền ăn học, L. phải làm bồi phòng cho đôi vợ chồng già ở quận III. Còn G. thì chưa có việc, tôi liền giới thiệu cho anh ta đến rửa bát cho một tiệm ăn Việt kiều. Mỗi ngày họ chỉ làm thêm vài tiếng đủ tiền công ăn học.

Để giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, sau khi nghỉ hè từ Mỹ trở lại Paris, không hiểu bằng nguồn nào, hai sinh viên đã đến trao tận tay tôi một tập tài liệu khá hoàn chỉnh gồm: giáo trình, giáo án, danh sách và ảnh nhận dạng một số nhân viên tình báo của chính quyền Sài Gòn đang được huấn luyện tại Mỹ.

Một lần, vào cuối năm 1969, trong khi tham dự cuộc hội thảo về chống chiến tranh tại Geneva (Thuỵ Sỹ) do bà Voiron và Tiến sĩ y khoa Ontrama đồng chủ tọa, tôi đã tình cờ quen biết ông R. - Một cựu nhân viên DIA (Cục Tình báo Quân đội Mỹ) vừa hết thời gian phục vụ ở Việt Nam.

Bấy giờ R. là một nhà báo đang làm việc cho một tờ tạp chí có uy tín ở Mỹ. R. từng bị Chính quyền Mỹ gọi nhập ngũ phục vụ trong quân đội với lý do sang Việt Nam để “dẹp bọn phiến loạn Việt Cộng” và “giúp đồng minh” (chế độ nguỵ Sài Gòn). R. đã tận mắt chứng kiến nhiều tội ác của quân đội Mỹ với dân thường Việt Nam, nên chán ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Và ông rất muốn làm một điều gì đó có ích cho nhân dân Việt Nam.

Trung tuần tháng 10 năm 1970, trong một cuộc họp báo của Người phát ngôn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Paris. R. cố tìm tôi. Bốn mắt nhìn nhau... Tín hiệu cần gặp gấp. Tôi vào toa-lét. Rất nhanh, R. cũng đi theo. Thay vì cái bắt tay như thông lệ, R. chìa hai ngón tay về phía trước, ở giữa kẹp một mảnh giấy nhỏ gấp tư. Tôi hiểu ý, kẹp luôn mảnh giấy vào tay mình. R. ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Tin rất quan trọng đấy”, rồi vội vã đi luôn. Tôi đứng trong phòng toa-lét đọc rất nhanh nguồn tin “nóng”, rồi quẳng mảnh giấy nhỏ vào bồn vệ sinh và xả nước... Trở lại nơi họp báo, tôi nhẩm lại nội dung thông tin quan trọng có trong mảnh giấy nhỏ: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị một cuộc tập kích vào phía Tây - Bắc Hà Nội để giải thoát cho tù binh Phi công Mỹ. Qua một linh mục người Việt Nam ở Bỉ, DIA đã tuyển chọn một số sĩ quan biệt kích người Tây Âu có kinh nghiệm cùng tham gia kế hoạch này”...

Tôi vắt óc suy nghĩ: Thời gian qua, quân và dân miền Bắc nước ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái... Tất nhiên là phải có trại giam. Nhưng quả thật, tôi không hề biết những trại giam này đóng ở đâu.

Sáng hôm sau, tôi đến Brussels (Bỉ) để tìm gặp một cựu sĩ quan du kích chống phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, rất có cảm tình với Việt Nam. Ông này đã nhiệt tình cho tôi biết: “Lính biệt kích nhảy dù ở vùng đó không nhiều, nhưng cũng có những tay khá nổi tiếng trong hàng ngũ nhà binh. Đó là Fontaine, một người Bỉ, gốc Pháp. Ông ta là một chuyên gia quân báo, rất giỏi về huấn luyện biệt kích nhảy dù, đã từng cộng tác với tình báo Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau đó, Fontaine gia nhập quân đội Mỹ. Đầu thập kỷ 60, ông ta đã nhiều lần sang miền Nam Việt Nam và Lào để huấn luyện biệt kích. Nghe nói, mặc dù đã giải nghệ từ lâu nhưng Fontaine lại vừa được người Mỹ mời cộng tác để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt gì đó”...

Hồi đó, giới báo chí và săn tin thường kháo nhau: muốn biết việc gì đã, đang, hoặc sắp xảy ra tại Washington (Mỹ), thì chỉ cần đến Paris (Pháp) hoặc London (Anh)... bởi đó là những “Trung tâm thông tin toàn cầu”. Liên hệ với nội dung có trong mảnh giấy do nhà báo R. cung cấp, tôi nhận định: Nguồn tin “nóng” của R. là có cơ sở. Nhưng chưa rõ kế hoạch đó sẽ được thực hiện trong thời điểm nào?

Tôi quyết định chuyển nhanh tin trên về “nhà”: Có thể địch sẽ cho quân nhảy dù, tập kích để giải thoát cho tù binh Mỹ ở vùng Tây Bắc Hà Nội. Xin báo cáo để tham khảo.

Sau này, khi về nước để báo cáo kết quả công tác, tôi đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biểu dương. Bộ trưởng còn cho biết: nguồn tin do tôi đưa về rất khớp với những nghi vấn do một số nguồn tin khác cung cấp cùng với nội dung “Địch có thể tập kích vào trại giam Sơn Tây”, mà ta chưa có điều kiện xác minh lại. Sau khi cân nhắc, cấp trên đã quyết định bí mật sơ tán ngay số tù binh Phi công Mỹ ở Sơn Tây đến một trại giam dự bị, chỉ để lại một đơn vị thường trực trông coi doanh trại và sẵn sàng chiến đấu khi có địch. Việc sơ tán tù binh Mỹ đã được thực hiện đúng theo kế hoạch. Riêng việc thường trực sẵn sàng chiến đấu, lúc đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đã thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng vì không biết đích xác thời gian vụ tập kích xảy ra, nên sau vài tuần trực chiến không thấy gì, lực lượng phục kích của ta đã giao lại doanh trại cho bộ phận khác trông coi, nên khi quân biệt kích Mỹ vào trại đã xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên…

Tuy nhiên, với Lầu Năm Góc thì lại khác: Do kế hoạch của cuộc tập kích Sơn Tây được chuẩn bị quá công phu và tốn kém, lại chịu sức ép nặng nề của dư luận Mỹ, nên việc không giải cứu được một tù binh Phi công nào!

Mặc dù đã “lường trước hậu quả xấu” có thể xảy ra, nhưng cả Tổng thống Nixon và Cố vấn Kissinger đều bị phe đối lập, Quốc hội và dư luận Mỹ chỉ trích nặng nề. Để đối phó, vớt vát phần nào danh dự và trấn an dư luận, Lầu Năm Góc đã bày ra trò “họp báo” rùm beng để “tuyên dương công trạng” và thậm chí còn... gắn huân chương cho toán quân biệt kích của Tướng Manor và Đại tá Simons vừa liều lĩnh xâm nhập miền Bắc Việt Nam trở về.

Các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc thì cố gắng tìm mọi lý do để biện minh cho thất bại của họ. Có người bảo nguyên nhân là do phía Mỹ đã chủ quan vì quá tin vào khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại. Có người lại cho Mỹ thất bại là do Hà Nội nắm được thông tin tình báo biết trước. Cũng có một số ý kiến cho rằng việc tù binh Mỹ được sơ tán khỏi trại gian Sơn Tây trước khi vụ tập kích diễn ra, chỉ hoàn toàn là sự trùng lặp tình cờ...

(Còn nữa)
Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cưới phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính