Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 2)

Tống Hồng Quân

06/01/2024 11:40

Theo dõi trên

Mấy hôm sau cô ra lấy ảnh, Ông chủ tiệm ảnh đưa mấy tấm ảnh bằng cuốn sổ nhỏ bảo cô: Bác tặng cháu tấm ảnh này! Cả tấm này nữa, tấm này nữa! Cả thảy 3 tấm ảnh. Cháu đẹp lắm, ảnh đẹp lắm! Bác chụp nhiều cô gái nhưng chưa có ảnh nào bác ưng bằng ảnh này!

Ông chỉ cái ảnh ghép bảo:

- Bác lồng ảnh cháu lên hình Tháp Chàm để cháu về quê thì nhớ đến gia đình bác và đất Ninh Thuận này. Tháp Chàm là biểu tượng của người Chăm, của Ninh Thuận.

b1-quan-1ad-1704515960.jpg

Cô Văn Công trên hình Tháp Chàm.

 

Ông kể, ông cũng là người Bắc, quê ở Hà Đông. Lâu lắm rồi, ông chưa được gặp được nghe giọng Bắc từ người Bắc hiện tại. Ông ngỏ ý xin cô một tấm ảnh phóng to làm ảnh mẫu. Với một cô gái trẻ miền Bắc đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc. Má cô ửng hồng:

- Vâng ạ!

Ông mừng lắm, xúc động nắm tay cô bảo:

- Bác mới gặp cháu nhưng đã rất mến, rất quý cháu. Cháu còn ở đây thì qua nhà bác thường xuyên nhé.

b1-quan-2-1704517621.jpg

Điệu múa Cô gái Pa Cô đi tải đạn ( cô đứng hàng đầu. Ảnh đăng trên báo Giải Phóng).

 

Ngày mới giải phóng, cán bộ miền Bắc rất được trọng vọng, đoàn Văn công của cô còn được Ủy ban quân quản đón tiếp thì giá trị của các chiến sỹ càng lên cao.

Cô thực sự bất ngờ khi thấy chính mình trong tấm hình to như cánh phản, trang nghiêm trước cửa tiệm. Cô văn công miền Bắc xinh đẹp, dễ thương với đôi mắt to tròn trong ảnh đang mỉm cười nhìn cô. Cô nhìn lại cô ta, nở nụ cười sung sướng. Cô úp mấy tấm hình vào ngực, nước mắt lưng tròng:

- Cháu cảm ơn bác nhiều lắm ạ!

Các bạn cô chuyền tay nhau ngắm tấm ảnh.

Cô nói với bác in thêm cho cháu khoảng chục cái cỡ 3 x 4 để gửi trong thư tặng bạn bè. Ngày ấy xa nhau mọi người đều bảo:

- Viết thư, gửi ảnh nhé!

Nhiều người đi đường dừng lại ngắm tấm hình. Họ nhận ra cô Văn công mấy bữa nay biểu diễn ở các tụ điểm công cộng của tỉnh. Họ trầm trồ, khen, thán phục:

- Con gái miền Bắc dễ thương quá hà!

Những lần sau, thấy cô đến, cả nhà ông chủ tiệm ảnh rối rít chào đón. Mấy khách hàng trầm trồ, chỉ trỏ ra hiệu:

- Cô gái trong ảnh đấy. Chỉ một lát, cửa hiệu đông nghịt. Họ kéo nhau đến ngắm tấm ảnh và ngắm cô gái trong ảnh bằng xương bằng thịt.

Bà vợ ông chủ tiệm nắm tay kéo cô vào trong nhà. Cậu con trai lớn của ông như bị hút hồn, đứng ngây nhìn cô. Hôm cô đến chụp ảnh, anh không biết. Thấy bố cầu kỳ rửa ảnh, tô màu với tâm trạng rất lạ. Anh đứng xem và cũng rung động. Anh cảm giác như cô là người đẹp trong tranh, anh đã xem ở bộ phim cùng tên của Trung Quốc bước ra. Mẹ anh giục:

- Kìa con đón em vào phòng khách đi!

b1-quan3-1704517705.jpg

Đoàn Văn công Yên Bái chụp ảnh với anh Hùng Pi Năng Tắc (người đen đứng giữa)

 

Cô thực sự choáng ngợp bởi sự sang trọng của phòng khách (sau này cô mới hiểu trong này nhiều nhà như vậy) vừa rộng vừa khang trang. Bộ bàn ghế bằng gỗ quý màu cánh gián lên nước bóng loáng. Chiếc ti vi to đùng hiệu SANYO cửa lùa đặt phía trái. Những cái ghế to, có đệm mút bọc nhung màu, cô ngồi lọt thỏm. Trên tường những tấm hình phong cảnh tuyệt đẹp. Chiếc đèn chùm nhiều tầng treo trong phòng khách tỏa ánh sáng trắng sáng choang. Cô tưởng mình lạc vào cung điện vua chúa trong chuyện cổ tích.

