Khi đọc, dịch bài châm này của vua Tự Đức tặng cho cụ Nguyễn Tường Vĩnh, tôi lại có cảm xúc tự hào, rằng: vào thời phong kiến Hội An quê tôi đã có một hiền nhân, ngài đã để lại cho thế hệ trẻ một tấm gương sáng về đức thanh liêm. Đáng học!
Năm 2013, qua giới thiệu của trung tâm bảo tồn Di tích thành phố Hội An, tôi được chị Dung và anh Quý, là con cháu phái nhất tộc Nguyễn Tường (Xóm Dinh, Chùa Cầu, Hội An) mời dịch một số văn bản như chiếu, sớ, chỉ, biểu, sắc phong và các văn bản khác… được lưu trữ tại nhà thờ tộc, khi nhà thờ này xin công nhận là di tích kiến trúc cổ! (Tài liệu này sau được in chung trong sách Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, do trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện). Trong số những văn bản ấy, có một bản viết trên một loại giấy dành riêng cho nhà vua . Đó là một bài châm, Bài này viết trên nền giấy điệp vàng có viền đặc biệt và đều được đóng dấu “Tự Đức thần hàn 嗣德宸翰” - Con dấu, được đúc từ sau ngày ông vua này lên ngôi - dùng để đóng xác nhận vào các văn bản do chính tay nhà vua soạn thảo và ban tặng cho các quan lại có đức và có công tý dân hộ quốc, thanh bạch, liêm chính trong công việc, chí thành, chí nghĩa trong xử thế. Bài Châm vua Tự Đức ban cho ông Nguyễn Tường Vĩnh, là ông tổ của phái Nhất họ Nguyễn Tường, một tộc họ rất nổi tiếng về khoa bảng , văn chương, có nhiều hậu duệ tài danh như; nhà văn Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam, nhà văn Hoàng Đạo, nhà văn Thạch Lam…(phái Nhì, tộc Nguyễn Tường) tại Cẩm Phô, Hội An, Ông là con trưởng của binh bộ thượng thư Nguyễn Tường Vân. Ông gia thế quan trường, nhưng học hành chăm chỉ, đỗ phó bảng thứ nhất năm Mậu Tuất( Minh Mệnh 20), Đời Thiệu Trị làm giảng cung Chấn Hanh, năm Thiệu Trị thứ nhất được thăng viên ngoại lang sung Cơ mật viện, năm Tự Đức thứ hai ông được thăng bố chính tỉnh Vĩnh Long, năm thứ ba Tả thị lang bộ lại, Tuần Vũ Hưng Yên, năm thứ bảy Tuần vũ Định Tường. Vua Tự Đức ban cho ông bài châm này có lẽ ông là một lương thần làm quan suốt ba triều, “Ông là người giản dị, sâu sắc, trung chính, lòng dạ không thay đổi, mọi người khen ông là bậc hiền.”(Trích trong thế hệ ký của tộc Nguyễn Tường).
I. BÀI CHÂM
1/ Nguyên văn:
清契
官箴
集古以下
春气不可离口春叶不可离手公绳不可无私绳不可有惟思清慎勤公私多在殆勃廉箴不语乖气不受宠货贤而多财则损其志愚而多财则益其过 宠轻述残则非廉轻 遗子黄金满嬴不如一经
嗣德八年七月初七日
2/Phiên âm:
THANH KHIẾT
Quan châm
(Tập cổ dĩ hạ):
Xuân khí bất khả ly khẩu; xuân diệp bất khả ly thủ.
Công thằng bất khả vô; tư thằng bất khả hữu.
Duy tư thanh thận cần, công tư đa tại đãi.
Bột liêm châm:
Bất ngữ quai khí, bất thụ sủng hóa.
Hiền nhi đa tài tắc tổn kỳ chí; ngu nhi đa tài tắc ích kỳ quá.
Sủng khinh thuật tàn tắc phi liêm khinh
Di tử hoàng kim mãn doanh bất như nhất kinh
Tự Đức bát niên, thất nguyệt, sơ thất nhật
3/Dịch nghĩa:
Khuyên răn kẻ làm quan thanh liêm
(Trở xuống là học theo người xưa)
Miệng phải nói lời thơm tho (như gió mùa xuân); tay phải làm điều tốt đẹp (như cây lá xuân). Sự ràng buộc của việc công không thể không có. Đừng để việc riêng tư ràng buộc mình. (Luôn) nghĩ đến (sống) thanh liêm, cẩn trọng, cần mẫn (trong công việc) thì cả công tư đều theo (đúng chỗ) như thế (mà làm)!
(Thốt nhiên làm) bài châm (nói về) sự liêm chính:
Không nói điều trái ngang; không nhận của cải cầu thân. Người hiền mà nhiều của cải sẽ hao tổn chí khí; kẻ ngu mà nhiều của cải sẽ thêm điều lỗi lầm.
(Được) ưu ái chưa đủ, noi theo (gương tốt) còn thiếu sót; (không phải vì thế) mà xem nhẹ chữ liêm.
Để lại cho con vàng đầy rương không bằng (để lại cho con) một quyển kinh sách.( sách dạy đạo đức)
Ngày Mùng 7, tháng 7, năm Tự Đức thứ 8 (1856)
4/Tạm dịch thành thơ:
Làm quan trong sạch
Thốt lời tựa gió xuân bay
Nâng tay xuân- chiếc lá đầy thế gian
Việc công thì phải rõ ràng
Việc tư cũng phải đôi đàng chung riêng
Nghĩ, làm cần, mẫn, liêm, hiền
Công, tư hai lẽ, hai miền- đúng thôi
Mở lời chẳng nói ngược xuôi
Chẳng thèm bổng lộc của người mang dâng
Hiền mà nhiều của- chí đần
Ngu mà nhiều của thêm phần lỗi sai
Yêu, khinh xét rõ một hai
Muốn làm quan phải học bài thanh liêm
Của dành con cháu, thiên kim
Không bằng kinh sách thánh hiền dạy cho
Huỳnh Dõng (Tạm dịch)
II. Ý NGHĨA:
Trước hết về hình thức, bài Châm là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp Theo lối Thảo Thư, nét chữ phiêu dật, lãng mạn và đầy chất nghệ sĩ. Điều đó chứng tỏ Tự Đức là một ông vua học rộng, văn hay, chữ tốt. Tự Đức được đánh giá là một vị vua có tư cách tốt, tính tình hiền lành. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải. Theo Việt Nam sử lược, ông thường chít khăn vàng và mặc áo vàng, khi có tuổi thì ông hay mặc quần vàng và đi giày hàng vàng do nội vụ đóng, không ưa dùng trang sức, cũng không cho các bà cung phi đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sạch sẽ làm đẹp. Ông thường dậy sớm thiết triều từ 6 giờ sáng, chăm chỉ phê duyệt tấu chương, là một vị vua cần cù chăm chỉ.
Nhưng Tự Đức cai trị đúng vào một thời đại khó khăn. Trong nước dân tình nhiễu động, bên ngoài thì thực dân Pháp có dã tâm xâm lấn, bên trong thì nhiều cuộc khởi nghĩa, bạo loạn …Dù chăm chỉ nhưng Tự Đức không đủ tài năng để đưa ra các cải cách nhằm xoay chuyển cục diện đất nước. Ông không mạnh dạn có những chấn hưng như ông nội mình là vua Minh Mạng. Ông chịu ảnh hưởng nhiều của Nho học, có tư chất về văn chương nên ông rất giáo điều. Thay vì có những biện pháp mạnh đối với tham quan ô lại thì ông lại chỉ đưa ra những lời khuyên răn. Thời ông, kinh tế, xã hội, quân sự của đất nước đều bị suy yếu. Do tư tưởng bảo thủ Nho giáo mà ông cấm đạo thiên chúa, không theo những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, bế quan tỏa cảng không buôn bán, kinh doanh, mậu dịch với phương Tây. Quốc khố không có tiền nên trang bị quân sự cho quân đội cũng nghèo nàn. Để có tiền triều đình phải bán chức hàm từ cửu phẩm đến lục phẩm. Chính vì thế mà sự liêm chính ở triều Nguyễn được nêu cao. Thời Minh Mạng đã có chính sách cấp tiền thủ liêm cho các quan lại để họ đủ trang trải cuộc sống mà không tơ hào đến của triều đình và của dân chúng. Do đó bài châm này, hay những sắc phong tiết hạnh trở thành những lời công nhận cao quý của đất nước đối với những quan lại liêm chính, những tiết phụ hiền thục…
Chỉ là một tờ giấy khen, Chưa bàn đến giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, nhưng nó đã có tính thời đại và giá trị nhân văn, mang tính giáo dục sâu sắc. Giáo dục đạo đức chức nghiệp mà cho đến ngày nay, thời đại của chúng ta vẫn thấy rất hiếm và rất cần. Ngày nay ta nói chống tham nhũng, tham ô mà không nói đến giáo dục Đạo đức chức nghiệp thì ta vẫn còn thua xa tiền nhân. Thời đại chúng ta chưa thấy một quan chức nào được cấp giấy khen, hay là giấy công nhận thanh liêm. Hằng ngày ta nghe trên những phương tiện truyền thông toàn những vụ án kinh tế động trời. Không thấy thường dân phạm pháp tham ô, móc ngoặc mà chỉ thấy người có chức quyền, thậm chí các quan chức xuất thân có học hành, khoa bảng tay cũng nhúng chàm mà nhà cao cửa rộng. Trong những khu biệt thự sang trọng, tân kỳ tìm mỏi mắt cũng không thấy một tờ giấy khen thanh liêm. Người viết sách dạy đạo đức làm người, làm viên chức lại là người bất liêm, bất chính và trở thành người tù tội, thì đủ biết rằng thời đại chúng ta đang sống đạo đức xuống cấp, suy đồi đến mức nào! Nay lại có người cổ suý cho việc bỏ đi cái khẩu hiệu (mới chỉ là khẩu hiệu) khuyến khích việc dạy học lễ cho trẻ em. Vì vậy, ta mới thấy bài châm này của vua Tự Đức có giá trị văn hoá và nhân văn biết bao!
Người xưa dạy; mở miệng ra lời nói phải thơm tho, hay đẹp, ra tay làm, hãy làm việc ích nước lợi nhà. Đấng phụ mẫu ngày nay, thôi xin đừng nói lời ngớ ngẩn, tay đừng làm những điều tổn nước hại dân. Người xưa dạy; hãy lấy việc công làm trọng, hãy bỏ đi thói ích kỷ, cá nhân. Người xưa dạy; hãy nghĩ đến thanh liêm, cẩn trọng, cần mẫn trong công việc, thì đời nay các quan chỉ muốn “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Thế thì, đời nay, để lại cho con cháu một quyển kinh sách dạy đạo đức lễ nghĩa phỏng có ích gì?
Khi đọc, dịch bài châm này của vua Tự Đức tặng cho cụ Nguyễn Tường Vĩnh , tôi lại có cảm xúc tự hào, rằng; vào thời phong kiến Hội An quê tôi đã có một hiền nhân, ngài đã để lại cho thế hệ trẻ một tấm gương sáng về đức thanh liêm. Đáng học!