Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo: Suy nghĩ về một phương châm, nguyên tắc công tác tư tưởng của Đảng

PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

01/08/2021 21:41

Theo dõi trên

Để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, Đảng ta đã xác định một số phương châm, nguyên tắc như:

Kết hợp giáo dục lý luận quan điểm cơ bản với giáo dục tình hình nhiệm vụ trước mắt; kết hợp giáo dục tư tưởng trong học tập với việc rèn luyện trong thực tiễn cách mạng; kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng ngoài xã hội… nhưng trước hết phải quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện phương châm nguyên tắc bao trùm: Toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là các đồng chí Bí thư, cấp uỷ.

duy-quat-1627828826.jpg
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương
 

Trước khi bàn về phương châm, nguyên tắc, hãy bắt đầu từ quan niệm về công tác tư tưởng. Con người có nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để thoả mãn nhu cầu vật chất, con người tổ chức các quá trình sản xuất vật chất. Để thoả mãn nhu cầu tinh thần, con người cũng có quá trình sản xuất ra các sản phẩm tinh thần. Khi xã hội loài người phân chia thành các giai cấp, giữa các giai cấp đối kháng nhau về lợi ích căn bản cũng nảy sinh nhu cầu sản xuất ra Hệ tư tưởng riêng để phản ánh, luận chứng cho địa vị và bảo vệ lợi ích giai cấp, chống lại giai cấp đối kháng. Quá trình sản xuất và truyền bá hệ tư tưởng làm xuất hiện các quan hệ tư tưởng tức là các quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và truyền bá Hệ tư tưởng. Quá trình sản xuất hệ tư tưởng là quá trình hình thành và phát triển hệ thống quan điểm lý luận. Quá trình tái sản xuất hệ tư tưởng là quá trình truyền bá hệ tư tưởng, quá trình biến hệ tư tưởng thành sức mạnh vật chất, thành hành động của con người là quá trình “vật chất hoá” hệ tư tưởng. Quá trình tư tưởng còn bao gồm cả quá trình bảo quản, lưu giữ các giá trị tư tưởng.

Trong lịch sử loài người, những giai cấp có hệ tư tưởng thông qua đội ngũ các nhà tư tưởng và hệ thống các thiết chế tư tưởng luôn tìm mọi cách tác động, chi phối các quan hệ tư tưởng và các quá trình tư tưởng của giai cấp mình thành hệ tư tưởng thống trị trong đời sống tinh thần xã hội, thúc đẩy mọi thành viên trong xã hội hành động xây dựng và bảo vệ chế độ chính trị.

Trong lịch sử nhân loại, khi xuất hiện giai cấp đối kháng thì cũng diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng không phải bất kỳ cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng xuất hiện Đảng chính trị. Chỉ đến cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản mà kết cục của cuộc đấu tranh này là giải phóng giai cấp – xoá bỏ giai cấp đối kháng – xoá bỏ áp bức bóc lột, giải phóng xã hội – xoá bỏ bất công, giải phóng con người, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Do tính chất triệt để mà hai giai cấp đối kháng này đòi hỏi phải có Bộ tham mưu chính trị, Lãnh tụ chính trị tập thể của giai cấp mình tức là Đảng chính trị. Do đó công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính Đảng nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng hành động đạt mục tiêu của chủ thể hệ tư tưởng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của Đảng viên. Do đó lãnh đạo tư tưởng là một phương thức lãnh đạo rất quan trọng của Đảng. Từ đây chúng ta có thể nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn quan niệm về công tác tư tưởng của Đảng. Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng, công tác tư tưởng có nhiệm vụ trực tiếp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, công tác tư tưởng cùng với công tác tổ chức góp phần xây dựng Đảng thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Hoạt động tư tưởng của Đảng nhằm bảo vệ, phát triển sáng tạo, truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh đường lối chính sách của Đảng trong cán bộ, Đảng viên và đông đảo quần chúng nhằm đem lại cho họ sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong từng thời kỳ đi tới thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tư tưởng là hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng – “Là linh hồn của mọi công tác của Đảng”[1]. Chủ thể công tác tư tưởng là toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, nguyên tắc chung chỉ đạo hoạt động tư tưởng của chủ thể là: “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, của các Bí thư, cấp uỷ Đảng”[2]. Chủ thể công tác tư tưởng bao gồm: Toàn thể Đảng viên của Đảng, đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách, Bí thư, cấp uỷ.

Công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả mọi Đảng viên, đòi hỏi mọi Đảng viên phải coi trọng học tập lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn để có những ý kiến đóng góp xây dựng đường lối chính sách của Đảng trong từng thời kỳ và nhất là trực tiếp góp phần hình thành các nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở. Mọi Đảng viên tích cực học tập quán triệt cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết của tổ chức Đảng mà mình sinh hoạt, chủ động tuyên truyền, cổ vũ động viên quần chúng đồng thuận, tích cực tự giác thực hiện. Mọi Đảng viên phải tự giáo dục, rèn luyện bản thân và nêu gương như Bác Hồ dạy: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Điều lệ Đảng do Đại hội XI thông qua, trong Điều 2 Chương I: Đảng viên quy định Đảng viên có 4 nhiệm vụ thì cả 4 nhiệm vụ này đều xác định Đảng viên phải làm công tác tư tưởng trên 2 phương diện: Tự học tập rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tuyên truyền giáo dục quần chúng làm gương cho quần chúng noi theo.

Công tác tư tưởng là một khoa học và nghệ thuật

Tiến hành công tác tư tưởng nhằm phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng cơ sở khoa học thực tiễn để hình thành cương lĩnh đường đối chính sách trong từng thời kỳ. Truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh đường lối chính sách của Đảng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhằm đem lại cho họ sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản biến nó thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng. Cổ vũ động viên tính tích cực, tự giác sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác tư tưởng góp phần quan trọng vào việc hình thành thượng tầng kiến trúc mới về mặt hình thái ý thức. Góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giáo dục bồi dưỡng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống và nhân cách. Với tất cả những nội dung cơ bản trên, công tác tư tưởng là một khoa học, nghệ thuật, do đó, phải có đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách có bản lĩnh, được đào tạo bài bản, có trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ công tác nghiên cứu lý luận, tuyên truyền, cổ động, báo chí xuất bản, văn nghệ, khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục đào tạo, dạy nghề và một số lĩnh vực xã hội khác. Đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách này là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, Tuyên giáo của Đảng. Lịch sử 91 năm qua của cách mạng Việt Nam, các thế hệ cán bộ tư tưởng chuyên trách đã phát triển theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng với những cống hiến xuất sắc và những bước trưởng thành vượt bậc. Ngày nay, những chiến sĩ trên mặt trận quan trọng hàng đầu này từ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận, các báo cáo viên – tuyên truyền viên, đội ngũ báo chí xuất bản phát hành, đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ luôn kiên định vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình, có mặt ở những mũi nhọn, của sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH, Hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo trong thời kỳ mới, thực hiện đường lối Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần xây dựng, sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, các thiết chế công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo, nhất là Đổi mới quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tư tưởng và bồi dưỡng có hiệu quả đội ngũ các cán bộ tư tưởng đương chức và cùng xây dựng bổ sung một số chính sách, cơ chế tạo động lực mạnh cho đội ngũ các chiến sĩ tư tưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Toàn Đảng làm công tác tư tưởng nhưng trước hết là Bí thư, cấp uỷ Đảng

Toàn Đảng làm công tác tư tưởng vừa là phương châm chỉ đạo vừa là nguyên tắc hành động khi tiến hành công tác tư tưởng.

Toàn Đảng làm công tác tư tưởng trước hết là Bí thư, cấp uỷ. Bí thư, cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tư tưởng giữ vai trò quyết định thắng lợi trên mặt trận tư tưởng.

+ Để lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác tư tưởng, trước hết như Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Các cấp, các ngành cần nâng cao trình độ lãnh đạo chính trị, lãnh đạo tư tưởng và xem công tác tư tưởng là then chốt để hoàn thành tốt mọi mặt công tác. Tôi đề nghị từ nay những chỉ thị, nghị quyết của Đảng cần nêu rõ vấn đề lãnh đạo tư tưởng trong khi hoàn thành nhiệm vụ và trong chương trình nghị sự của các cấp uỷ, công tác tư tưởng phải có một vị trí xứng đáng. Các báo cáo của cấp uỷ dưới gửi lên cấp trên hoặc của các ngành gửi cho cấp uỷ, nói chung không nên thiếu phần nói về công tác tư tưởng trong quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Trong kế hoạch công tác của các cấp uỷ, các ngành cũng cần nêu rõ công tác tư tưởng”[3].

+ Định kỳ các cấp uỷ thực hiện chế độ nghe báo cáo, phân tích tình hình tư tưởng, các tình huống tư tưởng ở những mũi nhọn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để kịp thời định hướng tư tưởng, chỉ đạo xử lý các điểm nóng tư tưởng.

+ Định kỳ các đồng chí thường vụ cấp uỷ có kế hoạch xuống cơ sở tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

+ Mỗi nhiệm kỳ cấp uỷ Đảng các cấp cần có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác tư tưởng thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng cấp mình. Trong đó có chủ trương củng cố kiện toàn các cơ quan, các thiết chế làm công tác tư tưởng và quyết định chương trình đào tạo mới và bồi dưỡng lực lượng cán bộ tư tưởng chuyên trách.

+ “Trong lịch sử Đảng ta, từ ngày thành lập đến nay, các đồng chí Tổng Bí thư đều trực tiếp chỉ đạo công tác tư tưởng. Đó là một trong những nét đặc sắc trong truyền thống 70 năm của công tác tư tưởng – văn hoá, đồng thời là vinh dự của ngành”… “Thật vinh dự cho thế hệ chúng ta khi được kế tục sự nghiệp vẻ vang của các bậc tiền bối mà vị tổng chỉ huy là Bác Hồ kính yêu và đội ngũ chiến sĩ tiên phong là những học trò xuất sắc của Người. Đó là các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn – những nhà chiến lược đồng thời cũng là những nhà tư tưởng lớn của Đảng. Đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà kinh tế đồng thời cũng là nhà lãnh đạo tư tưởng, nhà văn hoá tiêu biểu. Đồng chí Lê Đức Thọ vừa là nhà tổ chức vừa là nhà lãnh đạo tư tưởng… Rồi các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và nhiều cán bộ ưu tú khác của Đảng, cũng đều là những cán bộ tư tưởng xuất sắc của Đảng”.[4]

Tư tưởng có những quy luật riêng; để nhận thức rõ sự vật, hiện tượng phải có lý trí, để hành động phải có tình cảm. “Công tác tư tưởng là công tác tinh vi nhất vì nó đụng đến tâm tư tình cảm của con người, nó nắm được mạch sống của xã hội và có khả năng phát huy tính tự giác, tính tích cực, chủ động và óc sáng tạo của quần chúng để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng đề ra. Mỗi cơ quan lãnh đạo của Đảng cần đi sâu nghiên cứu vấn đề lãnh đạo tư tưởng, dùng công tác tư tưởng làm đòn bẩy để đẩy mạnh mọi mặt công tác khác”.[5]

Để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, Đảng ta đã xác định một số phương châm, nguyên tắc như nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học, nguyên tắc công tác tư tưởng gắn với cuộc sống và một số phương châm công tác tư tưởng như công tác tư tưởng phải gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị với phong trào cách mạng của quần chúng, đi sâu vào từng đối tượng, kịp thời giải đáp những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục ba mặt: Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối chính sách của Đảng; Kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên; Phẩm chất và đạo đức cách mạng. Kết hợp giáo dục lý luận quan điểm cơ bản với giáo dục tình hình nhiệm vụ trước mắt; kết hợp giáo dục tư tưởng trong học tập với việc rèn luyện trong thực tiễn cách mạng; kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng ngoài xã hội… nhưng trước hết phải quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện phương châm nguyên tắc bao trùm: Toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là các đồng chí Bí thư, cấp uỷ.


[1] Trường Chinh – Công tác tư tưởng của Đảng. Nhà xuất bản sự thật. Hà Nội 1962 – Trang 26

[2] 70 năm công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng – Truyền thống vẻ vang, trách  nhiệm to lớn. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội 2000 – Trang 35

[3] Ban tư tưởng - văn hoá TW. 70 năm công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Truyền thống vẻ vang trách nhiệm to lớn. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội 2000. Trang 20-21.

[4] Ban Tư tưởng – văn hoá TW. 70 năm công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Truyền thống vẻ vang trách nhiệm to lớn. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Hà Nội 2000. Trang 35

[5] Sách đã dẫn. Trang 21