Thời đánh Mỹ ở miền Bắc nghèo và giản dị lắm. Nhà của các lãnh đạo đầu tỉnh cũng chỉ bằng tre nứa. Họ chỉ hơn dân thường cái tủ hai, ba buồng do xưởng mộc Sông Hồng đóng, mà họ được ưu tiên phân phối. Còn nhà cô hai bố mẹ, bốn đứa con ở trong ngôi nhà ba gian lợp lá cọ, vách nứa. Cả nhà chỉ có 2 cái giường gỗ giẻ quạt, một cái bàn gỗ và 4 cái ghế nan trong phòng khách.

Thời đánh Mỹ con dân, con cán bộ đều ra mặt trận. Nhiều người đã nằm lại trên chiến trường.

Bà vợ ông chủ tiệm chỉ hai thằng con trai bảo:

- Cháu diễn ở đâu nó cũng chạy xe ( xe máy) đến xem bằng được. Cô xúc động, nhìn anh gật đầu cảm ơn. Anh chàng đỏ mặt lúng túng nói:

- Anh chạy xe vào tận Phước Hòa huyện Bắc Ái để xem đoàn em diễn đấy! Các em múa hát rất hay, rất đẹp.

Cô vô cùng ngạc nhiên và khâm phục bởi chỗ đó rất xa. Đoàn cô được điều động vào đó biểu diễn một tối, đó là quê hương của anh hùng Pinang Tắc nổi tiếng. Đoàn đi diễn ở bản người Chăm, cùng họ múa khèn, múa Chăm. Đoàn lên phục vụ ở nhà máy điện Krong pha, eo biển Ninh Trữ.. ở đâu anh cũng lặng lẽ đi theo, đứng trong chỗ khuất nhìn ngắm cô. Anh thầm yêu trộm nhớ cô.

Ông bà tiệm ảnh rất muốn giữ cô ở lại làm dâu nhà ông bà.

Chẳng phải mình cô, anh, chị nào cũng đều được người dân mến trọng và muốn giữ họ ở lại làm người trong gia đình. Tại thời điểm này có một người chiến sỹ giải phóng hay một cán bộ miền Bắc là người thân, vị thế của gia đình đó lên rất cao. Họ được coi là " Gia đình cách mạng". Nhưng kỷ luật của đoàn rất nghiêm vì thế khi trở lại miền Bắc, cả 25 thành viên đều có mặt đầy đủ.

Các buổi sáng các cô, các mẹ thường đến nơi đoàn nghỉ, đón cô đi ăn sáng, uống cà phê.

Bấy giờ cô đi đâu, ai gặp đều yêu mến cô. Các má các chị rủ cô đến nhà chơi, mở tủ quần áo, tủ giầy dép bảo:

- Em thích gì chị cũng tặng.

Nhìn thấy tủ họ toàn áo dài và dép guốc cao, cô rất thích nhưng thấy mình là bộ đội nên không hợp được.

Có má còn đan áo len tặng cô, màu áo rất lạ, rất đẹp, ở miền Bắc không có mầu này, cô vui lắm!

Xã hội miền Nam ngày mới giải phóng làm cô gái mới lớn chưa ra khỏi nhà vô cùng bỡ ngỡ, cuốn hút. Cô vào tiệm bán đồng hồ, thấy cơ man đồng hồ các loại của các nước tư bản. Cô ngắm nhìn, định mua một cái đeo kỷ niệm. Chủ tiệm bê ra cả bao tải, đổ ra sàn cho cô chọn. Giá tiền cao so với số tiền cô có nên hôm đó cô không mua. Chủ tiệm lại vui vẻ thu lại bỏ vào bao. Thái độ người bán hàng rất vui vẻ sởi lởi, không như những mậu dịch viên bán hàng phân phối ngoài Bắc. Mặt họ cứ vênh ngược lên, câu đầu lưỡi của họ là:

- Hàng chỉ có thế, mua thì mua, không mua thì thôi!

Cô thích chiếc đồng hồ Senco lắm. Hôm sau cô quay lại mua bằng tiền miền Bắc mang theo. Có mấy tờ loại 10 đồng màu đỏ hồng, người bán hàng rất thích, họ giơ lên soi ngắm ảnh Bác Hồ. Khen Bác đẹp, tiền đẹp. Rất nhiều người kéo nhau đến xem tiền miền Bắc. Chị bán hàng quy đổi ra tiền Nam và bán cho cô chiếc đồng hồ Senco nữ với giá rẻ. Cô thích lắm, đeo vào cổ tay ngắm cả đêm. Trong bóng tối các hạt soàn phát quang ra ánh sáng xanh vàng, cô thấy thật lạ kỳ.

Đoàn đi các làng bản xa biểu diễn theo kế hoạch của Ủy ban quân quản. Đến đâu đoàn cũng được nhân dân nồng nhiệt chào đón. Các đơn vị bộ đội được phân công từng đoàn đến xem. Nghe những bài hát chèo, quan họ của ca sỹ Phạm Nguyên Thủy, Dương Bích Thìn

" Người về em lại.. í í i nay, có mấy i đã khóc thầm

Đôi bên là bên sóng đôi vạt áo...

Đến đoạn kết da diết:

- Người ơi người ở đừng về...

Mấy anh bộ đội miền Bắc gày gò da thâm tái vì sốt rét bỗng bật khóc hu hu... họ đã xa nhà, biệt tin gia đình lâu lắm rồi!

Hà Nội, 2 tháng 11 năm 2023.

T.H.Q

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn